Hotline 24/7
08983-08983

Loại bỏ nguy cơ “chết ngạt trên cạn” cho cụ bà 72 tuổi do ho ra máu

Cụ bà D.T.S, 72 tuổi, vừa được các bác sĩ tiến hành thực hiện thủ thuật nút mạch phế quản, chấm dứt tình trạng ho ra máu - một tình huống bệnh lý không hiếm gặp nhưng lại dễ lầm lẫn bỏ sót, có thể chuyển biến nặng nề thêm nếu không điều trị đúng cách.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa tiếp nhận một bệnh nhân 72 tuổi trong tình trạng nặng ngực, ho ra máu, dù đã điều trị nội khoa, cầm máu và sử dụng các thuốc hỗ trợ nhưng tình trạng không cải thiện, thường xuyên tái phát.

Qua thăm khám ghi nhận bệnh nhân có tiền sử bệnh lao phổi, giãn phế quản và đang sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu do đã được đặt stent mạch vành trước đây. Với tiền sử bệnh phức tạp và có sự phối hợp của nhiều bệnh lý đi kèm, các bác sĩ tại đây đã hội chẩn nhiều lần, sau đó đi đến quyết định chỉ định cho bệnh nhân thực hiện thủ thuật nút mạch phế quản cầm máu.

“Qua các kết quả cận lâm sàng, bác sĩ xác định được các động mạch tổn thương là các động mạch liên sườn bên phải cùng bên và các động mạch phế quản thùy trên và thùy giữa. Sau khi làm thủ thuật, không còn thấy tình trạng bị chảy máu qua các mạch máu bị tổn thương nữa.

Khi thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, thời gian tiến hành chỉ mất khoảng 60 phút. Cho đến nay, tình trạng ho ra máu của bệnh nhân được chấm dứt hoàn toàn. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện trong 2-3 ngày tới” - ThS.BS Nguyễn Đào Nhật Huy - Đơn vị can thiệp DSA - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ nói.

Hình ảnh sau can thiệp. Ảnh: BVCC

Cụ bà D.T.S vui mừng cho biết: “Lúc trước tôi thỉnh thoảng vẫn ho ra máu vì từng bị bệnh lao năm 2000, đã điều trị nhiều nơi, có thuyên giảm. Nhưng lần ho ra máu này nhiều và rất mệt. Sau khi được bác sĩ làm thủ thuật, tôi không còn ho ra máu nữa và thấy cơ thể khỏe hơn 50% so với trước đây”.

2. Ho ra máu: Cảnh báo bệnh lý từ tim đến phổi, chấn thương

Chia sẻ thêm về ho ra máu, ThS.BS Nguyễn Đào Nhật Huy cho biết, đây là tình trạng không hiếm gặp nhưng lại dễ nhầm lẫn và bị bỏ sót, bởi thường liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có các bệnh tại phổi như lao phổi, nấm phổi, áp xe phổi, ung thư phế quản - phổi, tắc mạch phổi, dị dạng mạch phổi, dị vật đường hô hấp dưới, giãn phế quản…

Ngoài ra, ho ra máu có thể là biến chứng của các thủ thuật thực hiện khi nội soi phế quản, cảnh báo bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, tăng áp động mạch phổi), chấn thương (đụng dập lồng ngực, gãy xương sườn...).

Ho ra máu nếu không điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Vì vậy, vị chuyên gia khuyến cáo, khi xuất hiện triệu chứng này người bệnh nên đi khám để làm các thăm dò chẩn đoán và điều trị sớm. Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, nguyên nhân gây ho ra máu mà người bệnh có thể lựa chọn điều trị tại nhà hay đến bệnh viện.

ThS.BS Nguyễn Đào Nhật Huy - Đơn vị can thiệp DSA - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Việc điều trị ho ra máu cơ bản là điều trị nội khoa. Nếu ho ra máu nặng và kéo dài thì phải nội soi phế quản cầm máu, cắt thùy phổi, phẫu thuật để kẹp cầm máu, thắt động mạch... nhưng đây đều là những thủ thuật phức tạp.

Hiện nay, nhờ sự tiến bộ của y học, các bác sĩ đã thực hiện thành công phương pháp điều trị ho bằng nút động mạch phế quản (bronchial artery embolization). Đây là phương pháp can thiệp nội mạch được cho là “xâm lấn tối thiểu”, mang lại hiệu quả cao, hạn chế các biến chứng và mang lại sự an toàn cho người bệnh.

Theo ThS.BS Nguyễn Đào Nhật Huy, nút động mạch phế quản là thủ thuật được thực hiện nhờ tăng sáng của “máy chụp mạch máu kỹ thuật số xoá nền” - DSA trong phòng chụp mạch máu. Với thủ thuật này bác sĩ sẽ luồn một ống thông từ vùng đùi lên động mạch chủ rồi luồn chọn lọc vào động mạch phế quản dưới sự hướng dẫn của màn hình tăng sáng.

“Sau khi bơm thuốc cản quang chụp hình động mạch phế quản, xác định nhánh động mạch phế quản thương tổn gây ho ra máu. Bác sĩ X-quang can thiệp sẽ tiếp luồn một ống thông nhỏ hơn (microcatheter) vào lòng ống thông trên trực tiếp vào nhánh tổn thương. Sau đó chụp hình nhánh động mạch tổn thương để xác định chắc chắn vị trí cần bơm thuốc tắc mạch, bơm các hạt tắc mạch nhỏ có đường kính 0.3mm-0.5mm vào lòng động mạch để gây nghẽn mạch máu.

Khi kết thúc thủ thuật, các ống thông được rút bỏ ngay, vùng đùi sẽ được băng ép để tránh chảy máu nơi đã luồng ống vào động mạch. Thời gian của thủ thuật kéo dài khoảng từ 60 phút đến 90 phút. Trong suốt thời gian thủ thuật, bệnh nhân không cần phải được gây mê, chỉ cần tiêm khoảng 5ml thuốc tê vào tại vùng bẹn” - ThS.BS Nguyễn Đào Nhật Huy cho biết.

Sau thủ thuật 2 giờ, bệnh nhân có thể ăn uống trở lại. Đồng thời, có thể đi đứng và trở về sinh hoạt bình thường sau 18 giờ và được xuất viện sau 3 ngày.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X