Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy - Bệnh viện Chợ Rẫy
Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ hoạt động như thế nào?
Câu hỏi
Khi xâm nhập vào đường hô hấp thì các vi sinh vật: vi khuẩn, vi nấm, virus sẽ hoạt động như thế nào để gây bệnh cho con người, thưa PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc?
Trả lời
Vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp và làm hệ miễn dịch suy yếu từ từ
Chào bạn,
Hô hấp là con đường chủ yếu để vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Hàng này, nó tiếp nhận vô số vi sinh vật, nhưng nhờ có sự đề kháng vật lý cũng như đề kháng hệ miễn dịch của chúng ta chống lại nên rất ít trường hợp bị nhiễm trùng.
Phần lớn khi vi sinh vật xâm nhập vào đường hô hấp thì không thể gây bệnh vì nhờ cơ chế bảo vệ. Ví dụ như hàng rào bảo vệ trên niêm mạc đường hô hấp, trên lớp biểu mô lông chuyển có lớp nhầy giúp nó bám lấy vi sinh vật và chúng ra ngoài qua những nhu động của biểu mô lông chuyển đó. Đồng thời, những tế bào đó gắn chặt với nhau, không cho vi sinh vật xâm nhập vào phía bên trong. Ngoài ra, còn có phản xạ ho, đóng thanh quản để khi nuốt thì thức ăn, thức uống không rơi vào đường hô hấp.
Khi đường hô hấp với các phản xạ ho, đóng thanh quản hoặc chính hàng rào biểu mô bị tổn thương do bị cúm hoặc hút thuốc lá nhiều - thủ phạm thường xuyên gây ra tổn thương biểu mô đường hô hấp từ năm này qua tháng nọ dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc tổn thương biểu mô sẵn thì vi sinh vật như virus, vi khuẩn sẽ có cơ hội xâm nhập vào và dễ dàng tăng sinh, nảy nở, phát triển ở đường hô hấp.
Ban đầu, khi tăng sinh với số lượng ít thì hệ thống thực bào như đại thực bào, tế bào neutrophil sẽ đến để tiêu diệt vi khuẩn, virus này. Nhưng nếu vi sinh vật có độc lực mạnh, số lượng xâm nhập nhiều, tăng sinh nhanh vượt quá khả năng chống đỡ của cơ thể thì lúc đó vi khuẩn lấn át hệ miễn dịch, dẫn đến mất cân bằng giữa vi sinh vật và hệ miễn dịch. Nếu sự mất cân bằng này nghiêng về vi sinh vật thì sẽ gây ra bệnh.
Số lượng, độc tố vi sinh vật cũng như hệ miễn dịch của cơ thể sẽ quyết định việc bệnh có xuất hiện triệu chứng không, triệu chứng nặng hay nhẹ, có tiến trành thành viêm phổi hay không?... Trên cơ thể chúng ta luôn có một tế bào điều hòa miễn dịch, đôi khi chính đáp ứng miễn dịch quá mức cần thiết mà không có sự điều hòa của hệ miễn dịch thì cytokine sẽ tấn công gây tổn thương nhiều cơ quan khác nhau, từ hô hấp, gan, tim đến thận, đường tiêu hóa. Đây là điều sẽ xảy ra ở bệnh nhân suy đa cơ quan, không phải là do vi sinh vật mà do đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể. Chúng ta gọi đây là cơn bão cytokine, gây tổn thương rất nghiêm trọng.
Theo thời gian, ban đầu là đáp ứng của hệ miễn dịch bẩm sinh, nghĩa là nó có sẵn và đáp ứng ngay tức khắc. Thực bào sẽ thúc đẩy, huy động các tế bào khác để tiêu diệt vi sinh vật tùy theo bản chất là vi nấm, vi khuẩn hay virus. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch bẩm sinh sẽ lôi kéo những tế bào lympho liên quan đến vấn đề đáp ứng miễn dịch để tạo ra kháng thể và kích thích những tế bào lympho biệt hóa thành những tế bào sản xuất kháng thể, những tế bào tiêu diệt qua nhiều cơ chế khác nhau.
Vì vậy, kháng thể xuất hiện về sau này thường xảy ra từ 1 - 3 tuần sau thì đáp ứng miễn dịch hoàn toàn đầy đủ. Nếu cơ thể sản xuất đầy đủ những kháng thể cũng như hệ miễn dịch tròn vẹn thì quá trình lành bệnh sẽ dần phục hồi. Nếu nó không chiến thắng thì vi sinh vật sẽ xâm nhập vào máu, mô… và bệnh nhân có thể tử vong, vì sự mất cân bằng và sự suy yếu miễn dịch.
Tóm lại, sự xâm nhập của vi khuẩn phụ thuộc vào số lượng, độc tố và bản chất, nếu vi khuẩn càng lạ thì đáp ứng miễn dịch càng dữ dội. Đôi khi hệ miễn dịch bị tê liệt cũng là một điều rất nguy hiểm, trong đa số các trường hợp tử vong là do hệ miễn dịch của chúng ta bị suy yếu.
Thân mến.
(Trích từ livestream Nguy cơ COVID-19 hoành hành trở lại, Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM chỉ cách bảo vệ phổi)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình