Mùa lạnh: Cẩn thận nguy cơ ngộ độc khí do sưởi than
Phương pháp sưởi ấm bằng cách đốt than sẽ sản sinh ra nhiều khí độc gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trong không gian kín, thời gian dài. Phương pháp sưởi ấm này đặc biệt nguy hiểm với người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu hoặc chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó nguy cơ gây cháy cũng rất cao nếu sử dụng than củi, than tổ ong trong phòng kín.
BS.CK1 Hồ Thanh Lịch - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, khi đốt than trong phòng ngủ, nhà chật hẹp lại đóng kín cửa, than cháy sẽ đốt hết khí oxy, sinh ra khí CO2 gây ngộ độc cho người trong phòng. Đặc biệt, trong tình trạng thiếu oxy sẽ sinh ra khí CO là khí độc thải ra do sự đốt cháy không hoàn toàn, không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.
“Có những trường hợp, tự dưng thấy choáng nhưng cũng không thể dậy để mở cửa phòng, ngã vật xuống và lịm đi. Những trường hợp này không cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy não lâu dẫn đến hôn mê, tử vong, nếu cứu được cũng sống đời sống thực vật do não bị tổn thương” - bác sĩ Lịch chia sẻ.
Phương pháp sưởi ấm này đặc biệt nguy hiểm với người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu hoặc chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó nguy cơ gây cháy cũng rất cao nếu sử dụng than củi, than tổ ong trong phòng kín.
BS Hồ Thanh Lịch khuyến cáo: “Trong trường hợp thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức, không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng. Người dân cần tắt lửa triệt để khi không sử dụng”.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phạm Ánh Ngân - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho biết, đốt than sưởi ấm trong mùa lạnh có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Bởi trong khói than chứa nhiều thành phần độc hại như CO, CO2, NOx và một số chất khác như lưu huỳnh oxit, fomandehit...
Ngoài ra với người có hệ hô hấp còn non yếu, đề kháng kém như trẻ em việc hít khói than thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi. Phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người có bệnh nền khi tiếp xúc khói than cũng tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, gây hại cho thai nhi...
Xử lý ngộ độc khí trong phòng kín
Người bị ngộ độc khí CO, lúc đầu triệu chứng không rõ ràng. Nếu ngộ độc nhẹ, nạn nhân thường đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, có thể da đỏ như quả anh đào nhưng là dấu hiệu không đặc hiệu.
Khi ngộ độc vừa, nạn nhân bị đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh…
Đặc biệt nguy hiểm nếu ngộ độc trong phòng kín vào thời điểm đi ngủ, nạn nhân dường như mất ý thức và không nhận ra các dấu hiệu khác thường của cơ thể.
Nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc đưa vào nơi thoáng khí, làm các động tác hô hấp nhân tạo đồng thời chuẩn bị đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong cao. Cần hết sức chú ý đảm bảo an toàn cho người thực hiện cấp cứu.
Có thể vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.
Cách phòng tránh ngộ độc
Để phòng tránh ngộ độc khí than, người dân tuyệt đối không được sưởi ấm bằng than củi và đóng kín cửa hoặc sưởi ấm để tắm; hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy trong không khí sẽ tiêu hao dần, khí CO hoặc CO2 độc hại sẽ ngày càng tăng.
Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy, sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. 2 tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng tử vong.
Thường xuyên kiểm tra thiết bị an toàn của bếp gas, lò sưởi, hệ thống thông hơi. Không đặt máy phát điện ở nơi kín như tầng hầm, nhà để xe hoặc để gần cửa phòng ở.
Ở nơi làm việc có khí CO như lò gạch, lò luyện kim, xưởng máy... phải đo nồng độ CO định kỳ và có biện pháp xử lý để nồng độ CO không vượt quá ngưỡng cho phép...
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình