Hotline 24/7
08983-08983

Da bị sưng và phồng rộp sau khi điều trị bớt sắc tố bằng laser có để lại sẹo?

Câu hỏi

Thưa BS, Em điều trị bớt sắc tố bằng laser nhưng về vùng da này bị sưng và phồng rộp như bị phỏng, nổi mụn nước. Mấy lần trước thì không bị như vậy. BS cho em hỏi tình trạng của em có nguy hiểm không? Có để lại sẹo hay tổn thương gì không ạ? Em nên chăm sóc da thế nào? Cám ơn BS.

Trả lời

BS Đoàn Mạnh Khải

BS Đoàn Mạnh Khải

Bác sĩ khoa Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Từ Dũ

Da phồng rộp sau bắn laser. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Da phồng rộp sau bắn laser. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Ngọc Yến thân mến,

Laser được sử dụng trong điều trị bớt sắc tố, đó là loại laser có bước sóng hấp thụ sắc tố, thường là bước sóng từ 532 nm đến 1064 nm. Các laser này thường có những đích đến ở da đó là tế bào sắc tố, tế bào hồng cầu và những phân tử nước ở trong tế bào da.

Do đó nếu từng điều trị sắc tố thì do BS điều trị cho em sử dụng năng lượng laser có thể mạnh thành ra có những nốt phồng rộp. Tuy nhiên những nốt phồng rộp này sẽ trở về bình thường sau 1-2 ngày và không gây tình trạng nguy hiểm gì.

Đa số trường hợp nếu bắn laser đúng năng lượng và chỉ định thường không để lại sẹo, tuy nhiên trong một số trường hợp BS sử dụng năng lượng lớn có thể để lại sẹo hay rộp da.

Bất kỳ loại laser nào được sử dụng điều trị đều có khả năng gây cảm giác nóng rát trong vòng từ 12-24 tiếng, do đó bạn có thể sử dụng các loại kem làm giảm sự bỏng do nhiệt như: Curiosin gel, Biafine, Cicalfate… thoa nhiều lần trong ngày.

Thông thường laser được sử dụng điều trị đốm nâu thường không để lại sẹo nếu vết thương không bị nhiễm trùng, do đó bạn nên giữ sạch vùng da sau đốt laser, hạn chế việc sờ chạm cũng như sử dụng các sản phẩm vệ sinh da mặt có nhiều chất kích ứng hoặc bào mòn.

Việc tránh nắng nên tuân thủ nghiêm ngặt trong những tuần lễ đầu bằng việc sử dụng kem chống nắng, thoa dày ở những vùng da được điều trị với laser và đừng quên sử dụng khẩu trang khi ra ngoài. Trường hợp bạn có sử dụng khẩu trang 2-3 lớp cũng không bảo đảm hiệu quả chống nắng được.

Thân ái.

Mời tham khảo thêm:



Bớt sắc tố là vết chàm (màu xanh lơ), vết đen, vết chó vá, thánh đóng dấu...

Bớt có thể tăng kích thước nhưng rất chậm, tới mức nào đó sau tuổi dậy thì sẽ dừng lại và cố định lâu dài. Kích thước bớt có thể lớn bằng bàn tay hoặc các đám nhỏ bằng đầu đinh ghim, hạt ngô. Vị trí thường ở một bên mặt, quanh mắt, đôi khi cả hai bên mặt hoặc ở các vị trí khác của cơ thể như vai, ngực, cổ, lưng.

Bớt sắc tố thuộc vào nhóm bệnh tăng sắc tố ở da. Nhóm tổn thương này thường được chia làm 3 loại. Tổn thương ở thượng bì gồm: nốt ruồi, dát cà phê sữa, tàn nhang, nám má thể thượng bì, hạt cơm da dầu, dày sừng do ánh nắng... Tổn thương ở trung bì gồm bớt xanh, bớt ota, bớt ito, xăm mình... Tổn thương tăng sắc tố hỗn hợp có cả ở trung bì và thượng bì như bớt becker, tăng sắc tố sau viêm, nám má thể trung bì.

Bớt sắc tố bẩm sinh là những biến đổi, rối loạn tại chỗ của tế bào sắc tố da, sự tăng sinh quá mức của tế bào sắc tố, xâm lấn sâu xuống trung bì. Bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên cũng đã có trường hợp ung thư hắc tố xuất phát trên nền tổn thương của bớt sắc tố bẩm sinh. Điều ảnh hưởng nặng nề nhất là mặt thẩm mỹ, làm cho bệnh nhân thiếu tự tin, ảnh hưởng tới phát triển tâm lý cũng như công việc và các hoạt động xã hội.

Với bớt sắc tố có kích thước nhỏ và ở vùng da kín, ít bị kích thích chấn thương thì có thể không cần can thiệp. Đối với các bớt có kích thước lớn ở vùng da hở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì cần được thăm khám và xử lý.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X