Hotline 24/7
08983-08983

Bị rách dây chằng có nên phẫu thuật không?

Câu hỏi

Bác sĩ ơi, Em hay chơi thể thao, vừa rồi ngày 24/11 bị té xe làm ảnh hưởng đến đầu gối trái, bị rách dây chằng. Vậy có nên mổ hay không ạ, mổ ở đâu ạ?

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Kết quả MRI do bạn đọc cung cấp
Kết quả MRI do bạn đọc cung cấp

Chào bạn,

Rách dây chằng gối có hai hướng điều trị là bảo tồn hoặc phẫu thuật. Quyết định điều trị dựa trên loại dây chằng đứt, cơ địa từng người, mức độ tổn thương của dây chằng và kết quả của quá trình tập phục hồi chức năng.

Những trường hợp dây chằng tổn thương ít, gối không mất vững thì có thể điều trị bảo tồn, tổn thương có thể hoàn toàn hồi phục không làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, cũng như trong hoạt động thể thao sau này. Trong những trường hợp rách nặng không đáp ứng điều trị bảo tồn hoặc bệnh nhân có nhu cầu vận động cao thì nên phẫu thuật tái tạo dây chằng.

Bạn cần tới khám trực tiếp chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình để bác sĩ đánh giá trực tiếp và đưa ra hướng xử trí phù hợp, cũng như hướng dẫn phương pháp luyện tập cụ thể cho trường hợp chấn thương của mình bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Dây chằng chéo trước nằm ở giữa đầu gối, ngăn các xương ống chân không bị trượt ra phía trước xương đùi. Chấn thương dây chằng chéo trước là tình trạng căng hoặc rách dây chằng. Tùy thuộc vào tình trạng nghiêm trọng và mức độ hoạt động, rách dây chằng có thể một phần hoặc hoàn toàn. Chấn thương từ mức nhẹ, chẳng hạn như rách nhỏ, đến nghiêm trọng, như đứt dây chằng hoàn toàn hoặc dây chằng và một phần xương tách biệt với phần xương còn lại.

Các dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương dây chằng chéo trước bao gồm:

- Tiếng bốp to tại thời điểm chấn thương;
- Đau đớn và không có khả năng tiếp tục hoạt động;
- Bắt đầu sưng ở chỗ chấn thương trong vòng một vài giờ;
- Hạn chế vận động;
- Sưng đầu gối trong vòng vài giờ đầu tiên sau chấn thương. Đây có thể là dấu hiệu của chảy máu bên trong khớp gối.

Khi bị chấn thương dây chằng chéo trước, bạn nên gọi cho bác sĩ ngay lập tức và làm theo các bước sơ cứu ban đầu, bao gồm:

- Nâng chân lên cao hơn tim và thả lỏng toàn bộ cơ thể;
- Chườm đá trên đầu gối ít nhất 20 phút và tiếp tục trong vòng 2 giờ;
- Sử dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn như thuốc kháng viêm không steroid.

Bạn cần cẩn thận chú ý:

- Không cử động đầu gối nếu bạn đã bị một chấn thương nghiêm trọng;
- Sử dụng một thanh nẹp để giữ đầu gối thẳng cho đến khi gặp bác sĩ;
- Đừng hoạt động hay chơi thể thao cho đến khi bạn được điều trị.

Bác sĩ điều trị rách dây chằng chéo trước bằng các phương pháp không phẫu thuật và phẫu thuật tùy theo nhu cầu của người bệnh. Phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể bao gồm băng hỗ trợ và vật lý trị liệu. Những phương pháp điều trị này có hiệu quả với những người cao tuổi hoặc người có cường độ hoạt động rất thấp. Mặt khác, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật nếu:

- Bạn là vận động viên và muốn tiếp tục chơi thể thao, đặc biệt là các môn thể thao liên quan đến chạy, nhảy;
- Bạn bị tổn thương nhiều hơn một dây chằng hoặc sụn ở đầu gối;
- Bạn còn trẻ và thích hoạt động;
- Các chấn thương ở đầu gối cản trở hoạt động thường ngày của bạn.

Để ngăn ngừa chấn thương dây chằng chéo trước, bạn nên sử dụng các kỹ thuật thích hợp khi chơi thể thao hoặc tập thể dục. Ngoài ra, bạn hãy cẩn thận các hoạt động hàng ngày và mặc đồ bảo hộ khi phải làm công việc nặng.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X