Hotline 24/7
08983-08983

Nếu người thân bị ung thư trực tràng, bạn ở trong nhóm nguy cơ cao

Theo TS.BS Trần Bảo Nghi - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, có 10 yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư trực tràng, trong đó yếu tố gia đình (có người thân bị bệnh này) được xếp vào nhóm nguy cơ cao, bác sĩ khuyến cáo nên tầm soát bệnh sớm từ khi còn trẻ tuổi.

1. Tử vong do ung thư trực tràng đứng thứ tư sau ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan

Thưa BS, tỷ lệ mắc ung thư trực tràng tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Độ tuổi mắc và thời điểm phát hiện bệnh ra sao (đa phần là sớm hay muộn)? 

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Ung thư trực tràng là một trong những bệnh lý thường gặp và gây tử vong nhiều trên thế giới.

Theo thống kê năm 2020, tỷ lệ mắc bệnh ung thư trực tràng tại Việt Nam có đến 9.000 ca mới/năm. Đây là một trong 10 bệnh gây tử vong nhiều nhất của ung thư. Cụ thể, ung thư trực tràng xếp hàng thứ tư trong vấn đề tử vong do bệnh ung thư sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Độ tuổi ghi nhận thường phát hiện bệnh ung thư trực tràng khoảng từ 50-60 tuổi, và thường phát hiện ở giai đoạn muộn.

2. Mười yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư trực tràng

Những ai có nguy cơ mắc ung thư trực tràng hơn và những bệnh lý nào có mối liên hệ mật thiết với ung thư trực tràng, thưa BS? Căn bệnh này có tính di truyền và liệu có liên quan đến lối sống, sinh hoạt của chúng ta?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Hiện tại y học thế giới phát triển rất mạnh nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của ung thư trực tràng, chủ yếu chỉ đưa ra các giả thiết cho vấn đề này. Tuy nhiên, có thể khẳng định một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến ung thư trực tràng.

Yếu tố nguy cơ là khi thống kê lại, nhận thấy người bị ung thư trực tràng gắn liền với các yếu tố đó nhiều hơn bệnh lý khác.

Các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng ung thư trực tràng, bao gồm:

Tuổi tác: Độ tuổi trung bình được chẩn đoán ung thư trực tràng thường khoảng 50-60 tuổi, thậm chí có những ca phát hiện từ khá trẻ, khoảng 30 tuổi đã mắc ung thư trực tràng.

Chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều thịt đỏ, ví dụ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu…; ăn nhiều mỡ động vật; ăn nhiều thực phẩm chiên, xào nhiệt độ cao cũng góp phần tăng tỷ lệ ung thư…

Giới tính: Theo thống kê, nam giới có tỷ lệ mắc ung thư trực tràng cao hơn nữ giới. 

Thừa cân hoặc béo phì: Có xu hướng mắc ung thư trực tràng nhiều hơn nhóm người ở mức cân nặng chuẩn.

Hút thuốc lá: Trước nay nhiều người cho rằng hút thuốc chỉ liên quan đến vấn đề đường hô hấp, ung thư phổi. Tuy nhiên sự thật có liên quan đến đường tiêu hóa, trong đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng.

Uống nhiều rượu bia: Hiện nay trong đời sống kể cả thành phố và nông thôn, việc làm dụng rượu bia ngày càng nhiều, điều này góp phần làm tăng tỷ lệ ung thư trực tràng.

Lượng rượu bia được khuyến nghị là ≥ 2 cốc/ngày ở nam giới và 1 cốc/ngày ở nữ giới (đơn vị tính là cốc tiêu chuẩn chứa khoảng 14 gram cồn).

Lối sống ít vận động: Càng ít hoạt động thể chất càng tăng nguy cơ ung thư trực tràng. Ví dụ như bác sĩ, thời gian ngồi một chỗ lâu, ít vận động; những người làm văn phòng cũng cần dè chừng yếu tố này.

Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch tập luyện thể dục thể thao hợp lý, vừa sức để loại bỏ các nguy cơ gây bệnh.

Hội chứng di truyền: Ung thư trực tràng có liên quan đến yếu tố di truyền. Theo đó, nhiều phát hiện ở những người có hội chứng đa polyp trực tràng, hội chứng lynch (ung thư trực tràng mang tính gia đình không có polyp).

Đến nay khoa học đã khẳng định lại là có yếu tố di truyền trong ung thư trực tràng.

Ngoài ra, có một số hội chứng hiếm gặp khác cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư là hội chứng Peutz-Jeghers (PJS) và đa polyp có liên quan đến gen MUTYH (MAP). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các hội chứng di truyền này không chỉ liên quan đến ung thư trực tràng, mà còn liên quan đến nhiều bệnh ung thư khác.

Tiền sử bệnh lý của bản thân: Nếu bản thân bệnh nhân mắc một số bệnh như từng mắc ung thư trực tràng, đại tràng; Polyp tuyến nguy cơ cao, kích thước polyp 1cm hoặc tế bào của polyp có hình dạng bất thường; bệnh nhân có viêm loét trong đại tràng, trực tràng; bệnh crohn… sẽ tăng nguy cơ ung thư trực tràng cao hơn các nhóm khác.

Tiền sử bệnh lý gia đình: Nếu bệnh nhân có cha mẹ, anh chị em ruột có tiền sử mắc ung thư trực tràng, bệnh nhân được xếp vào nhóm nguy cơ cao và nên tầm soát bệnh.

Đặc biệt, nếu người thân trong gia đình bị ung thư đại tràng, trực tràng ở độ tuổi càng trẻ, bệnh nhân cần đi tầm soát ung thư trực tràng sớm hơn.

3. Thay đổi yếu tố nguy cơ có thể can thiệp để phòng ngừa ung thư trực tràng

Như vậy, những người có nguy cơ mắc ung thư trực tràng cần làm gì để đẩy lùi nguy cơ của mình, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: 10 yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư trực tràng có thể được chia thành 2 nhóm: nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi, kiểm soát được, và nhóm yếu tố nguy cơ không thể can thiệp được. Từ đó dễ hình dung, kiểm soát, phân loại để dễ dàng áp dụng với bản thân.

Ví dụ, nhóm yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như tuổi, giới tính, di truyền.

Ngược lại, các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát như chế dộ dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, uống bia rượu, hút thuốc lá, lối sống ít vận động… nếu kiên trì, có ý thức thì có thể thay đổi. Ví dụ như bỏ thuốc lá, lên kế hoạch bỏ bia rượu, thậm chí thừa cân, béo phì hiện nay khoa học hay bản thân người bệnh đều có thể can thiệp vào các yếu tố nguy cơ này.

Vì vậy, chính bản thân khi thay đổi được các yếu tố nguy cơ bất lợi sẽ góp phần đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh ung thư trực tràng.

4. Tầm soát sức khỏe định kỳ có vai trò quan trọng để phát hiện sớm ung thư trực tràng

Thăm khám sức khỏe định kỳ với người có nguy cơ mắc ung thư trực tràng cần chú ý những vấn đề gì, thưa BS? Và những người có yếu tố nguy cơ này nên trao đổi những gì với bác sĩ khi thăm khám định kỳ ạ?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Đối với y học hiện đại, vấn đề tầm soát bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư ngày càng nổi lên và trở thành yếu tố cấp thiết, quan trọng, vì nhắc đến ung thư ai cũng lo sợ. Nếu phát hiện sớm, khả năng điều trị hết bệnh, tiên lượng hay khả năng sống còn của bệnh nhân rất tốt.

Tầm soát bệnh nghĩa là phát hiện bệnh từ xa, khi bệnh chưa có triệu chứng, không nên để đến khi bệnh nhân tới gặp bác sĩ trong tình trạng sụt cân, đi cầu ra máu, đau bụng, ấn bụng có một cục to…

Điều quan trọng nhất đối với bệnh nhân là khám sức khỏe định kỳ, khi đó bác sĩ mới có cơ hội kiểm tra cho bệnh nhân. Nếu bác sĩ kêu gọi nhưng bệnh nhân không đến khám sẽ không giải quyết được vấn đề.

Về phần bác sĩ, đối với các trường hợp đi khám định kỳ để tầm soát ung thư trực tràng, bác sĩ phải nắm rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh, từ đó xem bệnh nhân phạm vào yếu tố nào. Cụ thể hỏi bệnh nhân xem có những thói quen nào nằm trong yếu tố nguy cơ gây ung thư trực tràng hay không? Lưu ý, chỉ cần hỏi nhẹ nhàng nhưng điều đó là bác sĩ đang tầm soát yếu tố nguy cơ.

Ví dụ, bác sĩ hỏi nghề nghiệp, mục đích là xem xét người bệnh vận động nhiều hay ít…

TS.BS Trần Bảo Nghi - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

Về phía bệnh nhân, cần nắm được tiền sử bệnh của bản thân và gia đình. Đối với vấn đề này bác sĩ phải hỏi và bệnh nhân cung cấp đúng thông tin. Thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân khá vô tư, chỉ biết người thân từng mắc bệnh về đường tiêu hóa nhưng không biết rõ bệnh gì; hoặc bệnh nhân thông tin rằng người nhà từng thực hiện phẫu thuật bệnh về đường tiêu hóa nhưng không biết cụ thể là bệnh gì…

Chính việc thăm khám định kỳ, khi bác sĩ hỏi bệnh nhân chưa cung cấp được thông tin ngay nhưng 3-6 tháng sau quay lại, người bệnh sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn, rõ ràng hơn, từ đó bác sĩ xem xét hướng bệnh nhân vào nhóm nào.

Tóm lại việc thăm khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng, bác sĩ phải thông hiểu các yếu tố nguy cơ, người bệnh và bác sĩ phải hợp tác, có thời gian trao đổi, nói chuyện. 

5. Tầm soát ung thư trực tràng sớm nếu thuộc nhóm tăng nguy cơ, nguy cơ cao

Tầm soát ung thư trực tràng trên những người có nguy cơ sẽ có điểm nào khác biệt so với những người không có nguy cơ, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Về tầm soát ung thư trực tràng ở nhóm người có yếu tố nguy cơ khác với nhóm không có yếu tố nguy cơ. Điểm khác chính là độ tuổi tầm soát, nhóm người có yếu tố nguy cơ độ tuổi tầm soát trẻ hơn vì khả năng có ung thư sớm hơn, từ đó bác sĩ sẽ phát hiện được các trường hợp có ung thư sớm.

Thông thường, trong tầm soát ung thư trực tràng được chia thành 3 nhóm nguy cơ, từ đó giúp bác sĩ phân tầng kiểm soát, bao gồm:

Nhóm nguy cơ trung bình: Những người từ 45-75 tuổi, đồng thời tiền sử bản thân không có các yếu tố nguy cơ khác.

Nhóm tăng nguy cơ ung thư trực tràng: bao gồm những người có polyp lớn ở trực tràng, polyp > 1cm; người có tiền căn viêm loét đại tràng; hội chứng crohn; người có các bệnh ung thư ổ bụng trước đó như ung thư buồng trứng, ung thư gan…

Nhóm nguy cơ cao: những người có yếu tố nguy cơ ung thư trực tràng mang tính gia đình.

Thông thường, những người thuộc nhóm tăng nguy cơ và nguy cơ cao, bác sĩ khuyến cáo nên tầm soát khi trẻ tuổi, thậm chí những người ở độ tuổi 30-35 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư trực tràng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X