Hotline 24/7
08983-08983

Khám phá bên trong xe cấp cứu đột quỵ có gì?

Câu hỏi

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã đầu tư các phương tiện cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị hiện đại từ băng ca, bình oxy, hệ thống monitor, máy sốc điện, thuốc cấp cứu…

Trả lời

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào, với bất kỳ ai. Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, riêng tại các tỉnh miền Tây có đến 10.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm.

Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian đóng vai trò then chốt, trước 6 giờ đối với tắc nghẽn mạch máu lớn và trước 4 giờ 30 đối với tắc nghẽn mạch máu nhỏ. Càng đến sớm, cơ hội cứu sống, phục hồi càng cao.

Vì lẽ đó, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã đầu tư các phương tiện cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị hiện đại từ băng ca, bình oxy, hệ thống monitor, máy sốc điện, thuốc cấp cứu…

I. Xe cứu thương như "phòng cấp cứu di động"

Xe cấp cứu Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Từ khi chính thức hoạt động, bệnh viện đã đưa vào sử dụng chiếc xe cấp cứu có trị giá hơn 3 tỷ đồng, được nhập về từ châu Âu và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Về kết cấu, xe có đầy đủ hệ thống an toàn như cảnh báo đường trơn trượt, tốc độ. Xe có hệ thống máy sưởi, máy lạnh, hệ thống thông khí tốt.

Điểm đặc biệt của chiếc xe cấp cứu 3 tỷ này là có hệ thống điện độc lập, đạt đến 220V, để các phương tiện chuyên dùng như máy thở, máy hút đàm, hệ thống monitor, máy sốc điện… có thể cắm trực tiếp sử dụng như hệ thống điện ở bệnh viện. Đây là lý do chiếc xe này được mệnh danh là “phòng cấp cứu di động” thu nhỏ.

Bên cạnh đó, xe cấp cứu còn được trang bị máy thở di động loại hiện đại nhất đảm bảo hoạt động tốt trong điều kiện dằn xóc, va đập khi xe di chuyển. Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ là một trong số ít các cơ sở y tế ở miền Tây mạnh tay đầu tư máy thở này, vì chi phí không hề rẻ.

Bên trong xe cấp cứu Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Băng ca trên xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Hệ thống điện trên xe cấp cứu bệnh nhân đột quỵ

Hệ thống điện bên trong xe cấp cứu Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

ThS.BS Huỳnh Quốc Sỹ - Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho biết: “Bệnh viện là cơ sở y tế chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ, tim mạch nên thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng. Trong trường hợp cấp cứu, nếu bệnh nhân phải đặt nội khí quản, yêu cầu dùng máy thở, nếu chỉ bóp bóng trên chặng đường dài không đảm bảo cho người bệnh”.

Các dụng cụ y khoa và thuốc men sử dụng trên xe cấp cứu đều được kiểm tra hàng ngày, ghi chép tình trạng hoạt động, chất lượng, số lượng… đảm bảo luôn sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp. Đồng thời, các quy trình về hồi sức cấp cứu thường xuyên được cập nhật, đội ngũ nhân viên cấp cứu được đào tạo bài bản và nâng cao liên tục. Xe cấp cứu và các phương tiện trên xe đều phải tuân thủ chế độ bảo hành bảo trì nghiêm ngặt.

Đặc biệt, xe cấp cứu còn có hệ thống thống rửa tay cho nhân viên y tế, sử dụng khi cần thiết phải thực hiện thủ thuật, phòng chống lây nhiễm cho bệnh nhân.

Bình oxy bên trong xe cấp cứu bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ

Bình oxy trên xe cấp cứu Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Dụng cụ bên trong xe cấp cứuCác dụng cụ cần thiết chuẩn bị sẵn sàng để khi có cuộc gọi, xe cấp cứu lên đường

Bồn rửa tay bên trong xe cấp cứuBồn rửa tay nhỏ, tiện lợi ngay trên xe cấp cứu

II. 2 ca nô cấp cứu đường sông

Cấp cứu “trên cạn” chưa đủ, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ còn trang bị 2 ca nô để cấp cứu đường sông. Mô hình cấp cứu này được TS.BS Trần Chí Cường - một trong những người sáng lập bệnh viện ấp ủ từ những chuyến công tác nước ngoài.

Với địa hình đặc thù của miền Tây là sông ngòi chằng chịt, do đó khi lên ý tưởng xây dựng bệnh viện đặt tại Cần Thơ - trái tim của miền Tây, TS Cường cũng đồng thời lên kế hoạch triển khai phương tiện cấp cứu bằng ca nô. Đây được xem là mô hình cấp cứu bệnh nhân trên ca nô đầu tiên ở vùng sông nước Tây Nam Bộ.

Cấp cứu đường sông bằng ca nô cũng được đầu tư các trang thiết bị hiện đại dành riêng cho cấp cứu ngoại viện, vẫn có băng ca, monitor, thuốc cấp cứu… Khi tiếp nhận thông tin từ tổng đài cấp cứu, tùy theo tình trạng của bệnh nhân sẽ chuẩn bị các trang thiết bị phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, có thể mang theo máy thở.

Như đã nói ở trên, bệnh viện được trang bị máy thở di động, có thể chịu được va đập, dằn xóc. Mặc dù ca nô không cung cấp nguồn điện như trên xe cấp cứu nhưng máy thở có pin dự phòng, thời gian sử dụng có thể lên đến 4 tiếng đồng hồ.

Ca nô cấp cứu đường sông của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần ThơCa nô cấp cứu đường sông của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Long

Ngoài trang thiết bị, bệnh viện cũng tập huấn cho ê-kíp cấp cứu ngoại viện đường sông. Các y bác sĩ tham gia vào ê-kíp này đòi hỏi phải có chuyên môn sâu thì mới xử lý nhanh chóng những trường hợp đột quỵ hay các bệnh lý về tim mạch và sức khỏe tốt để tham gia vận chuyển người bệnh.

Được biết, phạm vi hoạt động của mô hình cấp cứu đường sông là địa bàn TP. Cần Thơ và vùng ven sông các tỉnh lân cận. Việc kết hợp thêm ca nô cấp cứu đường sông dành cho những nơi xe cộ di chuyển khó khăn sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ cứu sống, giảm thiểu di chứng cho bệnh nhân nhờ được can thiệp sớm.

III. Gọi cấp cứu đột quỵ, tim mạch bằng cách nào?

ThS.BS Huỳnh Quốc Sỹ hướng dẫn, khi có dấu hiệu đột quỵ như mặt méo, tay chân tê yếu, giọng nói ú ớ, nói khó, mất tri giác hoặc các vấn đề khác cần cấp cứu, bệnh nhân hoặc thân nhân có thể liên lạc với tổng đài 1800 1115 của bệnh viện. Đây là tổng đài trực 24/7. Hệ thống tổng đài sẽ ghi nhận vị trí của bệnh nhân, tùy theo khu vực bệnh viện sẽ đưa phương tiện cấp cứu phù hợp.

Khi tiếp cận bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá dấu hiệu sinh tồn để chọn cách xử lý tốt nhất. Trường hợp bệnh nhân nguy kịch, bác sĩ có thể cấp cứu ngay tại chỗ, sau khi tình trạng bệnh nhân ổn định thì sẽ di chuyển bệnh nhân về bệnh viện. Lúc này, ê-kíp tiếp nhận tại bệnh viện đã sẵn sàng, bạn đọc có thể xem thêm trong bài viết: Quy trình cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Cần Thơ.

>>> Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ làm gì để bảo vệ bệnh nhân của mình?

>>> Nhiều dịch vụ, tiện ích miễn phí tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

>>> Tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sau đột quỵ ở đâu, như thế nào?

>>> Kinh nghiệm tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng - AloBacsi.com

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X