Loãng xương biến chứng phải ngồi xe lăn, người phụ nữ đã đi lại được nhờ điều trị tốt
Nữ bệnh nhân sinh năm 1958 (ở Ninh Thuận) đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thăm khám trong tình trạng đau nhức, không thể tự đi lại phải ngồi xe lăn. Qua kiểm tra đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA và chụp MRI phát hiện loãng xương nặng gây biến chứng gãy nứt không hoàn toàn cổ xương đùi phải. Sau một năm tuân thủ điều trị, giờ đây bà đã tự đi lại bình thường.
Cách đây 1 năm, bệnh nhân tới khám vì bị đau vùng hông đùi sau khi bị trượt chân va chạm nhẹ, đi lại không được phải ngồi xe lăn. Bác sĩ kiểm tra phát hiện bệnh nhân gãy xẹp cũ đốt sống L3, đau khớp háng, kết quả chụp MRI là gãy nứt không hoàn toàn cổ xương đùi phải. Bệnh nhân được chẩn đoán loãng xương nặng biến chứng gãy xương, có chỉ định dùng thuốc điều trị loãng xương đường tĩnh mạch nhưng do bệnh nhân nhà xa, và có tình trạng sốt do nhiễm trùng hô hấp trên nên việc truyền thuốc tạm thời trì hoãn để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
Bệnh nhân được bác sĩ cho thuốc giảm đau và điều trị tích cực nhiễm trùng hô hấp. Sau 1 tuần tình trạng nhiễm trùng ổn định, bệnh nhân không lên tái khám được, bác sĩ tư vấn qua điện thoại, bắt đầu được diều trị thuốc loãng xương uống theo phác đồ.


Sau 1 năm tuân thủ điều trị tốt, bệnh nhân đã cải thiện được khả năng đi lại, sức khỏe ổn định hơn. BS.CK1 Lê Thị Mai - Khoa Nội Cơ Xương Khớp cho biết hiện tại bệnh nhân chỉ cần duy trì phác đồ điều trị trong vòng 5 năm, đồng thời cứ mỗi 2 năm người bệnh sẽ được đo đánh giá mật độ xương để theo dõi đáp ứng điều trị.
Bác sĩ cho biết thêm, cách đây 1 năm nếu trường hợp bệnh nhân không đến thăm khám, chắc chắn cô sẽ bị gãy cổ xương đùi, biến chứng này tương tự như một tai biến mạch máu não trong nội thần kinh hoặc nhồi máu cơ tim trong tim mạch.
Hiện nay, tỷ lệ loãng xương tại Việt Nam đang gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Ở độ tuổi trên 50, tỷ lệ loãng xương tăng đáng kể, chiếm khoảng 60 – 70 %, đặc biệt cao ở phụ nữ mãn kinh. WHO khuyến cáo nữ từ 65 tuổi và nam từ 70 tuổi nên đo mật độ xương thường quy. Những trường hợp nên đo loãng xương sớm hơn nếu có yếu tố nguy cơ như: phụ nữ sau mãn kinh, nam giới hút thuốc lá, uống rượu nhiều, bị một số bệnh mạn tính hay uống một số loại thuốc ảnh hưởng tới xương.
Có nhiều nguyên nhân gây loãng xương. Loãng xương nguyên phát thường liên quan đến lão hóa và thay đổi nội tiết, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh.
Loãng xương thứ phát do các yếu tố và bệnh lý khác ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa xương. Các nguyên nhân phổ biến như thiếu hụt dinh dưỡng (thiếu canxi và vitamin D), sử dụng một số loại thuốc kéo dài như: heparin, corticosteroid, thuốc chống động kinh. Ngoài ra một số bệnh gây ra loãng xương như cường giáp, cushing, đái tháo đường, bệnh gan mạn tính, viêm khớp dạng thấp, bệnh đa u tủy xương, bệnh bạch cầu, u lympho…

Trường hợp bệnh nhân trên là loãng xương nguyên phát gặp ở nữ giới độ tuổi mãn kinh, nam giới lớn tuổi. Bệnh loãng xương khởi phát và diễn tiến thầm lặng, khi có triệu chứng đau là bệnh đã diễn tiến nặng biến chứng gãy xương. Những biến chứng có thể xảy ra là gãy cổ xương đùi, gãy xương đốt sống, gây tàn phế cho bệnh nhân và gánh nặng rất lớn cho gia đình xã hội. Lúc này điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.
Nếu tầm soát sớm từ độ tuổi mãn kinh (trên 50 tuổi), phát hiện kịp thời tình trạng thiếu xương, khi đó bác sĩ chỉ chỉ định bổ sung canxi, vitamin D tích cực, chưa cần truyền hay uống thuốc loãng xương sẽ giúp giảm chi phí cho người bệnh và phòng tránh biến chứng gãy xương do loãng xương.
Mục đích của điều trị loãng xương là không phải đưa mật độ xương về bình thường như người trẻ mà là phòng ngừa gãy xương/ phòng ngừa gãy xương tái phát. Còn thời gian điều trị loãng xương là 5 năm đối với uống và 3 năm đối với phương pháp truyền thuốc (mỗi năm truyền một chai). Sau thời gian điều trị liên tục từ 1,5 năm tới 2 năm bác sĩ sẽ đo mật độ xương để đánh giá đáp ứng điều trị.
BS.CK1 Lê Thị Mai khuyến cáo, để phòng ngừa loãng xương cần bổ sung canxi ngay từ trong bụng mẹ. Với nhu cầu của người lớn tuổi, có bệnh loãng xương cần bổ sung 1200 – 1500 mg canxi/ngày, ưu tiên bổ sung từ thực phẩm để giúp hấp thu tốt, tránh gây biến chứng sỏi thận nếu uống thuốc bổ sung canxi không đúng cách.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình