Mổ lấy thai chủ động: Lợi ích thế nào, nguy cơ ra sao?
Sinh nở là một quá trình tự nhiên, tuy nhiên trong một số trường hợp, sinh mổ chủ động được xem là lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất cho cả mẹ và bé. Vậy, những trường hợp nào cần mổ lấy thai chủ động? Có những lợi ích và hạn chế nào? Thai phụ và gia đình cần chuẩn bị những gì? Mời bạn đọc AloBacsi cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.
1. Sinh mổ chủ động là gì?
Thưa BS, những thai phụ nào sẽ có chỉ định sinh mổ? Sinh mổ chủ động nên được hiểu như thế nào?
BS Trần Thị Nhật Vy - Phó Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Hiện nay, mỗi bà mẹ chỉ có 1 - 2 con. Chính vì vậy, mong muốn chung của các mẹ là con được ra đời vào những ngày tốt.
Sinh mổ chủ động được hiểu là mổ lấy thai trước khi vào chuyển dạ hoặc thai từ 39 tuần trở lên. Có rất nhiều chỉ định mổ lấy thai chủ động, chẳng hạn như mẹ có khung chậu hẹp, mẹ có vết mổ từ trước, mẹ có tiền căn bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sự sanh ngả âm đạo, mẹ bị tiền sản giật.
Về phía thai nhi có nhứng trường hợp thai nhi to, ngôi thai bất thường. Chúng ta vẫn hay nói “đầu xuôi đuôi lọt”, với những bé ngôi đầu khung chậu mẹ thuận lợi mới có thể sanh ngả âm đạo. Nếu bé bị các ngôi bất thường như ngôi mông, ngôi trán... không thể lọt qua khung chậu của mẹ. Do đó bác sĩ phải đưa ra chỉ định sinh mổ chủ động.
2. Thai phụ có thể yêu cầu sinh mổ chủ động không?
Có những thai phụ không bị bệnh, không gặp tình trạng bắt buộc phải sinh mổ nhưng vẫn muốn sinh mổ chủ động. Trong trường hợp nào bệnh viện sẽ đáp ứng yêu cầu này của thai phụ?
TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Với câu hỏi này, bác sĩ sản khoa đã tư vấn rất nhiều và cũng khá trăn trở. Đôi khi người mẹ muốn sinh mổ chủ động nhưng họ hoàn toàn có thể sinh ngả âm đạo.
Đầu tiên, bác sĩ phải tư vấn rất kỹ về lợi ích cũng như nguy cơ, rủi ro của cuộc sanh mổ. Điều này giúp thai phụ và người nhà hiểu rằng mổ chủ động không hoàn toàn là một chuyện tốt. Thuận theo tự nhiên vẫn là tốt nhất.
Tuy nhiên, với những trường hợp không phải chỉ định mổ tuyệt đối mà chỉ tương đối, chẳng hạn như mẹ có vết mổ cũ nhưng cân nặng của em bé không quá lớn, cùng với đố là nỗi lo lắng của người mẹ, bác sĩ có thể cân nhắc mổ lấy thai.
3. Những điểm lợi và bất lợi của sinh mổ chủ động so với sinh ngả âm đạo
Lợi và hại của sinh mổ chủ động là gì, thưa BS?
TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Bất cứ phương pháp nào cũng tồn tại hai mặt lợi và hại. Điểm lợi của mổ lấy thai chủ động là:
- Thông thường, các mẹ bầu sẽ lo lắng rằng nếu sức khỏe của mình không tốt trong cuộc chuyển dạ có thể ảnh hưởng đến em bé. Sinh mổ chủ động giúp người mẹ giảm đi sự lo lắng này.
- Giảm cơn đau trong quá trình chuyển dạ, mẹ không bị mất sức quá nhiều.
- Mẹ có thể chọn ngày sinh.
Tuy nhiên, sinh mổ chủ động cũng có mặt hại. Đầu tiên là thời gian hồi phục của tử cung lâu hơn những người sinh thường qua ngả âm đạo. Thời gian nằm viện cũng kéo dài hơn. Người sanh thường có thể xuất viện sau 48 tiếng nhưng khi sinh mổ lấy thai phải nằm lại bệnh viện trên 3 ngày.
Mẹ còn có nguy cơ nhiễm trùng vết mổ tử cung, nguy cơ mất máu.
4. Có phải phổi của trẻ sinh mổ kém phát triển hơn trẻ sinh thường?
Khi có chỉ định sinh mổ, nhiều chị em lo ngại vấn đề con bị kém thông minh, không được khỏe mạnh như các bé sinh thường. Những lo lắng này của mẹ bầu có phù hợp không? Lời khuyên của BS cho các mẹ còn đang chần chừ trước chỉ định sinh mổ là gì ạ?
TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Trước mỗi cuộc mổ, dù là mổ lấy thai chủ động hay từ sanh ngả âm đạo chuyển sang mổ lấy thai, bác sĩ đều phải giải thích rõ ràng cho người nhà và sản phụ về các nguy cơ có thể xảy ra.
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng con không thông minh, sợ phổi của em bé không trưởng thành nếu sinh mổ. Trên thực tế, được đi qua khung chậu của người mẹ và stress trong cuộc sanh ngả âm đạo có thể giúp phổi của thai nhi trưởng thành hơn. Tuy nhiên, với những trường hợp phải mổ lấy thai chủ động, bác sĩ thường khuyến cáo mổ trên 39 tuần. Lúc này, phổi của em bé đã tốt và ít nguy cơ bị bệnh màng trong hơn.
Từ những lợi ích và nguy cơ, bác sĩ sẽ tư vấn để giúp gia đình, thai phụ hiểu, an tâm hơn.
5. Khi nào thai phụ có thể nhập viện để sinh mổ chủ động?
Thai phụ có chỉ định sinh mổ nên nhập viện ở tuần thai thứ bao nhiêu hoặc nhập viện khi có những dấu hiệu nào, thưa BS?
TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Nhiều thai phụ có chỉ định mổ chủ động vì khung chậu hẹp thể hiện qua phim chụp X-quang, bác sĩ hẹn vào 39 tuần sẽ nhập viện để mổ. Mẹ trải qua 8 tháng 27 ngày, còn vài ngày nữa sẽ bước sang tháng thứ 9 nhưng do tâm lý lo lắng, mẹ muốn nhập viện sớm hơn.
Riêng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, những mẹ bầu có chỉ định mổ lấy thai chủ động sẽ được cho nhập viện vào đúng ngày mổ lấy thai. Điều này giúp hạn chế việc thai phụ phải nằm viện dài ngày, tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện.
Thời gian làm xét nghiệm, hướng dẫn thai phụ vệ sinh trước mổ cũng được rút ngắn lại. Vì vậy, về mặt nguyên tắc, mổ lấy thai chủ động ở những thai phụ không có tiền căn bệnh lý sẽ nhập viện đúng ngày được chỉ định.
Điều quan trọng mà bác sĩ luôn nhấn mạnh khi tư vấn là thai phụ phải nhịn ăn. Nhiều mẹ bầu sợ bị đói và kiệt sức trong quá trình mổ nên sẽ ăn uống trước khi mổ. Nhưng thai phụ cần nhịn đói ít nhất 8 tiếng để cuộc mổ an toàn hơn.
6. Mẹ bầu cần chuẩn bị gì khi nhập viện mổ lấy thai?
Khi đã có chỉ định sinh mổ, thai phụ nên chuẩn bị tâm lý như thế nào? Chồng và người thân nên chuẩn bị tâm lý như thế nào?
TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Mẹ bầu nào cũng đều mang tâm lý lo lắng trước cuộc vượt cạn. Bác sĩ sẽ là người giúp thai phụ vượt qua nỗi lo này.
Đầu tiên, mẹ cần có tâm lý thoải mái, chuẩn bị đồ đi sinh gọn gàng. Mẹ chỉ cần mang đủ các giấy tờ tùy thân (CCCD, sổ hộ khẩu, thẻ BHYT) để các hộ sinh có thể cập nhật thông tin, giúp cho quá trình làm giấy khai sinh cho bé nhanh chóng hơn.
Trước khi bước vào cuộc mổ lấy thai, bác sĩ sẽ tư vấn các nguy cơ, lợi ích. Sau đó, thai phụ và người nhà ký cam kết mổ. Các bạn hãy yên tâm rằng bác sĩ và nữ hộ sinh tại bệnh viện sẽ luôn bên cạnh để hỗ trợ. Thai phụ hãy giữ tâm trạng thoải mái khi đến bệnh viện.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình