Hotline 24/7
08983-08983

Liệu tiêm vắc xin Vero Cell có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt?

AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch ngày 9/9 tiếp nhận thắc mắc ít gặp về tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đó là ra huyết giữa chu kỳ kinh, bạn đọc khác thì khô cổ họng và cảm giác như mắc nghẹn; tiêm vắc xin mũi 1 bị bầm trên cánh tay...

1. Tiêm vắc xin Vero Cell có làm chậm kinh nguyệt không?

Hương Giang: Dạ AloBacsi cho tôi xin phép hỏi ạ. Tôi tiêm vắc xin Vero Cell vào ngày 5/9 đến chiều ngày 6/9 tôi có hiện tượng ra máu giữa chu kỳ, lượng máu ít và dai dẳng. Chu kỳ kinh nguyệt của tôi là 30 ngày. Ngày bắt đầu kỳ kinh tháng trước là 19/8.

Bác sĩ cho tôi hỏi đây có phải hiện tượng bất thường hay chỉ là tác dụng phụ sau tiêm ngừa COVID-19? Và có ảnh hưởng đến việc mang thai sau này không ạ? Vì tôi đọc trên mạng cũng có tài liệu nghiên cứu rằng phụ nữ bị thay đổi chu kỳ kinh nguyệt sau tiêm vắc xin COVID-19. Rất mong chờ lời tư vấn từ AloBacsix ạ. Tôi cảm ơn các bác sĩ ạ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn: Chào bạn. Theo hướng dẫn theo dõi tác dụng phụ của việc tiêm Vero Cell có ghi nhận là chậm kinh.

Trường hợp của bạn là ra huyết giữa kỳ kinh, có khả năng không liên quan đến tiêm chủng, thường do thay đổi nồng độ nội tiết trước rụng trứng.

Đa số sẽ tự ổn, chỉ cần hoạt động nhẹ nhàng, hạn chế chất cay, kích thích.

Nếu ra nhiều hay kéo dài có thể uống cầm máu và chống viêm non-steroids như Cataflam…Nếu ra huyết cục kéo dài trên 7 ngày thì nên khám chuyên khoa phụ khoa!

2. Sau tiêm vắc xin mũi 1 bị bầm trên cánh tay, muốn tiêm mũi 2 cần chú trọng điều gì?

Diem Pham: Bác sĩ cho tôi hỏi. Tôi bị dị ứng vắc xin ở liều 1 Moderna (nổi mẩn đỏ, bầm trên cánh tay tiêm và có triệu chứng tê toàn thân). Hiện giờ vết nổi mẩn đỏ đã hết và tình trạng tê buốt cũng đã giảm.

Nay tôi muốn tiêm liều 2 thì tôi phải nên chú trọng điều gì, tôi có cần thử máu để biết tình trạng của mình trước khi tiêm liều 2 không? Nhờ BS tư vấn giúp tôi nơi đăng ký xét nghiệm máu tại nhà uy tín để tôi làm xét nghiệm trước khi tiêm. Xin cám ơn bác sĩ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn, nổi mẩn đỏ tại vị trí tiêm là phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin COVID-19.

Theo kinh nghiệm nhiều người chia sẻ thì thường tiêm lần 2 sẽ “êm” hơn, ít phản ứng hơn lần 1 nên bạn cũng không nên lo lắng quá.

Hiện tại TPHCM nhiều nơi không tiếp tục dịch vụ lấy máu tại nhà nữa. Bạn nên đến trực tiếp bệnh viện nhé, có thể đặt hẹn qua app của BV Đại học Y dược.

Nếu không sắp xếp đi khám được thì bạn thông báo triệu chứng của mũi 1 với bác sĩ khám sàng lọc trước khi chích mũi 2 cũng được, bác sĩ sẽ đánh giá giúp bạn nên tiêm luôn hay chuyển sang tiêm ở bệnh viện.

3. Nhờ bác sĩ tư vấn thuốc và bài tập để hết đau thần kinh tọa?

Quang Vo: Chào bác sĩ, tôi bị đau thần kinh tọa, uống thuốc đông - tây y đều có nhưng nhiều lúc đi nhiều nó chèn dây thần kinh rất đau hai mông sau và hai đùi sau. Nhờ bác sĩ tư vấn thuốc uống, cả bài tập. Rất cảm ơn bác sĩ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn, bạn nên tái khám để được bác sĩ kiểm tra lại tình trạng bệnh, kê thuốc và hướng dẫn tập vật lý trị liệu nhé. Cả 3 vấn đề này không thực hiện qua chat được ạ.

Vấn đề quan trọng bạn đang thiếu đó là vật lý trị liệu. Nếu bạn được tập sớm và tập đúng thì có thể bạn không cần phải uống quá nhiều loại thuốc như vậy.

Bạn nên đến trực tiếp bệnh viện có khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng để được BS hướng dẫn, sau đó về nhà tự tập.

Trường hợp dây thần kinh chèn ép nhiều, điều trị nội khoa không cải thiện, có thể có chỉ định phẫu thuật.

4. Tiêm vắc xin có ảnh hưởng đến bệnh rối loạn thần kinh tim?

Nguyet Anh: Bác sĩ ơi cho con hỏi nào giờ mình không đi khám, không biết trong người có bệnh nền hay không nhưng khi tiêm vắc xin Vero Cell rồi giờ mới biết có bệnh nền thì có sao không bác sĩ?

Con tiêm vắc xin Vero Cell về thì thấy tim đập nhanh và có đi khám ở phòng khám rồi uống thuốc. Ở đó chẩn đoán nhịp tim nhanh không xác định. BS nói là rối loạn thần kinh tim mà không biết có phải không, do chưa được xét ngiệm.

Lâu rồi con không khám tổng quát, con sợ trong cơ thể mình có bệnh nền gì mà mình không biết, lỡ tiêm vắc xin rồi giờ nếu có bệnh nền thì có ảnh hưởng gì không bác sĩ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Để chẩn đoán xác định có bệnh rối loạn thần kinh tim, bạn cần khám ở bệnh viện có chuyên khoa tim mạch mới được nhé. Vắc xin không ảnh hưởng đến bệnh nền trong trường hợp của bạn.

Mời bạn tham khảo: Rối loạn thần kinh tim nguyên nhân do đâu?

5. Ho sau tiêm vắc xin COVID-19, có nên uống paracetamol?

Phạm Giang: Dạ cho em hỏi chích vắc xin COVID-19 xong em bị ho nhẹ, em uống viên paracetamol được không ạ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào em, bị ho thì em uống thuốc ho thảo dược hoặc kẹo ngậm ho. Chừng nào sốt trên 38 độ hoặc đau đầu quá mới uống paracetamol.

6. Khô cổ họng, cảm giác như mắc nghẹn là biểu hiện bệnh gì?

Tươi Vo: Dạ cho phép em hỏi, em 39 tuổi, có bị viêm tá tràng ạ. Em bị khô cổ họng mà có cảm giác như mắc nghẹn ở cổ. Ăn uống bình thường. Vậy em bị gì và điều trị thế nào ạ? Dịch bệnh nên không đi khám được. Em nhờ bác sĩ tư vấn giúp ạ. Em cảm ơn.

Tổ tư vấn AloBacsi: Có thể bạn đang bị thêm trào ngược dạ dày thực quản, bệnh này cũng gây cảm giác nghẹn cổ. Tuy nhiên đây mới chỉ là phỏng đoán dựa trên những thông tin bạn cung cấp chứ chưa phải chẩn đoán.

Bạn tham khảo thêm: Tổng quan về trào ngược dạ dày thực quản: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Nếu có khó thở thì bạn cần test xem liệu có bị COVID-19 không nhé.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X