Hotline 24/7
08983-08983

Hướng dẫn cách vệ sinh mũi họng và ăn uống hợp lý khi Tết đến Xuân về

“Trong dịp lễ Tết, một số người tăng cân chóng mặt do ăn uống quá đà. Vì thế, cần hạn chế tối đa các thực phẩm giàu năng lượng. Nếu ăn bánh chưng chỉ nên ăn 1/4 miếng cỡ vừa, và cần bổ sung rau, trái cây; sắp xếp thời gian tập luyện mỗi ngày để giữ cân nặng ổn định” - Những thông tin thú vị này được các chuyên gia nêu bật trong hội thảo với chủ đề “Giữ gìn sức khỏe tốt khi du xuân”.

Sáng 7/1/2023, Phòng khám Đa khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức Chương trình Truyền thông giáo dục sức khỏe với 2 chủ đề “Bảo vệ và tăng cường sức đề kháng tai mũi họng khi du xuân” và “Những lưu ý dinh dưỡng trong ngày Tết”. Chương trình được livestream trên Fanpage Phòng Khám Đa Khoa Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, thu hút gần 50 chuyên gia, bác sĩ, sinh viên, khách mời tham gia trực tiếp và khán giả theo dõi trực tuyến.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp - Cố vấn chuyên môn Phòng khám Đa khoa Đại học Y Dược Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: “Năm hết Tết đến, sẽ có một số người trong chúng ta muốn đi du lịch, đi chơi xa, một số lại ở nhà, chuẩn bị rất nhiều đồ ăn, bày biện các món ăn giàu dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ. Buổi hội thảo ngày hôm nay, hai báo cáo viên sẽ mang đến cho chúng ta những kiến thức bổ ích để giữ gìn sức khỏe tai mũi họng khi đi du xuân và kiến thức dinh dưỡng ngày Tết. Hy vọng sẽ giúp ích cho tất cả mọi người khi lễ Tết đang cận kề”.

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp - Cố vấn chuyên môn Phòng khám Đa khoa Đại học Y Dược Phạm Ngọc Thạch

1. Súc họng, chăm sóc mũi thế nào khi du xuân?

Bài báo cáo đầu tiên “Bảo vệ và tăng cường sức đề kháng Tai - Mũi - Họng khi du xuân”, TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng đơn vị Truyền thông Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch khuyến cáo, du xuân là hoạt động ai cũng mong chờ, nhưng đây là thời điểm không khí - môi trường dễ bị ô nhiễm do tụ tập đông người, xả rác và chất thải bừa bãi. Song song đó, thời tiết mưa ẩm, đặc biệt là trời nồm của miền Bắc hay không khí lạnh hoặc nóng đều là những điều kiện thuận lợi để khởi phát các đợt viêm cấp/ đợt cấp tai mũi họng, bao gồm dị ứng, nhiễm độc, rối loạn vận mạch.

Riêng về bệnh đường hô hấp, TS.BS Nguyễn Nam Hà nhấn mạnh đến các bệnh dị ứng khi du xuân dịp Tết. Chuyên gia cho biết, dị ứng môi trường chiếm chiếm tỷ lệ cao nhất với 25%. Dị ứng theo mùa chiếm 15% so với dị ứng thức ăn, thuốc, nọc độc côn trùng… Tùy theo từng mùa mà xuất hiện các bệnh dị ứng khác nhau như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm kết mạc mắt, viêm da cơ địa (chàm). Vào mùa xuân, thời tiết mát mẻ, cây bắt đầu phát tán phấn, đây là nguyên nhân chính gây dị ứng phấn hoa. Trong khi đó, vào mùa hè, mùa thu, nấm mốc bắt đầu phát triển, tăng sinh mạnh nhất gây dị ứng da, viêm mũi. Mùa đông thường dễ dị ứng với lông chó mèo, khói bụi.

Song song đó, TS.BS Nguyễn Nam Hà chỉ rõ một số bệnh về mũi thường mắc phải như: viêm mũi cấp, viêm mũi cấp thông thường, viêm xoang cấp, viêm mũi dị ứng,... Trong đó, viêm mũi cấp thông thường chỉ cần điều trị 5 - 7 ngày mà không cần kháng sinh. Theo chuyên gia, một số trường hợp lạm dụng thuốc kháng sinh vì tin rằng điều này sẽ giúp bệnh khỏi nhanh hơn, nhưng ngược lại, thói quen này sẽ đưa đến khả năng “lờn thuốc”. Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ “lờn” thuốc kháng sinh cao nhất thế giới do việc mua và sử dụng thuốc kháng sinh quá dễ dàng mà không cần chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

Chuyên gia ví von mũi như “Thành Môn Kiên” nếu như mỗi người chăm sóc đúng cách, giúp điều trị cũng như phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Trong khi đó, nếu mũi không được bảo vệ tốt sẽ gây ra các bệnh như viêm phế quản; viêm phổi; thậm chí là còn liên quan đến viêm thận, khớp, tim; nhiễm độc cơ thể; hen phế quản; viêm tiêu hóa và đặc biệt là nguy cơ dẫn đến ung bướu.

“Vì vậy, để bảo vệ “cửa ngõ” quan trọng này của cơ thể, chúng ta cần tránh xa phấn hoa, cây cỏ gây dị ứng; kiểm soát môi trường phòng ngủ, khách sạn; chăm sóc tai mũi họng và các biện pháp vệ sinh cá nhân hàng ngày; nhận tư vấn và chẩn đoán của bác sĩ, dùng thuốc điều trị… khi du xuân nhằm phòng ngừa bệnh” - TS.BS Nguyễn Nam Hà cho biết.

TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng đơn vị Truyền thông Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ về những bí quyết giúp bảo vệ "cửa ngõ" tai mũi họng trong dịp Tết sắp tới

Để chăm sóc mũi hàng ngày, chuyên gia khuyến cáo, nên sử dụng chai xịt thay vì dùng chai rửa. Ngược lại với những người đã bị viêm xoang, nên sử dụng chai rửa mũi để vệ sinh mũi hàng ngày. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tự pha dung dịch vệ sinh mũi tại nhà theo công thức của Đại học IOWA - Hoa Kỳ: 1 lít nước sôi để nguội + 2 muỗng cà phê muối ăn (gạt ngang). Tuy nhiên nếu có thể, tốt nhất nên sử dụng các dung dịch mua ngoài nhà thuốc vì đã được Bộ Y tế kiểm chứng và cấp phép.

Hướng dẫn các bước xịt mũi:

“Bên cạnh việc chăm sóc mũi, họng cũng là bộ phận quan trọng liên quan đến đường hô hấp cần quan tâm, vệ sinh hàng ngày. Việc vệ sinh họng vô cùng đơn giản, mọi người có thể pha dung dịch tại nhà theo công thức như pha dung dịch vệ sinh mũi hoặc mua nước muối y tế, gói muối bột tại các nhà thuốc. Mỗi ngày súc họng ít nhất 5 lần (sáng, tối và sau 3 bữa ăn), súc đến khi cảm thấy sạch họng” - TS.BS Nguyễn Nam Hà hướng dẫn.

Các bước súc họng:

Chuyên gia cũng lưu ý, khi súc họng cần phải thè lưỡi ra, bởi điều này giúp tạo ra màng hầu giảm đáy lưỡi để nước đưa ra phía sau vùng miệng, do ở đó có 2 cục amidan cổ cái - nơi đón virus như SARS‑CoV‑2 và các loại virus gây bệnh, vì vậy cần được làm sạch.

Ngoài ra, TS.BS Nguyễn Nam Hà đưa ra một số hình ảnh về các thói quen sinh hoạt giúp phòng tránh các bệnh tai mũi họng và lưu ý khi mua sản phẩm vệ sinh tai mũi họng, cần lựa chọn sản phẩm có chữ VNDP (nghĩa là Việt Nam dự phòng) do Bộ Y tế cấp phép.

Việc tăng cường đề kháng tai mũi họng ngày Tết phải đảm bảo quy tắc kiềng 3 chân: tinh thần an vui, tập thể dục đều đặn, dinh dưỡng hợp lý. Để có được điều đó, mọi người nên thực hiện tập thở đúng cách tại nhà, giúp đẩy các khí cặn ra ngoài; tham khảo ấn huyệt. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là phải uống đủ nước, bởi vì “nước là Nữ hoàng của sự sống”. Song song đó, nên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng tăng cường đề kháng tai mũi họng như: vitamin D3, C, A, E, B6, kẽm, magne.

2. Tủ lạnh là nơi nhiễm bẩn chỉ đứng sau toilet

Chủ đề thứ hai của buổi hội thảo “Những lưu ý dinh dưỡng trong ngày Tết” do ThS.BS Nguyễn Phương Anh - Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch báo cáo. 3 nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý trong ngày Tết được mở đầu với nội dung: Đủ năng lượng để duy trì cân nặng hợp lý - Cân đối các nhóm thực phẩm - Ăn đa dạng các thực phẩm trong mỗi nhóm.

“Đặc điểm bữa ăn dinh dưỡng ngày Tết là rất giàu năng lượng. Theo khuyến cáo, một người cần tối đa 1.800 Kcalo/ngày, như vậy mỗi bữa là 600 Kcalo. Tuy nhiên, đối với ngày Tết, riêng 1/4 miếng bánh chưng (chứa 574 Kcalo) đã cao hơn một bữa ăn bình thường đầy đủ dinh dưỡng với các món mặn, rau luộc, canh, cơm và trái cây (chỉ chứa 565 Kcalo). Điều đó cho thấy bữa ăn ngày Tết rất mất cân đối vì chứa quá nhiều thực phẩm nhóm ngũ cốc, thịt/cá và dầu/mỡ mà không đủ nhóm rau/trái cây” - ThS.BS Nguyễn Phương Anh thông tin về dinh dưỡng ngày Tết.

Song song đó, việc tiêu thụ nhiều thực phẩm không lành mạnh như: bia, rượu chứa cồn; củ kiệu chứa nhiều muối, đường; thịt kho trứng chứa nhiều chất béo xấu hoặc các loại thực phẩm chế biến sẵn không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, món ăn ngày Tết tuy đa dạng nhưng việc nấu quá nhiều không kiểm soát khiến các gia đình phải nấu ăn lại nhiều lần, chưa kể thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó là thay đổi giờ giấc sinh hoạt.

Tất cả những vấn đề này có thể đưa đến hậu quả không thể kiểm soát cân nặng (tăng cân, sụt cân), không kiểm soát bệnh nền (đái tháo đường, tăng huyết áp…), rối loạn tiêu hóa... ảnh hưởng đến tinh thần và sinh hoạt dịp Tết. “Chính vì vậy, chúng ta cần lưu ý quản lý cân nặng, bệnh mạn tính, đảm bảo an toàn thực phẩm trong ngày Tết” - ThS.BS Nguyễn Phương Anh cho biết.

ThS.BS Nguyễn Phương Anh chia sẻ về các bí quyết bảo quản thực phẩm cũng như lưu ý về cách ăn uống trong dịp Tết

Trong dịp lễ Tết, nhiều người không thể kiểm soát cân nặng của bản thân, một số tăng cân chóng mặt do ăn uống quá đà. Vì thế, cần hạn chế tối đa các thực phẩm giàu năng lượng; nếu ăn bánh chưng chỉ nên ăn 1/4 miếng cỡ vừa, và cần bổ sung rau, trái cây; sắp xếp thời gian tập luyện mỗi ngày để giữ cân nặng ổn định.

Mặt khác, một số lại sụt cân vì dọn dẹp, sắm sửa, nấu nướng, ngán các món ăn ngày Tết. Để cải thiện tình trạng này, cần có kế hoạch dọn dẹp nhà cửa, tránh dồn việc trong những ngày cận Tết; mua thực phẩm nấu nướng ngày Tết một lượng vừa đủ.

Người bệnh mạn tính như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gout… cần tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ, duy trì lối sống lành mạnh (chế độ ăn uống và lối sống) là “chìa khóa” kiểm soát bệnh mạn tính trong ngày Tết.

“An toàn thực phẩm là vấn đề gây nhức nhối, đặc biệt là các dịp lễ Tết, không chỉ việc mua thực phẩm ở ngoài mà chính cách bảo quản thực phẩm tại nhà cũng làm thực phẩm mất vệ sinh. Vì vậy, mỗi gia đình chỉ nên mua vừa đủ cho 3 - 4 ngày Tết, hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn (giờ chả, mứt,...), lựa chọn những thực phẩm gần với tự nhiên nhất có thể (màu sắc, khối lượng…), bảo quản an toàn thực phẩm trong tủ lạnh” - ThS.BS Nguyễn Phương Anh nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý, tủ lạnh là nơi nhiễm bẩn có thể gọi là chỉ đứng sau toilet. Vì chúng ta không nên xếp đồ sống, đồ chín lẫn lộn, hoặc để các loại rau mua về còn nguyên đất, không rửa sạch đã bỏ vào bảo quản tủ lạnh. “Mỗi gia đình cần nắm rõ nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh: phân loại thực phẩm trước khi bảo quản, bảo quản thực phẩm đúng vị trí trong tủ lạnh, loại bỏ những thực phẩm đã dự trữ quá lâu, vệ sinh tủ lạnh thường xuyên”.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X