Hotline 24/7
08983-08983

Chấn thương dây chằng khớp gối, có nên phẫu thuật nối lại?

Câu hỏi

Chào BS, Cách đây 1 năm tôi có chơi thể thao và nhảy từ trên cao xuống nền xi măng, sau đó chân bị đau, sưng nhẹ nhưng vẫn đi lại được. Sau một thời gian tôi đã đi lại tương đối bình thường, chỉ có chân phải cảm giác yếu, ngại va chạm mạnh, mỗi lần dũi chân ra có tiếng cốc rất to. Thời gian qua tôi vẫn chơi thể thao (cầu lông) bình thường, chỉ khi chơi nhiều thì có cảm giác đau. Vừa qua tôi có vào BV chụp MRI đầu gối phải, BS kết luận bị đứt, dập, rách dây chằng chéo trước 1/2 bó, dây chằng chéo sau 1/3 bó. Các bộ phận sụn, xương đều bình thường. Mong BS tư vấn giúp tôi với kết quả như trên thì tôi có nên đi mổ để nối lại không? Cơ thể có thể tái sinh lại được không, cách điều trị như thế nào? Tôi sợ để lâu sẽ ảnh hưởng đến khớp gối và khó khăn cho việc phục hồi. Rất mong nhận được ý kiến tư vấn của BS. Xin chân thành cảm ơn BS.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Chấn thương dây chằng đầu gối. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chấn thương dây chằng đầu gối. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Khớp gối là khớp hoạt động linh hoạt và quan trọng trong việc đi lại của cơ thể. Khớp gối được giữ vững bởi 4 dây chằng: chéo trước, chéo sau, bên trong và bên ngoài. Khi tổn thương trên 2 dây chằng, khớp gối sẽ mất vững, và người bệnh không thể đi lại tốt.

Người bệnh bị lỏng gối nhiều, không thể bước đi bình thường, mất khả năng chơi thể thao. Hậu quả của quá trình lỏng gối là xuất hiện các tổn thương thứ phát như rách sụn chêm (>90%), bong sụn khớp (70%), và cuối cùng là thoái hóa khớp gối (60% sau 10 năm).

Do đó, điều trị phẫu thuật vừa để phục hồi lại chức năng vận động cho khớp gối, vừa phòng ngừa các biến chứng về lâu dài. Bạn nên khám chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được BS thăm khám trực tiếp và tư vấn cụ thể hơn về phương pháp phẫu thuật.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Dây chằng là một dải ngắn gồm các mô liên kết sợi cứng, chủ yếu bao gồm các phân tử collagen dài và dai. Các dây chằng có nhiệm vụ nối các xương trong và quanh khớp. Các dây chằng hạn chế khả năng di chuyển của khớp hoặc ngăn chặn các cử động nhất định. Các chấn thương dây chằng ở đầu gối - ví dụ như dây chằng chéo (ACL) phía trước - có thể khiến bạn bị thương. Chấn thương có thể khiến bạn rất đau và hạn chế những hoạt động thường ngày.

Các triệu chứng phổ biến của chấn thương dây chằng đầu gối là:

- Nghe thấy tiếng “bốp” tại thời điểm bị thương nếu dây chằng bị rách hoàn toàn;
- Sưng đầu gối: Khi một dây chằng bị thương, bạn có thể bị chảy máu bên trong khớp gối, dẫn đến sưng đầu gối. Mức độ sưng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thương tích. Các dây chằng nhỏ có thể sưng ít hơn. Tuy nhiên, dây chằng bị xé rách hoàn toàn có thể dẫn đến sưng đầu gối rất nhanh (trong vòng hai giờ) và rất đau đớn;
- Đau ở đầu gối: mức độ đau có thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thương tích ở đầu gối;
- Chạm vào thấy mềm ở xung quang khu vực bị chấn thương dây chằng. Các dây chằng nhỏ bị chấn thương có thể đỡ hơn, nhưng trong trường hợp dây chằng bị đứt hoặc tổn thương nghiêm trọng sẽ gây đau đớn;
- Không thể di chuyển đầu gối bình thường: Khi dây chằng bị rách, bạn có thể bị suy giảm khả năng vận động nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu vết rách ở dây chằng nhỏ, bạn vẫn có thể đi lại được;
- Cảm giác đầu gối không cố định. Tình trạng này có thể khiến bạn đi khập khiễng và phụ thuộc vào mức độ tổn thương dây chằng. Bạn vẫn có thể đứng nếu chỉ chấn thương một chút ở dây chằng đầu gối;
- Đôi khi các vết thâm có thể xuất hiện ở đầu gối, nhưng không phải lúc nào cũng có.

Chấn thương dây chằng ở đầu gối từ nhẹ đến vừa có thể tự lành. Để tăng tốc quá trình hồi phục, bạn có thể:

- Cho đầu gối nghỉ ngơi. Bạn nên tránh gây áp lực nặng lên đầu gối và cần phải sử dụng nạng một thời gian;
- Chườm đá đầu gối từ 20 đến 30 phút mỗi 3 đến 4 giờ để giảm đau và giảm sưng. Bạn chườm từ 2 đến 3 ngày hoặc cho đến khi hết sưng;
- Nẹp đầu gối: đặt băng kẹp, dây đai lên đầu gối để giảm sưng;
- Nâng đầu gối lên khi bạn ngồi hoặc nằm xuống;
- Đeo nẹp đầu gối để cố định đầu gối và bảo vệ đầu gối khỏi bị thương tích thêm;
- Dùng thuốc giảm đau chống viêm. Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen hoặc naproxyn sẽ giúp giảm đau và sưng tấy. Bạn nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn có thắc mắc hoặc cảm thấy rằng bạn vẫn cần dùng thuốc sau 7 đến 10 ngày;
- Thực hành các bài tập kéo căng và tăng cường cơ nếu bác sĩ đề nghị. Bạn không tập các bài tập quá nhiều để tránh gây đau.

Rất khó để ngăn chặn chấn thương dây chằng đầu gối. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bị chấn thương dây chằng bằng một số biện pháp phòng ngừa sau:

- Giữ cơ đùi khỏe mạnh bằng các bài tập căng cơ và tăng cường tập thể dục thường xuyên;
- Khởi động trước khi bắt đầu tập các bài tập nặng hơn;
- Bạn không nên thay đổi hoạt động đột mà nên từ từ chuyển sang động tác mới.

Khớp gối là khớp nối xương đùi và xương cẳng chân - hai xương lớn nhất cơ thể - đồng thời khớp gối đảm nhận những vận động mạnh và linh hoạt, cho nên khớp gối được cố định bởi nhiều gân và dây chằng. Một chấn thương dây chằng nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sự vận động của khớp và làm biên độ cử động bất thường. Tùy theo mức độ chấn thương mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, nhưng có một điểm chung là bạn hãy cố gắng nghỉ ngơi tại chỗ, tránh đè ép lên gối tổn thương để dây chằng bị rách, đứt có thời gian phục hồi.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X