Hotline 24/7
08983-08983

Giao mùa: Cảnh giác với viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma

Vi khuẩn Mycoplasma là chủng vi khuẩn thường cư trú ở niêm mạc miệng, họng, đường sinh dục. Khi tăng sinh số lượng, nó thường gây ra tình trạng nhiễm khuẩn, phổ biến nhất là bệnh viêm phổi do nhiễm Mycoplasma. Bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về loại vi khuẩn này.

1. Vi khuẩn Mycoplasma tấn công chủ yếu vào những ai và trong độ tuổi nào?

Thưa BS, viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma có phổ biến trong cộng đồng? Mycoplasma tấn công những ai và trong độ tuổi nào là chủ yếu ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mycoplasma là một loại vi khuẩn không điển hình, có cấu trúc không giống với các loại vi khuẩn thông thường. Loại vi khuẩn này không có phần vỏ (vách tế bào) của tế bào vi khuẩn. Đây là một loại vi khuẩn được biết đến từ rất lâu, ngày xưa vi khuẩn Mycoplasma chỉ thường xuất hiện ở những đối tượng rất đặc biệt.

Vi khuẩn có thể xâm nhập và gây bệnh ở nhiều nhóm đối tượng và lứa tuổi khác nhau. Nhưng đa phần, loại vi khuẩn này sẽ tấn công trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ có tình trạng miễn dịch suy yếu.

2. Giai đoạn nào trong năm là thời điểm vi khuẩn Mycoplasma phát triển mạnh nhất?

Vi khuẩn này thường phát triển và sinh sôi nhất vào giai đoạn nào trong năm? Ngoài viêm phổi, vi khuẩn Mycoplasma có thể gây ra những vấn đề nào khác cho sức khỏe ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, vi khuẩn Mycoplasma có thể sinh sôi và gây bệnh trong tất cả các mùa trong năm. Tuy nhiên, vào giai đoạn giao mùa, khi bệnh hô hấp do vi khuẩn siêu vi tăng cao sẽ là một tác nhân gây bội nhiễm thêm. Thường gặp nhất vẫn là viêm phổi, tuy nhiên có một số bệnh cảnh khác như nhiễm trùng huyết hoặc vi khuẩn huyết thông thường, nhưng đa số vẫn là viêm phổi.

3. Các biến chứng do vi khuẩn Mycoplasma gây ra cho người bệnh là gì?

Viêm phổi do Mycoplasma nguy hiểm trên những ai và những biến chứng có thể gặp phải trên người bệnh là gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm phổi do Mycoplasma không gây ra những biến chứng nguy hiểm. Thông thường, bệnh chuyển nặng do phát hiện trễ. Mycoplasma là một loại vi khuẩn dễ điều trị, nhưng nếu phương pháp điều trị không phù hợp sẽ không thể khỏi bệnh hoàn toàn.

4. Làm thế nào để nhận biết những triệu chứng cảnh báo viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma ?

Những triệu chứng cảnh báo viêm phổi do Mycoplasma là gì, thưa BS? Triệu chứng nào xuất hiện sớm nhất và đâu là những biểu hiện cảnh báo bệnh đã xảy ra biến chứng?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường ở một trẻ nhỏ bị viêm phổi sẽ được chụp hình phổi, theo dõi và xét nghiệm máu để xác định chính xác nhất về bệnh lý. Nếu không thực hiện xét nghiệm máu, hình ảnh chụp phổi và bệnh cảnh lâm sàng đều không có giá trị trong việc chẩn đoán bệnh viêm phổi do Mycoplasma . Trong quá trình điều trị, nếu cảm thấy các vấn đề về bệnh không thuyên giảm hãy xét nghiệm máu để xác định có mắc viêm phổi do Mycoplasma hay không.

5. Để phân biệt viêm phổi do Mycoplasma với các bệnh lý dễ nhầm lẫn khác, cần làm gì?

Triệu chứng viêm phổi do Mycoplasma dễ nhầm lẫn với cảm cúm, cảm lạnh thông thường. Liệu có cách nào để phân biệt các tình trạng này không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không có cách nào có thể phân biệt được tình trạng viêm phổi do Mycoplasma tại nhà. Nếu cảm thấy sốt, khó thở, tức ngực và thở nhanh, phải đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám. Người bệnh sẽ được chụp hình và xét nghiệm máu để xác định về tình trạng bệnh lý.

6. Khi theo dõi bệnh viêm phổi do Mycoplasma cần chú ý những vấn đề gì?

Điều trị viêm phổi do Mycoplasma ở nhà hay tại bệnh viện và việc điều trị này có khác gì so với viêm phổi do những nguyên nhân khác? Việc theo dõi tại nhà cần chú ý những vấn đề gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vấn đề về việc điều trị viêm phổi do Mycoplasma tại nhà hay ở bệnh viện cũng sẽ giống với những loại vi khuẩn khác. Nghĩa là tuỳ thuộc vào tình trạng thở của bệnh nhân để xác định cần điều trị theo hướng nhập viện hay ở nhà.

Tuy nhiên, bệnh viêm phổi do Mycoplasma được điều trị bằng những loại thuốc kháng sinh khoá hoàn toàn với loại vi khuẩn thông thường. Chính vì vậy, khi điều trị viêm phổi do Mycoplasma, các bác sĩ sẽ đổi thuốc khác, không điều trị bằng thuốc viêm phổi thông thường.

7. Phụ huynh nên xử trí như thế nào khi trẻ có biểu hiện sốt cao, rét run?

Một số trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma có biểu hiện sốt cao, rét run. Phụ huynh nên xử trí tình huống này như thế nào ạ?

- Sốt cao không hạ hoặc hạ nhưng sau đó lại sốt, trường hợp nào đáng lo ạ?

- Dùng thuốc hạ sốt để giảm sốt ở những trường hợp sốt cao, nên chọn loại nào? Với mỗi loại hạ sốt (đặt hậu môn, bột, sủi, dán trán…) sẽ phù hợp với tình huống nào, thưa BS?

- Nhờ BS hướng dẫn cách chườm hạ sốt đúng cách ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong trường hợp trẻ nhỏ sốt cao không hạ, phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Tất cả các loại viêm phổi hoặc bệnh siêu vi khác đều có tình trạng sốt cao không hạ. Tình trạng sốt cao không hạ sẽ tuỳ vào bệnh nhân, không phải tuỳ vào tác nhân gây bệnh.

Về thuốc hạ sốt, không có loại nào được chỉ định riêng cho viêm phổi do Mycoplasma hay phát đồ điều trị hạ sốt khác với những trường hợp sốt do bệnh lý khác. Ở Việt Nam, nếu không có loại thuốc điều trị sốt xuất huyết, người bệnh nên hạ sốt bằng Paracetamol. Liều lượng cho trẻ nhỏ là 10 - 15mg/1kg, khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, tuyệt đối không kết hợp thêm thuốc nhét hạ sốt và ngược lại.

Thời gian sử dụng thuốc hạ sốt từ 4 - 6 tiếng, có thể lặp lại 1 lần. Tuy nhiên, nếu sốt trên 48 tiếng không hạ nên đi khám ngay do có khả năng là tình trạng bệnh lý nặng hơn, không phải sốt thông thường hay do vi khuẩn Mycoplasma.

Về miếng dán hạ sốt, miếng dán trán này tương đương với một khăn lạnh, không có tác dụng hạ sốt nhanh hơn khăn lạnh. Miếng dán hạ sốt không có tác dụng lấy nhiệt nhiều hơn khi diện tích dán lên trán rất nhỏ. Do đó, miếng dán hạ sốt không có giá trị trong việc hạ sốt.

8. Khi trẻ có những biểu hiện khó chịu nên chăm sóc ra sao để giảm triệu chứng?

Trẻ khò khè, khó thở, ho đờm cũng rất khó chịu. Nên chăm sóc trẻ ra sao trong những tình huống này để giảm triệu chứng, giảm khó chịu cho trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trẻ nhỏ quá khó chịu, khó thở, phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện. Nếu theo dõi tại nhà, phu huynh nên cho trẻ uống nhiều nước, khi trẻ uống đủ nước, ăn đủ chất, đờm sẽ loãng ra, sau đó đưa trẻ đi tái khám.

9. Có cách nào phòng ngừa nguy cơ đồng nhiễm khi mắc phải vi khuẩn Mycoplasma?

Nhiễm Mycoplasma có thể đồng nhiễm thêm những vi khuẩn khác như phế cầu, Hip… Có cách nào để ngăn chặn nguy cơ đồng nhiễm này không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm phổi do Mycoplasma vẫn có thể xảy ra tình trạng đồng nhiễm nhưng tỷ lệ rất thấp. Bệnh nhân có thể bị bội nhiễm theo vi khuẩn trong môi trường bệnh viện.

Thông thường rất ít trường hợp xuất hiện hai tác nhân gây bệnh. Nếu người bệnh bị đồng nhiễm sẽ được tiếp nhận điều trị thêm, không có cách nào có thể ngăn chặn được nguy cơ đồng nhiễm.

10. Làm thế nào để phòng tránh, giảm nguy cơ lây lan khi nhiễm vi khuẩn Mycoplasma?

Viêm phổi do Mycoplasma có lây lan, có gây thành những vụ dịch không, thưa BS? Nếu tiếp xúc với người được xác định mang mầm bệnh này, có cách nào để tránh mắc bệnh ạ?

- Đến nay chưa có vắc xin phòng Mycoplasma pneumoniae. Vậy làm thế nào để phòng tránh, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vi khuẩn Mycoplasma có thể sống cộng sinh trong cuốn họng, do đó khi mắc bệnh nên mang khẩu trang, tránh nơi đông đúc. Bình thường, không thể nhận biết ai mắc phải vi khuẩn Mycoplasma , loại vi khuẩn này có thể lây qua đường hô hấp. Tuy nhiên, những người có cơ địa đặc biệt sẽ dễ nhiễm Mycoplasma .

Về sau, một nghiên cứu cho thấy rằng nếu thiếu vitamin A, khi nhiễm vi khuẩn Mycoplasma sẽ có những chuyển biến bệnh lý nặng hơn.

Để phòng ngừa vi khuẩn Mycoplasma cần rửa tay, mang khẩu trang, ăn sạch, uống sạch, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh ở nơi đông đúc.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh là chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TPHCM. Ông cũng là thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia.

Ngoài chuyên môn được các đồng nghiệp đánh giá cao, bác sĩ Trương Hữu Khanh còn thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng tới người dân thông qua các chương trình truyền hình, báo điện tử và các phương tiện truyền thông khác.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhi và điều trị các bệnh lý liên quan đến Nhi khoa. Bác sĩ Trương Hữu Khanh là người giàu y đức, có trách nhiệm và thân thiện với bệnh nhân.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X