Hotline 24/7
08983-08983

Nên ăn gì để có trái tim khỏe mạnh, bảo vệ trước COVID-19 trong giai đoạn "bình thường mới"?

Một trái tim khỏe mạnh sẽ là “vũ khí” quan trọng để chống chọi với đại dịch và nhiều mầm bệnh luôn chực chờ tấn công chúng ta. Trong bài viết này, ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên - Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM sẽ bật mí những dưỡng chất cần có để tiếp thêm nhiên liệu cho trái tim khỏe mạnh. Mời quý bạn đọc theo dõi.

1. Vai trò và nhiệm vụ của trái tim đối với cơ thể?

Thưa BS, tim là cơ quan hoạt động tận tụy hàng đầu trong cơ thể, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về trái tim. Trước tiên xin hỏi BS, trái tim có vai trò và làm nhiệm vụ gì cho cơ thể? Một hệ tim mạch khỏe mạnh sẽ hoạt động ra sao?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Như chúng ta đã biết, hệ thống tim mạch (gồm có tim và mạch máu) đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Trong đó, trái tim hoạt động liên tục, có nhiệm vụ bơm oxy, máu và các chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể để duy trì sự sống.

Cụ thể, tim hoạt động và đập liên tục trung bình khoảng 100.000 lần/ngày, có nhiệm vụ bơm 5 - 6 lít máu/phút và cung cấp máu cho tất cả các cơ quan trong cơ thể con người.

2. 1/4 dân số Việt Nam mắc bệnh về tim mạch

Ở Việt Nam, liệu có con số thống kê cụ thể nào về tỷ lệ cũng như độ tuổi hay gặp các vấn đề tim mạch, thưa BS? Mức độ gia tăng các bệnh lý tim mạch tại Việt Nam những năm qua thay đổi ra sao? Những con số thống kê này nói lên điều gì?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Tại Việt Nam, có rất nhiều khảo sát nghiên cứu về tim mạch. Trong đó, theo nghiên cứu năm 2012, khảo sát trên 2.130 người Việt Nam từ 25 tuổi, người ta thấy rằng có khoảng 30% người mắc bệnh lý tăng huyết áp và có tới 60% người bị rối loạn mỡ máu. Theo đó, ở độ tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim…) cũng cao hơn.

Hiện nay, có nhiều thống kê cho thấy rằng, có 25% người mắc bệnh tim mạch, trong đó 46% người tăng huyết áp. Hơn nữa, tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa. Điều này dẫn đến bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như ở Việt Nam.

3. Nguyên nhân nào khiến trái tim quá tải, trở thành gánh nặng bệnh tật hàng đầu?

Và như BS vừa chia sẻ, cho đến nay tim mạch vẫn là gánh nặng bệnh tật hàng đầu. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến bệnh tim ngày càng gia tăng và trẻ hóa? Ngoài những nguyên nhân này thì còn các yếu tố nào thúc đẩy khiến trái tim chúng ta quá tải?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Những yếu tố nguy cơ làm cho vấn đề tim mạch trở thành gánh nặng bệnh tật hàng đầu là:

  • Tăng huyết áp.
  • Rối loạn mỡ máu.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Đái tháo đường.

Nguyên nhân chủ yếu khiến trái tim hoạt động quá tải chính là yếu tố lối sống, chẳng hạn như:

  • Stress.
  • Lười vận động.
  • Sai lầm trong chế độ ăn: ăn nhiều muối và chất béo bão hoà, uống rượu bia, không kiểm soát được cân nặng…
  • Các yếu tố về môi trường.

4. COVID-19 tác động thế nào đến người bệnh tim mạch?

Trong đại dịch, bệnh tim mạch được xếp vào nhóm bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19. Theo thống kê của WHO, nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường.

Vì sao virus SARS-CoV-2 lại tác động mạnh mẽ tới người bệnh tim mạch như vậy, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Số ca tử vong do COVID-19 có bệnh lý nền về tim mạch chiếm 10,5%.

Virus SARS-CoV-2 tấn công rất nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể, trong đó có tim. Một nguy cơ gây tử vong ở người bị bệnh tim mạch là cơ chế viêm cơ tim. Viêm cơ tim làm tổn thương và chết tế bào cơ tim, dẫn đến trái tim bị suy chức năng co bóp, tụt huyết áp, rối loạn huyết động, giảm cung lượng tim và giảm cung cấp máu cho các cơ quan.

Hơn nữa, trong đại dịch COVID-19, những bệnh nhân trong vùng giãn cách xã hội hoặc cách ly bị hạn chế đi lại. Vì vậy, việc thăm khám, tái khám định kỳ cũng bị trì hoãn, việc tuân thủ điều trị không được thực hiện tốt nên cũng làm tăng tỷ lệ tử vong cho người có bệnh lý tim mạch.

5. Trái tim khỏe mạnh giúp phòng ngừa COVID-19 thế nào?

Dịch bệnh khiến chúng ta quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là tăng cường sức đề kháng, trong khi đó sức khỏe tim mạch lại bị lơ là hơn cả. Xin BS cho biết, nếu một trái tim hoạt động tốt sẽ mang lại lợi ích tích cực gì cho cơ thể trong công cuộc phòng chống COVID-19?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Một trái tim khỏe mạnh thì những cơ quan khác trong cơ thể cũng sẽ được cung cấp máu đầy đủ. Đó là nền tảng cơ bản để các cơ quan khác khoẻ mạnh, hoạt động tốt để chống chọi lại trong mùa dịch COVID-19 này.

6. Làm sao để bảo vệ trái tim khỏe mạnh?

Bảo vệ trái tim không khó, nhưng sẽ vô phương khi quá muộn. Vậy để có trái tim khỏe mạnh, mỗi người chúng ta cần làm gì thưa BS? Đâu là những thói quen xấu cần tránh để bảo vệ trái tim?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Để có một trái tim khỏe mạnh, mỗi người chúng ta cần phải quan tâm sức khỏe, lắng nghe trái tim mình. Cụ thể, mỗi người nên thực hiện những biện pháp sau:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng tháng, hàng năm, tùy theo bệnh lý.
  • Tuân thủ điều trị theo phác đồ, chỉ dẫn của BS điều trị.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế uống rượu, bia.
  • Có chế độ dinh dưỡng đúng cách: không ăn quá mặn và chất béo bão hoà, nên ăn nhiều chất xơ, bổ sung vitamin.

7. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tốt cho tim mạch

Thưa BS, dinh dưỡng là “chìa khóa” để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Vậy thế nào là chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tốt cho tim mạch? Ăn sao cho đúng cách và khoa học?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, chế độ ăn uống không đúng chính là nguyên nhân hàng đầu của bệnh lý tim mạch.

Phần lớn chế độ ăn của người Việt Nam chứa rất nhiều muối, thiếu rau và trái cây. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta chỉ nên tiêu thụ khoảng 5gram muối/ngày. Tuy nhiên, người Việt Nam thường tiêu thụ lượng muối gấp đôi và có chế độ ăn không khoa học. Cụ thể, chúng ta thường nạp quá nhiều chất dinh dưỡng, kết hợp với thói quen lười vận động cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng béo phì và gia tăng bệnh lý tim mạch.

Để phòng ngừa bệnh lý tim mạch một cách hiệu quả, chúng ta nên có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh bằng cách ăn nhiều rau củ hơn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, luôn luôn kiểm soát khẩu phần ăn.

Lượng thực phẩm chúng ta tiêu thụ hằng ngày cũng rất quan trọng. Trong mỗi bữa ăn, chúng ta không nên ăn nhiều, bởi khi bụng quá no sẽ gây sức ép lên dạ dày, đồng thời tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, và các bệnh lý tim mạch.

Chúng ta nên ưu tiên sử dụng các loại ngũ cốc, hạt, trong đó có đậu nành - một loại ngũ cốc có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ nói chung và cả bệnh lý tim mạch nói riêng.

8. Những lưu ý khi chế biến thực phẩm để tránh gây hại cho sức khỏe tim mạch

Khi lựa chọn thực phẩm, nên ưu tiên những loại nào và hạn chế loại nào? Cần lưu ý gì trong cách chế biến để tránh gây hại cho sức khỏe nói chung và tim mạch nói riêng thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Chúng ta nên chú ý lựa chọn những thực phẩm ít năng lượng, giàu dinh dưỡng, ví dụ: rau củ tươi, trái cây, ngũ cốc… Và hạn chế những thực phẩm chứa nhiều năng lượng, natri hay chất béo bão hoà (thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh).

Một số sai lầm khi chế biến thực phẩm:

  • Chiên rán thức ăn quá kỹ: khi chiên quá kỹ, độ nóng của dầu ăn sẽ làm cho các axit béo thiết yếu bị oxy hoá. Các chất chống oxy hoá bị hủy hoại tạo nên các gốc tự do gây tổn thương tế bào tạo thành các axit béo gây tăng nguy cơ bệnh mạch vành.
  • Một số chất khi nấu nướng kỹ quá cũng không tốt vì sẽ làm giảm hết vitamin, muối khoáng.
  • Ép trái cây để uống: nước ép chứa nhiều đường và giảm chất xơ vốn có trong trái cây.
  • Tiêu thụ nhiều thức ăn chế biến sẵn: những loại này thường chứa nhiều muối và chất béo bão hoà, không tốt cho hệ tim mạch.
  • Dùng thực phẩm chứa nhiều đường như: nước giải khát, nước trái cây, bánh ngọt…

9. Đậu nành - nhờ đâu trở thành “vệ sĩ” cho trái tim khỏe mạnh?

Đậu nành thường được ví von với nhiều biệt danh như là “vệ sĩ”, “người bạn thân thiết” của tim mạch. Nhờ đâu mà đậu nành có tác dụng diệu kỳ như vậy, thưa BS? Trong đậu nành có những dưỡng chất nào giúp giảm nguy cơ, bảo vệ sức khỏe tim mạch?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Đậu nành có rất nhiều công dụng, chẳng hạn như:

  • Cung cấp chất béo không bão hoà. Như đã nói, chất béo bão hòa có hại cho tim mạch. Vì vậy chất béo không bão hoà có trong đậu nành rất tốt cho tim mạch như: chống oxy hóa, kiểm soát được hàm lượng Cholesterol giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch.
  • Giảm lượng cholesterol xấu có hại cho tim mạch, giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch vành và ổn định huyết áp.
  • Giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.
  • Có lợi trong thai kỳ.
  • Chống loãng xương.
  • Điều hoà hệ tiêu hóa.
  • Giảm triệu chứng tiền mãn kinh.
  • Một nghiên cứu cho thấy đậu nành có thể giảm sự phát triển của ung thư.
  • Đậu nành có chứa chất isoflavone giúp cải thiện độ nhạy cảm với insuline giúp tăng hấp thu glucose trong tế bào, giúp ổn định bệnh lý tiểu đường.
  • Đậu nành chứa nhiều yếu tố như sắt, đồng - những yếu tố giúp tạo tế bào bạch cầu, giúp tăng oxy và lưu lượng máu.
  • Chứa magie nên rất tốt cho giấc ngủ, thần kinh, giúp giảm nguy cơ của bệnh tim mạch.
  • Hàm lượng protein thực vật cao giúp cơ bắp thon gọn hơn, no lâu hơn, giảm được cơn thèm ăn, từ đó cũng giúp giảm nguy cơ thừa cân, béo phì.

10. Đậu nành mang lại lợi ích gì cho người bệnh tim mạch?

Đậu nành có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch thì chúng ta đã biết rõ trong câu trả lời vừa rồi. Vậy đậu nành liệu có mang lại lợi ích gì cho những người đã mắc bệnh tim thưa BS? Những thành phần có trong thực phẩm này giúp cải thiện hay ngăn ngừa biến chứng ra sao ạ?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Như đã nêu, đậu nành có isoflavone, giúp cải thiện độ nhạy của insuline, giảm đường huyết - một yếu tố nguy cơ tim mạch.

Đồng thời, trong đậu nành có nhiều axit béo tốt như: axit béo omega 3, axit stearic, axit panmitic, axit oleic - giúp giảm cholesterol xấu, tăng cholessterol tốt, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và ổn định huyết áp.

Ngoài ra, isoflavone cũng là chất chống oxy hóa, giảm các gốc tự do nên cũng rất tốt cho bệnh tim mạch. Một điều quan trọng là đậu nành còn có khả năng giúp giảm cân, chống béo phì.

11. Đậu nành - bí quyết cải thiện 5 căn bệnh “họ hàng” của tim mạch

Nhiều người tin rằng, nếu được sử dụng thường xuyên khi còn trẻ, đậu nành còn giúp phòng ngừa và cải thiện 5 căn bệnh “họ hàng” với bệnh tim mạch như thừa cân, béo phì; rối loạn mỡ máu; tiểu đường; xơ vữa động mạch; tăng huyết áp, từ đó duy trì sức khỏe tim mạch. Thực hư điều này như thế nào, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Để có thể kiểm soát và phòng ngừa được 5 bệnh: thừa cân, béo phì; rối loạn mỡ máu; tiểu đường; xơ vữa động mạch; tăng huyết áp; đương nhiên chúng ta cần có những biện pháp y học phù hợp.

Song, dinh dưỡng cũng góp phần quan trọng. Trong đó, đậu nành là thực phẩm mang lại nhiều hỗ trợ tốt như: tác dụng lên Insuline, hấp thu Glucose trong tế bào, ổn định được đường huyết, giảm lượng Cholesterol, chống xơ vữa mạch máu, giúp giảm cân, béo phì…

Do đó, nếu bổ sung đậu nành vào khẩu phần dinh dưỡng sẽ là biện pháp hữu hiệu giúp chúng ta phòng ngừa các bệnh về tim mạch.

12. 3 nguyên tắc cần nhớ để bảo vệ sức khỏe tim mạch

Để tận dụng những giá trị dinh dưỡng tốt khi sử dụng đậu nành, người chưa có bệnh tim mạch và đã có bệnh tim mạch cần tuân thủ các nguyên tắc nào?

TS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Người chưa có bệnh tim mạch và người đã có bệnh tim mạch đều cần phải tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Kiểm tra sức khoẻ định kỳ và phát hiện bệnh tim mạch sớm để kịp điều trị trước khi xảy ra những biến chứng.
  • Chú ý đến lối sống: phải vận động, tập thể dục, tránh bị stress.
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng, trong đó nên bổ sung thêm những dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.

13. Nên sử dụng bao nhiêu đậu nành một ngày mới tốt cho tim mạch?

Hàm lượng tiêu thụ đậu nành mỗi ngày bao nhiêu là đủ thưa BS?

Thực tế, không phải ai cũng đủ điều kiện về thời gian để chế biến các món ngon từ đậu nành.

- Vậy sử dụng các sản phẩm có đậu nành, phổ biến và tiện lợi nhất hiện nay như sữa mỗi ngày có đáp ứng nhu cầu đảm bảo lợi ích cho tim mạch?

- Khi lựa chọn sản phẩm sữa đậu nành cần lưu ý gì thưa BS?

TS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời: Để bù đắp sự thiếu hụt và cân đối giữa tỷ lệ protein động vật, thực vật, mỗi người cần cung cấp đủ 50% protein từ thực vật. Theo đó, nên ưu tiên protein có trong đậu nành.

Đối với bệnh lý tim mạch, nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều Cholesterol, ưu tiên những thực phẩm chứa nhiều chất xơ hay chất có hoạt tính sinh học để chống các gốc tự do và chống lão hoá.

Mỗi người cần khoảng 50% protein thực vật mỗi ngày. Như vậy, nếu sử dụng khoảng 1g protein/kg cân nặng thì trung bình chúng ta cần khoảng 25g protein thực vật/ngày. Theo đó, chúng ta có thể cung cấp protein thực vật từ các loại ngũ cốc, hạt, đậu, chẳng hạn như đậu nành. Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú trọng sức khỏe của mình và xây dựng chế độ ăn cho phù hợp.

Hiện nay, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều người bắt đầu có xu hướng sử dụng các loại sữa đậu nành đã chế biến sẵn thay vì tự làm tại nhà bởi công việc này tốn nhiều thời gian và khá phức tạp. Theo đó, chúng ta nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, không chứa chất bảo quản, ghi rõ thời hạn sử dụng.

Chẳng hạn như trên thị trường, có nhiều sản phẩm sữa đậu nành. Trong đó, tôi thấy sữa đậu nành Vinasoy hoặc Fami là một thương hiệu khá nổi tiếng và được bán ở các siêu thị, cửa hàng lớn. Sản phẩm cũng có bao bì, mẫu mã đẹp và được bảo quản tốt.

Cảm ơn Công ty sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Phần 2: Nam giới uống nhiều sữa đậu nành sẽ làm “nữ tính hóa”, gây vô sinh?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X