Hotline 24/7
08983-08983

Gỡ rối tơ lòng cho bố mẹ khi trẻ nhỏ bị ho

Những cơn ho của trẻ nhỏ luôn làm cha mẹ xót xa lo lắng. Nhưng các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, quan sát kỹ lưỡng các triệu chứng kèm theo ho để có biện pháp xử lý kịp thời cho trẻ.

1. Cùng con vượt qua những tiếng ho đầu đời

Con bị ốm là nỗi sợ của bất kỳ ông bố, bà mẹ nào. Nhất là với trẻ nhỏ vừa bước qua ngưỡng 1 tuổi, tiếng ho có lẫn đờm của con khiến các bậc phụ huynh như “ngồi trên đống lửa”. Bởi với trẻ lớn sẽ biết bày tỏ về sự khó chịu của mình, nhưng trẻ nhỏ chỉ có tiếng ho và tiếng khóc, cha mẹ lại càng bối rối.

Thực tế, ho là một phản xạ tự nhiên để tống xuất chất tiết từ đường thở của trẻ. Khi đường hô hấp bị khói thuốc, khói xe, bụi, virus, vi khuẩn “tấn công” thì cơ thể sẽ phản xạ ho để tống những “kẻ lạ” đó ra ngoài.

Những cơn ho xuất phát từ đường hô hấp trên thường là do cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang hoặc viêm amidan,... Các bệnh lý này không hiếm gặp và thường không gây nguy hiểm, có thể điều trị dứt điểm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

2. Trẻ trên 1 tuổi bị ho phải điều trị như thế nào?

Cao Thiện - trancaothien…@gmail.com

Thưa bác sĩ, đối với trẻ nhỏ bị ho làm sao để biết dấu hiệu nào bình thường và nguy hiểm? Khi nào cần phải đi khám ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Bạn thân mến

Ho là triệu chứng thường gặp ở trẻ, nhất là vào thời điểm giao mùa như hiện nay. Nhận biết tiếng ho bình thường, bất thường và mức độ nào cần đưa trẻ đến bệnh viện là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm nhiều nhất.

Khi trẻ bị ho, 70-80% các trường hợp là do viêm đường hô hấp, thường sẽ tự khỏi trong 10-14 ngày nếu được chăm sóc tốt. 20-30% còn lại bệnh có thể tiến triển nặng thành viêm phổi, trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời thì hậu quả sẽ khó lường. Vì vậy, cần lưu ý một số tình huống sau:

• Trẻ ho kèm theo dấu hiệu nguy hiểm. Đó là trẻ ngủ li bì, không thể đánh thức dậy; trẻ tím tái; Trẻ bỏ bú, không bú được (yếu đến mức không thể bú nổi) hoặc bú kém (bú chưa đến ½ lượng sữa bình thường); hoặc trẻ nôn tất cả mọi thứ; đặc biệt là trẻ co giật. Đây là những tình huống cần đưa trẻ đi cấp cứu vì nhiều khả năng bệnh đã diễn tiến rất nặng, ảnh hưởng đến tính mạng.

• Trẻ ho kèm theo dấu hiệu nặng, cụ thể là khó thở với 2 mức độ khác nhau. Một là dấu hiệu thở co lõm lồng ngực. Các bậc phụ huynh có thể để trẻ nằm lên giường, vén áo cao để quan sát lồng ngực. Thông thường, khi trẻ hít vào, không khí đi vào phổi sẽ làm lồng ngực căng lên và phồng ra. Nếu phần dưới lồng ngực bị hóp vào hoặc kéo lõm bất thường khi thở thì đó là dấu hiệu trẻ thở co lõm lồng ngực. Điều này chứng tỏ, trẻ đang bị khó thở, nhiều khả năng là tình trạng bệnh trở nặng.

Hai là trẻ thở nhanh. Mẹ có thể đếm nhịp thở của con bằng đồng hồ có kim giây trong 1 phút, cứ một lần nhấp nhô được tính là 1 nhịp, sau đó so sánh với ngưỡng thở nhanh theo từng độ tuổi. Cụ thể, bé dưới 2 tháng tuổi là 60 lần/phút trở lên, 2 tháng đến 1 tuổi là 50 lần/phút trở lên, 1-5 tuổi là 40 lần/phút trở lên, trên 5 tuổi là 30 lần/phút trở lên gọi là thở nhanh. Đây là dấu hiệu sớm nhất cảnh báo trẻ có khả năng bắt đầu bị sưng phổi.

Với tình huống này, cha mẹ cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Rút lõm lồng ngực khi thở là biểu hiện thường gặp ở trẻ bị viêm phổi

Ho kèm theo dấu hiệu đặc biệt, chẳng hạn như ho ra máu, ho kèm theo khạc đờm hôi và đặc như mủ thì nhiều khả năng bé mắc bệnh nhiễm trùng nặng bên dưới, lúc này việc điều trị sớm là vô cùng cần thiết. Hoặc bé ho kèm theo dấu hiệu sốt cao từ 39 độ C trở lên, kéo dài liên tục 2-3 ngày cũng cần phải đi khám, bởi ngoài bệnh hô hấp chúng ta cần phải cảnh giác với một số bệnh khác chẳng hạn như sốt xuất huyết.

Ngoài ra, nếu trẻ ho kéo dài trên 1 tuần, không có dấu hiệu thuyên giảm, ho tái lại 2-3 lần trong một mùa thì nên thu xếp đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Như vậy, nếu em bé ho thông thường (không có dấu hiệu nguy hiểm, không có dấu hiệu bệnh nặng, không có dấu hiệu đặc biệt) thì các bậc phụ huynh có thể tự mua thuốc điều trị tại nhà, chẳng hạn như thuốc ho có nguồn gốc thảo dược.

Nguyễn Minh Châu - minhminh17...@gmail.com

Tôi là Minh Châu, 35 tuổi, ở Đồng Nai. Nhờ bác sĩ tư vấn, những sai lầm thường gặp nào của các bậc cha mẹ khi trẻ bị ho? Điều gì nên làm và không nên làm để con mau khỏi bệnh? Chân thành cảm ơn.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Minh Châu thân mến,

Qua thực tế công tác chúng tôi ghi nhận một số vấn đề lưu ý mà cha mẹ cần khắc phục.

Trong vấn đề chăm sóc:

Kiêng cữ quá nhiều: Các ông bố mà mẹ thường có thói quen cho con kiêng cữ quá khắt khe khi trẻ bị ho. Nhất là tôm, cua vì cho rằng các loại có vỏ cứng này vì sẽ kích thích đường thở làm ho nhiều hơn. Nhưng thực tế, khoa học đã chứng minh khi trẻ được tiếp nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng, trong đó có những thực phẩm mà các bậc phụ huynh kiêng cữ sẽ giúp thúc đẩy sức đề kháng, giúp trẻ khỏi bệnh tốt hơn. Chỉ những trường hợp các bé thực sự dị ứng với những thực phẩm này thì mới cần kiêng cữ.

Ngoài hải sản, các bậc phụ huynh còn kiêng sữa khi trẻ bị ho có đờm. Vì sợ sữa sẽ làm trẻ lên đờm nhiều hơn. Nhưng điều này không đúng, ngược lại đôi khi còn gây hại cho trẻ. Bởi trẻ nhỏ, sữa là nguồn dinh dưỡng chủ yếu, nếu kiêng cữ thì làm sao để bé đủ sức vượt qua bệnh tật.

Việc ủ ấm quá mức khiến các cha mẹ không kịp nhận ra các dấu hiệu bất thường khi thở của con. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Ủ ấm quá mức: Nhiều cha mẹ cho trẻ mặc thật nhiều quần áo, thậm chí là 2-3 lớp áo dày, rồi quấn thêm vài lớp khăn để tránh bị gió lùa. Đúng là thời tiết lạnh, việc giữ ấm cho trẻ là cần thiết nhưng không nên quá máy móc. Bởi lẽ khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm đường hô hấp dưới, chẳng hạn như viêm phổi, viêm phế quản thì cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng để hít thở dễ dàng.

Đặc biệt, chúng tôi đã thấy không ít các trường hợp trẻ có biến chuyển viêm phổi nặng với dấu hiệu khó thở rõ ràng nhưng vì các bậc phụ huynh quấn trẻ kỹ qua nhiều lớp áo, lớp khăn nên không theo dõi được dấu hiệu khó thở xuất hiện khi nào. Điều này hoàn toàn không tốt cho trẻ.

Trong vấn đề theo dõi

Hiểu lầm lớn nhất với các ông bố bà mẹ là chỉ quan tâm đến tiếng ho của con nhiều hay ít để “đoán” bệnh nặng hay nhẹ. Nhưng thực tế, khoa học đã chứng minh không có mối liên quan nào giữa việc ho nhiều hay ho ít với mức độ nặng, nhẹ của bệnh.

Vì những chỗ có thụ cảm thể ho thì đa phần nằm ở đường hô hấp trên, thường đây là những bệnh nhẹ. Còn các trường hợp bệnh nặng thường ở đường hô hấp dưới thì nơi này rất ít điểm kích thích gây ho. Việc cần quan tâm là khi ho trẻ có xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm như co lõm lồng ngực, khó thở… hay không để có hướng xử trí phù hợp.

• Trong vấn đề dùng thuốc

Hiện nay, cha mẹ vẫn còn thói quen khi thấy trẻ ho nhiều, ho kéo dài, ho kèm theo sốt là tự ý mua kháng sinh điều trị. Đặc biệt là những bậc phụ huynh có trẻ đã từng nhập viện vì viêm phổi lại càng dễ dàng mua thêm loại kháng sinh đã từng sử dụng với kỳ vọng cho dùng sớm sẽ tránh được biến chứng nặng.

Nhưng việc lạm dụng kháng sinh hoàn toàn không có công dụng giúp trẻ mau khỏi bệnh, không ngừa được biến chứng của bệnh như viêm phổi, viêm tai giữa mà chỉ làm tốn kém vì mua thuốc không cần thiết, còn khiến trẻ dễ gặp các tác dụng phụ như dị ứng, rối loạn tiêu hóa… Đặc biệt còn dẫn đến khả năng vi khuẩn sẽ đề kháng kháng sinh, gây ra hệ quả khó lường.

Ngoài ra, một vấn đề phổ biến khác khi dùng thuốc điều trị cho trẻ ít được nhiều người lưu tâm. Đó là khi trẻ ho kéo dài quá 1 tuần hoặc tái diễn nhiều lần nhưng không cho đi khám mà vẫn kiên trì uống thuốc trong nhiều tuần, nhiều tháng. Điều này làm chậm trễ việc điều trị một số bệnh.

Vấn đề sử dụng thuốc ho người lớn để điều trị cho trẻ em cũng cần phải bàn luận. Nhiều cha mẹ khi dùng thuốc cho bản thân mình thấy hiệu quả liền lấy loại thuốc đó chia 4, chia 5 cho con sử dụng.

Điều này vô cùng nguy hiểm, vì thuốc sử dụng cho trẻ nhỏ không chỉ đơn thuần là việc chia nhỏ theo tỷ lệ cân nặng mà còn phụ thuộc vào lứa tuổi sử dụng an toàn hay không. Bởi vì có nhiều loại thuốc ho sử dụng hiệu quả ở người lớn nhưng lại chứa các chất có tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí dễ gây độc tính, ngộ độc cho trẻ nhỏ.

Do đó, tốt nhất chỉ nên cho trẻ sử dụng thuốc ho có nguồn gốc thảo dược an toàn, phù hợp cho trẻ, đây cũng là vấn đề được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo từ rất lâu.

Lê Bích Huyền - bichhuyenct9…@gmail.com

Con tôi tròn 14 tháng tuổi, cháu đang bị ho, không biết tôi nên lựa chọn siro trị ho như thế nào để điều trị bệnh cho cháu? Tôi thấy thông tin trên mạng có giới thiệu thuốc ho Cozz Ivy, thành phần từ thảo dược, vậy liệu dùng sản phẩm này cho con tôi có an toàn không? Hiệu quả như thế nào? Và đã được chứng minh chưa, thưa bác sĩ?

Thuốc ho thảo dược Cozz Ivy có thành phần chính là c ao khô lá thường xuyên

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Khi trẻ ho thông thường (không có dấu hiệu khó thở, co lõm lồng ngực, ho ra máu, li bì, bỏ bú...) thì có thể sử dụng thuốc ho có nguồn gốc thảo dược, phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Để biết loại thuốc này có phù hợp hay không, mẹ có thể nhờ dược sĩ hay bác sĩ tư vấn hoặc đọc thông tin, tờ hướng dẫn có trong hộp thuốc ho kiểm tra xem con mình có nằm trong độ tuổi sử dụng sản phẩm hay không.

Cozz Ivy là loại thuốc ho có dẫn xuất từ lá thường xuân. Đây là thảo dược được sử dụng hàng ngàn năm nay từ các nước Âu Mỹ. Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất có thể sử dụng hiệu quả cho lứa tuổi của con bạn.

Khoa học đã có một số công trình nghiên cứu chứng minh được đăng tải trên các tạp chí y học uy tín trên thế giới, cao khô lá thường xuân trong Cozz Ivy có thể giảm, cải thiện triệu chứng ho cho người bệnh. Đồng thời, các nhà khoa học đã chứng minh rằng thành phần dưỡng chất chính trong CozzIvy có hoạt tính kháng viêm, long đờm, giãn phế quản ở mức độ vừa phải, điều này giúp cho bệnh nhân ho, ho có đờm diễn tiến thuận lợi hơn.

Diệp Hạ Chi - chihadiep…@gmail.com

Dạo này thời tiết chuyển mùa, bé nhà em bị ho nhiều và liên tục. Theo bác sĩ em có nên cho bé uống kháng sinh không ạ? Em cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Hạ Chi thân mến,

Tôi không rõ độ tuổi của con bạn. Tuy nhiên, trước tiên tôi cần lưu ý rằng các trường hợp thật sự là nhiễm trùng hô hấp dưới thì đều phải vô cùng thận trọng.

Bởi lẽ nếu trẻ không may mắc các bệnh viêm hô hấp dưới, chẳng hạn như viêm phổi, viêm tiểu phế quản (đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi các bệnh này được xếp vào nhóm bệnh nặng) thì cần phải được điều trị tích cực. Những trường hợp này bắt buộc phải thu xếp cho trẻ nhập viện vì bệnh diễn tiến rất nhanh, nhiều biến chứng và hậu quả khó lường.

Vì vậy, điều quan trọng là không nên tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị các trường hợp viêm phổi hay viêm tiểu phế quản ở trẻ như trường hợp con của bạn.

Nếu trẻ chỉ bị cảm ho thông thường thì lại càng không nên dùng kháng sinh vì nhiều lý do. Đa số các trường hợp cảm ho là do các loại virus. Kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với các loại vi khuẩn, nếu sử dụng để điều trị virus thì hoàn toàn không hiệu quả.

Không chỉ trẻ em mà cả người lớn, việc sử dụng kháng sinh sớm cho các trường hợp viêm hô hấp trên không giúp người bệnh dễ chịu hơn, không rút ngắn thời gian bị bệnh, không phòng ngừa được biến chứng mà ngược lại còn chuốc lấy nhiều hệ lụy. Điển hình là tốn kém vì mua loại thuốc không cần thiết, có khả năng xảy ra các tác dụng phụ, phổ biến nhất là rối loạn tiêu hóa, nôn ói, tiêu chảy. Thậm chí, gần đây người ta thấy rằng có mối liên quan giữa lạm dụng kháng sinh ở lứa tuổi nhỏ như con bạn với việc xuất hiện bệnh hen suyễn về sau này.

