Hotline 24/7
08983-08983

Những xét nghiệm em đã làm có phải là tập trung vào bệnh lao?

Câu hỏi

Thưa BS, Cách đây khoảng 10 ngày em có bị ho ra máu 1 lần, đi khám BS gần nhà thì được chỉ định chọc hút dịch màng phổi nhưng không có cửa sổ an toàn và được cho thuốc về uống. Sau đó 3 ngày em bị ho ra máu thêm 1 lần nữa nên đến 1 BV tại TPHCM để khám và được yêu cầu nhập viện. Từ lúc nhập viện đến nay em đã được chụp Xquang phổi, siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm đàm, chọc hút dịch trong phổi để xét nghiệm (vì chụp Xquang thấy bị tràn dịch màng phổi) và sau đó là chụp CT cắt lớp và nội soi phế quản. Tính đến nay em đã nằm viện được 5 ngày và từ lúc nhập viện đến giờ em không bị ho ra máu nữa, em cũng không bị sốt hay biếng ăn và em cảm thấy cơ thể rất bình thường, không mệt mỏi gì. BS ở đây thì nói rằng trong tất cả các xét nghiệm đều không tìm thấy vi trùng lao nên cần phải mổ nội soi để lấy tế bào đi xét nghiệm. Vì kinh tế của gia đình em cũng eo hẹp nên không thể ở trong BV quá lâu được. Tính từ lúc em phát hiện ho ra máu tới nay thì chi phí khám, làm các xét nghiệm cũng như chi phí giường nằm đã lên tới gần 20 triệu. BS điều trị cho em nói rằng nếu tuần này em chấp nhận mổ nội soi thì tuần sau mới mổ, nghĩa là em phải nằm đợi ít nhất 4 ngày mới được mổ mới có kết quả, trong khi chi phí giường nằm là 1 triệu 1 ngày. Hiện tại em xin được về nhà uống thuốc theo dõi thêm và sẽ tái khám sau. Theo như em tìm đọc trên mạng thì ho ra máu không chỉ là biểu hiện của bệnh lao mà còn có thể là của một số bệnh lý khác. Xin AloBacsi giải đáp giúp em là trong những xét nghiệm em đã làm như trên có thể tìm ra căn bệnh khác không hay những xét nghiệm đó chỉ tập trung vào bệnh lao thôi? Đối với trường hợp của em thì về nhà uống thuốc như vậy thì có nguy hiểm gì không? Vì em được biết ho ra máu rất nguy hiểm nhưng em thì không có ho nhiều ạ. Trước đây em cũng đã từng hút thuốc khoảng 5 năm ạ. Em xin cảm ơn.

Trả lời
Ho ra máu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ho ra máu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp trong khá nhiều bệnh lý, như ung thư phế quản phổi, lao phổi, viêm phổi, dị dạng mạch máu phổi, rối loạn đông máu, dãn phế quản, áp-xe phổi… Nếu ho ra máu đi kèm với tràn dịch màng phổi gợi ý nhiều tới tình trạng lao hoặc ung thư. 

Mục đích làm xét nghiệm (chọc hút dịch, sinh thiết, nội soi…) là để tìm ra nguyên nhân bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp khó chẩn đoán, như trường hợp của bạn, đòi hỏi phải làm thêm nhiều phương pháp để khu trú nguyên nhân trước khi bắt đầu điều trị.

Hiện tại BS không có thông tin cụ thể về các xét nghiệm bạn đã thực hiện để có thể tư vấn cụ thể hơn về tình trạng bệnh. Nếu có đầy đủ bằng chứng cho thấy bị lao phổi, bạn sẽ được điều trị miễn phí theo Chương trình Chống lao Quốc gia, do đó vấn đề hiện tại là cần chẩn đoán ra bệnh, không để bệnh diễn tiến nặng hơn gây di chứng phổi về sau này.

Nếu có BHYT, bạn có thể xin chuyển viện lên BV Phạm Ngọc Thạch để làm tiếp các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán bệnh, BHYT sẽ thanh toán tuỳ vào mức đóng của bạn. Bạn nên đến BV cũ để xin sao phim CT và kết quả xét nghiệm để giảm bớt chi phí cho lần nhập viện này bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Bệnh lao (TB) là bệnh nhiễm một loại vi khuẩn tấn công và hủy hoại mô cơ thể. Vi khuản này tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) và lây truyền qua không khí. Nhiều bệnh nhân thường mắc nhiễm lao giai đoạn ủ bệnh , gọi là bệnh lao tiềm tàng. Sau một khoảng thời gian tùy vào sức khỏe người bệnh, có thể trong vài tuần cho tới vài năm, vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động và gây các triệu chứng bệnh. Sau đó bệnh lao xuất hiện. Đặc biệt nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu đi, chẳng hạn như khi bệnh HIV, ung thư hoặc hóa trị liệu, bệnh lao sẽ phát triển nhanh hơn. Bệnh thường ảnh hưởng đến phổi nhưng có thể lan ra (phát tán) đến xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác.

Lao là một bệnh nghiêm trọng tuy nhiên bệnh chỉ phát triển trong những bệnh cảnh đặc biệt. Thông thường, một người khỏe mạnh hoàn toàn có thể chống chọi lại việc nhiễm lao. Bệnh lao chỉ thường xảy ra ở những người sức khỏe kém và có hệ miễn dịch suy giảm. Những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, đái tháo đường, hay những người có sức khỏe suy kiệt, có nhiều bệnh đồng mắc là đối tượng dễ bị nhiễm lao nhất. Do đó, để bảo vệ sức khỏe bạn và gia đình, bạn cần nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X