Hotline 24/7
08983-08983

Mách mẹ cách giúp trẻ vượt qua bệnh hô hấp khi đi nhà trẻ

Trẻ mới đến trường chưa được bao lâu đã vội ốm, khi thì sụt sùi sổ mũi, khi lại húng hắng ho từng cơn khiến bố mẹ nào gửi con đi trẻ cũng lo lắng, hồi hộp theo từng ngày đi học của con. Bí quyết nào giúp con vượt qua “cửa ải” đầu đời này?

1. Vì sao trẻ dễ bị bệnh hô hấp khi mới đi nhà trẻ?

Đầu tháng 3, sau một kỳ nghỉ Tết dài vì dịch bệnh tái phát, hàng triệu trẻ em trên cả nước lại trở về với trường lớp. Ngoài niềm vui khi được quay về với nhịp sống hàng ngày, cha mẹ còn đối diện với nỗi lo mới, con dễ mắc các bệnh hô hấp hơn hẳn khi đến trường trong tiết trời nồm ẩm ở miền Bắc, còn miền Nam không khí bắt đầu oi bức như hiện nay. Nhất là trẻ nhỏ, khi mới đi nhà trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường.

Ở nhà thì khỏe phây phây nhưng cứ đi nhà trẻ con lại ốm đau mắc bệnh hô hấp liên tục khiến bố mẹ lo lắng (Ảnh minh họa)

Theo Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi đồng 1, khi mắc bệnh đường hô hấp rất cần một không gian mở, không khí thoáng, có đầy đủ ánh sáng mặt trời để có thể trao đổi với không khí bên ngoài, tránh sự tù đọng của các mầm bệnh.

Ngược lại, nếu để không khí tù đọng do đóng cửa lâu ngày, không khí không được lưu thông tốt, không có ánh sáng mặt trời, vệ sinh trong phòng không tốt, sử dụng các thiết bị làm mát trong phòng học không đúng cách sẽ là những điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi, nảy nở. Trong khi đó, hệ miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị các mầm bệnh “tấn công”, nếu chăm sóc không đúng cách sẽ dẫn đến lâu khỏi và hay tái đi tái lại khi bắt đầu đi nhà trẻ.

Chưa kể, trẻ thường tiếp xúc gần với nhau trong khi chưa biết cách để tự bảo vệ chính mình, nên nếu trong phòng học đã có sẵn những mầm bệnh sẽ rất dễ lây lan từ người này qua người kia, bé này qua bé khác. Bên cạnh đó, môi trường nhà trẻ đông đúc và phức tạp khiến bé dễ nhiễm bệnh hơn. Việc cách ly và chăm sóc cho các bé ốm tại đây thường khó khăn. Nhiều bậc phụ huynh vẫn cho con đến lớp khi mắc bệnh nhẹ mà không biết rằng ngay cả khi trong giai đoạn đầu bệnh vẫn có khả năng lây lan cho những người xung quanh.

Ở thời điểm này, ho là một triệu chứng phổ biến thường xảy ra ở trẻ nhỏ và có diễn tiến dai dẳng khiến các bậc phụ huynh lo lắng, sốt ruột. Theo TS Anh Tuấn, có nhiều kiểu ho khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là ho khan và ho có đờm. Trẻ bị ho khan là ho không có đờm, thường gặp khi bị viêm họng, ngạt mũi hay hắt hơi, chảy nước mũi, không phải do viêm phổi hay viêm phế quản.

Trẻ bị ho có đờm, là khi trẻ ho thường tiết nhiều đờm loãng hoặc đặc. Đây có thể là một trong các triệu chứng của bệnh viêm xoang hay viêm phế quản. Cha mẹ có thể nhận thấy trẻ có đờm khi bé ho có cảm giác nặng ngực, mệt và hơi khó thở.

Tuy nhiên, TS Anh Tuấn cũng cho rằng, ranh giới giữa ho khan và ho có đờm rất mong manh. Trên thực tế, có nhiều bệnh giai đoạn đầu là ho khan sau đó chuyển sang ho có đờm. Ở trẻ nhỏ các bé lại không biết khạc đờm, do đó việc nhận biết trẻ ho có đờm cũng sẽ rất khó khăn.

Vì vậy, vị chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên đoán tình trạng bệnh nặng hay nhẹ và tự ý dùng kháng sinh chỉ qua tiếng ho. Hiện, chỉ có một trường hợp ngoại lệ là ho gà thì các bậc phụ huynh có thể đoán thông qua tiếng ho của con để biết bệnh. Ho gà sẽ có dấu hiệu ho kéo thành cơn dài, trong cơn bé sẽ bị đỏ mặt, thậm chí tím tái, đặc biệt kèm theo tiếng “ó ó” như tiếng gà kêu. Sau cơn ho thì bé sẽ ói nhớt hoặc sặc đờm.

2. Cha mẹ cần chuẩn bị gì khi trẻ mắc bệnh hô hấp?

Trong điều kiện sinh lý bình thường, ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ các phản xạ ho này, bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt.

Vì thế không nên tìm mọi cách để kìm hãm phản xạ có lợi này, nếu trẻ ho có đờm nhẹ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe các bậc phụ huynh có thể không cần phải sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu trẻ ho nhiều đến mức nôn ói thức ăn, sữa, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống như đau họng, khó ăn, uống, đi vào giấc ngủ… thì nên sử dụng thuốc ho để giúp con dễ chịu hơn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Bộ Y tế, tốt nhất nên sử dụng thuốc ho làm từ thảo dược đã được chứng minh để đảm bảo hiệu quả, an toàn, phù hợp với độ tuổi và kiểu bệnh của em bé.

Bên cạnh đó, cần quan sát, theo dõi trẻ sát sao kịp thời phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm, trở nặng như thở co lõm lồng ngực (phần dưới lồng ngực bị hóp vào hoặc kéo lõm bất thường khi thở), thở nhanh, ngủ li bì, không thể đánh thức dậy; trẻ tím tái; Trẻ bỏ bú hoặc bú kém (bú chưa đến ½ lượng sữa bình thường); hoặc nôn tất cả mọi thứ; đặc biệt là co giật thì đưa đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để được xử trí kịp thời.

Mẹ hãy tập đeo khẩu trang cho con trong đời sống hàng ngày để trẻ hình thành thói quen này khi quay trở lại trường học (Ảnh minh họa)

Ngoài vấn đề triệu chứng ho, TS Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, khi con có dấu hiệu của bệnh hô hấp tốt nhất nên đưa đi khám, qua đó sẽ biết được mức độ nặng nhẹ của bệnh, cách chăm sóc, theo dõi các biểu hiện trở nặng và cân nhắc việc có nên cho trẻ nghỉ học hay không.

“Nếu trẻ vẫn tiếp tục đến trường thì cha mẹ cần thông báo tình hình bệnh và toa thuốc với nhân viên y tế học đường để thuận tiện chăm sóc khi trẻ ở trường. Các thầy cô cũng cần chú ý trẻ khi sinh hoạt, ăn uống, tránh để bị nhiễm lạnh. Gia đình và nhà trường cần có sự liên lạc tốt để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời khi xảy ra tình huống bất ngờ”- TS Anh Tuấn cho biết.

Trong thời tiết dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay, TS Anh Tuấn khuyến cáo khi con trẻ quay lại trường hợp, cha mẹ nên trang bị khẩu trang vải, tránh đeo khẩu trang y tế chuyên dụng có kích thước to và chất liệu thô. Tốt nhất là lựa chọn loại có kích thước phù hợp, màu sắc và họa tiết bắt mắt để trẻ thích thú hơn với việc đeo khẩu trang.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay từ khi ở nhà, có như vậy trẻ mới hình thành thói quen này ở bất kỳ đâu, kể cả khi đến trường. Rửa tay không chỉ có lợi ích trong việc phòng ngừa các bệnh đường hô hấp mà hữu hiệu với cả các bệnh tiêu hóa khác. Lưu ý, cần chọn loại dung dịch sát khuẩn phù hợp với làn da mỏng manh, dễ tổn thương của trẻ.

Với trường hợp trẻ đến trường khi đang bị bệnh thì cần chọn trang phục phù hợp, nếu thời tiết nắng nóng nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, không nên mặc quá nhiều lớp áo khiến trẻ ra nhiều mồ hôi và dễ bị nhiễm lạnh trở lại; nếu thời tiết trở lạnh thì cha mẹ cần mặc cho trẻ quần áo đủ ấm.

3. Nên làm gì để phòng ngừa BỆNH HÔ HẤP cho trẻ khi đi học?

1. Bé nhà em 3 tuổi, rất hay bị ho, mỗi lần ho thì rất lâu mới hết. Nếu điều trị tốt thì mất bao lâu để trẻ phục hồi toàn diện, nhất là phổi thưa BS?

