Muỗi gây SXH có thể “khỏe lên” nếu phun thuốc không đúng
Tính đến sáng 16/8, đã có 21 quận/huyện của Hà Nội đồng loạt ra quân phun thuốc để trừ muỗi. Tuy nhiên, có một khuyến cáo là “nếu phun không đúng, dễ khiến muỗi gây SXH khỏe lên”.
Những kiến thức cần biết khi phun thuốc
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200.
Trong ngày 16/8, mặc dù trời có mưa nhưng ngành Y tế vẫn tiếp tục triển khai phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn 21 quận, huyện. Việc phun thuốc diệt muỗi diễn ra từ nay đến hết tháng 8 tại các ổ dịch trọng điểm và 100% các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám, trường học, chợ, khu lán trọ công trình.
Quá lo lắng trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, rất nhiều người dân Hà Nội đã quyết định tự phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh dịch. Anh Nguyễn Xuân Sỹ ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên) cho biết: “Tôi đã thuê người phun thuốc diệt muỗi trong nhà với giá 7.000 đồng/m2, mất chưa đến 400.000 đồng nhưng yên tâm”. Trước việc người dân tự ý phun thuốc diệt muỗi.
Trung tâm Y tế dự phòng, có thông cáo, nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình, thậm chí không rõ hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi mà còn có thể tăng nguy cơ muỗi nhờn thuốc, kháng thuốc, thậm chí là "khỏe lên" sau khi phun thuốc.
Nếu chỉ phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi một gia đình trong khi hàng xóm không phun thuốc thì tác dụng sẽ rất ít. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi phun xịt thuốc, muỗi từ bên ngoài lại bay vào nhà.
Trung tâm này khuyến cáo, nếu người dân có nhu cầu phun thuốc thì nên đến trạm y tế địa phương hoặc liên lạc đến đường dây nóng của Sở Y tế để được tư vấn đầy đủ nhất. Hiện Bộ Y tế đang cho lưu hành 3 loại hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết gồm Deltamethrine, Permethrine và Malathion. Ba loại thuốc này cho kết quả nghiên cứu, thử hiệu lực, khả năng kháng muỗi rất tốt.
Thuốc phòng SXH không độc hại
Chị Nguyễn Hoàng Phương ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai) tỏ vẻ lo lắng cho biết: “Hôm trước, trường con gái phun thuốc diệt muỗi mà không thông báo trước với phụ huynh học sinh. Không biết thuốc có ảnh hưởng tới con người không mà sau khi nhà trường tổ chức phun thuốc, con gái có dấu hiệu mẩn ngứa, mặt đỏ. Không chỉ mỗi con gái mình mà rất nhiều phụ huynh cũng phản ánh có sự việc trên. Rất may chỉ một ngày sau, không còn vết đỏ, con gái đã tự khỏi hẳn”.
Tại Trường THCS Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội), nhiều phụ huynh học sinh cũng tỏ vẻ lo lắng về việc học sinh bị cay mắt, mẩn ngứa... sau khi nhà trường phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết. Trước đó, vào ngày thứ Sáu (11/8), Trường THCS Quang Trung đã tổ chức phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết. Thời điểm phun sau khi học sinh nghỉ học.
Một ngày sau nhà trường đã cử nhiều lao công mở cửa các lớp học, lau bàn ghế, vệ sinh... Ban Giám hiệu trường THCS Quang Trung xác nhận: "Có 10 em bị dị ứng, mẩn ngứa và có dấu hiệu cay mắt. Các học sinh bị dị ứng tập trung ở hai lớp 9A4 và 7G. Các học sinh đã trở lại đi học bình thường”.
Về việc, thuốc phòng chống sốt xuất huyết ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em? Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho rằng việc dị ứng sau khi phun thuốc diệt muỗi là có thể xảy ra với những trẻ có cơ địa dị ứng và quá mẫn cảm. Do vậy, nếu trẻ bị dị ứng với hóa chất phun chống muỗi thì các thầy cô giáo cần phối hợp với y tế nhà trường để chăm sóc trẻ, nếu trẻ có dấu hiệu nặng hơn cần đưa đến các trung tâm y tế.
Hóa chất phun thuốc được Bộ Y tế cấp phép, đảm bảo an toàn, thời gian cách ly tối thiểu chỉ từ 1 đến 2 giờ đồng hồ, do vậy các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về tình trạng này, bởi nếu không tiến hành phun thuốc diệt muỗi nếu trẻ không may mắc phải sốt xuất huyết thì tình trạng còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần.
Hà Nội: Trên 15.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thống kê mới nhất cho hay, số ca mắc
bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội lên tới gần 15.400 ca mắc, 7 trường hợp
tử vong. Con số này xấp xỉ số mắc SXH của các năm đỉnh dịch trước đó (cả năm 2009 là 16.000 ca mắc và 4 tử vong; năm 2015 Hà Nội có 15.5000 ca mắc). Trong khi đó, đỉnh dịch thực sự của SXH hàng năm rơi từ vào tháng 9. |
Thêm bệnh viện lập khu dã chiến điều trị sốt xuất huyết
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thành lập khu điều trị dã chiến
điều trị sốt xuất huyết. Cao điểm, có ngày bệnh viện tiếp nhận tới gần
400 bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết đến khám, chủ yếu là bệnh nhân
ở Hà Nội. Khu điều trị dã chiến sốt xuất huyết tại khoa khám bệnh đa
khoa C1.1. Ngay ở khu vực khám bệnh của bệnh viện, khu điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết được thành lập. Khu điều trị dã chiến với 40 giường bệnh, mỗi ngày sẽ tiếp nhận, điều trị cho 200 bệnh nhân điều trị ngoại trú. |
Theo Hà Phương - Gia đình và Xã hội
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình