Hotline 24/7
08983-08983

Chụp MRT và CT khác nhau thế nào?

Câu hỏi

Xin hỏi chụp MRI và CT khác nhau thế nào? Trường hợp nào thì nên chụp MRI, trường hợp nào chụp CT? Chi phí ra sao? Mong được giải đáp sớm. Cảm ơn nhiều. (Phạm Thị Thanh - TPHCM)

Trả lời

Chụp MRT và CT khác nhau thế nào?Chụp MRI hay CT đều có ưu khuyết điểm riêng. Với các bệnh liên quan đến xương, hình ảnh CT giúp chẩn đoán dễ hơn. Đối với các cơ mềm thì MRI tốt hơn, MRI phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm.

Bạn thân mến,

Các thắc mắc của bạn AloBacsi xin được giải đáp như sau:

1. Chụp MRI, CT là gì?

Chụp MRI hay còn được biết đến với cái tên chụp cộng hưởng từ. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, nguyên lý làm việc nhờ sử dụng sóng radio và từ trường. Phương pháp này không cần sử dụng đến bức xạ tia X như chụp CT.

Dưới tác động của từ trường và sóng radio, nguyên tử Hidro trong cơ thể người sẽ biến đổi và phát ra nguồn năng lượng RF (hay còn gọi sóng vô tuyến). Các máy chụp có nhiệm vụ tiếp thu nguồn năng lượng trên rồi xử lý để cho ra kết quả hình ảnh. Trong quá trình chụp, các máy chụp MRI sẽ sử dụng nhiều chuỗi xung để thu được hình ảnh ở các vị trí khác nhau thể hiện sự thương tổn, nhất là khi chụp mô mềm.

Chụp CT hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính. Trong quá trình chụp, máy sẽ phóng chùm tia X qua cơ thể người bệnh, máy tính sẽ tiếp thu nguồn dữ liệu để xử lý và cho ra kết quả hình ảnh. Độ phân giải sắc nét của hình ảnh phụ thuộc vào lại máy sử dụng, người ta chia thành chụp 2 dãy, 32 dãy, 64 dãy, thậm chí 128 dãy.

Dựa vào lát cắt mà máy có thể chụp để đánh giá độ phân giải của ảnh, máy nào có thể chụp lát cắt càng cao thì hình ảnh cho ra càng rõ nét và chất lượng hơn các máy chụp lát cắt thấp. Các tổn thương ở bên trong cơ thể người sẽ được hình ảnh diễn tả bằng mức độ đậm nhạt tùy theo độ cản của tia xạ X.

2. Khi nào cần chụp CT, khi nào chụp MRI?

Chụp CT có ứng dụng rộng rãi để khảo sát những bất thường gần như của tất cả các bộ phận trong cơ thể. Chỉ định thông thường là các bệnh lý viêm, nhiễm, u, sỏi, chấn thương, phình mạch, tắc mạch, xuất huyết… Ngoài ra CT còn dùng để hướng dẫn sinh thiết, lập kế hoạch ghép tạng, theo dõi đáp ứng sau điều trị. Với các bệnh liên quan đến phổi, xương, hình ảnh CT giúp chẩn đoán dễ hơn.

Chụp MRI được sử dụng để kiểm tra gần như mọi cơ quan trong cơ thể. Kỹ thuật này đặc biệt có giá trị trong việc chụp ảnh chi tiết não hoặc cột sống. Đồng thời, MRI sẽ phát huy tốt hơn khi chụp hệ thần kinh, ổ bụng.

Đối với gan và ngực có thể phối hợp cả hai phương pháp,… Mỗi loại đều có ưu khuyết điểm riêng, MRI phát hiện bệnh chính xác hơn nhưng tốn nhiều thời gian, không phù hợp với các trường hợp cấp cứu, cần kết quả ngay.

3. Ưu và nhược điểm của CT và MRI

Ưu và nhược điểm khi chụp CT:

Ưu điểm: Độ tương phản cao, có thể phân biệt được các khác biệt đậm độ rất nhỏ, khả năng tái tạo hình ảnh sau thu dữ liệu; cho nhiều mặt cắt, tránh bỏ sót tổn thương; thời gian khảo sát nhanh, chi tiết hình ảnh trung thực, giá trị chẩn đoán cao; có thể thực hiện ở bệnh nhân không hợp tác.

Hạn chế: Gây nhiễm tia X mức từ trung bình đến cao; Tia X có tính chất tích lũy; Trong một số trường hợp sử dụng chất cản quang, các phản ứng phụ không mong muốn có thể xảy ra từ nhẹ cho đến nặng, hoặc sốc phản vệ; Không cho thông tin chuyển hóa về mặt tế bào như Spect, Pet; Hạn chế các bệnh lý như gân ,cơ, dây chằng…các thương tổn nhỏ ở vùng khó khảo sát như tuyến tùng, tủy sống không bằng MRI.

Ưu và nhược điểm khi chụp MRI:

Ưu điểm: Bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi tia xạ; đa mặt cắt; độ phân giải mô mềm cao; hiển thị đặc điểm mô mềm tốt hơn khi so với CT; Phương pháp hiệu quả nhất hiện nay để khảo sát não, tủy sống và xương khớp.

Hạn chế: Chi phí cao; Thời gian chụp lâu gặp khó khăn nếu bệnh nhân nặng hay không hợp tác, không thể mang theo thiết bị hồi sức vào phòng chụp, hoặc bệnh nhân là trẻ em nhỏ; Đánh giá tổn thương xương và tổn thương có calci khảo sát không tốt bằng XQ, CT scan

Chống chỉ định: Tương đối trên bệnh nhân có hội chứng sợ nhốt kín; tuyệt đối với bệnh nhân với máy tạo nhịp tim, các clip phẫu thuật, mô cấy ở mắt hay tai,

4. Chi phí chụp CT và MRI khác nhau thế nào?

Tùy mỗi cơ sở y tế sẽ có mức giá khác nhau. Thông thường, chụp CT không tiêm thuốc cản quang khoảng 1-1,2 triệu đồng, có thuốc khoảng 2-4 triệu đồng, chụp CT mạch vành 4-6 triệu đồng. Chụp MRI 1,5 Tesla khoảng 2 triệu đồng, MRI 3 Tesla khoảng 4 triệu đồng.

Trân trọng!

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X