Hotline 24/7
08983-08983

Máy lạnh, thú cưng, khói bếp - Những yếu tố dễ khởi phát cơn hen bạn không ngờ tới

Hen phế quản đang ảnh hưởng đến rất nhiều người, trong đó ô nhiễm môi trường, cả trong nhà lẫn ngoài trời, là nguyên nhân ngày càng được chú ý. Bụi mịn, khí độc, khói thuốc, thậm chí cả... thú cưng đều có thể là “kẻ giấu mặt” kích hoạt cơn hen cấp tính. ThS.BS Trần Quốc Tài có những chia sẻ giúp cộng đồng nhận diện và kiểm soát những yếu tố nguy cơ này.

1. Ngày hen toàn cầu 2025: “Hành động để các phương pháp điều trị dạng hít có thể tiếp cận được với tất cả mọi người”

Thưa BS, hen phế quản ảnh hưởng đến khoảng 3,9% dân số Việt Nam, tương đương 4 triệu người mắc bệnh. Và thế giới cũng có Ngày hen toàn cầu (ngày 03/5). BS có thể cho biết về ý nghĩa thông điệp của Ngày hen toàn cầu năm nay?

ThS.BS Trần Quốc Tài - BCH Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM trả lời: Bệnh lý hen, hen phế quản hay dân gian gọi là hen suyễn - là tình trạng viêm đường thở, dẫn đến co thắt phế quản. Bệnh nhân có biểu hiện ho, khò khè, khó thở và có thể nhập viện.

Trong tháng 5/2025, Ngày hen toàn cầu có chủ đề “Hành động để các phương pháp điều trị dạng hít có thể tiếp cận được với tất cả mọi người”. Đây là dụng cụ tạo ra những hạt thuốc đi vào đường thở, từ đó điều trị và sửa đường thở của bệnh nhân.

2. Bệnh nhân tiếp xúc lâu dài với tình trạng ô nhiễm phải sử dụng thuốc kéo dài

Ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng, điều này ảnh hưởng đến bệnh nhân hen ra sao?

ThS.BS Trần Quốc Tài trả lời: Bệnh nhân hen thường sợ nhất những yếu tố khởi phát hay tác nhân dị ứng, khiến người bệnh lên cơn khó thở, co thắt phế quản.

Các yếu tố thường gặp là ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, mùi, chất độc hại. Trong đó, ô nhiễm không khí chiếm phần lớn, là một tác nhân rất khó tránh được trong cuộc sống.

Ô nhiễm không khí bao gồm ở cả ngoài trời và trong nhà. Bệnh nhân hen tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm có thể gây ra các biểu hiện cấp tính như ho, khó thở dữ dội, thường gọi là cơn hen và phải dùng thuốc cắt cơn, nhập viện cấp cứu.

Ngoài ra, bệnh nhân tiếp xúc lâu dài với tình trạng ô nhiễm còn dẫn đến khả năng phải sử dụng thuốc kéo dài, dùng thuốc liều cao.

ThS.BS Trần Quốc Tài chia sẻ, bụi mịn, khí độc, khói thuốc, thậm chí cả... thú cưng đều có thể là “kẻ giấu mặt” kích hoạt cơn hen cấp tính

3. Bụi mịn PM2.5 có kích thước chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc

Bụi mịn PM2.5 thường được nhắc đến trong các báo cáo ô nhiễm. BS có thể giải thích rõ hơn, loại bụi này ảnh hưởng thế nào đến hệ hô hấp của người mắc bệnh hen?

ThS.BS Trần Quốc Tài trả lời: “Bụi mịn” là một từ khá quen thuộc với chúng ta. Hiện nay có nhiều ứng dụng giúp người dùng theo dõi được tần suất hay mức độ bụi mịn trong không khí.

Trong “bụi mịn PM2.5”, chúng ta cần hiểu PM là viết tắt của Particulate Matter - có ý nghĩa là chất dạng hạt (rắn hoặc lỏng) và 2.5 là đường kính của hạt bụi từ 2,5µm trở xuống. Đây là các hạt bụi nhỏ li ti, chỉ bằng khoảng 1/30 của sợi tóc nên không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Các hạt bụi này cứ lơ lửng trong không khí. Nếu hít phải, các hạt bụi sẽ nhanh chóng đi vào đường dẫn khí dưới và đường dẫn khí nhỏ của chúng ta, lắng đọng ở đó hoặc đi vào máu. Do đó, hít phải bụi mịn có thể dẫn đến cơn hen hoặc tình trạng viêm phổi...

4. Không khí trong nhà chưa chắc trong lành như bạn nghĩ

Nhiều người nghĩ rằng không khí trong nhà sẽ an toàn, trong lành hơn ngoài trời, nhưng thực tế có phải như vậy không, thưa BS? Trong chính ngôi nhà của chúng ta có những tác nhân nào làm khởi phát cơn hen?

ThS.BS Trần Quốc Tài trả lời: Trong nhà cũng có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí một cách tiềm tàng. Tùy vào cấu trúc mỗi căn nhà, thông thường có 4 nguồn ô nhiễm lớn:

1. Các hợp chất hữu cơ bay hơi xuất phát từ sơn tường, ván ép, gỗ, nước lau sàn, các sản phẩm tạo mùi thơm...

2. Hoạt động nấu nướng tạo nên bụi, khói.

3. Vi khuẩn, virus, nấm mốc: Thường tồn tại ở môi trường ẩm mốc và trên thú cưng nuôi trong nhà.

4. Khói khi hút thuốc trong nhà.

Một số tác nhân gây ô nhiễm trong nhà

5. Lông chó mèo không phải nguồn gốc gây dị ứng rõ

Chúng ta cũng biết rằng khi nuôi và chăm sóc thú cưng thì việc các “bé” rụng lông và có mùi là điều khó tránh khỏi. Nếu điều này không được xử lý tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe ra sao, đặc biệt là với người bị hen, thưa BS?

ThS.BS Trần Quốc Tài trả lời: Lông thú cưng thường bay khắp nơi trong nhà, gây các triệu chứng dị ứng. Trường hợp nhẹ là hắt hơi, chảy mũi, ho... Nặng hơn, bệnh nhân hen có thể lên cơn khó thở, khò khè cấp tính.

Tuy nhiên, sợi lông không phải là nguồn gốc gây dị ứng rõ mà là các tác nhân dị ứng bám trên lông thú cưng. Ví dụ, da chết hay gàu của thú cưng bay lơ lửng trong không khí, mắt thường không thể nhìn thấy được. Nước bọt, nước tiểu của chó mèo khô lại, bốc hơi lên; phân của động vận cũng sinh ra vi khuẩn, virus... Đó mới chính mà nguồn gốc gây dị ứng và lông chỉ là vật dẫn.

6. Giải pháp giúp bệnh nhân hen có thể sống chung với thú cưng một cách an toàn

Thế nhưng với nhiều người, những người bạn bốn chân được xem như một thành viên trong gia đình. Vậy có giải pháp nào giúp bệnh nhân hen có thể sống chung với các bé thú cưng một cách an toàn?

ThS.BS Trần Quốc Tài trả lời: Để phòng tránh dị ứng một cách tốt nhất, đầu tiên cần tắm và chải lông thú cưng thường xuyên. Trong quá trình này, cần đeo khẩu trang và rửa tay kỹ ngay sau đó để tránh dị ứng nguyên tiếp xúc với mũi, với hệ hô hấp.

Thứ hai, phải hút bụi, quét dọn nhà cửa thường xuyên; vệ sinh máy lạnh, máy lọc không khí; thay và giặt rèm cửa định kỳ (1-2 lần/tháng) để làm sạch các yếu tố dị ứng trong nhà.

7. Bệnh nhân hen suyễn dùng máy lạnh sao cho đúng?

Hiện nay, máy lạnh là thiết bị không thế thiếu. Xin hỏi BS, máy lạnh có thể giúp lọc sạch không khí trong nhà không? Việc sử dụng máy lạnh quá thường xuyên có ảnh hưởng gì đến bệnh hen không?

ThS.BS Trần Quốc Tài trả lời: Máy lạnh thật ra cũng có một ít vai trò trong việc cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Tuy nhiên, chức năng chính của nó là làm mát không khí. Do đó, các loại máy lạnh phổ thông thường không được trang bị đầy đủ tính năng để có thể lọc và làm sạch không khí.

Máy lạnh vẫn có những nguy cơ cho bệnh nhân hen suyễn. Đầu tiên, máy lạnh tạo ra luồng không khí lạnh, dễ làm co thắt đường thở. Bệnh nhân hen suyễn được khuyến cáo nên điều chỉnh máy lạnh ở nhiệt độ khoảng 26 - 28 độ C trở lên. Đồng thời, phải vệ sinh máy lạnh đều đặn để hạn chế sản sinh các loại vi khuẩn, vi nấm.

Trân trọng cảm ơn ThS.BS Trần Quốc Tài và LG Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X