Hotline 24/7
08983-08983

Ho gà tăng đột biến: Chú ý những cơn ho kéo dài, tiếng rít giống tiếng gà

Ho gà ở trẻ có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm não với tỷ lệ tử vong cao. Hầu hết các trường hợp mắc ho gà là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Do đó cha mẹ cần chủ động tiêm ngừa cho trẻ.

1. Ho gà lây lan qua con đường nào, ai có nguy cơ mắc bệnh?

Số ca bệnh ho gà ở Hà Nội có sự gia tăng, nguyên nhân do đâu, thưa BS? Bệnh ho gà lây lan qua những con đường nào và thường có xu hướng tấn công những nhóm người nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tình hình số ca bệnh ho gà gia tăng trở lại gần đây, chứng tỏ độ phủ rộng của việc tiêm ngừa có những “lỗ hổng” khiến cho dịch bệnh xuất hiện trở lại. Trước khi có vắc xin phòng ngừa, ho gà đã xuất hiện và lây lan trên cả nước. Sau một thời gian, việc tiêm chủng mở rộng với độ phủ tốt khiến bệnh ho gà không còn xuất hiện nhiều trên cả nước, tuy nhiên khi độ phủ của vắc xin giảm đi, bệnh sẽ xuất hiện rải rác trở lại với những biến chứng khó lường.

Ho gà lây lan qua đường hô hấp, ở người mắc bệnh hoặc những trường hợp bệnh nhẹ trong cổ họng sẽ có vi khuẩn, khi ho lượng vi rút sẽ phát tán ra ngoài không khí và lây sang những đối tượng chưa có miễn dịch.

Bệnh ho gà thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, người lớn cũng có thể mắc và cả ở những người thiếu miễn dịch sẽ dễ mắc bệnh hơn. Chính vì vậy, ho gà cần được tiêm ngừatiêm nhắc lại theo chỉ định.

Một điều quan trọng là ho gà ở người lớn hay trẻ lớn, triệu chứng sẽ không điển hình nhưng chính vào giai đoạn này, vi khuẩn được phán tán ra bên ngoài và lây lan cho những trẻ nhỏ khác.

Về vấn đề phát hiện sớm, bệnh ho gà sẽ rất khó nhận biết khi xuất hiện những cơn ho điển hình, ho một tràn dài và lên tiếng “rít” cuối cơn, một số trẻ nhỏ sẽ ho liên tiếp sau đó có biểu hiện ngưng thở, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tháng hoặc ho đến mức chảy máu ở mắt và vùng mặt. Khi thăm khám các bác sĩ sẽ thăm khám và chẩn đoán bệnh ho gà qua những biểu hiện trên.

2. Bệnh ho gà có những biến chứng gì?

Bệnh ho gà có thể gây ra những biến chứng nào, thưa BS? Ai mắc bệnh có nguy cơ gặp biến chứng hơn cả ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Biến chứng thường gặp nhất của bệnh ho gà là viêm phổi, trong một số trường hợp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não.

Tình trạng ho gà có thể gây biến chứng viêm phổi do vi rút hay bội nhiễm thêm những loại vi khuẩn khác. Sau đó, gây ảnh hưởng đến não gây biến chứng lên viêm não, đây là hai tình trạng thường gặp nhất.

Thông thường bệnh ho gà ở trẻ nhỏ sẽ dễ gây ra những biến chứng nặng và có thể gây tử vong.

3. Các giai đoạn của ho gà và thời gian ủ bệnh bao lâu?

Bệnh ho gà thường diễn tiến qua những giai đoạn nào ạ? Từ khi ủ bệnh đến khi xuất hiện triệu chứng mất bao lâu? Và kéo dài đến khi nào thì khỏi bệnh, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thời gian ủ bệnh khoảng từ 7 - 21 ngày. Ho gà diễn tiến theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên là trước cơn ho gà, các triệu chứng thường là nóng, ho, sổ mũi.

Giai đoạn thứ hai là xuất hiện các cơn ho gà điển hình hay ho kéo dài. Cơn ho gà điển hình thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, tình trạng ho dai dẳng không dứt đến mức ngưng thở hoặc ho vài cơn sau đó ngưng thở.

Tuỳ theo từng lứa tuổi, người bệnh có thể ho liên tục không dứt, trong giai đoạn này ho gà có thể kéo dài từ 3 - 4 tháng.

giai đoạn cuối, những cơn ho sẽ từ từ thuyên giảm, nhưng khi biểu hiện triệu chứng ho, có thể xuất hiện biến chứng mê phổi.

4. Triệu chứng thay đổi ra sao theo diễn tiến của bệnh ho gà?

Đâu là những triệu chứng cảnh báo sớm bệnh ho gà, thưa BS? Các triệu chứng này sẽ thay đổi ra sao theo diễn tiến của bệnh ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ho gà rất khó để chẩn đoán khi chưa có những cơn ho giống ho gà, vì biểu hiện ban đầu của bệnh cũng sẽ giống như viêm họng hay sốt siêu vi đường hô hấp khác.

Theo thời gian, càng về sau người bệnh sẽ xuất hiện những cơn ho liên tục và dày đặc hơn. Điều quan trọng nhất là đến khi những cơn ho kéo dài khiến người bệnh không thể chịu đựng thêm, lúc này mới nghĩ đến bệnh ho gà.

Chính vì vậy, để có thể phát hiện sớm bệnh ho gà, các bác sĩ chuyên khoa phải để ý thật kỹ những triệu chứng ho của bệnh nhân hoặc ở một người có tình trạng ho khó hết và không thực hiện tiêm ngừa.

5. Tiếng ho của bệnh ho gà có gì đặc biệt?

Ho là một trong những triệu chứng cảnh báo bệnh hô hấp. Tiếng ho trong bệnh ho gà sẽ có gì khác biệt so với tiếng ho trong các bệnh hô hấp khác ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sự khác biệt của ho gà không nằm ở tiếng ho, bệnh có biểu hiện khác biệt trong những cơn ho kéo dài. Gần như khó có một bệnh lý nào xuất hiện triệu chứng ho thành cơn như ho gà, ho một tràng dài liên tiếp, đến cuối cơn sẽ lên tiếng “rít” một hơi như tiếng gà hay “ho đến đỏ mặt tía tai” hoặc ho đến mức ngưng thở, chảy máu ở mắt, mặt.

Không thể phân biệt bệnh qua tiếng ho, để nhận biết ho gà với các bệnh lý hô hấp khác cần theo dõi qua những cơn ho.

6. Bệnh ho gà có thể chăm sóc và điều trị tại nhà như các bệnh hô hấp khác không?

Bệnh ho gà được điều trị như thế nào, thưa BS? Chúng ta có thể chăm sóc và điều trị tại nhà như các bệnh hô hấp khác không hay khi có dấu hiệu cần đi bệnh viện ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ở bệnh ho gà cần phát hiện sớm để áp dụng điều trị bằng thuốc  kháng sinh. Vì chỉ có 1 loại thuốc kháng sinh đặc hiệu dành cho ho gà là nhóm thuốc macrolid, nhóm này có thể điều trị bệnh ho gà, nhóm kháng sinh này nhạy hơn, mau lành bệnh hơn những loại kháng sinh thông thường khác.

Ho gà có thể được điều trị tại nhà, nhưng nếu người bệnh lên cơn tím quá nhiều, có thể ngưng thở hay xuất hiện biến chứng viêm phổi hay là biến chứng viêm não, trong những trường hợp này chắc chắn người bệnh cần nằm viện.

Thời gian điều trị khó khăn của ho gà là tuy đã sử dụng kháng sinh nhưng sau đó người bệnh vẫn tiếp tục ho không dứt.

7. Các bậc phụ huynh nên xử trí và chăm sóc như thế nào khi trẻ mắc bệnh ho gà?

Chăm sóc trẻ ho gà cần chú ý những gì? Ăn uống ra sao để bệnh nhanh khỏi?

- Các vấn đề có thể xảy ra khi trẻ mắc ho gà là gì và các bậc phụ huynh xử trí ra sao đối với những trường hợp này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, ở một trẻ nhỏ mắc ho gà dưới 3 tháng tuổi cần nhập viện ngay, vì những cơn ho có thể khiến bé ngưng thở, nếu điều trị tại nhà sẽ không kịp thời cấp cứu.

Trường hợp trẻ ho và ngưng thở tại nhà, biện pháp cấp cứu duy nhất là thổi hơi vào miệng bé để tạo lại luồng thở hoặc kích thích cho bé khóc lớn giúp thở trở lại.

Đối với những trẻ lớn, khi phụ huynh thấy trẻ khó thở và cơn ho kéo dài quá mức gây mất khả năng sinh hoạt và ăn uống nên đưa con đến viện ngay để được theo dõi và chăm sóc.

Trong việc chăm sóc trẻ mắc bệnh ho gà tại nhà, phụ huynh cần chú ý không nên kích thích cho trẻ khóc hoặc lưu ý không để trẻ bị sặc trong lúc ăn uống, vì có thể gây ra những cơn ho kéo dài.

8. Ho gà có lây nhiễm từ người sang người không?

Bệnh ho gà có lây từ người qua người không, thưa BS? Nếu có thì trong nhà có nhiều trẻ, làm sao để ngăn chặn bệnh này lây lan?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Người bệnh ho gà có thể phát tán vi khuẩn ra ngoài môi trường và gây lây lan từ người này sang người khác.

Để tránh bị lây nhiễm, cơ thể mỗi người phải có miễn dịch. Ở những người đã mắc bệnh hoặc được tiêm ngừa vắc xin khi còn nhỏ sẽ sản sinh hệ miễn dịch bên trong cơ thể.

Nếu không tiêm ngừa, không có hệ miễn dịch, không tiêm mũi nhắc lại hoặc chưa từng mắc bệnh, chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc lây nhiễm ho gà, vì bệnh có thể lây lan từ người sang người.

Vì vậy, một trẻ nhỏ bị ho gà và trong nhà có nhiều trẻ khác phụ huynh cần cách ly ngay để tránh việc lây lan bệnh.

9. Làm sao để phòng ho gà trong thời điểm gia tăng các ca bệnh như hiện nay?

Phòng ngừa bệnh ho gà như thế nào? Vắc xin phòng bệnh ho gà liệu trình tiêm ra sao, bắt đầu từ độ tuổi nào? Nếu qua độ tuổi này thì có thể tiêm bù được không?

- Với những trẻ đã bỏ lỡ thời gian tiêm ngừa, làm sao để phòng bệnh này trong thời điểm bệnh có sự gia tăng như hiện nay ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh ho gà nằm trong danh sách chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay. Việc tiêm ngừa sẽ được thực hiện trong vòng 1,5 - 2 tháng, tiêm 3 mũi liên tiếp và mỗi mũi cách nhau từ 1 - 2 tháng.

Cần tiêm ngừa cho trẻ trong vòng 6 tháng đầu, vì nếu bé mắc ho gà trong giai đoạn này sẽ xuất hiện những biến chứng rất nặng, vắc xin tiêm ngừa cần ít nhất 2 mũi để hình thành miễn dịch, chính vì vậy nên tiêm ngừa càng sớm càng tốt.

Ở những trẻ lớn, khi 18 tháng tuổi phải tiêm nhắc lại thêm một lần. Những trẻ 4 - 5 tuổi cần tiêm nhắc lại mũi 4 trong 1, đến khi lớn sẽ tiêm loại vắc xin 3 trong 1.

Điều quan trọng ở bệnh ho gà, theo các chuyên gia trên thế giới nhận thấy người lớn có thể mắc bệnh và lây sang cho trẻ nhỏ chưa có miễn dịch. Chính vì vậy, khuynh hướng hiện nay là tiêm ngừa ho gà cho phụ nữ mang thai, ở 3 tháng cuối của thai kỳ, khi tiêm ngừa người phụ nữ sẽ tạo ra hệ miễn dịch ho gà và truyền kháng thể đó cho thai nhi. Khi sinh ra, trong giai đoạn chưa thể tiêm ngừa, trẻ sẽ có kháng thể và tự bảo vệ mình tránh khỏi bệnh. Khuynh hướng điều trị hàng đầu hiện nay là bảo vệ những trẻ nhỏ.

10. Nếu trẻ bỏ lỡ mũi tiêm ngừa ho gà, phải làm sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu lỡ bỏ qua thời gian tiêm ngừa cho trẻ, chắc chắn không có cách nào khác có thể phòng ngừa được bệnh. Ở giai đoạn thích hợp nên tiêm ngừa ngay để phòng bệnh, ví dụ một trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi ở trong môi trường có yếu tố lây lan sẽ rất dễ mắc bệnh và gặp biến chứng nặng nề, vì vậy nên thực hiện tiêm phòng sớm.

Nếu trẻ bỏ lỡ thời gian tiêm ngừa hoặc đến thời điểm tiêm nhắc lại nhưng quên, vẫn có thể tiêm lại và vắc xin tác vẫn có tác dụng như bình thường.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X