Hotline 24/7
08983-08983

Chỉ số MCHC giảm nhẹ liệu có sao không?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Em đi xét nghiệm thận có kết quả tất cả điều nằm trong ngưỡng tính, riêng 2 chỉ số này được bôi đen: Bạch cầu: Mono 12 (2-10) %; baso 1.1 (<1 )%; Hồng cầu: Mchc 31.7 (32-36)g/dL. Như vậy em có bị gì không, bác sĩ tư vấn giúp em.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Xét nghiệm máu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Xét nghiệm máu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Xét nghiệm cho các chỉ số của tế bào máu hiện nay đang dùng rộng rãi là xét nghiệm “tổng phân tích tế bào máu bằng tia laser”. Khi quét qua tia laser, máy có thể có lầm lẫn trong giới hạn cho phép khi phân định các loại tế bào máu. Hơn nữa, những người khỏe mạnh bình thường cũng có thể có xê dịch đôi chút trong kết quả xét nghiệm công thức máu.

Các chỉ số em cung cấp chỉ thay đổi nhỏ so với ngưỡng giá trị bình thường, như phần trăm mono bào và basophil thì tăng nhẹ nhưng trị số tuyệt đối của mono bào và basophil thì bình thường. Điều này không thể kết luận em có bệnh về máu, vì có thể gặp ở người bình thường, bác sĩ cần phải xem xét thêm các khó chịu hiện tại, các kết quả xét nghiệm khác mới kết luận được, em trao đổi thêm với bác sĩ cho em chỉ định xét nghiệm này, em nhé.

Riêng chỉ số MCHC là nồng độ hemoglobin trung bình của các hồng cầu, MCHC giảm nhẹ có thể cho thấy hồng cầu bị nhược sắc, trong khi các trị số khác của hồng cầu thì bình thường, trường hợp này thường gặp nhất là do thiếu sắt, ăn uống bổ sung thêm (củ dền, thịt bò, sò huyết) sẽ giúp cải thiện.

Như vậy, nếu em cảm thấy trong người khỏe khoắn không có gì bất thường thì chỉ cần thay đổi chế độ ăn đầy đủ chất, tẩy giun và làm lại xét nghiệm này 2-3 tháng sau.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Thiếu máu do thiếu sắt, hay còn gọi là thiếu máu thiếu sắt, là một dạng phổ biến của bệnh thiếu máu. Bệnh xảy ra khi cơ thể không có đủ chất sắt lượng cung cấp hồng cầu cần thiết cho cơ thể. Hồng cầu là các tế bào trong máu giúp mang oxy đến các mô của cơ thể.

Triệu chứng chính của thiếu máu do thiếu sắt bao gồm:

- Cảm giác mệt mỏi;
- Chóng mặt;
- Gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh nặng có thể gây khó thở và khiến da nhợt nhạt. Bệnh kéo dài gây đau miệng, khó nuốt, và móng tay mềm, cong.

Một số triệu chứng khác ít xảy ra hơn như muốn ăn thức ăn cứng giòn, đá viên hay ăn những thứ kỳ lạ như bụi bẩn hoặc đất sét (gọi là hội chứng pica).

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của chứng thiếu máu. Thông thường, người bệnh sẽ cần bổ sung thêm sắt từ thuốc uống hoặc siro bổ sung chất sắt và sẽ được dùng ít nhất một lần mỗi ngày trong vòng 3-6 tháng.

Nếu phương pháp bổ sung sắt không làm tăng nồng độ sắt trong cơ thể của bạn, có khả năng chứng thiếu máu ở bạn là do một nguồn xuất huyết hay một vấn đề hấp thụ chất sắt mà bác sĩ sẽ cần phải chẩn đoán thêm. Tùy thuộc vào nguyên nhân, các phương pháp điều trị thiếu máu thiếu sắt có thể bao gồm:

- Thuốc kháng sinh và các thuốc khác để điều trị loét dạ dày tá tràng;
- Phẫu thuật cắt bỏ polyp chảy máu, khối u hoặc u xơ tử cung;
- Người bệnh bị thiếu máu nặng có thể cần được truyền sắt qua tĩnh mạch hoặc tiếp máu nhanh chóng.

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của thiếu máu do thiếu sắt:

- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
- Bổ sung chất sắt theo chỉ định của bác sĩ;
- Dùng vitamin tổng hợp trước khi sinh nếu bạn đang mang thai. Tiếp tục dùng vitamin tổng hợp nếu bạn đang cho con bú;
- Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng với thực phẩm giàu sắt như thịt, đậu và rau xanh.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X