Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Tại sao mỗi khi nổi nóng là muốn đập phá đồ đạc?
Câu hỏi
Dạ bác sĩ ơi tư vấn cho lời khuyên giúp em với ạ.
Chuyện là mỗi khi em nổi nóng là em lại muốn đập phá đồ đạc, đặc biệt là có suy nghĩ tấn công người thân của mình, nhiều lúc em còn có suy nghĩ muốn giết người nữa ạ, suy nghĩ muốn giết người còn xuất hiện nhiều lúc khác nữa, em cũng cố nói với gia đình rồi nhưng có lẽ nghĩ em nói chơi nên họ không để tâm lắm đến vấn đề này, do hồi nhỏ em từng hành hạ động vật nữa ạ, nên suy nghĩ này làm em khá là sợ sau này em sẽ gây tổn thương bạn bè và người thân ạ.
Với lại em còn có hành vi đối xử rất tốt với người ngoài hơn là gia đình mình, dù em rất thương họ. Em phải làm sao ạ?
Trả lời

Chào em,
Trong mỗi con người luôn hiện diện song song phần thiện và phần ác. Em còn ý thức được việc mình làm, biết đâu là đúng đâu là sai và luôn đấu tranh cho những suy nghĩ không đúng chứng tỏ em vẫn là người tốt.
Không có ai là hoàn hảo cả, học cách kiểm soát cảm xúc, học cách chia sẻ, học cách thấu cảm sẽ giúp cho mỗi người dần hoàn thiện mình hơn.
Hiện giờ cách tốt nhất cho em là em nên tập các phương pháp giúp trầm tính lại, như đi chùa/nhà thờ, tập thể dục thể thao giải tỏa năng lượng xấu, tự học yoga, thiền để bình tâm. Nếu vẫn không khống chế được luồng cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, em nên khám chuyên khoa tâm thần. Em đừng bị “dị ứng” hay quá sợ hãi với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn lưỡng cực, đa nhân cách... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân – chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay – dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Để chẩn đoán một người bị rối loạn tâm thần dạng gì, có kèm bệnh gì hay không, cần điều trị thuốc gì thì bác sĩ chuyên khoa tâm thần và bệnh nhân phải ngồi lại với nhau, dành thời gian khai thác bệnh sử kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào, đồng thời cũng phải loại trừ những bệnh lý tổn thương cơ quan khác gây ra rối loạn tâm thần (như rối loạn nội tiết, bệnh lý ở não…).
Thông tin trên mạng chỉ mang tính tham khảo, chung chung, BS được đào tạo chuyên môn mới có khả năng chẩn đoán đúng bệnh và mức độ của bệnh. Bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị được, em nhé.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình