Hotline 24/7
08983-08983

Người ở vùng lũ có nguy cơ mắc bệnh hô hấp nào?

Câu hỏi

Chào bác sĩ! Em là Mai, ở Quảng Bình, quê em vẫn đang bị ngập bởi nước lũ, bác sĩ cho em hỏi những người ở vùng lũ ngập nước sẽ có nguy cơ bị những bệnh hô hấp nào và làm sao để phòng tránh ạ? Em chân thành cảm ơn.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Thời tiết ẩm ướt, mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp phát triển

Chào em,

Những nơi chịu ảnh hưởng của mùa lụt hoặc thường bị ngập nước là môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm mốc. Chúng có thể phát tán vào môi trường và bị hít phải, gây ra nhiễm trùng phổi.

Ngay cả nguồn nước ngập lụt ít bẩn hơn như nước mưa thì cũng có thể chứa đựng nhiều tác nhân gây bệnh và gây kích ứng, dẫn đến các triệu chứng như nghẹt mũi, thở khò khè, đỏ mắt hoặc đỏ da hoặc ngứa.

Các bệnh lý viêm nhiễm hô hấp thường gặp bao gồm viêm mũi xoang, viêm họng, viêm phế quản và viêm phổi. Đặc biệt trên cơ địa bệnh nhân vốn có bệnh phổi mạn tính như hen phế quản hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì tình trạng nhiễm trùng hoặc độ ẩm môi trường tăng quá mức có thể gây khởi phát cơn khó thở, kém đáp ứng với điều trị thường ngày, đôi khi khiến bệnh nhân phải nhập viện hoặc nguy hiểm tính mạng.

Để phòng tránh điều này, trước tiên cần phải giữ cho môi trường sống được khô thoáng. Điều quan trọng là làm sạch và làm khô đúng cách khu vực vừa bị ngập, loại bỏ hoặc thay thế các tấm thảm, nệm, vật dụng đã bị ngấm nước và không thể sấy khô ngay. Dọn dẹp và lau khô nhà thật kỹ càng và nhanh chóng (trong vòng 24-48 giờ) sau khi bị ngập nước. Moi hết bùn đất và bụi bẩn.

Các bề mặt có thể làm sạch (như gỗ, gạch, đá, sàn nhà, mái đua, nội thất gỗ và kim loại, mặt quầy và bồn rửa) cần được vệ sinh bằng xà phòng và bàn chải. Nên sử dụng quạt hoặc máy hút ẩm để giúp sấy khô các bề mặt đó sau khi làm sạch xong. Khi nước chưa thể rút ngay thì cần tránh sử dụng nước bẩn và nên di chuyển tới nơi khô ráo, xa mặt nước và thoáng khí.

Quan trọng nhất là cần giữ gìn sức khoẻ để nâng cao sức đề kháng bằng các biện pháp như nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống khoa học, rửa tay thường xuyên, giữ ấm cơ thể và tiêm vaccine cúm hàng năm. Những người có bệnh phổi mạn tính nên chú ý dùng thuốc đầy đủ và tái khám để điều chỉnh phác đồ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Thân mến.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X