Hotline 24/7
08983-08983

HbA1c là gì?

Để đánh giá Glucose huyết có được kiểm soát tốt hay không ngoài xét nghiệm đo Glucose huyết còn có một xét nghiệm thường quy khác quan trọng không kém là xét nghiệm đo HbA1c.

Chỉ số đường huyết chỉ phản ánh lượng đường trong máu tại thời điểm đo chứ không phản ánh được tình trạng kiểm soát đường huyết trong cả quá trình diễn biến của bệnh. Chỉ số HbA1c khắc phục được nhược điểm này. HbA1c phản ánh tình trạng kiểm soát đường huyết trong suốt quá trình 3 tháng và giúp tiên lượng về biến chứng của bệnh.

HbA1c là gì?

Huyết cầu tố Hemoglobin (Hb) chỉ có trong tế bào hồng cầu. Nhiệm vụ chính của Hb là mang O2 từ phổi đến tế bào cơ thể và mang CO2 từ tế bào về phổi để thải ra ngoài. Trong khi lưu hành làm chức năng hô hấp có một tỷ lệ nhỏ Hb này sẽ gắn kết với glucose máu (glycate hóa) để tạo nên phân tử HbA1c.

Xét nghiệm HbA1c có ý nghĩa như thế nào?

Đây là phương pháp đo lượng đường trong máu gắn với Hb của hồng cầu. Nếu lượng đường trong máu càng cao thì số lượng hồng cầu gắn đường càng nhiều. Sự hình thành HbA1c diễn ra chậm và sẽ tồn tại suốt trong đời sống hồng cầu 90-120 ngày. Chính vì thế, HbA1c phản ánh nồng độ đường trong máu trong suốt khoảng thời gian 90-120 ngày.

Người bệnh chỉ cần thay đổi chế độ ăn trong một vài ngày đã có thể giảm đường huyết, nhưng HbA1c chỉ giảm khi họ tuân thủ chế độ điều trị trong suốt quá trình 3 tháng. Vì vậy, đây là chỉ số trung thực nhất để đánh giá kết quả điều trị.

Xét nghiệm HbA1c được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm HbA1c được thực hiện bằng cách lấy một mẫu máu nhỏ của bạn và được đo tại phòng xét nghiệm theo nhiều phương pháp khác nhau, kết quả được tính theo tỉ lệ phần trăm hemoglobin của máu.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Giá trị bình thường của HbA1c là bao nhiêu?

Giá trị bình thường của HbA1c là khoảng 4-6% trong toàn bộ Hemoglobin của cơ thể. Khi chỉ số này tăng lên khoảng 1% có nghĩa là giá trị đường huyết của bệnh nhân tăng 30mg/dl hay 1,7Mmol/L.

Khi HbA1c tăng >10% cho thấy thời gian vừa qua lượng đường huyết được kiểm soát kém, ngược lại nếu HbA1c<6.5% cho thấy một quá trình kiểm soát lượng đường tốt.


HbA1c cần được xét nghiệm ít nhất 2 lần trong năm cho cả 2 tuýp bệnh tiểu đường. Khi có kết quả xét nghiệm lượng đường huyết không ổn định, cầm kiểm tra chỉ số này thường xuyên hơn (3 tháng/ lần).


Xét nghiệm HbA1c cho ta thấy lượng thay đổi trong vòng 2-3 tháng, vì vậy cho bác sĩ có cái nhìn tổng quan trong phác đồ điều trị. Điều này khác với việc theo dõi đường huyết khi đói, chỉ phản ánh lượng đường trong một khoảng thời gian xác định.


Chỉ số HbA1c tốt nhất nên được kiểm soát <6.5%, tuy nhiên chỉ số đường huyết khi đói cũng được chấp nhận ở mức 150mg%. Tuyệt đối tránh tình trạng hạ đường huyết hay đường huyết thấp <60mg%.

Câu hỏi được đặt ra là làm sao duy trì chỉ số HbA1c<6.5%. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào sự tuân theo nghiêm ngặt của bệnh nhân đối với phác đồ điều trị của BS chuyên khoa về chế độ luyện tập, chế độ ăn uống hằng ngày. Kiểm soát lượng đường hằng ngày tốt là tiền đề để giảm chỉ số HbA1c theo phác đồ điều trị.

Chỉ số HbA1c và nguy cơ biến chứng

Mối liên quan giữa HbA1c và biến chứng vi mạch

Nhiều thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn cung cấp bằng chứng cho thấy nguy cơ mạch máu lớn và các biến chứng vi mạch bắt đầu tăng ở mức HbA1c là 6,5%. Cứ 1% HbA1c tăng lên làm gia tăng 37% bệnh lý vi mạch. Nghiên cứu đã chứng minh rằng nguy cơ bệnh võng mạc và bệnh thận bắt đầu tăng lên khi chỉ số HbA1c tăng trên 6,6% -6,7%.

Mối liên quan giữa HbA1c và biến chứng mạch máu lớn

Nghiên cứu Framingham chỉ ra rằng nguy cơ trên tim mạch tăng lên gấp 1,39 lần với mỗi 1% HbA1c tăng lên. Mặt khác, cũng có sự tương quan giữa chỉ số HbA1c với tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch trên cả các bệnh nhân không có tiền sử tiểu đường.

Theo GS Eric Kilpatrick của BV Hoàng gia Hull và Trường Y Hull York là tác giả của hơn 50 bài báo liên quan đến chỉ số HbA1c việc giữ chỉ số HbA1c ở mức mục tiêu làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển các biến chứng bệnh tiểu đường ở mắt, thận, thần kinh hoặc các vấn đề tim mạch. Thậm chí ở những người đã bị biến chứng, giữ HbA1c ở mức lý tưởng có thể giúp kiểm soát biến chứng không trở nên tồi tệ hơn.

Chỉ định xét nghiệm HbA1C khi nào?

1. Xác định ĐTĐ đã có từ lâu hay mới mắc.

2. Loại trừ các trường hợp tăng Glucose máu do stress.

3. Loại trừ bệnh ĐTĐ ở một số người có xét nghiệm Glucose máu lúc cao, lúc thấp không rõ̃ ràng.

4. Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA - American Diabetes Association) khuyến cáo nên thử đường huyết 4 lần mỗi năm nếu bạn bị đái tháo đường type 1 hoặc type 2 có sử dụng insulin, hoặc 2 lần mỗi năm nếu bạn bị đái tháo đường type 2 và không sử dụng insulin.

Nếu bệnh nhân mới được chẩn đoán ĐTĐ và không kiểm soát tốt, HbA1c sẽ được thử thường xuyên hơn.

Ưu điểm của xét nghiệm HbA1C

- Phản ánh tình trạng bệnh lý ĐTĐ chính xác hơn Glucose máu và Glucose niệu.

- Giúp quản lý bệnh ĐTĐ tốt hơn.

- Thời gian làm xét nghiệm tương đối nhanh (10-15 phút).

- Không có quy định nghiêm ngặt về thời điểm lấy máu (lúc no, lúc đói đều được).

- Bảo quản máu để làm xét nghiệm đơn giản và được lâu (ở nhiệt độ 2- 8oC có thể bảo quản được một tuần).

Những người không nên xét nghiệm HbA1c

- Phụ nữ mang thai.

- Những người có bệnh thận mạn tính.

- Bệnh gan.

- Những người bị rối loạn về máu như thiếu máu, thiếu săt, thiếu máu do thiếu vitamin B12 và các biến thể hemoglobin như thalassemia.

- Xuất huyết nặng gần đây và truyền máu gần đây cũng dẫn đến sự thay đổi trong HbA1c.


Nguồn: Youtube Sức khỏe cộng đồng

AloBacsi.vn
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X