Hotline 24/7
08983-08983

Tôi uống thuốc đều, sao vẫn bị động kinh?

Câu hỏi

Chào bác sĩ! Tôi năm nay 37 tuổi (nam), tôi bị động kinh đã 2 năm không rõ nguyên nhân (năm 1994 tôi có bị tai nạn và bị khâu mấy mũi ở đầu). Lúc mới bị, BS cho tôi dùng thuốc Gaderna nhưng tôi nhận thấy trí nhớ giảm trầm trọng, ngủ li bì và không làm được việc gì. Đến 16/8/2012, tôi có đi khám lại ở BV Bạch mai và BS có đổi thuốc DePakin 500 ngày 1v vào buổi tối. Tôi thấy dễ chịu hơn, trí nhớ được cải thiện, tôi thấy mình linh hoạt hơn và đi làm được (công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với máy tính. Nhưng thỉnh thoảng 2-3 ngày bị 1 lần (bị nhẹ như cứng, tê tay và chép miệng liên tục khoảng 30 giây). Tôi vẫn uống thuốc liên tục nhưng gần đây tôi lại bị co giật, trợn mắt, sùi bọt. Tôi không hiểu vẫn uống thuốc đều sao vẫn bị lại. Tôi và gia đình rất hoang mang, mong BS tư vấn giải đáp giúp. Tôi xin trân trọng cảm ơn. (Nguyen - thom…@gmail.com)

Trả lời

BS.CK2 Phạm Quỳnh Diệp

BS.CK2 Phạm Quỳnh Diệp

Nguyên trưởng khoa Khám trẻ em - Bệnh viện Tâm thần -

Chào bạn,

Nhìn chung trong bệnh lý động kinh, liệu pháp hóa dược (thuốc) có thể kiểm soát tốt được cơn động kinh trong khoảng 60-70% các trường hợp, 30-40% còn lại chỉ có thể kiểm soát một phần cơn động kinh. Trong đó, khả năng kiểm soát cơn tốt hay không tốt tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: loại cơn, hội chứng động kinh, nguyên nhân sinh động kinh.

Thông thường, cơn cục bộ hoặc cơn cục bộ toàn thể hóa thứ phát đáp ứng kém hơn so với cơn toàn thể; các trường hợp động kinh do nguyên nhân tổn thương thực thể não (chấn thương, xuất huyết, nhồi máu…) hay do rối loạn phát triển (bệnh lý chất trắng, chất xám, rối loạn chuyển hóa…) thường đáp ứng kém với điều trị hơn động kinh vô căn (không nguyên nhân).

Bên cạnh đó, việc điều trị muốn mang lại hiệu quả tốt thì loại thuốc được chọn phải phù hợp (tuổi tác, giới tính, thể trạng, công việc, loại cơn), được bệnh nhân dung nạp tốt (không có tác dụng phụ như buồn ngủ, suy giảm trí nhớ, run tay, rụng tóc, giảm sút nhận thức, tăng cân…), được dùng ở liều hợp lý, đúng cách, thời gian đủ lâu (thông thường từ 2 đến 5 năm tùy hội chứng động kinh).

Trong quá trình này, đòi hỏi có sự theo dõi sát của bác sĩ chuyên khoa nhằm có điều chỉnh phù hợp và kịp thời, với sự tuân thủ nghiêm ngặt từ bệnh nhân và gia đình.

Liều hợp lý là liều có khả năng kiểm soát được cơn tốt mà bệnh nhân có thể dung nạp được (không gây tác dụng phụ khó chấp nhận). Liều này thay đổi tùy theo từng cá nhân và hội chứng động kinh. Về nguyên tắc, thuốc được sử dụng khởi đầu liều thấp, sau đó tăng dần đến liều kiểm soát được cơn hoàn toàn.

Trong trường hợp của bạn, liều Depakine mới dừng ở mức 500mg, còn có thể điều chỉnh được để có được hiệu quả kiểm soát cơn mong muốn (liều dùng cho phép của Depakine ở người lớn từ 1000mg đến 2000mg/ngày). Do đó, bạn nên tái khám và trao đổi với bác sĩ điều trị để có thể có điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, để đạt được hiệu quả tối đa, bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân động kinh cần có cuộc sống lành mạnh bao gồm: ăn uống điều độ, ngủ đúng giờ, tránh các hoạt động thể lực quá mức, tránh căng thẳng về mặt tinh thần, không sử dụng rượu bia,...

Chúc bạn mau kiểm soát tốt cơn và có cuộc sống thoải mái.

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X