Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao em hay buồn nôn khi chuẩn bị làm việc gì quan trọng?

Câu hỏi

Không hiểu sao mỗi lần em chuẩn bị làm việc gì quan trọng, ví dụ như: chuẩn bị thi, chuẩn bị đá banh, em lại buồn nôn.

Trả lời
Kính gửi BS,
 
Em 28 tuổi. Không hiểu sao mỗi lần em chuẩn bị làm việc gì quan trọng, ví dụ như: chuẩn bị thi, chuẩn bị đá banh, em lại bị nôn và khi ổn định xíu, tức là khi đang đá, hoặc đang thi thì mới hết cảm giác đó. Hình như tâm lý em không vững hay sao đó, BS ạ. Kính mong bác sĩ cho em lời khuyên. Chúc bác sĩ nhiều sức khỏe.
 
(Trung Hiếu - TPHCM)
  
 
Chào em Trung Hiếu,

Hiện tượng em bị nôn (hay buồn nôn) khi chuẩn bị thực hiện việc gì quan trọng thể hiện một trạng thái lo âu. Đây là một trạng thái cảm xúc bình thường ở con người.

Tự thân lo âu không phải là một hiện tượng bệnh lý, có thể được chia làm 2 loại là lo âu tình huống (xuất hiện trong các tình huống gây lo âu như trước và trong những sự kiện quan trọng, bất ngờ, ngoài dự tính… chỉ xảy ra nhất thời và dễ trấn an) và tính cách lo âu (nét lo âu bẩm sinh như dễ lo buồn, căng thẳng với những lý do, áp lực nhỏ nhất; hay tự ti, mặc cảm; dễ xúc động, sợ hãi, cẩn thận quá mức…).

Lo âu chỉ được xem là bệnh lý (rối loạn lo âu) khi có tính chất quá mức hoặc lặp đi lặp lại dai dẳng, không đúng lúc, không mất đi với sự trấn an và có thể kèm theo những ý nghĩ hay hoạt động quá đáng, vô lý, làm ảnh hưởng đến các mặt hoạt động trong đời sống.

Như vậy, trong trường hợp của em, hiện tượng nôn này chỉ xuất hiện khi em sắp thực hiện 1 việc gì đó quan trọng và sau đó thì hết nhanh. Điều này cho thấy có thể em chỉ bị trạng thái lo âu tình huống.

Trước mắt, để cải thiện tình trạng này, em có thể áp dụng các biện pháp như sinh hoạt điều độ (ăn ngủ đầy đủ, tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…); luôn lên kế hoạch, tổ chức, sắp xếp cuộc sống thích hợp để tránh tình trạng bị động, chuẩn bị chu đáo những việc sắp làm từ việc nhỏ đến việc quan trọng; dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tập các môn dưỡng sinh hay yoga giúp điều hòa hơi thở, ổn định cảm xúc; tập tư duy theo hướng tích cực, cởi mở để tránh tự gây áp lực cho chính bản thân.

Nếu sau khi đã tự điều chỉnh mà tình trạng vẫn không cải thiện hoặc ngày càng nhiều, xảy ra cả với những tình huống ít quan trọng hơn hoặc bắt đầu ảnh hưởng đến cơ thể (gây hồi hộp, khó thở, nhức đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, run rẩy, rối loạn tiêu hóa, ăn ngủ kém…) và suy giảm các hoạt động xã hội, năng lực nghề nghiệp, học tập… thì em nên đến khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được hỗ trợ.

Chúc em mau chóng khắc phục tình trạng trên.

 BS-CK1 Đặng Thị Anh Thy

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X