Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao phải ghép tủy từ anh chị ruột mới an toàn?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Cháu nhà tôi đi khám, bác sĩ cho biết là bị suy tuỷ, giờ phải ghép mới mong có được sự sống. Bác sĩ nói phải ghép tuỷ từ anh hoặc chị, hay phải mua cuống rốn từ ngân hàng cuống rốn gì đó. Khi tôi hỏi là nếu ghép được từ những người thân trong gia đình thì bác sĩ nói là không an toàn. Liệu việc đó có đúng không? Và chi phí cho một ca ghép tuỷ tự thân là bao nhiêu? Phải mua cuống rốn là bao nhiêu vậy bác sĩ? Rất mong được sự tư vấn của bác sĩ. Cám ơn nhiều.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Ghép tủy. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ghép tủy. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Đối với dị ghép, sự khác biệt kháng nguyên hệ HLA của cơ thể người cho và người nhận càng lớn thì hiện tượng thải ghép xảy ra càng nhanh. Do đó muốn mảnh ghép sống lâu trong cơ thể thì cần có sự giống nhau về kháng nguyên HLA của cơ thể cho và nhận. Thực tế khó xảy ra trừ khi người cho và nhận là anh chị em sinh đôi một trứng.

Đối với ghép tế bào gốc tự thân, tế bào gốc được lấy từ tủy xương của chính người bệnh, thường sử dụng trong điều trị một số bệnh lý ác tính.

Nhìn chung ghép tủy dị thân cho kết quả tốt hơn trong việc kiểm soát bệnh với sự giảm đáng kể tỉ lệ tái phát. Ngược lại, những biến chứng của việc ghép tủy dị thân như bệnh lý mảnh ghép chống chủ, độc tính, nhiễm trùng đã ảnh hưởng đáng kể lên kết quả sống còn.

Do đó bác sĩ điều trị sẽ phải cân nhắc rất nhiều vấn đề và thay đổi quyết định tuỳ theo tình huống của từng bệnh nhân.

Chi phí cho ghép tự thân khoảng 200 triệu và dị ghép là khoảng 600 triệu. Bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện (các bệnh viện chuyên khoa về truyền máu và huyết học hoặc bệnh viện Nhi nếu bé dưới 15 tuổi) và tin tưởng sự tư vấn của bác sĩ điều trị bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Ghép tế bào máu gốc hay còn gọi là ghép tủy là quá trình thay thế các tế bào máu gốc bất thường của một người bằng những tế bào máu gốc khỏe mạnh từ người khác (người hiến tặng). Phẫu thuật này cho phép người nhận có tế bào máu gốc mới có thể tạo máu hiệu quả hơn.

Các tế bào máu gốc là những tế bào nằm bên trong xương, còn được gọi là tủy xương, chúng giống như bọt biển bên trong xương. Các tế bào máu gốc này sẽ phát triển thành 3 loại tế bào máu trưởng thành sau đây:

- Hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể
- Bạch cầu chống nhiễm trùng
- Tiểu cầu giúp đông máu.

Ngoài ra, một lượng nhỏ tế bào gốc có thể được tìm thấy trong máu và trong dây rốn (dây kết nối bào thai đến nhau thai của người mẹ). Một loại tế bào gốc khác, gọi là tế bào phôi gốc, có thể phát triển thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể. Những tế bào này không nằm trong tủy xương.

Một số trường hợp cần cấy ghép tủy bao gồm:

- Thiếu máu bất sản: một loại bệnh lý khiến tủy ngừng sản xuất các tế bào máu mới.
- Các loại ung thư liên quan đến tủy: ung thư bạch cầu (leukemia), u lympho (lymphoma), đa u tủy xương (multiple myeloma)…
- Tủy xương bị tổn thương do hóa trị.
- Giảm bạch cầu bẩm sinh: một loại bệnh lý di truyền khiến người bệnh thường xuyên bị nhiễm trùng.
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm: một loại bệnh di truyền về máu có khả năng gây đột biến cho hồng cầu.
- Thalassaemia gây rối loạn máu ảnh hưởng đến việc sản sinh huyết sắc tố.

Có hai loại cấy ghép tủy xương chính, phụ thuộc vào nguyên nhân bạn cần thực hiện phẫu thuật.

- Cấy ghép tự thân

Cấy ghép tự thân nghĩa là tế bào được ghép vào người bệnh có nguồn gốc từ chính người đó. Những tế bào này được các chuyên viên y tế thu thập trước khi bạn thực hiện liệu pháp gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ cơ thể như hóa trị hay xạ trị. Sau khi quá trình điều trị kết thúc, bạn có thể thực hiện phẫu thuật ghép tủy xương.

Tuy nhiên, ghép tủy tự thân chỉ có thể tiến hành nếu tủy xương của bạn vẫn còn dùng được. Bù lại, tỷ lệ xuất hiện biến chứng sẽ giảm đáng kể so với loại cấy ghép còn lại.

- Cấy ghép dị thân

Cấy ghép dị thân sử dụng tế bào gốc từ người hiến tặng để ghép vào cơ thể người bệnh. Người hiến và người nhận phải có sự tương đồng về mặt di truyền. Người có mối quan hệ ruột thịt là lựa chọn tốt nhất cho việc hiến tủy.

Trong trường hợp tế bào máu gốc của bạn bị tổn thương hoàn toàn, bạn bắt buộc phải trải qua phẫu thuật cấy ghép dị thân. Tuy nhiên, khi thực hiện loại cấy ghép này, cơ hội cho các biến chứng xảy ra là rất lớn. Người nhận ghép tủy cần sử dụng thuốc chống thải ghép để ngăn tế bào bạch cầu tấn công tủy ghép. Ngược lại, sức đề kháng sẽ giảm, khiến cơ thể người nhận dễ dàng mắc bệnh.

Phẫu thuật ghép tủy xương dị thân có thành công hay không phụ thuộc vào độ tương thích của tế bào ghép vào với cơ thể người bệnh.

Sự thành công của cấy ghép tủy xương phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tương thích di truyền giữa người hiến tủy và người nhận ghép.

Tình trạng sức khỏe của người bệnh sẽ được giám sát thường xuyên, kéo dài từ 10 - 28 ngày tính từ lúc phẫu thuật xong. Số lượng bạch cầu tăng dần theo thời gian là dấu hiệu ca cấy ghép đã thành công, vì nó cho thấy tế bào gốc được ghép vào đang bắt đầu sản sinh các tế bào máu mới.

Thời gian phục hồi sau ghi ghép tế bào gốc tạo máu là khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, một số người cần đến một năm mới có thể hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Quá trình hồi sức phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

- Phương pháp điều trị bệnh lý
- Hóa trị và xạ trị
- Sự tương thích di truyền giữa người hiến và người nhận
- Nơi ghép tủy.

Một số loại biến chứng phổ biến:

- Bệnh ghép chống chủ do truyền máu (GVHD): Tình trạng các tế bào ghép tấn công cơ thể người nhận
- Cấy ghép thất bại: Tế bào gốc cấy ghép không sản sinh các tế bào mới
- Chảy máu trong phổi, não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể
- Đục thủy tinh thể
- Cơ quan nội tạng bị tổn thương
- Mãn kinh sớm
- Thiếu máu: Cơ thể không sản xuất đủ tế bào hồng cầu
- Nhiễm trùng
- Viêm niêm mạc.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X