Hành trình vi chất của AloBacsi và Fitobimbi - Delap đến với những em nhỏ tóc vàng má đỏ nơi xã biên giới Nghệ An
“Hành trình Vi chất: Đi khắp nẻo đường - Cùng con vững bước” do Nhãn hàng Fitobimbi - Công ty Dược phẩm Delap khởi xướng đã đến với hơn 800 em nhỏ của 2 xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Nghệ An, sẻ chia những món quà vi chất dinh dưỡng để mai này các em nhỏ không chỉ đẹp xinh mà còn cao ráo, khỏe mạnh.
Ngày 23/7/2023, qua sự kết nối của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, AloBacsi phối hợp với Công ty Daisy Media, Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM và Đoàn “Theo dấu chân bác sĩ” dự kiến tổ chức khám bệnh cho 800 em nhỏ của xã 2 xã Ngọc Lâm (vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, dân cư chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn) và xã Thanh Sơn (xã biên giới giáp Lào) huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
“Hành trình Vi chất: Đi khắp nẻo đường - Cùng con vững bước” đến với hơn 800 em nhỏ của 2 xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Nghệ An
Từ đường Hồ Chí Minh, nếu bác tài ở địa phương khác muốn đi đến UBND xã Ngọc Lâm thì phải hỏi đường chứ không thể sử dụng thiết bị định vị, bởi cột sóng 4G rồi 3G lần lượt mất hút khỏi màn hình.
Chờ đón đoàn xe “Hành trình vi chất” là khoảng sân UBND xã Ngọc Lâm đông như ngày hội. Các em nhỏ đến cùng phụ huynh, có bé được địu trên lưng bà, lưng mẹ, trong tấm khăn giản đơn.
Tiếng í ới gọi nhau bằng thổ ngữ (tiếng Thái), những nụ cười hồn nhiên, đâu đó là những mái tóc hoe vàng và đôi má đỏ hây hây dưới cái nắng tháng 7 - mà các bác sĩ nhanh chóng nhận ra biểu hiện lâm sàng của thiếu vi chất.
Các em nhỏ 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn đến UBND xã Ngọc Lâm từ sớm, đón đoàn bác sĩ Hành trình vi chất
Có bé nhỏ được bà, được mẹ địu đi
Cũng có những nhóm anh chị em tự đi mà không có phụ huynh đi cùng
Rất nhiều trẻ được ông bà đưa đến, bởi cha mẹ các bé đi làm xa, trọng trách nuôi nấng giao hẳn cho người già ở quê, viết cái chữ còn lập cập. Trước giờ khai mạc, các nhóm tụm năm tụm bảy mượn bút bi điền tên tuổi vào phiếu cho em mình.
Vất vả nhất có lẽ là bà Quang Thị Bích, con gái đi bước nữa để lại cho bà 2 cháu nhỏ (con với chồng trước). Ban đầu bà chỉ nhận nuôi bé Lò Thị Da Na (9 tuổi) bị bại não, nhưng sau nhận thêm em trai của Na, với hi vọng khi bà khuất núi, em trai sẽ chăm sóc chị. Vậy là một tay bà nuôi 2 cháu cộng với 3-4 con bò là nguồn thu nhập.
Bà Quang Thị Bích đưa cháu ngoại bị bại não đến khám. Bé Na chỉ ăn được cháo và mì, tiêu hóa kém, cơ thể suy kiệt, bà rất mừng vì lần này được gặp bác sĩ dinh dưỡng
Nuôi một trẻ bại não cực khổ vô cùng vì bé Na không tiêu tiểu tự chủ được, suốt ngày phải mặc bỉm, thay bỉm. Bà Bích kể: “Nó hay van (kêu), hay khóc, răng hỏng nên chỉ ăn được cháo và mì tôm, nhưng nhiều lúc ăn không tiêu, phải đưa đi viện”.
Cha nằm viện, mẹ đi thăm nuôi, 2 bé Yến và Nhung được bà nội đưa đến điểm khám
Hai cô bé Lữ Như Yến (4 tuổi) và Lữ Thị Nhung (5 tuổi) thì được bà nội đưa đi, bởi cha của 2 bé đi làm thuê bên Lào, bị tai nạn nghiêm trọng đang điều trị ở Đà Nẵng, mẹ đi viện thăm nuôi.
"Nghe nói nó bị nặng lắm, liệt hết cả người..." - bà nội lo lắng, viện phí còn phải chạy lo vay mượn, hai lao động chính đều ở trong bệnh viện, sinh hoạt ăn uống sắp tới của ba bà cháu chưa biết tính sao.
Cũng có những nhóm anh chị em dắt nhau đến khám, không có phụ huynh đi cùng, cộng thêm rào cản ngôn ngữ (mặc dù có người hỗ trợ phiên dịch) cũng khiến cho việc tìm hiểu chế độ dinh dưỡng của các bé trở nên khó khăn.
Khi bác sĩ hỏi, các cháu chỉ trả lời được ngày ăn mấy bữa, mỗi bữa mấy bát, còn cụ thể hơn thì không nói được. Tuy nhiên nhìn vào vóc dáng, làn da, mái tóc, có thể nhận thấy tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất của trẻ em nơi đây.
Chuyên gia dinh dưỡng TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp đo chiều cao cho trẻ đến khám
Mái tóc thưa, mỏng và vàng, dáng đầu lồi lõm là biểu hiện lâm sàng của trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng
PGS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, ĐH Y Hà Nội nhận định: “Phụ huynh hầu như chỉ để ý đến biểu hiện suy dinh dưỡng của trẻ khi thấy bé nhẹ cân, tuy nhiên cần phải đánh giá chiều cao, tình trạng thiếu máu, chế độ ăn uống hằng ngày… Có một số trẻ bị bệnh mạn tính như viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản nhưng chủ yếu các vấn đề về thể chất cần sự quan tâm nhiều hơn.
Việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ không phải “một lúc một nhát” mà phải từ khi bà mẹ mang thai cho đến suốt quá trình lớn lên.
Bên cạnh dinh dưỡng cần có chế độ vận động, nếu trẻ phải làm việc nhà nhiều quá, giảm bớt hoạt động vui chơi, thể thao… thì cũng không tốt cho sự phát triển thể chất. Hạn chế về chiều cao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của trẻ khi trưởng thành”.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy hướng dẫn một bà mẹ trẻ măng cách cho con uống thuốc
Nhận thấy trẻ em vùng này hay bị ốm vặt, BS Dương Minh Tuấn (thường gọi là BS Pu Tuấn), thành viên đoàn “Theo dấu chân bác sĩ” cho biết: “Các bé hay bị viêm họng, rối loạn tiêu hóa, đi cầu phân lỏng, theo tôi đều liên quan đến cách phụ huynh cho con ăn uống, các bữa ăn chưa đầy dủ dinh dưỡng và vi chất.
Tôi hỏi thì thấy hầu như người lớn ăn gì, trẻ con ăn nấy, phụ huynh không biết độ tuổi nào thì chiều cao cân nặng là bao nhiêu, cần bổ sung chất gì trong các giai đoạn phát triển của trẻ.
Tôi nghĩ bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông về vi chất thì chúng ta cũng cần phổ cập thông tin đến các bậc phụ huynh và thầy cô ở trường. Và cũng cần sự theo dõi đầy đủ, ví dụ như nên có những chuyến trở lại để xem mọi người thực hiện thế nào, thể chất của trẻ có sự thay đổi ra sao…”.
Không biết sao mà cậu bé gặp bác sĩ Pu Tuấn lại khóc nhè thế này? :))
Thầy thuốc ưu tú BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM phát biểu: “Qua chương trình khám bệnh tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nếu chỉ nhìn số trẻ em đến khám tại đây, chúng ta cũng có thể hình dung một bức tranh về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em ở vùng sâu vùng xa.
Hôm nay chúng ta gặp rất nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, bên cạnh đó cũng có một tỷ lệ nhất định các cháu bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng. Vì chúng ta chưa có điều kiện để làm xét nghiệm xác định cụ thể các cháu thiếu vi chất nào nhưng nếu với triệu chứng lâm sàng và quan sát, có thể nhận thấy tỷ lệ thiếu hụt kẽm, sắt, iốt trong số các cháu đã khám tại đây khá cao.
Vì vậy chúng ta chắc chắn phải có rất nhiều chương trình giúp cho các cháu giải quyết tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn dinh dưỡng, đặc biệt là dưới dạng tiềm ẩn như thiếu hụt vi chất dinh dưỡng”.
TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp khám tỉ mỉ cho từng em bé
“Để các trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt để cao hơn, khỏe hơn, chúng tôi rất mong sự phối hợp của Hội Chữ thập đỏ, trạm y tế, các cộng tác viên tại địa phương cùng chung tay”.
Lời dặn của BS Diệp cũng là điều mong mỏi của cả đoàn khám bệnh: “Các em bé ở Nghệ An rất đẹp trai, xinh gái nhưng cần cao hơn, khỏe hơn”…
Càng về trưa, hội trường càng đông, các dược sĩ không ngơi tay phát thuốc
Để hành trình đến với các em nhỏ trọn vẹn, Fitobimbi - Delap chăm chút từng viên thuốc và cả những phần quà trao đi. Đi đến đâu, đoàn thiện nguyện cũng có đầy đủ thuốc men, từ thuốc điều trị các bệnh cấp tính đến thuốc bổ.
Số trẻ đến khám hơn 800 em chỉ trong buổi sáng, tuy đông nhưng nhờ sự điều phối của các tình nguyện viên tại địa phương nên mỗi bàn khám không quá áp lực.
Bệnh nhân nhí tranh thủ thổi bóng bay trong khi bác sĩ kê toa
Nhằm tăng thêm niềm vui cho các em, đoàn không quên mang theo một số phần quà để gửi tặng cho bà con như: nhu yếu phẩm (mì, gạo, nước mắm, nước tương, đường, dầu ăn...) cho các hộ khó khăn và sữa, thuốc bổ, tập vở, bánh kẹo, quần áo...
Chuyến xe thiện nguyện sẽ tiếp tục nối dài, không chỉ là những viên thuốc hay phần quà mà còn chở theo kỳ vọng góp phần thay đổi nhận thức chăm sóc sức khỏe, để thế hệ trẻ em Việt Nam phát triển toàn diện hơn. Mong sao trong số các trẻ đến khám hôm nay, mai đây sẽ là những thanh niên cao ráo khỏe mạnh, tự tin sánh vai cùng bè bạn.
Ảnh: Thanh Thùy, Hồng Nhung
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình