BS.CK1 Lâm Thiên Huệ - Bác sĩ Khoa ICU và Khoa Hồi Sức COVID-19 Bệnh viện Gia An 115.
Tại sao nước tiểu có bọt sau 2 tuần cho đi một quả thận?
Câu hỏi
Chào bác sĩ.
Em cho chị của em một quả thận bên trái. Em mới làm phẫu thuật được 2 tuần. Sau khi phẫu thuật em thấy đi tiểu có bọt, một lúc sau thì hết, có ngày có bọt có ngày không, vết mổ em bình thường đã khô và cắt chỉ. Em có siêu âm và xét nghiệm máu (ure và creatanin) trước khi xuất viện. Sau khi xuất viện em ăn uống khá kiêng khem, chủ yếu là rau xanh, thịt lợn nạc, cá. Hải sản em chưa dám ăn. Nhưng nước tiểu vẫn có bọt như bên trên em miêu tả.
Bác sĩ cho em hỏi đây có phải hiện tượng bình thường sau khi cắt 1 bên thận và bên còn lại đang điều chỉnh cơ chế hoạt động không ạ? Hay là bên thận còn lại của em đã có vấn đề? Nước tiểu em ngoại trừ có bọt thì không có hiện tượng nào khác ạ. Chỉ số ure và creatnin của em ở ngưỡng bình thường.
Trả lời
Chào bạn,
Chúng tôi thực sự rất tán thán tinh thần cho đi một bộ phận cơ thể của mình như bạn đã làm để cứu chữa một bệnh nhân khác.
Tạo hóa cho con người 02 quả thận, nhưng theo nghiên cứu cho thấy khi cắt đi một quả thận thì thận còn lại vẫn đảm nhận tốt vai trò thải độc tố cho cơ thể.
Ngày xưa, hiện tượng tiểu tiện ra bọt được đề cập trong y văn khoảng những năm 1980 cho thấy bệnh nhân có bệnh lý hội chứng thận hư, bởi vì trong nước tiểu có chứa đạm (albumin) thoát ra từ màng đáy của những cầu thận bị tổn thương, dẫn đến hiện tượng tạo bọt khi tiểu tiện (điều này giống như khi bạn đánh trứng gà).
Nhưng triệu chứng này có những khuyết điểm của nó, không điển hình cho bệnh. Khi lượng nước tiểu cô đặc nhiều, khi có những dịch tiết có chứa đạm ở vùng âm đạo hòa với nước tiểu ví dụ như chất nhầy vùng âm đạo hoặc dịch tiền liệt tuyến ở nam giới ứ đọng qua một đêm cũng có thể khiến nước tiểu có bọt.
Để gọi là nước tiểu có chứa đạm thì các bác sĩ lâm sàng nhỏ nước tiểu lên một mảnh giấy và có hiện tượng đóng bờ màu vàng, nhưng đó chỉ là dựa trên kinh nghiệm.
Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu của bạn hoàn toàn bình thường, không phát hiện đạm trong nước tiểu thì bạn không cần phải lo lắng vì triệu chứng này.
Tuy nhiên, một bệnh nhân đã hiến thận cần phải được theo dõi sức khỏe, xét nghiệm chức năng thận định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng, bạn cần tuân thủ theo chế độ theo dõi này nhé.
Thân ái chào bạn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình