Làm sao để hết dau mỏi, tê nhức cổ tay?
Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giải đáp các vấn đề về đau mỏi, tê nhức cổ tay và giải pháp điều trị triệu chứng này.
1. Nguyên nhân nào gây đau, mỏi, tê nhức cổ tay?
Đau mỏi, tê nhức cổ tay là một trong những tình trạng thường gặp. Xin hỏi BS, đây là những dấu hiệu cảnh báo điều gì về sức khỏe ạ? Những nguyên nhân nào gây đau, mỏi, tê nhức cổ tay thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Cổ tay bao gồm gân cơ, xương, khớp, mạch máu thần kinh. Gân cơ là cơ quan khiến chúng ta bị đau nhất, kế tiếp là thần kinh, khớp. Đó là 3 cơ quan có thể gây đau cho chúng ta hoặc nhẹ sẽ gây mỏi.
Trong đó, gân cơ sẽ xảy ra rất nhiều trường hợp như viêm gân ngón tay cái; viêm gân duỗi, gân gấp các ngón tay, cổ tay. Đối với khớp sẽ có thoái hóa khớp, mặc dù so với những vị trí khác ví dụ như khớp gối, cột sống thì thoái hóa khớp cổ tay sẽ ít gặp hơn nhưng cũng có thể gặp. Thứ ba là thần kinh, người ta thường gọi là hội chứng ống cổ tay, đây là tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa gây ra cảm giác tê từ cổ tay lên các đốt ngón tay.
Đó là những bệnh lý gây ra tình trạng đau, mỏi, tê cổ tay. Những bệnh lý này có rất nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân do hoạt động hoặc công việc. Một số khác là do bệnh lý toàn thân, ví dụ như béo phì hoặc một số trường hợp do thay đổi sinh lý như có thai, bệnh lý tự miễn gây tình trạng viêm khớp.
2. Người làm công việc nào dễ bị đau, mỏi, tê cổ tay?
Những nhóm người hay làm những công việc này dễ gặp tình trạng này hơn ạ?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Không phải chỉ có công việc, mà cụ thể hơn là những động tác trong công việc, trong hoạt động hàng ngày.
Thứ nhất là những động tác phải cầm, nắm, xách đồ nặng trong công việc hàng ngày. Ví dụ như nấu ăn, động tác bê các dụng như như nồi, chảo lớn có thể gây viêm gân ở cổ tay. Như vậy, bệnh lý này sẽ thường gặp ở đầu bếp, những người hay bê đồ như shipper, những người hay quét dọn.
Ngoài ra, tình trạng viêm gân ở cổ tay, ngón tay cái xuất hiện ở phụ nữ sau sinh hoặc bà nội, bà ngoại chăm cháu nhỏ, thường xuyên bế em bé. Bên cạnh đó, người thường sử dụng kéo cắt nhiều như may vá, cắt trang trí đồ cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm gân ngón tay cái.
Một số công việc cũng có thể dẫn đến run cổ tay như những nghề thường sử dụng máy khoan, máy bắn, máy đầm dẫn đến tình trạng run cổ tay. Khi đó họ sẽ bị chấn thương ở thần kinh, ở gân cơ. Đó là những động tác trong công việc và sinh hoạt hàng ngày dẫn đến đau nhức cổ tay.
3. Phân biệt đau, mỏi, tê nhức cổ tay do sinh hoạt và do bệnh lý?
Đau mỏi, tê nhức cổ tay, khi nào là do thói quen sinh hoạt? Khi nào là báo hiệu bệnh lý cần đi khám ạ?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Giai đoạn đầu có thể là do thói quen nhưng khi kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương bệnh lý thực thể. Ví dụ, việc bế em bé hay cầm chảo nặng, giai đoạn đầu chỉ hơi đau, mỏi cổ tay nhưng nếu không để ý, dẫn đến vài tháng sau sẽ gây ra tình trạng viêm gân rõ và có những người không thể cử động các ngón tay hoặc cử động yếu.
Phân biệt giữa giai đoạn đau mỏi nhẹ nhàng đến tình trạng nặng hơn là bệnh lý thì khá mơ hồ. Có thể là giai đoạn đầu chỉ bị nhẹ do công việc và hoạt động hàng ngày nhưng nếu không để ý thời gian lâu sẽ chuyển thành bệnh lý. Thông thường, tình trạng đau mỏi kéo dài khoảng 2 tuần trở lên, khả năng cao nó đã trở thành bệnh lý, lúc đó chúng ta nên khám bác sĩ.
4. Đau mỏi cổ tay lan xuống các đốt ngón tay có bất thường?
Nhiều người không chỉ đau mỏi cổ tay mà còn lan xuống các đốt ngón tay. Điều này có bất thường, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tùy vào nguyên nhân tổn thương mà dẫn đến tình trạng đau xuống ngón tay hay không. Có những bệnh lý, đặc biệt là gân cơ hay về thần kinh sẽ lan xuống bàn tay hoặc ngón tay. Lý do là những gân đó sẽ di chuyển từ trên cẳng tay hoặc cổ tay và đi xuống dưới, dây thần kinh cũng vậy. Vì vậy khi bị viêm những vị trí đó, cơn đau sẽ đi từ trên xuống. Còn những trường hợp tổn thương khớp đơn thuần thì đa số chỉ đau một vị trí.
5. Đau mỏi cổ tay, người bệnh sẽ được kiểm tra bằng các xét nghiệm nào khi đến khám?
Trong trường hợp cần đi khám, người bệnh sẽ được kiểm tra bằng các xét nghiệm, kỹ thuật nào để chẩn đoán thưa BS? Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tình trạng đau-mỏi cổ tay, ngón tay có thể điều trị triệt để?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có nhiều trường hợp bác sĩ không cần phải thực hiện xét nghiệm, nhưng có những trường hợp phải xét nghiệm để chẩn đoán chính xác. Các trường hợp về gân, cơ, thần kinh, bác sĩ sẽ sử dụng đến phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Thường là chụp X-quang, siêu âm, các trường hợp phức tạp hơn bác sĩ sẽ chụp cộng hưởng từ (MRI), trường hợp có viêm khớp bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm máu để xác định có tình trạng viêm hay không. Đó là những xét nghiệm mà bác sĩ có thể thực hiện khi nghi ngờ mà không thể chẩn đoán thông thường sau thăm khám.
6. Các giải pháp và cách phòng tránh tình trạng đau mỏi khớp cổ tay và ngón tay
Cần tránh những động tác gì để giảm cảm giác đau mỏi khớp cổ tay và ngón tay? Với những người có công việc phải sử dụng cổ tay nhiều, liệu có cách nào giảm đau nhức, khó chịu?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đặc thù các công việc đó không thể nào tránh được, nhưng có thể giảm tác động lên cổ tay. Chúng ta có thể phân bố lực đều qua hai bên. Chú ý thực hiện khoảng nghỉ, khi một cánh tay chớm đau thì tập trung dồn lực qua bên còn lại sẽ tránh được tình trạng tăng nặng.
Ngoài ra, còn có những bài tập làm tăng sức cơ, thư giãn cơ, làm giảm tình trạng viêm. Song song đó, để tránh tình trạng viêm trở nặng, bạn có thể thực hiện biện pháp chườm lạnh khi có dấu hiệu đau.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình