Em có nên dùng kim để sơ cứu người bị tai biến mạch máu não?
Câu hỏi
Thưa bác sĩ, Em vừa thấy bài viết này. Mong các bác sĩ cho xác nhận về phương pháp này : […] Chỉ với một cây kim, ta có thể cứu được mạng người. […] Khi có bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, chúng ta phải giữ bình tĩnh, đứng cuống quít. Điều quan trọng nhất là ĐỪNG BAO GIỜ DI CHUYỂN NẠN NHÂN, bất kỳ là họ đang bị nạn ở đâu. Vì nếu nạn nhân bị di chuyển, các tia huyết quản trong não bộ sẽ vỡ ra. Từ từ giúp bệnh nhân ngồi thẳng dậy, và chúng ta có thể bắt đầu công việc “rút máu”. Nếu quí vị có sẵn một ống tiêm thuốc, thì tốt nhất, nếu không thì một cây kim may, hay một cây kim gúc, cũng có thể giúp chúng ta được. 1- Trước hết, chúng ta hảy hơ nóng kim bằng lửa (bật lửa, đèn nến) để sát trùng, rồi dùng kim để chích trên mười đầu ngón tay. 2- Chúng ta không cần tìm một huyệt đặc biệt nào cả, chỉ cần chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một ly (milimetre). 3- Chích kim vào cho đến khi có máu rỉ ra. 4- Nếu máu không chảy, nên nặn đầu ngón tay cho đến khi thấy máu nhỏ giọt. 5- Khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, thì chờ vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh dậy. 6- Nếu mồm bệnh nhân bị méo, thì chúng ta phải nắm hai (lổ) tai của bệnh nhân kéo mạnh, cho đến khi hai tai đều ửng màu đỏ. 7- Châm vào dái tai (ear lobe) hai mũi mỗi bên cho đến khi máu nhỏ giọt từ mỗi dái tai. Sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại. Chúng ta hãy kiên tâm chờ cho đến khi bệnh nhân hoàn toàn hồi tỉnh và không có một triệu chứng nào khác thường mới mang bệnh nhân đến bệnh viện. Vì nếu nạn nhân được chuyên chở vào bệnh viện sớm hơn. Có thể những dằn sóc của xe cứu thương sẽ làm cho các mao quản (capillaries) trong não bộ bị vỡ ra. Nếu sau khi đó mà họ còn có thể đi đứng được, thì đúng là do phúc đức của Tổ Tiên họ. […] Phương pháp trên có đúng không ạ? Em có nên áp dụng? (Bod Nguyen - bodnguyen...@gmail.com)
Trả lời
Bod Nguyen thân mến,
Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là danh từ chung để chỉ các tổn thương của não, màng não gây nên bởi sự hư biến của mạch máu não do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tai biến mạch máu não (TBMMN) xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ, gồm có hai loại: nhồi máu não (do tắc mạch) hoặc chảy máu não (do vỡ mạch).
Các triệu chứng của TBMMN xảy ra đột ngột ở bệnh nhân (BN) như:
- Tê cứng ở mặt, tay hoặc chân - đặc biệt là tê cứng nửa người, nhìn không rõ
- Không cử động được chân tay
- Không nói được hoặc không hiểu được người khác nói
- Đau đầu dữ dội
Phụ nữ có thể có các biểu hiện đột ngột: đau ở mặt hoặc chân, bị nấc, cảm thấy buồn nôn, mệt, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh bất thường.
Những câu hỏi để nhận diện tai biến mạch máu não là: “yêu cầu người đó cười, nói, giơ tay lên” chính là nhằm phát hiện một số dấu hiệu của TBMMN.
BN TBMMN có thể bị một trong hai dạng: chảy máu não do vỡ mạch hoặc nhồi máu não do tắc mạch. Hai bệnh này đối nghịch nhau hoàn toàn về nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị. Các BS chuyên khoa cũng không thể chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài để chẩn đoán nên việc xử trí phải hết sức thận trọng.
Xử trí TBMMN bằng việc trích máu được áp dụng cách đây đã lâu và chỉ có hiệu quả trong một số trường hợp (do tăng huyết áp), còn với những nguyên nhân khác thì có khi còn làm bệnh tiến triển nặng nề hơn (tai biến do tắc mạch).
Em nên biết, đối với người bị TBMMN, thời gian là vàng, mạch máu đông hoặc vỡ phải được xử lý thật nhanh để đề phòng các biến chứng như liệt toàn thân, bại não… Vì vậy, không được tự điều trị cho BN dù chỉ là các động tác như bấm huyệt nhân trung, châm cứu, đánh gió... có thể vô tình làm tình trạng BN trầm trọng hơn.
Những việc cần làm khi có người bị TBMMN như sau:
- Gọi xe cấp cứu tới, cố gắng liên hệ với BS thần kinh để được tư vấn sớm trước khi đưa BN đến bệnh viện). Trong khi chờ xe cấp cứu tới, quan sát và hỏi để biết BN còn tỉnh táo hay lơ mơ hoặc hôn mê.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh: cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh, chờ xe cấp cứu đến.
Nếu bệnh nhân hôn mê: cần xem bệnh nhân đang còn thở bình thường, thở nhanh, thở chậm, hay đã ngừng thở... Nếu thấy bệnh nhân ngừng thở: phải hô hấp nhân tạo, nếu cần phải dùng miệng thổi hơi vào miệng bệnh nhân (hô hấp miệng - miệng).
Người nhà phải hết sức bình tĩnh khi xử trí, và hãy:
+ Đặt BN nằm xuống trong tư thế thoải mái, nới lỏng quần áo, nói chuyện với họ để họ yên tâm.
+ Nói BN thở chậm và sâu vì điều này giúp bệnh nhân bình tĩnh và đồng thời giúp đưa máu lên não nhiều hơn.
+ Giữ đầu mát và thân ấm. Nếu có đá lạnh, có thể chấm nhẹ qua đầu người bệnh để giữ mát. Bọc đá trong khăn để không quá lạnh.
Với các kiến thức trên, AloBacsi nghĩ rằng chắc sẽ giúp em hiểu đúng về việc xử trí TBMMN.
Thân ái!
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình