Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân tiểu đường tê nửa người, hoạt động chậm... nên khám khoa nào?

Câu hỏi

Kính gửi bác sĩ, Chồng tôi 62 tuổi, có bệnh tiểu đường tuýp 2, bị tai nạn giao thông cách đây 9 tháng, lúc đó bị chấn thương não bên phải, phải dùng máy thở 17 ngày. Hiện nay đi lại bình thường, trí nhớ có giảm sút nhưng nhìn chung đã phục hồi. Mặc dù vẫn tiếp tục tập vật lý trị liệu và châm cứu nhưng nửa người bên trái vẫn bị tê, không mang xách nặng được, hoạt động chậm chạp và yếu hơn trước nhiều. Bệnh nhân luôn tuân thủ chế độ ăn hợp lý, không tăng cân (cao 1m66, nặng 55kg), đi bộ >30phút/ngày, HbA1C gần nhất là 6.0, HDL-C 0.99mmol/l, LDL-C 2.37 mmol/l, Triglycerides 2.4mmol/l, Glucose 7.22mmol/l). Tôi muốn kiểm tra lại toàn thể trạng của chồng tôi để có hướng điều trị tích cực hơn nữa nhưng không biết đi bệnh viện nào và khám khoa nào, làm những xét nghiệm gì? Mong bác sĩ tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Người bệnh tiểu đường tê nửa người. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Người bệnh tiểu đường tê nửa người. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Theo thông tin bác cung cấp thì hiện sức khỏe của bác trai đang khá ổn định, đường huyết và mỡ máu kiểm soát tốt, bệnh nhân vẫn đang nhận được sự điều trị hỗ trợ tối ưu (vật lý trị liệu, châm cứu, tập đi bộ hàng ngày trên 30 phút), do đó việc kiểm tra lại toàn thể cho người bệnh là không cần thiết (trừ khi kết quả các xét nghiệm trên cách đây hơn 6 tháng thì cần xét nghiệm lại và kiểm tra thêm 1 số xét nghiệm khác như công thức máu, creatinine...), bởi vì những tổn thương của hệ thần kinh trung ương hồi phục rất là chậm, vì tế bào não một khi đã chết là không tái tạo lại, các tế bào não còn lại sẽ tăng hoạt động lên để bù vào phần thiếu đó.

Trong vòng 9 tháng mà bệnh nhân có thể "đi lại bình thường, trí nhớ có giảm sút nhưng nhìn chung đã phục hồi" là đã rất tốt, nên tập vật lý trị liệu thêm 1 thời gian nữa.

Nếu bác muốn hướng điều trị tích cực hơn nữa thì có thể tham khảo phương pháp điều trị bằng ghép tế bào gốc đang được ứng dụng ở các nước phát triển trong điều trị phục hồi bệnh lý thần kinh, chi phí cực kỳ cao, tại Việt Nam chưa ghi nhận bệnh viện nào triển khai, bác khám thêm tại chuyên khoa Thần kinh để được hướng dẫn cụ thể, bác nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Các tế bào máu gốc là những tế bào nằm bên trong xương, còn được gọi là tủy xương, chúng giống như bọt biển bên trong xương. Các tế bào máu gốc này sẽ phát triển thành 3 loại tế bào máu trưởng thành sau đây:

- Hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể
- Bạch cầu chống nhiễm trùng
- Tiểu cầu giúp đông máu.

Ngoài ra, một lượng nhỏ tế bào gốc có thể được tìm thấy trong máu và trong dây rốn (dây kết nối bào thai đến nhau thai của người mẹ). Một loại tế bào gốc khác, gọi là tế bào phôi gốc, có thể phát triển thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể. Những tế bào này không nằm trong tủy xương.

Các bác sĩ sử dụng ghép tế bào gốc để điều trị những người có:

- Một số bệnh ung thư, chẳng hạn như bệnh bạch cầu.

- Bệnh nhân trải qua điều trị với liều cao hóa trị và xạ trị trong quá trình điều trị bệnh ung thư khác có thể gây tổn thương nghiêm trọng hoặc phá hủy tủy xương. Cấy ghép tế bào máu gốc giúp thay thế những mô bị phá hủy này bằng những tế bào khỏe mạnh.

- Bệnh lý về máu nặng, như thalassemias, thiếu máu bất sản, thiếu máu hồng cầu hình liềm. Trong các bệnh này, cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu hoặc hồng cầu sản xuất ra không thể làm được nhiệm vụ của chúng.

- Một số bệnh suy giảm miễn dịch làm cơ thể không thể sản xuất đủ bạch cầu để chống lại nhiễm trùng. Nếu không có các tế bào bạch cầu, những căn bệnh nhiễm trùng có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Cấy ghép cung cấp tế bào gốc để thay thế các bạch cầu bị mất.

Hai loại cấy ghép tế bào gốc chính là tự thân và dị thân.

Đối với phương pháp cấy tự thân, tế bào gốc của bạn sẽ được thu thập và lưu trữ để sử dụng sau này. Phương pháp này được sử dụng nếu cơ thể bạn vẫn còn lại một ít tế bào còn khỏe mạnh. Còn những tế bào ung thư sẽ được loại bỏ.

Đối với phương pháp cấy ghép dị thân, bạn sẽ nhận tế bào gốc từ người hiến tặng. Người hiến có thể là họ hàng (như người anh trai hoặc em gái) hoặc một người không có họ hàng gì với bạn. Bạn cũng có thể nhận tế bào gốc từ máu cuống rốn được tặng bởi một người không có họ hàng với bạn.

Để ngăn chặn những biến chứng có thể xảy ra, các tế bào gốc của người hiến phải càng phù hợp với bạn càng tốt. Để biết người hiến và người nhận có hợp với nhau không, bác sĩ sẽ thực hiện một xét nghiệm máu gọi là xét nghiệm mô HLA.

Các tế bào gốc được sử dụng trong cấy ghép được thu thập từ người hiến bằng một số cách sau.

Một thủ thuật được gọi “tách chiết”, bác sĩ sẽ lấy máu từ cánh tay của người hiến. Sau đó, máu của người hiến tặng sẽ đi qua một máy tách chiết để lấy ra các tế bào gốc. Phần còn lại của máu sẽ được trả lại cho người hiến.

Tế bào gốc có thể được thu thập trực tiếp từ khung xương chậu của người hiến tặng. Thủ thuật này không còn được sử dụng nhiều nữa vì phải được thực hiện tại một bệnh viện và phải gây tê hoặc gây mê. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ chích một kim rỗng vào xương chậu để hút tủy ra khỏi xương.

Máu chứa tế bào gốc có thể thu thập từ một dây rốn và nhau thai sau khi một em bé được sinh. Máu sẽ được đông lạnh và lưu trữ tại một ngân hàng máu dây rốn để sử dụng trong tương lai.

Nhìn chung, ghép tế bào gốc có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Một số biến chứng có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, đối với một số người, ghép tế gốc là cách điều trị tốt nhất để chữa lành bệnh hoặc để kéo dài sự sống.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X