Hotline 24/7
08983-08983

Vẹo cột sống ngực hình chữ S có nên mổ không?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Tôi bị đau vai gáy mỏi xuống cánh tay, chụp cộng hưởng từ thì kết quả bị vẹo cột sống ngực hình chữ S. Như vậy có nên mổ không, nếu mổ chi phí hết bao nhiêu tiền? Mổ có nguy hiểm không? Sau mổ khoảng bao nhiêu ngày thì đứng lên đi được? Xin bác sĩ tư vấn giùm.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bạn thân mến,

Vị trí phổ biến của vẹo cột sống là vùng ngực và vùng lưng dưới. Trong vẹo cột sống ngực có sự biến dạng của cột sống ở đoạn ngực, bị cong về một phía (chữ C) hoặc cong về cả 2 phía (chữ S).

Vẹo cột sống có nhiều nguyên nhân như do ngồi sai tư thế khi học tập, làm việc ở lứa tuổi học sinh, tật bẩm sinh của cột sống, còi xương, suy dinh dưỡng, lao động nặng quá sớm…

Ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ, vẹo cột sống ngực nặng còn có thể gây hạn chế chức năng hô hấp, tim mạch, dạ dày.

Nếu cột sống ngực bị vẹo nặng, có thể cần sử dụng phương pháp chỉnh hình cột sống kết hợp với phẫu thuật cột sống để điều trị.

Tuy nhiên, vẹo cột sống ngực không phải là nguyên nhân gây ra đau vai gáy, do đó bạn nên mang kết quả chụp MRI đã có tới khám chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình để bác sĩ đánh giá thêm.

Nếu xác định vẹo cột sống có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ nếu không can thiệp thì sẽ tư vấn và lên kế hoạch thực hiện cho bạn. Trong bất cứ cuộc phẫu thuật nào cũng đều có nguy cơ từ việc gây tê, gây mê, do can thiệp dao kéo, do đó tuỳ từng trường hợp, mức độ nặng nhẹ mới quyết định phẫu thuật hay không bạn nhé!
Thân ái.
Mời tham khảo thêm:

Gù vẹo cột sống là chứng bệnh khá phổ biến, có thể đeo đẳng suốt cả đời người. Nếu nhẹ, nó sẽ khiến ngoại hình mất cân đối, kém thẩm mỹ, hạn chế phần nào khả năng lao động. Trong trường hợp nặng, lồng ngực bệnh nhân sẽ bị lép do xương sườn xẹp, dung tích phổi giảm gây hạn chế sức thở và giảm tuổi thọ.

Để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ mắc vẹo cột sống:

- Chế độ ăn uống, tắm nắng: Phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn đủ protein, chất khoáng và vitamin. Trẻ em cần được hoạt động vui chơi ngoài trời, tắm nắng thường xuyên, khoảng 20 phút/ngày, từ 6-8h sáng và 4-6h chiều. Tắm nắng thường xuyên có thể tạo ra tới 80% nhu cầu vitamin D của cơ thể, giúp cho xương chắc khỏe.

- Chế độ sinh hoạt: Tạo cho trẻ tư thế ngồi học ngay ngắn, ở nơi có đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi, chiều cao của trẻ. Chiều rộng của mặt ghế nên rộng hơn xương chậu 10cm, chiều sâu bằng 2/3 chiều dài của đùi, chiều cao bằng chiều cao của cẳng chân cộng với chiều cao của bàn chân và dép. Trẻ ngồi thoải mái, không bị nhô vai lên hay hạ vai xuống. Khoảng cách từ lưng ghế đến mép bàn phải lớn hơn đường kính trước sau của lồng ngực 3-5cm để trẻ có thể tựa lưng vào ghế. Trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể, đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía. Nếu quá nhiều sách vở và đồ dùng, cần mua cặp sách kéo cho trẻ. Học sinh cần được khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm vẹo cột sống để có thể xử trí và điều trị kịp thời.

Ở các nước có nền y học phát triển, việc điều trị dự phòng vẹo cột sống được thực hiện từ 3-7 tuổi. Học sinh cần tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, khuyến khích chơi các môn thể thao (bóng chuyền, leo dây, bơi lội). Tránh bắt trẻ phải lao động nặng sớm, nhất là gánh, xách hay đội nặng, lao động và tập luyện vừa sức và cân đối với tuổi. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ để phòng các bệnh lao, bại liệt…

- Khi phát hiện trẻ bị vẹo cột sống, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa khớp hay chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng để thăm khám. Đến khám càng sớm, cơ hội cứu chữa càng cao, chi phí điều trị cũng ít tốn kém.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X