Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 Xem thông tin
Phình động mạch não thường gặp hay hiếm gặp?
Phình động mạch não nếu không can thiệp thì sẽ thế nào?
Giải pháp đối với các túi phình động mạch não chưa vỡ
Ai sẽ cần tầm soát túi phình động mạch não chưa vỡ?
Có chống chỉ định thuốc kháng kết tập tiểu cầu và kháng đông trên bệnh nhân có túi phình chưa vỡ?
Tuần qua, một bệnh nhân trẻ xin được khám, vì tình cờ phát hiện có một túi phình nhỏ # 5mm tại động mạch cảnh trong. Vẻ mặt cậu khá lo lắng, có lẽ vì đã được giải thích cần thiết can thiệp ngay, để loại bỏ túi phình cách đây vài ngày.
Vậy chúng ta nên làm gì, nếu một ngày đẹp trời nào đó, đột nhiên biết mình đang có một túi phình nhỏ ở động mạch não?
Thầy thuốc ưu tú.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115
Thật ra, túi phình động mạch não khá thường gặp, ước tính khoảng 2-3% trong dân số, và có thể cao hơn trên dân số lớn tuổi. Như vậy, ở Việt Nam chúng ta, ước tính có khoảng 2-3 triệu “bom nổ chậm” trong dân số 100 triệu.
Mặc dù vậy, tỷ lệ xuất huyết màng não hiện nay chỉ vào khoảng 6-10 ca/ 100.000 dân. Điều đó có nghĩa, hơn 3000 trường hợp có túi phình động mạch não, mới có một trường hợp gây vỡ!
Sẽ ra sao nếu chúng ta không làm gì?
Chắc hẳn sẽ có người hét vào mặt bác sĩ khi được nghe: “Ông/Bà không cần phải làm gì thêm, chỉ cần chờ đợi ngày… vỡ !!!”. Nhưng điều này có vẻ lại rất hợp lý trong nhiều trường hợp.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ túi phình như: tuổi, tăng huyết áp, hút thuốc lá, yếu tố gia đình đã có người bị vỡ túi phình… Tuy vậy, kích thước túi phình được xem là yếu tố quan trọng nhất, và có tính quyết định trong việc xử trí.
“The International Study of Unruptured Intracranial Aneurysms (ISUIA) study” được xem là nghiên cứu lớn nhất cho đến nay về túi phình động mạch não chưa vỡ. Nghiên cứu ISUIA bao gồm 1692 bệnh nhân có túi phình với kích thước từ 2mm trở lên, trong số đó, 1077 bệnh nhân mang túi phình chưa vỡ.
Nhìn vào bảng tóm tắt phía dưới, chúng ta có thể thấy nguy cơ vỡ của túi phình có kích thước <7mm là cực kỳ thấp, zero phần trăm trong 5 năm, với túi phình nằm ở các vị trí tuần hoàn trước. Nguy cơ vỡ của túi phình động mạch thông sau cao hơn, 1,5% trong 5 năm (0.3%/ năm). Tuy vậy, nguy cơ vỡ sẽ tăng lên nếu kích thước túi phình trong khoảng 7-12mm, và đặc biệt khi lớn hơn 12mm.
Vậy sẽ ra sao nếu chúng ta quyết định làm gì đó?
Có 3 giải pháp đối với các túi phình động mạch não chưa vỡ:
Khi nào chúng ta nên xử trí xâm lấn túi phình chưa vỡ (bằng phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch)?
Với xuất độ 2-3% trong dân số, việc đột nhiên phát hiện túi phình là điều hoàn toàn có thể và xử trí đa số là điều trị bảo tồn, do vậy, chắc chắn sẽ không có chuyện tầm soát ở mọi đối tượng. Khuyến cáo chỉ nên tầm soát ở các đối tượng có nguy cơ cao như: gia đình có người thân vỡ túi phình và bệnh nhân thận đa nang.
Hiện nay không có chứng cứ cho thấy việc sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu và kháng đông làm tăng nguy cơ vỡ túi phình, do vậy, không nên loại bỏ các nhóm thuốc này khi bệnh nhân có chỉ định (ví dụ, kháng đông vẫn nên được chỉ định nếu bệnh nhân có rung nhĩ).
Bạn nên làm gì khi có túi phình <7mm, ở vị trí tuần hoàn trước và gặp một bác sĩ đề nghị nên loại bỏ túi phình sớm để tránh nguy cơ vỡ?
Để trả lời câu hỏi này bạn nên cân nhắc chuyện lời hay lỗ vốn: nguy cơ vỡ túi phình <7mm, ở vị trí tuần hoàn trước là zero%/ 5 năm, so với nguy cơ tử vong liên quan đến can thiệp 1-2% (có thể xảy ra ngay lập tức!, chưa tính đến nguy cơ tàn phế).
FB Thang Nguyen