Hotline 24/7
08983-08983

Hạch nổi dưới cằm đã 7 năm, điều trị thế nào?

Câu hỏi

Cách đây 7 năm, em có 1 hạch ở giữa cổ và cằm, hạch không nhìn thấy được mà phải ấn vào mới thấy, không đau, di chuyển được. Em đi khám bác sĩ bảo hạch to lên thì mới khám lại, nhưng từ đó đến nay hạch không to lên cũng không mất đi. Cách đây mấy tháng em lại thấy có thêm 1 hạch nữa nhỏ gấp đôi hạch cũ và nằm cạnh hạch cũ, không đau sưng và di chuyển được. Em vẫn thấy bình thường suốt mấy năm qua và không có bệnh về tai mũi họng. Ngoài ra, em là con gái nhưng cũng có yết hầu và em thấy có tận 2 cục cứng cùng di chuyển mỗi lần nuốt. Mong bác sĩ tư vấn giúp ạ.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Thứ nhất, về tình trạng nổi hạch của em.

Bình thường, các hạch trong cơ thể không nổi to lên để sờ thấy được, khi chúng viêm hay tăng sinh thì chúng ta gọi là nổi hạch. Nổi hạch có thể là hạch viêm bình thường, cũng có thể là hạch ác tính.

Hạch nhỏ dưới cằm thường là do viêm nhiễm ở cơ quan gần đó như viêm họng mạn, bệnh lý răng miệng, bệnh lý tuyến nước bọt, bệnh tuyến giáp... nhưng cũng có thể do những bệnh lý nguy hiểm hơn như lymphoma, ung thư cơ quan lân cận như tuyến giáp, hầu họng hay ở xa di căn đến... đặc điểm của hạch viêm là nhỏ, số lượng ít, bờ tròn đều, không phát triển theo thời gian, không xâm lấn da xung quanh, xuất hiện cùng với ổ viêm nhiễm gần đó, còn rõ rốn hạch.

Vì thế, hạch của em tồn tại 7 năm qua, đã siêu âm 1 lần thấy bình thường, cũng không tăng kích thước, không mọc thêm hạch, sức khỏe của em vẫn bình thường, tức là không có triệu chứng hay khó chịu gì trong những năm qua, thì đa số đây là hạch lành tính.

Nhưng mà, hiện nay hạch có xu hướng “hoạt động”, với việc mọc thêm 1 hạch nhỏ nữa, là dấu hiệu bất thường cần phải chú ý đến nó, phải kiểm tra lại toàn bộ xem nó có còn là hạch bình thường nữa hay không. Vì thế, em nên đến bệnh viện Ung bướu để kiểm tra lại.

Hạch lành tính sẽ không tăng kích thước và gây khó chịu cho bệnh nhân.

Thứ hai, về vấn đề em có "trái cổ". Cái "hầu” hay "trái cổ" ở giữa cổ theo mô tả chính là "trái táo Adam" do sụn giáp đội lên. Sụn giáp có 2 mảnh phải và trái tiếp giáp nhau tại đường giữa cổ. Ở nam, 2 sụn tạo với nhau một góc 90 độ còn ở nữ là 120 độ.

Do đó, chúng ta thường thấy trái cổ của nam to và nhô hơn so với nữ. Trên cùng một người, khi mập thấy trái này nhỏ hơn, khi gầy thấy lớn hơn. Giữa người này và người khác cùng giới tính nhưng do cổ dài hay ngắn cũng sẽ khác nhau.

Trường hợp của em, nếu chỉ có trái cổ hơi to, còn ngực vẫn phát triển, kinh nguyệt vẫn có bình thường thì chưa phải là rối loạn nội tiết tố nữ, mà thường do di truyền, tức là những người phụ nữ ruột thịt trong gia đình cũng có hình hài như vậy.

Nếu đây không phải là yếu tố “đặc trưng” của gia đình, hay có kèm các rối loạn bất thường khác như mọc râu, giọng khàn thì em tốt nhất là nên đến khám chuyên khoa Nội tiết để kiểm tra, nhằm loại trừ các yếu tố tiềm ẩn hay những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ngoài ra, cũng phải xem lại xem 2 cục cứng đó có phải yết hầu hay không, hay là bất thường của tuyến giáp, khi em khám lại ở chuyên khoa Ung bướu, nhớ chú ý bác sĩ kiểm tra vấn đề này luôn.

Thân mến.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X