Một vấn đề quan trọng hơn cần đề cập đến, việc lạm dụng kháng sinh lâu dài sẽ dẫn đến việc làm phát sinh các vi khuẩn kháng thuốc, điều này dẫn đến hậu quả vô cùng ghê gớm. Đến khi trẻ thực sự bị nhiễm khuẩn cần đến kháng sinh thì việc điều trị lúc này lại rất khó khăn, phải dùng đến loại cao cấp, đắt tiền mà hiệu quả hạn chế, biến chứng nặng khó lường. Đây là vấn nạn cả thế giới đang rất lo ngại.

Thuốc kháng sinh không có hiệu quả khi điều trị các cơn ho thông thường ở trẻ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trương Thị Mỹ Ngọc - truongmyngocvt…@gmail.com

Chào bác sĩ, em nghe một số mẹ khuyên rằng khi con bị ho thì nên hơ ấm sẽ rất hiệu quả và phòng được cảm lạnh cho con nữa. Vậy điều này đúng hay sai ạ? Trong trường hợp này nếu nằm điều hòa thì có gây hại gì không? Rất mong được bác sĩ tư vấn.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Mỹ Ngọc thân mến,

Trong trường hợp bé bị ho nói chung và viêm đường hô hấp nói riêng thì việc giữ ấm là cần thiết. Các bậc phụ huynh phải linh hoạt, khi thời tiết lạnh thì cần giữ ấm, nhưng nóng bức thì không nên “máy móc” mặc 2-3 lớp áo.

Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức cẩn trọng vì nếu hơ ấm sẽ phải tiếp cận nguồn nhiệt (thường là than…), có nguy cơ gây phỏng cho trẻ. Thực tế, đã xảy ra không ít các trường hợp đáng tiếc từ việc cha mẹ sử dụng các loại phương tiện hơ nóng tương tự như vậy.

Đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc khi thời tiết lạnh, rét đậm rét hại thường hay dùng các loại than để giữ ấm như than tổ ong, than đá dễ đưa đến tình trạng ngộ độc khí CO, thậm chí đã ghi nhận trường hợp tử vong. Vì vậy, theo tôi giữ ấm cho bé là điều cần thiết không nên hơ ấm bằng các nguồn nhiệt.

Về vấn đề sử dụng máy điều hòa để giải nhiệt, đây là nhu cầu chính đáng nhưng phải dùng hợp lý để tránh lợi bất cập hại. Mẹ cần nhớ, khi thời tiết nóng bức, trẻ đi từ môi trường bên ngoài về thì không nên bước ngay vào phòng đã mở điều hòa, vì như vậy sẽ tạo ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến trẻ không kịp thích nghi.

Trong trường hợp này chúng ta nên thiết lập một không gian đệm trước cửa phòng có máy điều hòa, sau khi lau bớt mồ hôi, nhiệt độ trẻ ổn định thì mới bước vào.

Ngoài ra, trong phòng cũng nên đặt điều hòa ở vị trí thích hợp, không nên để quạt gió thổi thẳng vào nơi sinh hoạt, ăn, ngủ của trẻ. Đặc biệt, không nên cho trẻ ở trong phòng có điều hòa quá lâu, trên 3 giờ đồng hồ. Với trẻ càng nhỏ, xu hướng để nhiệt độ càng cao càng tốt, phù hợp nhất là từ 27-28 độ C. Không nên cho trẻ ở trong phòng có điều hòa nhiều hơn 3 giờ đồng hồ.

Bên cạnh đó, đa phần các phòng có điều hòa thường được thiết kế bít cửa để tiết kiệm điện nên không khí tương đối tù túng. Đây là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh, các loại nấm mốc sinh sôi phát triển. Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên mở cửa phòng khi không bật máy điều hòa để không khí được trao đổi, thoáng khí. Song song đó cần dọn dẹp đồ đạc trong phòng sạch sẽ, ngăn nắp, chú ý đến công tác bảo dưỡng máy điều hòa định kỳ, nếu không đây sẽ trở thành nơi sinh sống của nhiều mầm bệnh khác nhau.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X