Nên và không nên ăn gì để tăng sức đề kháng khi thời tiết giao mùa?
Theo BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai - Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khi bước vào giai đoạn chuyển mùa ngoài việc chú trọng vào các vấn đề dinh dưỡng, cần ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên và tiêm ngừa những loại vắc xin cúm để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
1. Thời điểm giao mùa gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Câu hỏi đầu tiên, xin được hỏi BS, giai đoạn chuyển mùa ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào? Những bệnh nào thường “ghé thăm” vào thời điểm này ạ?
BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai trả lời: Vào giai đoạn giao mùa, khoảng từ tháng 5 - 7, thời tiết sẽ rất “ẩm ương”, có thể đang nắng liền xuất hiện những cơn mưa bất chợt, đây là khoảng thời gian khiến cơ thể dễ mắc phải nhiều bệnh lý khác nhau.
Đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường hô hấp, ví dụ như viêm xoang, viêm họng hay những vấn đề về viêm phổi hoặc ở người có bệnh phổi mạn tính (hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Trong giai đoạn chuyển mùa, những người có bệnh lý nền sẽ rất dễ phát lên những cơn cấp, khó kiểm soát được tình trạng mãn tính của bệnh.
Bên cạnh những bệnh lý về đường hô hấp, giai đoạn chuyển mùa cũng sẽ là thời điểm phát triển của muỗi. Khi trời mưa, lượng nước tù đọng nhiều, từ đó sẽ sản sinh ra bệnh sốt xuất huyết và rất dễ bùng phát trên diện rộng.
Khi trời nắng nóng gay gắt, các vấn đề về da như dễ bị hăm, nổi mụn nhọt, viêm nhiễm trên da sẽ xuất hiện, đây chính là những bệnh lý thường gặp trong thời điểm giao mùa.
2. Cảm nắng, cảm lạnh và cảm cúm khác biệt như thế nào?
Nhờ BS giải thích cho khán thính giả hiểu thêm: Cảm nắng là gì? Cảm nắng khác biệt ra sao so với cảm lạnh, cảm cúm?
BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai trả lời: Đối với cảm nắng, người bệnh sẽ không nhiễm bất cứ một loại siêu vi hay virus nào từ bên ngoài. Còn với cảm cúm người bệnh sẽ bị nhiễm virus cúm, còn với cảm lạnh cơ thể sẽ bị nhiễm những loại virus gây ra các bệnh như Rhino virus - nhóm virus thường gặp nhất, cơ thể sẽ bị nhiễm từ những tác nhân bên ngoài.
Cảm nắng là tình trạng xảy ra do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, ví dụ như khi đang ở trong một môi trường nhiệt độ thấp hay phải làm việc dưới điều kiện thời tiết nắng gắt, đi ngoài đường nhiều sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao.
Khi nhiệt độ tăng lên quá cao, cơ chế điều nhiệt của cơ thể sẽ phải hoạt động làm sao để có thể hạ thân nhiệt xuống và gây ra những tổn hại đến các cơ quan như gan, thận hay thậm chí là tim mạch và não bộ. Tình trạng này là do những chất trong quá trình điều nhiệt sẽ làm cho cơ thể cảm thấy đau đầu, chống mặt, buồn nôn, có thể dẫn đến những trường hợp nặng hơn là xuất hiện các dấu hiệu của sốc nhiệt.
3. Thời tiết giao mùa dễ gây ảnh hưởng đến những ai?
Những ai dễ bị ảnh hưởng nhất khi thời tiết giao mùa, thưa BS?
BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai trả lời: Sẽ có những nhóm đối tượng dễ bị mắc bệnh, cảm nắng, dễ bị ảnh hưởng trong giai đoạn giao mùa, ví dụ như trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, những người có bệnh lý nền (hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính), hoặc những người lao động làm việc ngoài trời - đây là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe trong giai đoạn này và có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều hơn.
4. Chế độ dinh dưỡng có vai trò như thế nào trong việc tăng cường sức đề kháng?
Dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp chúng ta gia cố hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng như thế nào, thưa BS?
BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai trả lời: Hệ miễn dịch trong cơ thể mỗi chúng ta giống một cánh cửa và được ví như “thần bảo hộ”, bất kỳ một loại vi khuẩn, virus hay một tác nhân nào muốn tiến vào và gây bệnh phải bước qua hệ miễn dịch của cơ thể. Khi chúng ta tăng cường hệ miễn dịch, nghĩa là phải làm như thế nào để “cánh cửa bảo vệ” càng vững chắc, cơ thể sẽ càng ít bị bệnh.
Hệ miễn dịch sẽ có 3 loại bao gồm: miễn dịch tự nhiên, thụ động và chủ động. Ví dụ để không mắc viêm gan siêu vi B, chúng ta phải đi tiêm ngừa hoặc khi đã bị thuỷ đậu sẽ không mắc lại nữa, đây là những phương pháp để cơ thể có được hệ miễn dịch thụ động hoặc tự tạo hệ miễn dịch chủ động cho mình.
Ngoài ra, hệ miễn dịch tự nhiên thông qua quá trình ăn uống, giúp cho hệ miễn dịch mạnh khỏe hơn để khi vi khuẩn, virus hoặc những tác nhân gây bệnh xâm nhận vào cơ thể sẽ tự chiến đấu được tốt hơn.
Để tăng cường được hệ miễn dịch cần có một chế độ ăn uống đa dạng để có thể cung cấp được những loại vitamin, khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Những loại vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch là vitamin A, D, E, C hoặc những nhóm chất béo như Omega3, đây là những nhóm chất giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch tốt cho cơ thể.
5. Cơ thể có thể hấp thụ được bao nhiêu % vitamin C mỗi ngày?
Khi nói đến tăng cường sức đề kháng, nhiều người nghĩ ngay đến vitamin C.
- Xin hỏi BS, những loại thực phẩm nào thường gặp giàu vitamin C nhất mà chúng ta có thể ăn mỗi ngày?
- Thông qua thực phẩm, chúng ta có thể hấp thụ được bao nhiêu % vitamin C?
- Làm sao để cơ thể hấp thu triệt để vitamin C từ các thực phẩm nhất, thưa BS?
- Mỗi ngày nên ăn bao nhiêu để đảm bảo đủ lượng vitamin C cho cơ thể ạ?
Khi đề cập đến vấn đề tăng hệ miễn dịch cho cơ thể, chắc chắn tất cả mBS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai trả lời: ọi người đều sẽ nhắc đến vitamin C. Một biểu hiện đặc biệt là khi xuất hiện các triệu chứng cảm nhẹ, đa phần chúng ta sẽ uống nước cam và nước chanh, bên cạnh đó kết hợp ăn nhiều loại thực phẩm nghĩ rằng sẽ giàu vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khoa học, vì vitamin C sẽ tăng cường sự bền vững của các tế bào, tăng sự bền vững của thành mạch máu, những cấu trúc trong cơ thể cũng như phối hợp với các loại vitamin khác. Ví dụ như kết hợp với vitamin A, E để làm cho các đại thực bào, những hàng rào bảo vệ của cơ thể hoạt động tốt hơn.
Có rất nhiều loại thực phẩm giàu vitamin C, thường được nhắc đến là cam và chanh. Tuy nhiên, thực tế cam, chanh không phải là thực phẩm giàu vitamin C duy nhất. Trong đó quả ổi lại là loại thực phẩm giàu viatmin nhất trong các loại trái cây. Ví dụ như trong một quả ổi, trung bình khoảng 200 - 250g, khi ăn cơ thể sẽ được cung cấp gấp bốn lần về nhu cầu vitamin C hàng ngày. Lượng vitamin C có trong quả ổi gấp 4 - 5 lần so với một quả cam cùng khối lượng.
Ngoài ra, sẽ có nhiều loại thực phẩm khác giàu vitamin C, ví dụ những loại rau màu xanh lá đậm như cải keo, bông cải xanh, bông cải trắng hay các loại quả như đu đủ, chanh dây,… Đây đều là những loại thực phẩm giàu vitamin C chúng ta có thể dễ dàng tìm mua và bổ sung cho cơ thể.
Thông qua các loại thực phẩm, cơ thể chúng ra có thể hấp thu được khoảng từ 60 - 80% vitamin C. Nhưng có một điều cần lưu ý nếu bổ sung quá nhiều vitamin C, trên 1.000mg vitamin C mỗi ngày, lượng hấp thu vào cơ thể sẽ bị giảm đi chỉ còn khoảng cỡ 40 - 50%.
Khi bổ sung vitamin C một cách quá tải, cơ thể thể sẽ không thể hấp thu được và tự đào thải qua nước tiểu. Vì vậy đối với việc bổ sung vitamin C, nên lưu ý về liều lượng và nhu cầu khuyến nghị hàng ngày.
6. Chất oxy hóa chứa nhiều trong những loại thực phẩm có màu sắc sặc sỡ
Không chỉ vitamin C mà các thực phẩm giàu chất oxy hóa cũng được đánh giá cao trong việc giúp tăng cường sức đề kháng. Chúng ta có thể tìm thấy chất này trong các loại thực phẩm nào, thưa BS?
BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai trả lời: Ngoài các loại vitamin như A, D, E, C, còn có một số chất được xếp vào nhóm oxy hóa giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Khi cơ thể bị tổn thương bởi một quá trình viêm nhiễm hoặc bị virus xâm nhập hay mắc một bệnh lý mãn tính, cơ thể sẽ sản xuất ra những chất để đào thải đi. Chất chống oxy hóa sẽ giúp trung hòa, đào thải những chất độc hại, không tốt ra khỏi cơ thể.
Những chất oxy hóa sẽ có trong những loại thực phẩm mang màu sắc sặc sỡ, ví dụ như ớt chuông hay các loại gia vị (hành, tỏi, gừng,...) có chứa những hoạt chất như flavonoid hay cattintrin, ví dụ trong quả cà chua sẽ có lycopene, đây là những hoạt chất oxy hóa, có thể giúp cơ thể chúng ta đào thải được những chất chuyển hóa có hại cho cơ thể khi bị viêm nhiễm.
7. Những loại thực phẩm nào có khả năng chống viêm nhiễm, dễ tìm kiếm và bổ sung?
Những loại thực phẩm nào có khả năng chống viêm nhiễm trong tự nhiên chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm và bổ sung, thưa BS?
BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai trả lời: Những loại thực phẩm giàu vitamin như vitamin A, vitamin D, vitamin E và Omega 3 sẽ giúp hỗ trợ cho việc kháng viêm. Ví dụ như các loại cá béo như cá hồi hay cá trích sẽ có hoạt tính kháng viêm.
Ngược lại sẽ có những nhóm chất làm tăng tình trạng viêm nhiễm như các nhóm chất có chỉ số đường huyết quá cao như một số loại trái cây quá ngọt, cơm trắng hay bánh mì hoặc dầu có chứa nhiều Omega 6. Ví dụ như dầu đậu nành hoặc dầu hạt cải có hoạt tính tăng viêm cao, đây là các dưỡng chất nên hạn chế trong những giai đoạn viêm nhiễm.
8. Uống trà gừng, ăn gừng và tỏi nướng có giúp trị cảm cúm không?
Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị cảm cúm sẽ uống trà gừng, ăn gừng, ăn tỏi nướng. Những thực phẩm này có tác dụng trị cảm cúm không, thưa BS?
BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai trả lời: Như đã đề cập, trong các hoạt chất chống oxy hóa có thể đề cập đến là gừng và tỏi. Trong gừng sẽ có gliserol, còn trong tỏi sẽ có hoạt chất axelin, những hoạt chất này đều là những chất chống oxy hóa, có thể sử dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể trong thời gian bị cảm cúm.
9. Làm gì để tăng cường sức đề kháng và phòng các bệnh lý thường gặp khi thời tiết chuyển mùa?
Ngoài chế độ dinh dưỡng, còn những cách nào có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng các bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa, thưa BS?
BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai trả lời: Để có được một hệ miễn dịch khỏe mạnh, ngoài vấn đề dinh dưỡng sẽ có rất nhiều các biện pháp và những tác động từ những sinh hoạt và lối sống hàng ngày.
Đầu tiên, phải kể đến các vấn đề về giấc ngủ, việc ngủ không đủ giấc sẽ làm cho hệ miễn dịch hoạt động kém đi. Vì vậy, để có một hệ miễn dịch tốt, cần đảm bảo ngủ đủ giờ, khoảng từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày, chất lượng giấc ngủ là phải ngủ sâu, ngủ tốt.
Thứ hai là ngoài việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ và đa dạng các dưỡng chất, cần chú trọng đến các vấn đề về bổ sung đầy đủ những nhóm vitamin và khoáng chất. Luôn đa dạng màu sắc trong các bữa ăn chính, nghĩa là một bữa ăn được trình bày trên bàn với nhiều màu sắc như xanh, đỏ, tím, vàng… sẽ có nhiều vitamin hơn so với một bữa ăn chỉ có cơm trắng và thịt, không có rau củ sẽ ít dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Ba là vấn đề về tập luyện, chúng ta có thể tăng cường tập thể dục, thể thao, khi tăng cường tập luyện và vận động, quá trình tạo kháng thể và hệ miễn dịch của cơ thể cũng sẽ hoạt động được tốt hơn.
Cuối cùng, khi bước qua giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, ngoài việc hạn chế cảm nắng, chúng ta cần duy trì nhiệt độ trong cơ thể ổn định. Ví dụ khi đi ra nắng chúng ta phải bảo vệ và che chắn kỹ lưỡng để không bị sốc nhiệt. Phòng ngừa vấn đề cảm lạnh, nhiễm những loại siêu vi bằng cách tiêm ngừa những loại vắc xin cúm để bảo vệ sức khỏe.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình