Hotline 24/7
08983-08983

Đau họng, khô miệng, lưỡi dơ, hơi thở có mùi... triệu chứng ung thư vòm họng?

Câu hỏi

Bác sĩ ơi cho em hỏi, Cách đây 1 tuần em có các triệu chứng như đau họng, khô miệng, khô cổ; nuốt thấy hơi vướng, rát ở đầu lưỡi, lưỡi sưng to, chỗ thắng lưỡi có 1 vết màu trắng giống mủ và nổi hột xung quanh, hai bên trong má xuất hiện nhiều đốm trắng thành 1 dãy, hai bên thành lưỡi cũng vậy, em chụp hình thì thấy bên trong miệng chuyển thành màu vàng. Lưỡi dơ có vệt trắng mặc dù em vừa vệ sinh lưỡi, và em cảm giác hơi thở có mùi. Liệu đó có phải là triệu chứng ung thư vòm họng hay ung thư lưỡi không ạ? Em cám ơn bác sĩ nhiều ạ. Em có ghé khám tại khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện quận Bình Thạnh thì bác sĩ bảo em bị viêm thắng lưỡi, rát lưỡi và có kê thuốc cho em nhưng em vẫn không thấy thuyên giảm: Augmetin (625mg), Medrol, Paracetamol (500mg), Vitamin PP (500mg).

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Nấm miệng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nấm miệng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Các triệu chứng của em mới xuất hiện gần đây, qua mô tả gợi ý nấm miệng nhiều hơn là một tổn thương ác tính. Em nên tái khám bác sĩ chuyên khoa nếu dùng thuốc 3-4 ngày mà không thấy giảm.

Những trường hợp viêm loét miệng đơn thuần thường sẽ khỏi sau 2-3 tuần. Khi sang thương loét kéo dài là cơ sở để nghi ngờ ác tính em nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Nấm miệng hay còn gọi là nấm lưỡi hoặc tưa lưỡi, là tình trạng nhiễm khuẩn nấm ở miệng, không dễ lây và có thể trị khỏi bằng thuốc kháng nấm. Đây là tình trạng nhiễm nấm Candida albicans phát triển vượt mức kiểm soát ở niêm mạc miệng. Candida vốn là một sinh vật thường trú trong miệng nhưng đôi khi chúng phát triển quá mức và gây ra các triệu chứng.

Những triệu chứng thường thấy của nấm miệng là:

- Tổn thương màu trắng kem trên lưỡi, niêm mạc má, đôi khi trên vòm miệng, nướu răng và amidan;
- Tổn thương nổi lên trong miệng có hình dáng giống miếng pho mát;
- Đỏ hoặc đau nhức trong miệng, gây khó khăn khi ăn hoặc nuốt;
- Chảy máu nhẹ nếu nơi nhiễm bị cọ xát hoặc cào;
- Khóe miệng nứt và đỏ (đặc biệt là ở những người đeo răng giả);
- Cảm giác như có bông trong miệng;
- Mất vị giác.

Nấm miệng thường có thể được điều trị thành công bằng các loại thuốc kháng nấm. Các thuốc này thường ở dạng gel hoặc chất lỏng bôi trực tiếp vào bên trong miệng (thuốc bôi), đôi khi ở dạng viên nén hoặc viên nang. Thuốc bôi thường sẽ cần phải được sử dụng một vài lần trong ngày trong khoảng từ 7 đến 14 ngày. Viên nén hoặc viên nang thường được sử dụng một lần mỗi ngày. Các loại thuốc này thường không có tác dụng phụ, một số có thể gây buồn nôn, nôn, đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy. Nha sĩ sẽ có một phương pháp điều trị cụ thể dựa vào tuổi và nguyên nhân gây ra nhiễm trùng.

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

- Thực hiện thói quen vệ sinh răng miệng tốt. Bạn hãy đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày;
- Không lạm dụng các loại nước súc miệng hoặc thuốc xịt. Bạn hãy sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn một lần hoặc hai lần một ngày để giúp giữ cho răng và nướu khỏe mạnh;
- Gặp nha sĩ thường xuyên. Đặc biệt là nếu bạn có bệnh tiểu đường hoặc đeo răng giả;
- Hạn chế lượng đường và các chất men có trong thức ăn. Thực phẩm như bánh mì, bia, rượu vang có thể làm tăng sự phát triển candida;
- Bỏ thuốc lá. Hãy gặp bác sĩ hoặc nha sĩ để được tư vấn phương pháp giúp bạn bỏ thuốc.



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X