Hotline 24/7
08983-08983

Giao lưu trực tuyến “Vì một trái tim khỏe” với PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định

Bệnh tim mạch đang là gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong đang "cao nhất bảng". Buổi tư vấn của PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định cung cấp nhiều kiến thức quý giúp chống lại căn bệnh này.

Dù lịch trình làm việc của PGS Nguyễn Hoàng Định - PGĐ Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch BV Đại học Y dược TPHCM - luôn kín những ca phẫu thuật, thế nhưng ông luôn trăn trở phải làm sao để chia sẻ kiến thức cơ bản nhất cho người dân. Do đó, như lời đã hứa khi kết thúc buổi giao lưu lần trước, lần này ông dành gần 3 tiếng đồng hồ (từ 14g15 -17g) chiều thứ tư (9/12) để tư vấn trực tiếp cho bạn đọc AloBacsi với chủ đề “Vì một trái tim khỏe”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, hàng năm có hơn 17,5 triệu người tử vong do liên quan đến bệnh tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày càng nhiều.

Tỷ lệ tử vong ở các nước phát triển đã được ngăn chặn và có xu hướng giảm, nhưng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang phải “oằn lưng” với căn bệnh này.

Dự đoán vào năm 2017, sẽ có trên 20% người Việt, tức là cứ 5 người có 1 người mắc bệnh tim mạch.


Ngoài công tác chuyên môn ở Bệnh viện và Trường ĐH Y Dược TPHCM, BS Nguyễn Hoàng Định còn tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng khác như: mổ tim từ thiện, tư vấn miễn phí...

NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

 

- Bạn đọc Tạ Thị Diễm Loan - cán bộ hưu trí


Chào chương trình AloBacsi,

Nhờ các bạn gửi đến PGS.TS Hoàng Định giùm để bác sĩ giải đáp giúp tôi.


Tôi được biết nếu người cao tuổi bị tăng huyết áp sẽ có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh mạch vành, đột quỵ… Vậy mong bác sĩ cho biết có cách nào để phòng bệnh tăng huyết áp không? Xin cảm ơn.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào chị Diễm Loan,


Cao huyết áp là 1 trong 7 yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch gồm: tuổi, giới tính, yếu tố di truyền, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, béo phì. Người ta ví cao huyết áp là kể giết người thầm lặng vì tăng huyết áp làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do bệnh mạch vành, mạch máu não.


Để phòng ngừa bệnh thì có một số biện pháp:

- Duy trì cân nặng hợp lý vì thừa cân làm nguy cơ tăng huyết áp cao lên, cần giữ chỉ số cân nặng của cơ thể dưới 30

- Ăn nhiều rau quả, ít chất béo và cholesterol,

- Ăn ít muối. Lượng muối khuyến cáo tốt nhất là 1 thìa muối nhỏ mỗi ngày. Các thực phẩm đóng gói sẵn thì có nhiều muối nên cần lưu ý đọc thành phần và hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

- Tập thể dục 30-60 phút mỗi ngày, đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, một tuần tập ít nhất 5 ngày

- Biết cách khắc phục stress

- Không hút thuốc lá

- Giữ lối sống lành mạnh, vui vẻ, hạnh phúc.

 

- Bạn đọc Lâm Hùng


Chào bác sĩ,


Dạo gần đây tôi hay bị đau nhói ở ngực sau khi gắng sức làm việc nặng. Bạn bè khuyên tôi nên đi khám siêu âm tim để biết chính xác bệnh và điều trị. Mong bác sĩ cho tôi biết siêu âm tim là gì? Khi siêu âm tim thì có thể cho tôi biết được những bệnh gì mà tôi đang mắc phải? Cảm ơn bác sĩ đã đọc và giải đáp cho tôi.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn Lâm Hùng,


Nguyên lý của siêu âm tim là sử dụng các sóng siêu âm từ một đầu dò phát ra, khi sóng siêu âm này được định hướng vào các cơ quan cơ thể khi gặp các bề mặt sẽ được phản xạ ngược lại vào đầu thu và cho chúng ta hình ảnh của cơ quan cần khảo sát. Siêu âm tim còn có thể khảo sát được chiều của các dòng máu chảy, vận tốc các dòng máu trong tim và các mạch máu lớn.


Siêu âm cho biết cấu trúc của các buồng tim, cấu trúc, kích thước, các bất thường của buồng tim, van tim, các mạch máu trong tim, hoạt động của các lá van,tính chất co bóp của thành cơ tim.


Siêu âm tim giúp chúng ta chẩn đoán các bệnh lý về màng ngoài tim, cơ tim, van tim, các bệnh mạch máu cơ tim, chẩn đoán các loại bệnh tim bẩm sinh.


Siêu âm tim là 1 biện pháp khảo sát rất hữu ích, không xâm lấn, không xâm hại với chi phí phải chăng.


Bạn bị đau ngực khi gắng sức có thể gợi ý của bệnh lý của mạch vành. Siêu âm tim có thể giúp phát hiện các vùng cơ tim bị rối loạn vận động do thiếu máu, sức co bóp tổng thể của cả quả tim, tình trạng hở van tim kèm theo.


Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp giải đáp những thắc mắc của bạn. Thân mến.


 

- Bạn đọc có SĐT: 0972...084


Chào bác sĩ, tôi nghe nói bệnh mạch vành rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho người bệnh. Vậy có cách nào phòng ngừa bệnh mạch vành không? Xin cảm ơn bác sĩ.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Bạn thân mến,


Bệnh mạch vành gây ra do các mảng xơ vữa bám trên thành mạch vành là hệ thống động mạch nuôi tim. Hệ mạch vành bị hẹp do mảng xơ vữa sẽ không cung cấp đủ máu cho tim trong khi hoạt động, nếu mạch vành bị tắc bệnh nhân sẽ bị nhồi máu cơ tim, có thể gây biến chứng nặng nề hoặc tử vong.


Chúng ta có thể phòng ngừa bệnh mạch vành bằng cách nhận biết và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành của bản thân: Là tuổi trên 40 (nam giới), gia đình có người thân mắc bệnh mạch vành, bệnh huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, hút thuốc lá, béo phì.


Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được: điều trị để ổn định huyết áp, ổn định đường huyết, ổn định nồng độ mỡ máu, ngưng hút thuốc lá, giữ cân nặng ở mức tối ưu, giảm stress, tập thể dục vừa sức là những biện pháp phòng ngừa rất hiệu quả bệnh mạch máu nói chung và bệnh mạch vành nói riêng.


2
TS Nguyễn Hoàng Định trong lễ phong hàm Phó Giáo sư hôm 5/11(Ảnh: Nguyễn Khánh - Tuổi Trẻ)


- Bạn đọc Hoàng Văn Đại - 090809…


Tôi được biết hiện nay có phương pháp chụp động mạch vành qua đường ống thông để chẩn đoán chính xác bệnh động mạch vành, phương pháp này như thế nào? Có nguy hiểm không? Khi nào cần làm và chuẩn bị ra sao?

 

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn Đại,


Chụp động mạch vành qua đường ống thông được thực hiện tại phòng chụp mạch máu với hệ thống máy chụp xóa nền, BS sẽ đưa 1 ống thông rất nhỏ đi qua động mạch ở cổ tay hoặc ở vùng bẹn lên đến động mạch chủ ngực, đưa vào các lỗ mạch vành bên phải và bên trái, lần lượt bơm 1 lượng nhỏ chất thuốc cản quang vào hệ mạch vành. Bằng cách phân tích hình ảnh của hệ mạch vành, chúng ta có thể biết được vị trí, số lượng, mức độ, tính chất của các lỗ hẹp để có thể có chẩn đoán và hướng dẫn cho việc điều trị sau đó.


Phương pháp này rất an toàn và được thực hiện rất nhiều tại các trung tâm tim mạch trên thế giới. Tỉ lệ tai biến thấp dưới 1%: bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim. BS chuyên khoa tim mạch sẽ là người quyết định bạn có cần chẩn đoán bệnh mạch vành bằng phương pháp chụp mạch vành hay không.


Thông thường, cần chụp mạch vành khi triệu chứng của đau thắt ngực rất rõ ràng, bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành, hoặc chụp mạch vành để xác định phương thức can thiệp hoặc điều trị bệnh lý mạch vành. Chụp mạch vành cũng có thể được tiến hành cùng lúc trước khi can thiệp nông hoặc đặt stent mạch vành.


Bệnh nhân cần được nhập viện, xét nghiệm chức năng máu, chức năng thận, nhịn ăn trước khi chụp.
Sau khi chụp, bệnh nhân có thể nằm bất động khoảng 12 tiếng. Thông thường bệnh nhân sẽ được xuất viện vào ngày hôm sau.


- Bạn đọc Nguyễn Thị Thu - Khánh Hòa


Thưa bác sĩ, nhờ bác sĩ cho biết các biểu hiện cảnh báo bệnh tim mạch cần cấp cứu? Xin cho biết cách phát hiện và đối phó khi gặp tình huống đó? Chân thành cảm ơn bác sĩ.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Thu thân mến,

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch cần cấp cứu:

- Dấu hiệu của cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim: đau thắt ngực là cảm giác bóp nghẹt, đè nặng kéo dài vài phút đến vài chục phút thường xuất hiện khi gắng sức và đỡ khi nghỉ. Cảm giác khó chịu có thể lan ra tay trái, sau lưng ra cổ, vùng bụng. Có thể kèm khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn.

- Dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não: Đột ngột tê hay yếu 1 bên mặt, tay hoặc chân, đột ngột choáng, nói khó hoặc không hiểu lời người khác nói, đột ngột đau đầu dữ dội.


 

- Bạn đọc Trần Minh Thanh - thanhtrinhor…@gmail.com


Có phải mọi bệnh tim bẩm sinh đều phải phẫu thuật mới chữa được hay không, thưa ông? Có biện pháp can thiệp nào khác không cần phẫu thuật không ạ?


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn,


Cứ 1.000 trẻ ra đời thì trung bình có 8 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Trong số đó, không phải tất cả các trường hợp đều cần được điều trị. Khoảng 40% chỉ cần được theo dõi định kỳ. 60% còn lại cần được điều trị bằng các phương pháp: dùng thuốc, điều trị can thiệp qua da, hoặc phẫu thuật.


Trong những năm gần đây, chuyên ngành tim mạch can thiệp phát triển rất mạnh, nhiều loại dị tật tim bẩm sinh đã được điều trị thành công bằng phương pháp can thiệp, không cần mổ. Phẫu thuật tim cũng phát triển theo hướng ít xâm lấn, làm giảm các sang chấn về thể chất và tinh thần cho trẻ.


 

 

- Nguyễn Văn Tân - Hà Nội

Chào BS Nguyễn Hoàng Định, tôi năm nay 65 tuổi, tôi đi khám bệnh định kỳ thì các BS ở BV chẩn đoán tôi bị suy tim. Mong BS tư vấn giúp tôi chế độ ăn uống sinh hoạt và thuốc men như thế nào? Chân thành cám ơn BS!

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Chào bác Tân,

Suy tim là tình trạng tim suy yếu không đảm bảo đầy đủ chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể.

Người suy tim cần lưu ý những điều sau đây:

- Tránh vận động quá sức

- Bỏ thuốc lá: hút thuốc lá gây tổn hai mạch máu, giảm lượng oxy trong máu, làm tim đập nhanh, làm tình trạng suy tim tiến triển nhanh hơn.

- Không để quá cân: quá cân làm tăng gánh nặng công việc cho tim. Giảm cân nặng về mức bình thường giúp giảm sức cản mạch máu ngoại vi, làm tim co bóp dễ dàng hơn.

- Kiểm tra cân nặng mỗi ngày trước khi ăn sáng. Nếu cân nặng tăng từ 1kg trở lên, cần thông báo với BS điều trị do tình trạng này có liên quan đến sự giữ nước và muối trong cơ thể.

- Uống nước theo nhu cầu, không quá 1,5 lít/ngày để tránh tăng khối lượng tuần hoàn.

- Hạn chế ăn muối: không ăn quá 2g muối/ngày.

- Hạn chế ăn chất béo. Rối loạn chuyển hóa mỡ máu là yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, nguyên nhân làm cho suy tim trở nên nặng hơn.

- Không uống rượu, do rượu có thể tương tác với thuốc điều trị suy tim, tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.

- Tập thể dục đều đặn với mức độ vừa sức giúp làm tăng chất lượng cuộc sống.

- Tránh bị stress, tránh để mất ngủ. Có thể ngủ với gối cao, đầu cao 30-45 độ. Không ăn no trước khi ngủ, uống thuốc lợi tiểu vào buổi sáng hoặc chiều để tránh phải đi tiểu ban đêm.

 

- Lan Anh - Bình Dương

Thưa BS,

Cách đây vài ngày sau khi đạp xe đạp buổi sáng về, ăn sáng xong em cảm thấy rất mệt và khó chịu, tim đập nhanh, 2 tay rã rời tê buốt, đo huyết áp lên 190/128. Sau đó em nằm nghỉ lấy thuốc uống đo lại huyết áp xuống 130/90. Sau đó em thấy khỏe và đi làm bình thường. Lâu lâu đang lái xe em bị đau nhẹ thắt ngực, thường em dừng lại chờ cơn đau hết mới đi tiếp.

Do bản chất công việc nên đôi lúc em có uống rượu (cocktail) nhưng vẫn rất hạn chế. Em vẫn uống thuốc và tái khám thường xuyên. Huyết áp của em đã ổn (120-135/70-90) nhưng thỉnh thoảng huyết áp lên cao như vậy có nguy hiểm hay biến chứng gì không ạ?

Em tập thể dục đều, tránh suy nghĩ căng thẳng nên em đi du lịch rất nhiều hoặc gặp bạn bè. Nhưng khi nhìn thấy mớ thuốc em cảm thấy rất chán nản. Xin BS cho em vài lời khuyên. Em cám ơn BS rất nhiều.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

 

Chào bạn,

- Huyết áp chính xác nhất được đo khi nghỉ ngơi ít nhất 30 phút, ngay sau khi đạp xe đạp gắng sức huyết áp tăng cao là tình trạng sinh lý bình thường. Thông tin của bạn không cung cấp các yếu tố nguy cơ của bệnh cao huyết áp, tình trạng cao huyết áp cũng như chế độ điều trị bạn đang áp dụng nên chúng tôi chưa thể có lời khuyên phù hợp nhất cho bạn.

- Ở người cao huyết áp, việc dùng thuốc điều trị thường xuyên, đều đặn, đảm bảo huyết áp tâm thu dưới 140, tâm trương dưới 90 là rất quan trọng trong việc đề phòng các biến chứng nặng nề của bệnh lý này. Đa số các bệnh nhân bị cao huyết áp phải uống thuốc điều trị suốt đời. Tập thể dục đều, tránh suy nghĩ, hạn chế uống rượu, tái khám thường xuyên như bạn đang làm là rất nên.

Thân chúc bạn kiên trì trong việc điều trị bệnh và có sức khỏe thật tốt.

 


- Nguyễn Trường Thái, 60 tuổi - quận 5, TPHCM

Chào bác sĩ,

Tôi năm nay 60 tuổi, nam, đang điều trị ung thư gan bằng phương pháp toce được kết luận K gan đa ổ đã TACE 1/ VGSV B, đang theo dõi trong 3 tháng (15/2/2017 tái khám).

Trước đây tôi khỏe lắm, sau khi điều trị K gan 1 tháng (vào khoảng giữa tháng 9/2016) sức khỏe tôi phục hồi 70 % nhưng 1 lần tôi tập yoga quá sức thì sau đó đổ mồ hôi, lạnh, kiệt sức, tim đập nhanh. Hiện tôi nếu vận động thậm chí 5 phút thì toát mồ hôi, lạnh, mệt, tim đập nhanh (100 nhịp/1 phút), huyết áp tôi thường xuyên thấp khoảng 10/6…

Siêu âm tuyến giáp kết quả phình giáp đa nhân, xét nghiệm máu chức năng tuyến giáp thì trong giới hạn bình thường:

T4 122.4 NMOL/L 64.0-167

TSH 0.30 UIU/ML 0.30-5.10

FREE T4 14.2 PMOL/L 11.5-22.7

FREE T3 5.0 PMOL/L 3.5-6.5

Siêu tim, kết quả:

- Nhận xét: Các buồng tim trong giới hạn bình thường.

Giảm động VLT, thành trước bên.

Chức năng tâm thu thất trái EF~ 71 %.

Rối loạn chức năng tâm trương thất trái độ I.

Không tràn dịch màng ngoài tim.

- Kết luận: Bệnh tim thiếu máu cục bộ. Chức năng tâm thu thất trái bảo tồn.

Rối loạn chức năng tâm trương thái trái độ I.

Hở van 3 lá 1.5/4- chưa tăng áp phổi.

Và được cho uống thuốc 1 tháng:

- Imidu 60mg 1v/ngày/ trưa.

- Concor 5mg 1/2v- ngày 2 lần.

- VashasanMR 1v- ngày 2 lần.

Tôi uống được 2 ngày rồi. Hiện tại, tôi thấy bớt lạnh, hơi khỏe nhưng cảm giác căng đầu.

Xin cho hỏi:

1/ Những triệu chứng cơ thể tôi có phải do bệnh tim không?

2/ Nếu phải, thì bệnh tim của tôi nguy hiểm không?

3/ Việc đầu bị căng khi uống thuốc vài ngày sau hết không? Có cần đổi thuốc không?

4/ Khi nào tim tôi trở lại bình thường?

Cám ơn bác sĩ rất nhiều và kính chúc sức khỏe bác sĩ và gia đình.

 

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Bác Thái thân mến,

- Bác 60 tuổi, K gan đa ổ được điều trị bằng phương pháp TOCE. Gần đây bác hay mệt khi gắng sức, huyết áp thấp. Siêu âm tim có Giảm động VLT, thành trước bên tuy nhiên chức năng co bóp của tim vẫn tốt.

1. Thiếu máu cơ tim cũng có thể gây các triệu chứng mệt mỏi khi gắng sức, lạnh, đổ mồ hôi. Tuy nhiên, siêu âm tim cho thấy tim bác vẫn còn co bóp tốt, tuy có một số vùng giảm co bóp. Các triệu chứng mệt mỏi của bác nhiều khả năng là do tác dụng phụ của thuốc hóa chất điều trị chống ung thư.

2. Bác có thể bị bệnh cơ tim thiếu máu, tuy nhiên nguy hiểm nhất vẫn là bệnh lý gan ác tính.

3. Các thuốc giãn mạch bác vừa uống có thể gây triệu chứng căng nhức đầu. Các triệu chứng này thường hết sau vài ngày sử dụng và không cần phải đổi thuốc.

 

- Trịnh Minh Hải - Quảng Ngãi

Em bị rung nhĩ chậm, nhịp tim không đều khoảng 49 nhịp trên phút. Vậy có cần đặt máy tạo nhịp không? Nếu đặt máy chi phí khoảng bao nhiêu tiền? Em cảm ơn BS.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào em Hải,

Rung nhĩ chậm, nhịp tim không đều dưới 50 lần/phút: nếu em có triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, ngất, thì cần được đặt máy tạo nhịp. Chi phí đặt máy tạo nhịp dao động từ 40 triệu - 70 triệu tùy theo thế hệ và công dụng của máy. BHYT sẽ thanh toán được 50-60% chi phí.



- Nguyễn Toán - Huế

Chào BS,

Em là nam, năm nay 25 tuổi. Em bị khó thở nhẹ, đi thăm khám thì xquang với siêu âm bình thường, điện tim kết quả thiếu máu kì sau dưới. Vậy cho em hỏi vậy em khó thở nhẹ có phải do thiếu máu cơ tim không? Em khó thở nhẹ nhưng không đau ngực và vì sao cơ tim thiếu máu nhưng siêu âm tim đánh giá chức năng buồng, thất trái bình thường. Khi chức năng tim không suy giảm sao lại có thể bị khó thở nhẹ.

Và năm 24 tuổi em thường xuyên chơi thể thao cường độ cao, nhưng lúc trước không có gì khác thường, em không bị tim bẩm sinh, không hút thuốc, uống rượu bia, huyết áp bình thường gia đình không có tiền sử tim mạch. Kết quả điện tim thường có phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối trong chẩn đoán mạch vành không?


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Chào em,

Đúng như em nói điện tim không phải lúc nào cũng chẩn đoán chính xác tuyệt đối bệnh động mạch vành. Nói đúng hơn giá trị của điện tim trong chẩn đoán bệnh lý này còn nhiều hạn chế. Để tăng độ chính xác trong chẩn đoán, em có thể cần thực hiện đo điện tim khi gắng sức hoặc siêu âm tim gắng sức.

Em 25 tuổi, chơi thể thao, không hút thuốc, không cao huyết áp, gia đình không có tiền sử tim mạch như vậy em ít có các yếu tố nguy cơ bị mắc bệnh tim mạch.


 

Trong quá trình tư vấn, BS Định liên tục nhận được điện thoại của đồng nghiệp ở BV và ngoại tỉnh xin “hội chẩn qua điện thoại” các trường hợp của bệnh nhân. BS Định là một trong số không nhiều BS thích chia sẻ, hỗ trợ các cộng sự, đàn em. Mỗi thành công của một ca cứu bệnh nhân nhờ tinh thần hợp tác này, ông không giấu được niềm vui.


Theo dõi Facebook của ông, dễ dàng nhận thấy sự chia sẻ chân tình của ông dành cho mỗi thành công của đồng nghiệp (3 ảnh trên: "Chúc mừng ê-kíp can thiệp và phẫu thuật mạch máu BV Nhân dân Gia Định triển khai tiếp tục thành công kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị phình động mạch chủ bụng!" - Nguồn: Facebook BS Nguyễn Hoàng Định).

 

- Bạn đọc Lê Ngọc Anh - Đà Nẵng

Chào BS,

Em gái em năm nay 20 tuổi. Hôm trước đi khám sức khỏe, phát hiện Thông liên thất phần màng (lỗ thông có dk 4mm); kèm hở van ba lá 1.5/4 và hở van 2 lá 1/4. Với tình trạng như vậy em gái em có cần điều trị gì không ạ. Và phương thức điều trị là dùng thuốc hay cần phải phẫu thuật? Mức độ nguy hiểm ra sao khi em gái em vừa bị hở van hai lá kèm van ba lá. Em cảm ơn nhiều bác sĩ rất ạ.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Ngọc Anh thân mến,

Lỗ thông này có kích thước nhỏ không có khả năng gây suy tim hay tăng áp lực động mạch phổi. Thực tế cũng có người sống với lỗ thông liên thất nhỏ như vậy đến suốt đời mà không bị suy tim. Tuy nhiên, biến chứng của thông liên thất lỗ nhỏ là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Nếu em bạn quyết định theo dõi và không mổ, cần lưu ý đề phòng biến chứng này bằng cách uống kháng sinh trước khi làm các thủ thuật có chảy máu.

Nếu lựa chọn phẫu thuật đóng thông liên thất là phẫu thuật tim thông thường với tỷ lệ thành công cao và tai biến rất thấp. Phẫu thuật cũng có thể tiến hành bằng phương pháp nội soi, giảm thiểu xâm lấn, mau bình phục hơn.

Hiện nay, điều trị bít lỗ thông liên thất phần màng bằng ống thông không cần phải mổ cũng là 1 biện pháp ngày càng phổ biến.

Hở van 2 lá và 3 lá mức độ nhẹ không ảnh hưởng gì đến việc lựa chọn phương thức điều trị, bạn nhé.

- Bạn đọc Trần Chánh Toàn - TPHCM

Kính chào PGS Định,

Em năm nay 24 tuổi, đi khám tổng quát, phát hiện bị bệnh ngoại tâm thu thất, nhịp tim đập chậm (54nhịp/phút). AloBacsi cho em biết em phải uống thuốc gì để khỏi được bệnh. Xin cám ơn ạ.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Chào em,

Rối loạn nhịp tim có rất nhiều dạng, do nhiều cơ chế bệnh sinh phức tạp gây nên. Em cần được khảo sát, đo điện tim 24h, có thể cần khảo sát điện sinh lý trong tim để chẩn đoán chính xác cơ chế, nguyên nhân gây rối loạn nhịp trước khi có quyết định phương pháp điều trị.


- Bạn đọc Nguyen Huong - nguyenthi…@gmail.com

Cho cháu hỏi bệnh cơ tim phì đại là như thế nào? Có chữa được khỏi hẳn không? Nếu chữa thì chữa trong bao lâu ạ?


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn,


Bệnh cơ tim phì đại là tình trạng cơ tim dày lên 1 cách bất thường. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ các thành của tâm thất hoặc chỉ khu trú ở 1 số vùng nhất định. Nguyên nhân thường do rối loạn GEN hoặc do di truyền.


Các trường hợp vùng cơ tim phì đại gây cản trở dòng máu trong tim hoặc đi ra khỏi tim, gây hở van 2 lá cần được điều trị 1 cách tích cực: trước hết là được điều trị bằng thuốc giảm co bóp cơ tim. Nếu điều trị thuốc không hiệu quả, BS sẽ xem xét khả năng chích cồn vào vùng cơ tim bị phì đại để làm teo nhỏ vùng này, hoặc phẫu thuật cắt vùng phì đại, kèm theo sửa tình trạng hở van 2 lá đi kèm (nếu có).



- Bạn đọc Nguyễn Thị Lan - Vĩnh Long


Thưa BS,


Tôi bị hẹp hở van 2 lá, viện Tim gửi giấy báo đóng viện phí để phẫu thuật thắt vòng van tim. Tôi có thắc mắc cần AloBacsi tư vấn giúp: Tôi nên chọn phương pháp phẫu thuật nào để chỉnh van? Phẫu thuật ở BV nào là tối ưu? Cần những thủ tục gì để khi phẫu thuật được hưởng BHYT?


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:



Chào bạn Lan,


Hẹp hở van 2 lá nặng cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để sửa van tim hoặc thay van tim nhân tạo. Sửa van tim, trong đó bao gồm đặt vòng van là phương pháp tối ưu hơn cả. Thay van nhân tạo có thể đi kèm những biến chứng về lâu dài liên quan đến việc phải mổ lại hay biến chứng của việc dùng thuốc kháng đông, chỉ được sử dụng khi không sửa được van.


Sửa van như thế nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và cơ chế gây nên hẹp hở van. Nhiều bệnh viện tại TPHCM có kinh nghiệm trong phẫu thuật van tim như: Viện Tim, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược TPHCM, BV Tim Tâm Đức, BV Thống Nhất…


Riêng BV Đại học Y dược là cơ sở triển khai phẫu thuật sửa hoặc thay van tim bằng phương pháp nội soi, giảm xâm lấn và giúp bệnh nhân mau hồi phục.


Để được BHYT, bệnh nhân cần được có giấy chuyển BHYT từ tuyến khám chữa bệnh ban đầu. Hiện nay BHYT đã được thông tuyến, bệnh nhân không cần phải đến đúng cơ sở đăng ký BHYT để xin giấy chuyển viện mà có thể đến các BV quận huyện khác cùng cấp để xin giấy chuyển tuyến lên BV trên.


- Minh Phương - phuongb…@yahoo.com


Chào BS,


Tôi năm nay 44 tuổi. Khi đo huyết áp hàng ngày thường khoảng 110/80. Đôi lúc huyết áp xuống mức 98/67. Thỉnh thoảng đo huyết áp lên cao 142/82. Tôi chưa dùng thuốc hạ huyết áp vì dùng phải uống đều đặn hàng ngày và bác sĩ cũng chưa kê đơn thuốc hạ huyết áp.


Tôi băn khoăn là nếu để huyết áp đôi lúc tăng cao có nguy cơ không tốt nhưng cũng sợ vì đôi lúc huyết áp xuống thấp cũng làm máu lên não thiếu. Vậy xin BS chỉ dẫn cho tôi nên điều trị thế nào. Tôi xin chân thành cám ơn.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào Minh Phương,


Huyết áp của người bình thường cũng như người bị bệnh cao huyết áp không phải là 1 con số cố định mà luôn thay đổi, tùy thuộc vào thời điểm trong ngày, tình trạng gắng sức, cảm xúc.


Đúng như anh/chị nói chúng ta cần khống chế huyết áp trong giới hạn cho phép (huyết áp tâm thu dưới 140, huyết áp tâm trương dưới 90).


Việc điều trị bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc là tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể. Đề nghị bạn liên hệ với BS chuyên khoa tim mạch để được tư vấn cụ thể hơn.



- Phạm Việt Hùng - Thành phố Điện Biên Phủ


Bình thường huyết áp của tôi là 125/80 nhịp tim khoảng 90, mấy hôm nay trời rét thấy tăng huyết áp 143/90 nhịp tim 100. Tôi đo bằng máy đo huyết áp. BS cho tôi hỏi nhịp tim thế có cao không? Huyết áp thế có ổn định không? Chân thành cảm ơn BS đã giải đáp.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào Việt Hùng,


Huyết áp 143/90, nhịp tim 100 được coi là cao huyết áp mức độ nhẹ. Có thể cải thiện trước hết bằng cách giảm cân, thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạch, tập thể dục. Nếu các biện pháp trên không có kết quả thì có chỉ định điều trị bằng thuốc.


