Hotline 24/7
08983-08983

Đặt máy trợ tim có phải mổ mở lồng ngực?

Câu hỏi

Chào bác sĩ,

Khi đặt máy trợ tim vào có phải mổ phanh lồng ngực không? Cảm ơn bác sĩ.

(Lê Thị Nhung - Lethinh...@gmail.com)

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

BS chỉ rạch da vừa đủ để đưa máy trợ tim vào

Chào bạn,

Máy trợ tim mà bạn đề cập nhiều khả năng là máy tạo nhịp tim, đây là một thiết bị tạo nhịp phát xung điện 1 chiều có chu kỳ, thông qua dây điện cực kích thích trực tiếp cơ tim, làm cho cơ tim co bóp theo chu kỳ đó. Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện tử rất đặc biệt với 2 khả năng:

1/ Phân tích các hoạt động chức năng của hệ thống điện học của tim.

2/ Khi cần thiết, máy sẽ tạo ra những xung động hỗ trợ để đảm bảo hoạt động chức năng của tim (ví dụ khi mạch bị chậm quá, máy sẽ tạo thêm những xung động đảm bảo cho tim hoạt động với tần số đúng theo nhu cầu của cơ thể).

Gần đây người ta đã bổ xung thêm một số chỉ định mới của máy tạo nhịp tim như trong điều trị suy tim, trong bệnh cơ tim phì đại có nghẽn đường ra thất trái, trong một số rối loạn nhịp nhanh ...

Việc cấy máy tạo nhịp gồm có 2 phần.

Đầu tiên là đặt điện cực vào buồng tim, các máy tạo nhịp có nhiều loại khác nhau; các máy có từ 1-4 điện cực đặt vào 1 đến 4 buồng tim khác nhau.

Sau khi đã xác định được vị trí tốt của điện cực, nó sẽ được cố định vào thành tim. Việc đặt điện cực này cũng giống như thông tim can thiệp, luồn dây theo đường động mạch chính vào tim, không phải mổ mở ngực.

Bước tiếp theo là đặt máy tạo nhịp; vị trí đặt máy thông thường là ngay dưới và giữa xương đòn bên phải.

Các bác sỹ sẽ tiến hành rạch da vừa đủ để đút chiếc máy tạo nhịp vào đó; cũng không phải mổ mở ngực, sau khi đặt máy tạo nhịp vào vị trí; các điện cực sẽ được đấu vào máy và ngay lúc đó máy tạo nhịp đã bắt đầu công việc của mình.

Sau khi xuất viện, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường. Một tháng sau, bệnh nhân được tái khám, nếu máy tốt, người bệnh có thể quay lại công việc bình thường, tuy nhiên phải tránh các công việc nặng nhọc, các công việc đòi hỏi hoạt động thể lực nhiều.

Bệnh nhân sẽ dần dần quay trở lại mọi hoạt động một cách từ từ dưới sự theo dõi và hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc.

Những người từng chơi thể thao, sau khi đặt máy tạo nhịp, cần ngưng hẳn các môn thể thao thi đấu, chỉ nên chơi thể thao nhẹ, có tính chất giải trí.

Thân ái!

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X