Hotline 24/7
08983-08983

Loãng xương có thể dẫn đến gãy xương, tăng tỷ lệ tử vong 2-3 lần

Loãng xương có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt ở người cao tuổi như vấn đề gãy xương. Loãng xương còn làm tăng tỷ lệ tử vong, là gánh nặng cho y tế, gia đình. Đó là chia sẻ của PGS.TS.BS Võ Thành Toàn - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất.

1. Loãng xương là tình trạng không đảm bảo về khối lưng, chất lượng xương

Loãng xương là tình trạng như thế nào?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Nói về xương là nói về khối lượng và chất lượng, loãng xương nghĩa là tình trạng không đảm bảo về khối lượng hoặc chất lượng của xương. Do đó, nếu không đảm bảo về khối lượng hoặc chất lượng hoặc cả hai không đảm bảo, đó được gọi là tình trạng loãng xương.

2. Loãng xương do đâu?

Nguyên nhân nào dẫn đến loãng xương? BS nhận thấy đâu là nguyên nhân phổ biến?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Nguyên nhân loãng xương được chia làm 2 loại:

Loãng xương nguyên phát là quá trình tiến triển của hệ thống xương khớp diễn ra, ví dụ như một quá trình lão hoá của cơ thể, mất cân đối giữa quá trình tạo xương và hủy xương, gây nên tình trạng loãng xương, hay những người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh sẽ xuất hiện loãng xương.

Loãng xương thứ phát, là sau một số bệnh lý mắc phải hoặc một số trường hợp sử dụng thuốc không đúng chỉ định, không hợp lý sẽ dẫn đến loãng xương thứ phát. Ví dụ, trong một số trường hợp, bệnh nhân cắt dạ dày, bệnh nhân bị bệnh về gan, sử dụng corticoid không đúng chỉ định và liều lượng cũng dẫn đến tình trạng loãng xương thứ phát.

Trên thực tế lâm sàng, các bác sĩ đều gặp cả hai trường hợp loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.

3. Theo WHO từ 2025 - 2030, 1/3 dân số Việt Nam bước vào độ tuổi lão hóa

Loãng xương gây ra những hậu quả thế nào mà trên thế giới xem đây là vấn về y tế và cả xã hội, thưa BS?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Trên thế giới và Việt Nam đã tiên lượng rằng, trong khoảng thời gian từ 2025 đến năm 2030, dân số sẽ già đi rất nhanh, đặc biệt là tại Việt Nam. Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới và các hiệp hội khác thấy rằng, khoảng năm 2025 đến 2030, khoảng 1/3 dân số tại Việt Nam sẽ bước vào độ tuổi lão hóa.

Do đó, loãng xương đang trở thành vấn đề của toàn cầu với hai lý do: thứ nhất, số lượng người già hóa càng tăng, loãng xương xảy ra càng nhiều; thứ hai, loãng xương là một bệnh lý rất âm thầm, tiến triển có rất ít dấu hiệu trên lâm sàng nếu không để ý, do đó, có thể gọi loãng xương là “kẻ thù thầm lặng” nếu không quan tâm và trang bị đầy đủ kiến thức sẽ rất dễ dẫn tới những nguy cơ cao trong các vấn đề bệnh lý loãng xương gây ra.

4. Loãng xương làm tăng tỷ lệ tử vong từ 2-3 lần

Nam giới hay nữ giới bị loãng xương nhiều hơn?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Nhiều người vẫn nghĩ đối với nữ có nên đo loãng xương hay không, đặc biệt là đối với phụ nữ mãn kinh. Tuy nhiên, loãng xương xảy ra do quá trình, và với nam giới, không tránh khỏi vấn đề lão hóa, nên nam giới vẫn bị loãng xương, nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn so với nữ giới.

Nguy cơ loãng xương có thể gây ra là gãy xương do loãng xương, dẫn tới tử vong, một gánh nặng đối với y tế, xã hội và gia đình. Bên cạnh đó, loãng xương cũng làm tăng tỷ lệ tử vong lên 2-3 lần tùy theo các nghiên cứu khác nhau trên thế gới.

5. Loãng xương tiến triển thầm lặng, ít dấu hiệu lâm sàng

Hiện nay, loãng xương được phát hiện qua dấu hiệu và phương tiện nào, thưa BS?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Loãng xương là bệnh lý tiến triển thầm lặng, từ từ, đối với quá trình lão hoá, thì loãng xương diễn ra rất âm thầm và ít có dấu hiệu lâm sàng.

Dấu hiệu chỉ xuất hiện trên lâm sàng khi đi kèm với các vấn đề khác như loãng xương kèm thoái hóa, các triệu chứng bao gồm: đau, nhức, mỏi, đau các đầu xương do thoái hóa hoặc có người bệnh chỉ cần tác động nhỏ, dùng lực nhỏ cũng có thể gây gãy xương, lúc này, bệnh nhân sẽ phát hiện bản thân đã bị loãng xương.

Vì vậy, việc theo dõi trên lâm sàng hết sức quan trọng. Trên thế giới đã đưa ra nhiều mô hình khác nhau để dự đoán về tình trạng gãy xương do loãng xương. Ví dụ như mô hình FRAX và các mô hình khác.

Hiện nay có nhiều chỉ số dùng để chẩn đoán mức độ loãng xương, tuy nhiên, chỉ số được cả thế giới công nhận và được nhiều chuyên gia áp dụng nhất là mô hình đo mật độ loãng xương bằng máy DEXA toàn thân, bằng tia X của X-quang kép toàn thân để đo loãng xương toàn thân bệnh nhân.

Có 3 vị trí quan trọng nhất là cột sống thắt lưng, cổ xương đùiđầu dưới xương quai.

6. Loại máy đo loãng xương không phù hợp làm tăng sai số lên rất nhiều

Nhiều người đặt ra câu hỏi, có rất nhiều máy đo loãng xương lưu động, vậy liệu kết quả quả những chiếc máy đo này có đung không, thưa BS?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Đây là trường hợp thường gặp và sẽ đo vào gót chân của bệnh nhân hay một số vị trí khác. Những chiếc máy lưu động này không dùng nguyên lý DEXA, do đó, chỉ số sai số rất nhiều.

Thậm chí, hiện nay khi dùng máy DEXA vẫn có sai số vì nhiều lý do khác nhau.

Ví dụ, đối với những bệnh nhân thoái hóa khớp, các sai số rất nhiều, nếu không có kinh nghiệm về đo hay tính toán, vẫn có thể dẫn đến sai lầm, một bệnh nhân loãng xương nhưng cho ra chỉ số như bệnh nhân bình thường. Do đó, những chiếc máy không phù hợp sẽ làm tăng chỉ số sai số lên rất nhiều.

7. X-quang DEXA, xét nghiệm, chẩn đoán loãng xương tại Bệnh viện Thống Nhất

Tại Bệnh viện Thống Nhất có những lợi thế gì trong việc chẩn đoán và điều trị loãng xương cho bệnh nhân, thưa BS?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Bệnh viện Thống Nhất là một trong những bệnh viện lão khoa, với số lượng lão khoa hàng đầu tại khu vực phía Nam và Việt Nam hiện nay, do đó, bệnh viện có nhiều kinh nghiệm về các bệnh lý lão khoa nói chung và bệnh loãng xương.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Thống Nhất đều được tham gia kháo huấn luyện khóa đào tạo về điều trị, chấn đoán các bệnh lý lão khoa. Do đó, việc bỏ sót các vấn đề bệnh lý lão khoa, trong đó có loãng xương là rất thấp, ý thức của bác sĩ luôn đề cao vấn đề này để tránh bỏ sót các vấn đề của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Thống Nhất đã trang bị máy đo X-quang bằng DEXA, đo loãng xương toàn thân và hiện tại đang hoạt động rất tốt, do đó, các bác sĩ tại bệnh viện có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, bệnh viện còn có một hệ thống xét nghiệm, đo các chỉ số về canxi ion lẫn canxi toàn phần trong máu và các chỉ số khác giúp các bác sĩ có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề loãng xương để đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.

8. Lười vận động có thể dẫn đến loãng xương

Hiện nay, khi người bị loãng xương đến bệnh viện Thống Nhất, họ sẽ được điều trị bằng những phương pháp nào, thưa BS?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Đối với một bệnh lý nói chung bao gồm loãng xương, sẽ có 2 phương pháp: phương pháp không dùng thuốc và phương pháp dùng thuốc.

Cần chẩn đoán, theo dõi, khi phát hiện loãng xương, cần xác định loãng xương loại nào (nguyên nhân thứ phát hay nguyên nhân nguyên phát). Đối với nguyên nhân thứ phát, cần điều trị các bệnh lý về nguyên nhân này.

Còn với nguyên nhân nguyên phát, sẽ  điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc, thay đổi hành vi, lối sống. Có những trường hợp nguyên nhân đơn thuần là lười vận động, lối sống bận rộn, ít vận động có thể làm bệnh nhân loãng xương; ngại tiếp xúc ánh nắng mặt trời sẽ gây loãng xương do thiếu vitamin D…

Có những trường hợp cần thiết phải điều trị, tùy theo mức độ loãng xương và tùy theo đánh giá trong chẩn đoán sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau.

Về điều trị, hiện có cả đường uống và đường truyền, tùy theo những bệnh nhân khác nhau để có chỉ định tối ưu nhất cho bệnh nhân.

9. Bổ sung canxi quá nhiều ảnh hưởng hệ thống tim mạch và xương khớp

ý kiến cho rằng tình trạng thiếu canxi rất nhiều, vì vậy, có thể bổ sung canxi thoải mái mà không cần lo lắng vấn đề dư thừa, theo BS quan điểm này thế nào?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Canxi là thuốc, bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng mong muốn và tác dụng không mong muốn, do đó, không thể dùng nếu không có chỉ định.

Đối với người Việt Nam, thuộc xứ nắng nhiều, có nhiều vitamin D, con người vận động nhiều, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả bệnh nhân đều cần bổ sung canxi hoặc vitamin D, phải dựa vào mức độ canxi ion, vitamin D và mức độ loãng xương của bệnh nhân để có mức độ bổ sung phù hợp.

Theo nghiên cứu cho thấy, nếu bổ sung canxi quá mức sẽ gây ra nhiều tác hại không mong muốn lên hệ thống tim mạch và thậm chí gây hại đến hệ thống xương khớp khi việc bổ sung phản tác dụng.

Tương tự với các trường hợp điều trị loãng xương, nếu điều trị kéo dài và điều trị quá chỉ định, có thể gây nên tình trạng gãy xương do dùng quá nhiều thuốc chống loãng xương.

10. Không gian nhà thoáng mát giúp người cao tuổi bổ sung vitamin D từ nắng sớm

Thưa BS, khi gia đình có một người cao tuổi bị loãng xương, nên bố trí nhà cửa như thế nào phù hợp nhất?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Việt Nam là quốc gia khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, việc thoáng mát để có ánh nắng mặt trời chiếu vào khử khuẩn và giúp người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi có thể tiếp xúc ánh nắng buổi sáng, khi tia cực tím ít là điều quan trọng trong việc bổ sung vitamin D, bên cạnh đó, cần quan tâm thêm về chế độ ăn uống, vận động phù hợp.

Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là người lớn tuổi còn có các bệnh lý đồng mắc khác, do đó, rất dễ té ngã và mất cảm giác. Việc an toàn cho người bệnh ở nhà để tránh té ngã từ mặt sàn, cầu thang, vật dụng khác, đòi hỏi từng bệnh nhân và tùy bệnh đồng mắc để có các phương pháp điều trị và hướng dẫn vận động phù hợp cho bệnh nhân.

11. Nâng cao ý thức, hợp tác giữa bác sĩ và bệnh nhân trong phòng ngừa loãng xương

Nhờ BS đưa ra lời khuyên, nên phòng ngừa tình trạng loãng xương như thế nào ạ?

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn trả lời: Việc điều trị phòng ngừa loãng xương không phải trách nhiệm của mỗi bác sĩ mà còn do ý thức của từng người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi. Cần có ý thức, bởi vì, việc phòng ngừa vô cùng quan trọng, nếu để xảy ra gãy xương do loãng xương sẽ vô cùng tai hại, dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau và có thể không giữ được mạng sống.

Vì vậy, cần nâng cao ý thức phòng ngừa trong cộng đồng, sự hợp tác giữa bác sĩ và bệnh nhân để giúp các cô/chú/bác có cuộc sống khỏe mạnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X