BS.CK1 Lâm Thiên Huệ - Bác sĩ Khoa ICU và Khoa Hồi Sức COVID-19 Bệnh viện Gia An 115.
Tiểu bọt kèm ù tai, bủn rủn tay chân...là dấu hiệu bệnh gì?
Câu hỏi
Dạ em hay đau thắt lưng và tiểu ra bọt kèm theo đó là ù tai, bủn rủn tay chân, mắt mờ, nhưng đi khám 2 nơi đều ra kết quả bình thường ạ, mong bác sĩ sớm trả lời ạ.
Trả lời
Chào bạn,
Vấn đề tiểu bọt: Ngày xưa, hiện tượng tiểu tiện ra bọt được đề cập trong y văn khoảng những năm 1980 cho thấy bệnh nhân có bệnh lý hội-chứng-thận-hư, bởi vì trong nước tiểu có chứa đạm (albumin) thoát ra từ màng đáy của những cầu thận bị tổn thương, dẫn đến hiện tượng tạo bọt khi tiểu tiện (điều này giống như khi bạn đánh trứng gà). Nhưng triệu chứng này có những khuyết điểm của nó, không điển hình cho bệnh. Khi lượng nước tiểu cô đặc nhiều, khi có những dịch tiết có chứa đạm ở vùng âm đạo hòa với nước tiểu ví dụ như chất nhầy vùng âm đạo hoặc dịch tiền liệt tuyến ở nam giới ứ đọng qua một đêm cũng có thể khiến nước tiểu có bọt.
Để gọi là nước tiểu có chứa đạm thì các bác sĩ lâm sàng nhỏ nước tiểu lên một mảnh giấy và có hiện tượng đóng bờ màu vàng, nhưng đó chỉ là dựa trên kinh nghiệm. Nhưng nếu kết quả xét nghiệm máu về chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, cũng như siêu âm kiểm tra tình trạng nhu mô thận của bạn là bình thường và không phát hiện đạm trong nước tiểu thì bạn không cần phải lo lắng nữa nhé.
Về triệu chứng ù tai, mắt mờ, yếu tay chân: Theo như mô tả, khả năng bạn đang gặp phải đó chính là một dạng của “rối loạn thần kinh chức năng”. Tình trạng này thường gặp nhất ở các bạn nữ đặc biệt là những bạn có tâm lý lo âu, stress. Bệnh nhân sẽ biểu hiện khó thở, cảm giác hụt hơi, run tay chân, ù tai, mắt mờ, lạnh, buồn nôn, tim đập nhanh… đột ngột nhưng tất cả những xét nghiệm đều bình thường, thậm chí khi phát cơn bệnh nhân sẽ hoảng loạn, cảm giác tê tay chân, chóng mặt… nhưng chỉ cần ngồi lại hít thở sau một vài phút thì triệu chứng khó thở sẽ đi qua. Tình trạng này chắc chắn không ảnh hưởng gì đến tính mạng, nhưng sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hằng ngày.
Nếu thật sự là cơn “rối loạn thần kinh chức năng”, bạn nên tăng cường tập thể dục, tham gia các hoạt động ngoại khóa, học Thiền hoặc yoga để điều hòa nhịp thở thì dần dần sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu cải thiện kém bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được tham vấn hỗ trợ thuốc điều trị chuyên sâu hơn. Hiện tại tại TPHCM có bệnh viện Vinmec, FV, bệnh viện Vạn Hạnh … có chuyên khoa này.
Thân ái chào bạn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình