Hotline 24/7
08983-08983

Đau ót nhiều sau châm cứu, có nên tiếp tục điều trị đông y?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Khoảng 1 tuần nay tôi bị căng, hơi đau phía sau ót (trên chân tóc sau gáy) bình thường thì không đau như khi ngửa cổ và xay qua trái, phải thì thấy hơi đau và có cảm giác căng, tôi đã qua khoa nội thần kinh ở Bệnh viện 30-4 khám thì bác sĩ chẩn đoán đau cơ nhẹ nên được chuyển qua khoa đông y điện châm. Sau khi châm cứu tôi về nhà thì cơn đau nặng hơn ở phía bên trái, đau nhiều sau tai, nuốt nước bọt cũng đau không cử động cũng đau. Ngày hôm sau trở lại phòng khám đông y do tôi nói đau quá nên khoa chỉ định sang mát xa chứ không điện châm nữa và nói sau ngày đầu điện châm đau như thế là bình thường. Nhưng hiện nay tôi về vẫn đau rất nhiều không thể quay đầu được và nuốt nước bọt cũng rất đau phía gáy, cổ bên trái. Tôi xin bác sĩ tư vấn tình trạng của tôi có bình thường không (sau điện châm lần đầu) có nên tiếp tục điều trị đông y hay có cần đề nghị chiếu chụp gì thêm không? Rất mong được bác sĩ tư vấn! Tôi xin cám ơn.

Trả lời

Đau cơ vùng cổ. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.


Chào bác,

Tình trạng của bác chắc sẽ phải tìm hiểu theo 2 hướng:

Đau hiện tại của bác có phải là do các bệnh khác ngoài đau cơ vùng cổ hay không. Ví dụ đau do bệnh quai bị, viêm tuyến nước bọt mang tai, dưới hàm… Nếu có, thì phải chữa theo hướng này.

Nếu không phải do các bệnh khác đi kèm mà chỉ là đau do cơ:

- Đau tăng sau châm cứu: Do cơ bị co trong quá trình châm, làm cho sau châm tình trạng đau tăng lên. Đây là lý do rất hay gặp khi bệnh nhân hay phản xạ gồng cứng cơ khi châm.

- Chảy máu: Chảy máu cũng là một biến chứng khá thường gặp nhưng không nguy hiểm do kim châm cứu khá nhỏ nên không gây chảy máu nhiều, nhưng khi chảy máu ở dưới da hoặc trong cơ có thể thấy đau tăng.

Cả 2 trường hợp này đều có thể giảm sau khi được dùng thuốc giảm đau, chống viêm, tiêu sưng nề và thuốc giãn cơ trơn. Không nên tiếp tục châm cứu.

Còn chẩn đoán thêm bằng các phương pháp như siêu âm, Xquang nên làm khi tìm các nguyên nhân khác khi đau vùng này mà chưa kiểm tra hết.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Đau cơ vùng cổ là một căn bệnh khá phổ biến mà mọi người thường mắc phải, nó gây cho người bệnh cảm giác rất khó chịu. Trên thực tế, các cơn đau ở cổ thường bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân như: tư thế ngủ không phù hợp, xoay cổ không đúng khi luyện tập thể dục thể thao… có người chỉ bị đau một bên có những người đau cả hai bên cổ, cơn đau có thể tại vùng cổ, ở vai và cũng có thể lan xuống tận cánh tay.

Những biểu hiện chính của cơn đau cơ ở cổ là gì?

Thông thường, những cơn đau sẽ xảy ra ở khu vực xung quanh cổ và ảnh hưởng đến vùng cơ của cổ, cơn đau có thể khu trú tại chỗ hay lan tỏa đến vai hoặc vùng xương dẹt giữa hai vai. Chúng còn có thể phát triển rộng xuống cánh tay, chân hoặc lan lên vùng đầu, gây đau nửa đầu hoặc đau cả hai bên. Phần cơ ở cổ sẽ bị căng, đau, sờ vào thấy cứng, các cơn đau buốt có thể gia tăng bất thường nếu thay đổi tư thế cổ trong trường hợp quay đầu về một bên, tình trạng này vẫn thường được dân gian gọi là chứng “vẹo cổ”. Cơn đau này có thể xuất phát ở phần đáy sọ, có thể kèm theo cảm giác đau và yếu ở hai vai, tay. Trong cơn đau, người bệnh có cảm giác đau rát như bị kim châm hoặc ngứa ran ở tay và các ngón tay.

Điều trị như thế nào?

Trong phần lớn các trường hợp, các cơn đau cổ đều có thể điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc Tây, chườm nóng, chườm lạnh và nghỉ ngơi. Một số bí quyết sau đây sẽ rất hữu ích, giúp nhanh chóng điều trị cơn đau:

- Chườm nóng và lạnh luân phiên cứ mỗi 2 giờ lại chườm một lần, mỗi lần trong khoảng 15 phút, chườm ở những vùng mô mềm. Biện pháp này giúp giảm sưng và tránh bị chuột rút ở các cơ.

- Nhẹ nhàng đảo đầu về một bên, bắt đầu từ bên phải rồi thay đổi từ từ sang trái. Cố gắng chạm cằm vào ngực nhằm kéo phần cổ xuống thấp, duy trì tư thế trong khoảng 10 giây rồi mới đổi bên.

- Khi ngồi nhìn thẳng về phía trước, cần ngồi ở tư thế thẳng, giữ cho đầu và cổ nằm ở vị trí chính giữa.

- Mát-xa nhẹ nhàng vùng cổ.

- Uống thuốc kháng viêm, thuốc giảm phù nề và giảm đau.

- Cố gắng duy trì những hoạt động bình thường để giúp các cơ ở cổ luôn hoạt động.

Làm sao để phòng ngừa?

- Thả lỏng hai vai, hạ cằm và giữ thẳng đầu để giúp cổ luôn chắc chắn, thẳng và được thoải mái.

- Khi ngủ cần nằm gối thấp, tránh nằm sấp khi ngủ.

- Cần tránh sự căng thẳng trong công việc và trong sinh hoạt hàng ngày.

- Khi làm việc, tránh cúi đầu quá thấp hoặc nghiêng đầu sang một bên quá lâu.

- Luôn thay đổi vị trí và thả lỏng các cơ, căng duỗi cơ thể thường xuyên.

- Thường xuyên luyện tập thể dục, giúp các khớp xương và phần cơ ở cổ được dẻo dai và khỏe mạnh.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - BV Nhân dân 115


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X