Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong dịp lễ, du lịch?

Rối loạn tiêu hóa là hội chứng thường gặp ở trẻ trong những dịp lễ, du lịch, khi cha mẹ không chú trọng đến vấn đề ăn uống của con. Vậy làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa? Trường hợp nào cần đưa trẻ đến bệnh viện? Tất cả sẽ được BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hà - Nguyên Phó Giám đốc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Tùy từng độ tuổi trẻ có dấu hiệu cảnh báo rối loạn tiêu hóa khác nhau

Thưa BS, đâu là những dấu hiệu cảnh báo rối loạn tiêu hóa ở trẻ ạ? Các dấu hiệu này có khác nhau giữa có độ tuổi ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hà trả lời: Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng gồm nhiều triệu chứng. Đường tiêu hóa kéo dài từ miệng tới hậu môn, do đó, tất cả những dấu hiệu xảy ra ở các bộ phận này đều được gọi là rối loạn tiêu hóa như: nôn ói, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, táo bón,…

Tùy vào độ tuổi, người bệnh có các biểu hiện khác nhau. Do trẻ chỉ uống sữa, nên nếu việc chăm sóc ở nhà cẩn thận sẽ tránh được những vấn đề nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ thường có triệu chứng: đầy hơi, chướng bụng do chế độ ăn bố mẹ cung cấp không phù hợp.

Nhóm trẻ lớn hơn, bắt đầu tiếp xúc với môi trường bên ngoài, chơi và tiếp xúc trực tiếp với đất, tình trạng nhiễm trùng đường ruột gặp nhiều hơn do ngậm tay, ngậm đồ chơi. Các trẻ ở tuổi đến trường có thể lây bệnh khi tiếp xúc với nhau, ngộ độc thức ăn, các vấn đề liên quan đến sinh hoạt tập thể.

2. Làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa?

Chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa như thế nào? Tăng cường ăn những thực phẩm nào và hạn chế các loại thực phẩm nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hà trả lời: Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng, do đó, cần xem xét triệu chứng để chăm sóc đúng cách. Ví dụ, trẻ bị nôn, chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy,… sẽ được chăm sóc tùy theo triệu chứng.

Thông thường, các dịp lễ, cha mẹ không chăm chút vào khẩu phần bữa ăn, ngày giờ ăn của con bị thay đổi. Vì vậy, khi xảy ra các triệu chứng về rối loạn tiêu hóa, em bé cần được chăm sóc bằng các thức ăn dễ tiêu, chia làm nhiều bữa và cho con ăn những món quen thuộc hàng ngày như bột, cháo,… Tránh cho con ăn thức ăn mua ở hè phố, các loại thức ăn nhanh,… Điều này sẽ gây nguy cơ rối loạn tiêu hóa lớn cho trẻ.

3. Rối loạn tiêu hóa kèm sốt cao, ói ra máu, môi khô,… cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay

Rối loạn tiêu hóa, trường hợp nào không được chủ quan và phải đưa đến bệnh viện ngay?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hà trả lời: Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng nên đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Do đó, nếu bé bị rối loạn tiêu hóa kèm theo sốt cao không hạ, trẻ từ chối tất cả các món ăn kể cả sữa, cháo, ăn vào nôn ra, hoặc tiêu chảy nhiều, mất nước, môi khô,… cần đưa con đến cơ sở y tế ngay.

Ngoài ra, nếu con đi cầu ít nhưng có dấu hiệu ra máu, nôn ít kèm nôn ra máu hoặc bụng chướng to, căng,… cha mẹ bắt buộc phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.

4. Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa cho trẻ trong dịp lễ, du lịch bằng cách nào?

Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa trong những dịp khó kiểm soát việc ăn uống, chẳng hạn như những dịp lễ, du lịch… cho trẻ bằng cách nào, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hà trả lời: Đối với trẻ 2 - 3 tuổi trở lên, chế độ ăn của các con thoải mái hơn. Do đó, nếu về quê, cha mẹ có thể cho con dùng các loại thức ăn ở quê nhưng phải đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh và có nguồn gốc rõ ràng, tránh thức ăn ôi thiu.

Tuy nhiên, với nhóm trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn thức ăn cho bé. Có thể cho bé uống sữa, sử dụng bột ăn liền hoặc các loại bánh bỏ vào sữa tương đối an toàn với trẻ. Đặc biệt, nếu ở quê không có tủ lạnh bảo quản, trước khi cho trẻ dùng, cha mẹ nên thử dùng trước để kiểm tra chất lượng. Việc này cũng nên thực hiện tương tự với các loại thức ăn trước khi cho bé ăn.  

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X