Trường hợp bé dưới 5 tuổi bị ho, thường 50% sẽ ho dai dẳng khoảng 10 ngày (gần 2 tuần lễ). Khoảng 90% ho trong vòng 3 tuần lễ và 10% kéo dài đến 4 tuần lễ.

Nếu trẻ thỉnh thoảng ho vài tiếng mà không có dấu hiệu bất thường nào khác thì bạn cũng đừng quá lo lắng, mà phải kiên nhẫn và chịu khó chăm sóc thì trẻ sẽ khỏi dần dần.

2. BS ơi, mỗi lần thay đổi thời tiết là bé nhà em lại bị ho. Vì sao trẻ ho hoài không khỏi hoặc khỏi rồi vẫn dễ bị tái phát, nguyên nhân do đâu thưa BS?

Bình thường, trẻ em dưới 5 tuổi dù sức khỏe đầy đủ, sống trong môi trường sạch sẽ thì một năm vẫn sẽ bị viêm đường hô hấp từ 5-8 lần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chúng ta biết rằng bên ngoài có rất nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau, hàng trăm, hàng ngàn virus, vi khuẩn tấn công vào trẻ độ tuổi này chưa có sức đề kháng nên rất dễ mắc bệnh.

Qua mỗi lần mắc bệnh, cơ thể của trẻ sẽ sinh ra và tích lũy kháng thể, tạo sức đề kháng để các bé vượt qua ngưỡng 5 tuổi thì số lần mắc bệnh đường hô hấp, số lần bị ho giảm đi đáng kể. Đó là trường hợp bình thường.

Còn nếu trẻ sống trong điều kiện bất lợi, chẳng hạn như nhà cửa chật chội, đông đúc, vệ sinh không được tốt, đặc biệt nếu trong nhà sử dụng bếp than củi cùng với những yếu tố xấu từ môi trường như hít khói thuốc lá thụ động thì con số này còn lớn hơn rất nhiều. Ngay cả trong trường hợp cơ thể trẻ có khiếm khuyết nhất định, chẳng hạn như suy dinh dưỡng, thiếu một số vi chất chất dinh dưỡng, có dị tật bẩm sinh khác nhau như bị tim, não... thì khả năng này đương nhiên sẽ tăng hơn.

3. Ngoài việc nhận biết các bệnh mà trẻ mắc phải thông qua lắng nghe nhịp thở, chúng ta còn có thể nhận biết bệnh thông qua màu sắc của đờm khi trẻ bị ho có đờm. Bác sĩ có thể chia sẻ rõ hơn về dấu hiệu đoán biết các bệnh thông qua màu đờm để cha mẹ có thể nhận biết sớm và có phương pháp điều trị kịp thời?

Trẻ ho có đờm là triệu chứng chung của nhiều bệnh hô hấp khác nhau. Trong trường hợp đàm bình thường thì không có gì đáng ngại. Nhưng nếu trong một số tình huống đờm đặc, màu sắc giống như mủ hoặc hôi, khạc đờm lẫn máu thì có khả năng bé đã mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nặng, đòi hỏi sự điều trị đặc biệt, thậm chí là điều trị lao nữa. Vì vậy, các trường hợp bé ho ra có đờm đặc, dơ, xấu, mùi hôi như mủ hoặc đờm lẫn máu thì phải đưa bé vào bệnh viện khám ngay.

4. Thưa BS, bé nhà em đi học dễ bị lây bệnh từ trẻ khác. Hôm trước bé bên cạnh mà sụt sịt, ho là hôm sau bé nhà em cũng vậy. Em nên làm gì để con tránh bị lây bệnh đường hô hấp khi con đi nhà trẻ?

Đây là vấn đề thường gặp và khó tránh khỏi khi trẻ nhỏ đi học. Tâm lý chung của cha mẹ khi trẻ bị bệnh nhẹ là tiếp tục đưa trẻ đến trường để tránh gián đoạn việc học của trẻ và công việc của mình.

Như tôi đã chia sẻ, trường hợp này cần phải đưa trẻ đi khám để xác định được trẻ nên đi học hay ở nhà. Nếu các cháu mắc bệnh nặng, có tính chất truyền nhiễm thì nên cho cháu ở nhà. Trường hợp các cháu mắc bệnh nhẹ, thì nên cho cháu tiếp tục đến trường.

Cha mẹ nên cho cháu đeo khẩu trang khi đến trường để tránh tiếp xúc với những giọt bắn từ việc hắt hơi của trẻ khác. Tập cho các cháu thói quen rửa tay để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngoài ra, cần phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường để các cháu bị bệnh vẫn được khỏe khi đi học và không có điều kiện để lây lan cho trẻ khác.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cũng là việc cần thiết với trẻ nhỏ. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung hoa quả, thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ.

Vấn đề quan trọng và không thể thiếu đó là chủng ngừa. Ngoài những loại vắc xin bắt buộc thông thường, cha mẹ nên cho trẻ chủng ngừa thêm 2 loại khác là cúm và phế cầu. Đây là 2 tác nhân gây bệnh đường hô hấp thông thường và gây nhiều biến chứng.

5. Con em sang tuần này là đi nhà trẻ. Ở nhà thì có ông bà chăm bẵm, giờ cho đi học em lo ngay ngáy. Cần làm gì để tăng cường sức đề kháng trước khi cho trẻ đi học? Bố mẹ nên dạy bé cách giữ vệ sinh cá nhân như thế nào ạ, thưa BS?

Việc này tùy thuộc vào mức độ tiếp thu của mỗi bé. Nếu trẻ quá nhỏ thì rất khó để dạy trẻ. Đối với trẻ lớn hơn, chúng ta có thể dạy trẻ những thói quen tốt như rửa tay, bố mẹ có thể làm gương thực hiện cùng con. Lấy ví dụ như khi dịch COVID-19 bùng phát thì vũ điệu rửa tay của bài “Ghen Cô Vy” tạo ra hiệu ứng rất tốt với trẻ nhỏ. Đó là cách làm rất sinh động để tập cho trẻ thói quen cần thiết.

Đồng thời, chúng ta nên tập cho cháu thói quen đeo khẩu trang đúng cách. Việc lựa chọn cho trẻ những chiếc khẩu trang vải có màu sắc, họa tiết sinh động giúp trẻ thích thú và dễ dàng tiếp nhận thói quen này hơn.

Các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý trong việc dọn vệ sinh nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, tập cho các cháu thói quen sắp xếp đồ chơi sau khi chơi xong. Điều này giúp giảm thiểu khả năng mắc bệnh và cũng đem lại nhiều mặt tích cực cho trẻ.

Ngoài ra, nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, chủng ngừa đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng và bổ sung các mũi tiêm ngừa cúm, phế cầu sẽ giúp trẻ có sức đề kháng tốt, phòng chống được bệnh hô hấp và nhiều bệnh khác.

Tiêm ngừa đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và chủng ngừa thêm cúm, phế cầu là một trong những giải pháp quan trọng phòng tránh các bệnh hô hấp cho trẻ (Ảnh minh họa)

6. Bác sĩ ơi, bé nhà em mới đi học nhưng lại ho có đờm nhẹ do thay đổi thời tiết, đi khám rồi nhưng BS bảo không sao hết, về chăm sóc và theo dõi thêm thôi. Em thấy trên thị trường có loại thuốc ho cho trẻ tên CozzIvy của Dược Hậu Giang và đang muốn mua để trên lớp nhờ cô cho bé dùng.

Xin hỏi BS, mình có dùng được cho trẻ nhỏ bị ho có đờm không ạ? Liều dùng và những lưu ý bố mẹ cần biết khi sử dụng CozzIvy? Rất mong được bác sĩ hướng dẫn.

Chào bạn,

Theo tôi được biết thuốc ho CozzIvy của Dược Hậu Giang là một loại thuốc có dẫn xuất từ dược thảo an toàn, đó là lá thường xuân. Đây là loại thảo dược thường được sử dụng ở các nước phương Tây, châu Âu, đã được chứng minh hiệu quả trong các trường hợp ho có đờm ở trẻ em.

Ngoài việc giảm ho, qua một số công trình nghiên cứu lá thường xuân còn có tác dụng giúp việc làm loãng đờm tốt hơn, kháng viêm, giãn phế quản, từ đó tống xuất đờm dễ dàng hơn.

Như vậy, khi trẻ bị ho có đờm, việc sử dụng CozzIvy với thành phần lá thường xuân cũng phù hợp. Theo thông tin từ nhà sản xuất, thuốc này có thể sử dụng cho trẻ nhỏ từ 1 tuổi trở lên. Với liều lượng khuyến cáo nếu bé dưới 5 tuổi nên uống nửa muỗng cà phê (2,5ml) 1 lần và 3 lần 1 ngày. Còn bé trên 5 tuổi trở lên thì 1 lần sử dụng 5ml, 3 lần 1 ngày.

7. Khi trẻ bị bệnh đường hô hấp thì có nhất thiết phải kiêng những loại thực phẩm nào không thưa BS?

Chúng tôi có thấy một số cha mẹ kiêng ăn kiêng uống cho con, thậm chí là kiêng sữa khi trẻ bị ho. Điều này là hoàn toàn không đúng. Bởi, không có bằng chứng nào chứng minh kiêng ăn một số món sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn. Ngược lại, người ta chứng minh được rằng khi các cháu ăn uống đầy đủ dưỡng chất thì sẽ giúp trẻ có sức khỏe để vượt qua bệnh tật dễ dàng hơn. Vậy nên chúng ta không nên kiêng ăn.

8. Những ngày đầu con đi học mẫu giáo, các bậc phụ huynh cần trao đổi với cô giáo, người phụ trách trẻ những thông tin gì thưa BS?

Mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và y tế là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, nhất là với trẻ mắc một số bệnh đặc biệt, như hen suyễn chẳng hạn. Do đó, cha mẹ cần trao đổi với giáo viên khi đưa trẻ đến trường để xử lý tốt những tình huống đặc biệt xảy ra. Ví dụ, nếu cháu bị bệnh hen suyễn thì cần thông báo để giáo viên sắp xếp sinh hoạt, vận động hợp lý với tình trạng sức khỏe của trẻ.

Như vậy, tốt nhất là cha mẹ phải thông báo với giáo viên về tình trạng bệnh, triệu chứng, loại thuốc và cách xử trí khi phát bệnh của các cháu nếu trẻ có mắc một số bệnh mạn tính. Ngoài ra, nếu các cháu có dị ứng với thức ăn thì gia đình cũng cần phải thông báo với nhà trường để tránh tình huống dị ứng đáng tiếc xảy ra.

9. Thưa BS, từ khi sinh ra, hệ hô hấp của bé nhà em đã yếu hơn những đứa trẻ bình thường khác, nên chỉ cần nhiễm lạnh hoặc đi học là y như rằng, con tái phát bệnh ngay. Nặng nhất là con hay bị “tắc” mũi, thở khò khè. Vậy làm sao có thể cải thiện vấn đề này cho cháu ạ?

Để sống khỏe cần có 2 yếu tố: Sức đề kháng cơ thể tốt và Môi trường sống tốt. Nếu cơ thể có sức đề kháng yếu và môi trường sống không thuận lợi thì việc trẻ dễ nhiễm bệnh và tái phát nhiều lần là có khả năng xảy ra.

Trẻ em dưới 5 tuổi có hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ nên trung bình mỗi năm có thể nhiễm bệnh thông thường từ 5-8 lần. Đây là vấn đề phổ biến chứ không phải riêng ở một số trẻ.

Để tăng sức đề kháng cho trẻ, chúng ta cần lưu ý:

- Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ ngay khi mới chào đời, chứ không phải chờ đến khi đi học. Cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ (ít nhất là 6 tháng đầu) vì khi đó trẻ sẽ nhận được nguồn kháng thể dồi dào từ người mẹ. Điều này giúp trẻ giảm thiểu việc mắc các chứng bệnh nguy hiểm và để lại di chứng ngay từ khi còn bé.

- Ngoài việc thực hiện đầy đủ lịch tiêm ngừa mở rộng thì cần cho trẻ chủng ngừa thêm 2 loại cúm và phế cầu. Đây là 2 loại chính gây ra các bệnh về đường hô hấp.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những tác nhân gây hại từ môi trường. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, tránh khói bụi để giảm thiểu tác nhân gây bệnh cho trẻ.

Đặc biệt, cần tránh tình trạng trẻ hít khói thuốc lá thụ động. Việc này làm trẻ tăng gấp đôi nguy cơ sưng phổi, viêm tai giữa so với trẻ bình thường, khi mắc các bệnh như viêm phế quản cũng khiến trẻ dễ bệnh nặng và dễ gặp biến chứng hơn. Không nên để trẻ hít phải khói bụi từ việc nấu bếp than củi.

Ngoài ra, khi thời tiết giao mùa cơ thể trẻ chưa kịp thích ứng kịp thì chúng ta cần biết cách bảo vệ trẻ để tránh việc nhiễm bệnh.

Kính mời quý độc giả cùng đón xem những nội dung tiếp theo trong chuyên đề https://alobacsi.com/benh-ho-o-tre-em/

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X