Hotline 24/7
08983-08983

Đau xương khớp kèm xơ nang vú lành tính sử dụng glucosamine được không?

Câu hỏi

Em xin hỏi BS. Vợ em bị đau xương khớp nhưng lại bị xơ nang vú lành tính thì có sử dụng glucosamine không ạ?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa

Chào bạn,

Glucosamine là một hợp chất tự nhiên được xếp loại như một loại đường amino. Glucosamine được xem như những “viên gạch” giúp cơ thể xây dựng nên tế bào và cấu trúc mô, đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng trong cơ thể bạn. Glucosamine chủ yếu có nhiệm vụ phát triển và duy trì sụn trong khớp của cơ thể. Glucosamine thường được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa các rối loạn khớp, chẳng hạn như viêm xương khớp. Nó có thể được dùng bằng đường uống hoặc bôi tại chỗ ở dạng kem hoặc thuốc mỡ.

Liều glucosamine thường là 1.500 mg mỗi ngày. Glucosamine bổ sung được lấy từ các nguồn tự nhiên - chẳng hạn như vỏ sò hoặc nấm - hoặc được sản xuất nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Glucosamine bổ sung có sẵn ở hai dạng là glucosamine sulfate và glucosamine hydrochloride. Hầu hết các dữ liệu khoa học cho thấy hiệu quả lớn nhất đối với glucosamine sulfate hoặc glucosamine sulfate kết hợp với chondroitin. Glucosamin cần dùng liên tục từ 2-3 tháng, điều trị nhắc lại mỗi 6 tháng hoặc ngắn hơn tùy tình trạng bệnh.

Hầu hết các thực phẩm bổ sung Glucosamine là an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, một số nguy cơ có thể có hoặc các phản ứng bất lợi có thể xảy ra bao gồm:

• Phản ứng quá mẫn: Ban da đỏ, nóng, ngứa da, phù mạch, sốc phản vệ.

• Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón....

• Rối loạn hệ tim mạch: Rối loạn nhịp tim, phù ngoại vi...

• Rối loạn chuyển hóa cơ thể: Tăng lipid máu, tăng Cholesterol máu, tăng men gan, tăng đường máu, tổn thương nặng chức năng gan, thận, dẫn đến suy gan, suy thận

• Rối loạn thần kinh: Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, ngủ gà...

• Các rối loạn khác như: Rụng tóc, xuất huyết trên da, viêm thận kẽ, rối loạn tầm nhìn.

Ngoài ra, glucosamine có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và insulin. Do đó, bệnh nhân bị tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng glucosamine.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy glucosamine có thể làm tăng thêm mức cholesterol "xấu" LDL.

Glucosamine có thể ảnh hưởng tới một số loại thuốc như thuốc trợ tim, thuốc chống đông máu, thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol, thuốc điều trị tăng lipid máu statin,...

Glucosamine có thể làm tăng hấp thu tetracyclin ở dạ dày - ruột, có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol, thuốc điều trị tăng lipid máu statin... nên tránh dùng glucosamine cùng lúc với các loại thuốc này.

Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi không nên dùng glucosamine do chưa có đủ dữ liệu về an toàn và hiệu quả.

Như vậy, vợ bạn bị đau xương khớp kèm xơ nang vú lành tính thì vẫn sử dụng glucosamine được, tuy nhiên, để điều trị bệnh hiệu quả và an toàn, vợ bạn cần tham khảo ý kiến trực tiếp từ bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, để bác sĩ đánh giá tổng trạng, bệnh tình mà tư vấn hướng điều trị thích hợp, bạn nhé.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X