Hotline 24/7
08983-08983

Hội Y học TPHCM cảnh báo: 95% nghiên cứu về SARS-CoV-2 và COVID-19 chưa đủ độ tin cậy

Trong những bài báo y khoa mà các bác sĩ phải đọc hằng ngày để tìm ra phương tiện điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, có 95% nghiên cứu về SARS-CoV-2 và COVID-19 chưa đủ độ tin cậy, đây là nhận định của GS Nguyễn Văn Tuấn đưa ra tại Hội nghị khoa học năm 2020 do Hội Y học TPHCM tổ chức.

Khai mạc ngày thứ hai của Hội nghị khoa học thường niên năm 2020 do Hội Y học TPHCM tổ chức tại TPHCM trong 2 ngày 7-8/11, PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê - Chủ tịch Liên Chi Hội Đái tháo đường - Nội tiết TPHCM nói lên mục đích mà chương trình hướng đến, đó là giúp các bác sĩ đánh giá thông tin nào đáng tin cậy trong thời điểm bùng nổ thông tin về COVID-19, bằng cách dựa vào y học thực chứng.

alobacsi hội y học TPHCM khai mạc hội nghị khoa họcPGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê - Chủ tịch Liên Chi Hội Đái tháo đường - Nội tiết TPHCM phát biểu khai mạc ngày thứ hai của Hội nghị khoa học thường niên năm 2020 do Hội Y học TPHCM tổ chức

Trong quá trình diễn ra dịch COVID-19, các y bác sĩ vẫn tiếp xúc với bệnh nhân. Mà mỗi bệnh nhân là tổng thể của nhiều vấn đề sức khỏe, do đó bác sĩ cần hiểu biết thêm về các chuyên khoa khác, bên cạnh việc nắm vững chuyên môn của mình. Chẳng hạn, bác sĩ Nội tiết cần nắm được kiến thức cơ bản về chuyên khoa Cơ xương khớp vì 1/3 bệnh nhân đái tháo đường có vấn đề xương khớp, để cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ cho bệnh nhân.

Cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ, theo PGS Thy Khuê, đây là công việc khó khăn như "giữ thăng bằng khi đi trên dây”, đòi hỏi người bác sĩ phải có đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng, và kỹ năng đánh giá thông tin mới từ các nghiên cứu khoa học, các bài báo chuyên môn.

Chương trình gồm 2 phần, phần 1 nói về 2 bệnh lý chiếm tỷ lệ rất cao là thoái hóa khớp và viêm gan, với bài báo cáo của TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM: “Cập nhật chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp - những thông tin từ ACR 2020” và PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy - Trung tâm Y khoa MEDIC, TPHCM: “Xét nghiệm viêm gan siêu vi: chỉ định và biện luận kết quả”.

alobacsi TS.BS Cao Thanh Ngọc TS.BS Cao Thanh Ngọc đưa ra so sánh hướng dẫn dùng thuốc giảm đau cho bệnh nhân thoái hóa khớp từ các guideline trên thế giới, phương pháp tiêm nội khớp, các phương pháp không dùng thuốc...

alobacsi PGS.TS.BS Phạm Thị Thu ThủyPGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy - Trung tâm Y khoa MEDIC, TPHCM trình bày lần lượt về 5 loại virus gây viêm gan A, B, C, D, E cùng các xét nghiệm để phát hiện và đánh giá diễn tiến bệnh.

Phần thứ hai là áp dụng y học chứng cứ vào lâm sàng, gồm một bài tổng quan của GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Garvan (Úc): “Y học thực chứng và đại dịch COVID-19” . Để nhận định một bài nghiên có mức độ tin cậy đến đâu, giáo sư đưa ra thang đo để đánh giá, gồm nhiều tiêu chí: mô hình thiết kế, cỡ mẫu, outcome, mù đôi, phân tích, mức độ ảnh hưởng…

GS Nguyễn Văn Tuấn ứng dụng thang đo này vào 2 nội dung do các nhà nghiên cứu công bố khiến cả thế giới xôn xao vừa qua: “Steroids giảm nguy cơ tử vong liên quan đến COVID-19” và “Hydroxychloroquine và azithromycin”, chứng minh thông tin nào đáng tin cậy hơn. Giáo sư cho biết, dựa theo những tiêu chí chặt chẽ như trên, 95% nghiên cứu về SARS-CoV-2 và COVID-19 được công bố liên tục trong thời gian qua chưa đủ độ tin cậy.

GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Garvan (Úc)GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Garvan (Úc) tham gia hội nghị qua truyền hình trực tuyến

Để minh họa bài của GS Tuấn, ThS.BS Trần Thế Trung - bộ môn Nội tiết, Đại học Y dược TPHCM trình bày cách đánh giá một  bài báo thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên: “Phương pháp đọc một bài báo y khoa với thiết kế thử nghiệm lâm sàng RCT”, điều này rất cần khi xem xét những bài báo mà các bác sĩ phải đọc hằng ngày để tìm ra những phương tiện điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

alobacsi ThS.BS Trần Thế TrungBài báo cáo của ThS.BS Trần Thế Trung đưa ra nghiên cứu so sánh giữa 2 nhóm bệnh nhân, một nhóm tiêm corticoid vào khớp gối, nhóm còn lại không tiêm thuốc này, thay vào đó họ tập vật lý trị liệu

Sau cùng ThS.BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 trình bày bài: “Làm nghiên cứu khoa học trong thời kỳ dịch COVID-19”, đây là một công việc chứng tỏ bản lĩnh của bác sĩ điều trị trong thời kỳ COVID-19, dù có giãn cách xã hội, dù có rào cản trong mùa dịch thì các bác sĩ vẫn làm nghiên cứu.

alobacsi ThS.BS Võ Tuấn KhoaHành trình nghiên cứu trong mùa COVID-19 của ThS.BS Võ Tuấn Khoa và cộng sự tại Bệnh viện Nhân dân 115 đưa ra nhiều câu chuyện ấn tượng về tinh thần hăng say nghiên cứu khoa học

Ở phần thảo luận cuối chương trình, câu hỏi về thực phẩm chức năng đang rất “hot” trên thị trường chứa chất Peptan có thật sự giúp ích cho bệnh thoái hóa khớp hay không?; phương pháp cấy chỉ có hiệu quả với thoái hóa khớp như thế nào?... được gửi đến TS.BS Cao Thanh Ngọc.

PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy nhận được rất nhiều thắc mắc về bệnh viêm gan: khi nào được ngưng điều trị viêm gan B?; viêm gan B mạn nên theo dõi bằng xét nghiệm gì, bao lâu một lần?; hai vợ chồng có 1 người bị viêm gan B thì người kia phòng tránh thế nào?; trẻ em được tiêm ngừa viêm gan B khi còn nhỏ thì kháng thể tồn tại bao lâu, khi nào cần tiêm nhắc?

Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 1.500 hội viên (gồm 500 người tham dự trực tiếp và 1.000 người theo dõi trực tuyến)


Còn GS Nguyễn Văn Tuấn nhận được câu hỏi về hiệu ứng giả dược (plabeco). PGS Thy Khuê cũng đặt câu hỏi với GS Tuấn rằng khi chúng ta quan tâm đến những thống kê, nghiên cứu thì tầm quan trọng của những bài báo cáo ca bệnh bất thường (report) như thế nào?

GS Tuấn trả lời: bài report có giá trị nghiêng về khám phá hơn đánh giá. Những người làm nghiên cứu có nhiệm vụ khám phá điều bình thường từ những gì bất thường, do đó không được bỏ qua những trường hợp bất thường.

Ông dẫn chứng: virus HIV được khám phá từ một ca bệnh bất thường. Hoặc từ một vụ tai nạn giao thông, một người thì xương gãy “te tua”, người kia chẳng sứt mẻ cái xương nào. Các bác sĩ khám phá ra các thành viên gia đình người đó có mật độ xương rất cao, không có ai bị gãy xương nhưng hễ đi bơi là chìm. Từ đó, các nhà nghiên cứu tìm ra gen di truyền giúp cho xương vững chắc và nhiều thông tin hữu ích cho việc làm ra thuốc điều trị loãng xương.

alobacsi Các báo cáo viên và chủ tọa đoànCác báo cáo viên và chủ tọa đoàn

Phần thảo luận cuối chương trình “níu chân” các diễn giả và người tham dự đến tận 12 giờ trưa. Diễn ra trong 2 ngày, Hội nghị khoa học thường niên năm 2020 do Hội Y học TPHCM tổ chức mang đến 11 bài báo cáo đến từ các chuyên gia đầu ngành, tập trung vào những vấn đề liên quan đến SARS-CoV-2, từ vấn đề an toàn trong bệnh viện, đến khai thác chuyên sâu về tình trạng tổn thương phổi, rối loạn đông máu do COVID-19, cách sàng lọc thông tin nghiên cứu về COVID-19 dựa theo y học thực chứng, công tác nghiên cứu khoa học trong mùa dịch...

Hồng Nhung - ảnh: Viết Hưởng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X