 

- Minh Đức - Hà Nội


Nhịp tim của tôi thỉnh thoảng lại khác thường, đang đập đều tự nhiên có cảm giác ngừng (rất ngắn) ngay sau đó lại đập một nhát mạnh hơn (tôi đã đi khám BS chẩn đoán ngoại tâm thu). Huyết áp tôi đã đo nhiều lần là 130/80. Tôi rất hay bị hồi hộp (mà tôi nghĩ không phải do tâm lý vì tôi xuất hiện trước đám đông đã nhiều). Nhiều lúc tôi có cảm giác tự nhiên hồi hộp, tay chân run run, cầm bút viết cảm thấy rung rung, nhịp tim đập nhanh. Tôi muốn hỏi tôi bị bệnh gì, tim và việc run run hồi hộp như trên có liên quan gì đến nhau không. Cách chữa trị để khỏi bị hồi hộp như thế nào?


Trước đây tôi đã một vài lần uống thuốc propranol (mỗi lần chỉ uống nửa viên), hôm nào uống là tôi cảm thầy không bị hồi hộp. Trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe PGS!


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Bạn Minh Đức thân mến,


Bạn có triệu chứng đánh trống ngực, hồi hộp do ngoại tâm thu. Bạn cần được theo dõi điện tâm đồ 24h và có thể cần được khảo sát điện sinh lý của tim để tìm ra nguyên nhân và xác định cơ chế của loạn nhịp trước khi có phương thức điều tri phù hợp nhất.


- Bạn đọc Thanh Hoa

Cháu chào BS,

Cháu mổ thay 2 van tim vào cuối năm ngoái, cháu thấy van hai lá và van động mạch chủ van cơ học nhưng hiện nay cháu vẫn bị suy tim. BS tư vấn giúp cháu làm thế nào để hết được bệnh suy tim?
Các thuốc đã dùng: panangin 175Mg+166.3mg,furosemid 40mg, concor 5mg, diulactone 25mg, zofarin 5mg, vitamin C 100mg. INR 3,16.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Thanh Hoa thân mến,

Sau khi phẫu thuật thay van tim, hình thái và chức năng các buồng tim sẽ dần dần phục hồi. Tốc độ và mức độ phục hồi các buồng tim phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh lý van tim trước khi phẫu thuật.

Nếu trước mổ tim giãn quá lớn, suy tim quá nặng thì quá trình phục hồi này nặng hơn, cá biệt có những trường hợp tim không thể nhỏ lại. Điều trị suy tim chủ yếu là bằng thuốc, chế độ ăn và lối sống. Xin mời bạn tham khảo thêm những câu trả lời trên.

Suy tim giai đoạn cuối có thể được điều trị bằng ghép tim.

- Võ Văn Mạnh - vovanm...@gmail.com

Em đi khám ở BV 115. Kết quả em bị hở 1/4 van tim 2 lá. Với kết quả em siêu âm tim với đo điện tim như hình ảnh em gửi qua, như vậy có vấn đề gì không? Xin BS tư vấn giúp cho em với. Chân thành cảm ơn BS ạ.




PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Chào em,

Van tim 2 lá hở 1/4 là tình trạng sinh lý, không cần điều trị đặc hiệu. Tình trạng hở van này không gây ra bất cứ ảnh hưởng có hại nào đến tim và đến sức khỏe về lâu dài. Em đừng lo lắng nhé.

 

- Nguyễn Hoàng Thanh - TPHCM

 

Siêu âm tim của em kết quả bình thường. Nhưng thỉnh thoảng tim em hay đập nhanh, hơi đau nhẹ và chóng mặt. AloBacsi cho em hỏi, nếu đã siêu âm tim, có đảm bảo tim ở chế độ an toàn không, hay còn phải làm thêm xét nghiệm gì khác nữa? Tại em hay chóng mặt, em nghi là vấn đề đến từ tim, mà em không biết nên làm thêm xét nghiệm gì. Ở đây em chỉ hỏi về tim thôi ạ, vì em đã xét nghiệm, chụp CT,... những bộ phận khác rồi, kết quả bình thường. Mong được AloBacsi tư vấn.

 

 

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Chào em Thanh,

 

Siêu âm tim cho biết nhiều thông tin và tim và các bệnh tim về tim, tuy nhiên nó không phải là công cụ vạn năng để chẩn đoán được tất cả các bệnh lý tim mạch. Có những người siêu âm tim bình thường nhưng vẫn có bệnh lý tim mạch nguy hiểm.

 

Các triệu chứng em mô tả gồm tim đập nhanh, đau ngực nhẹ, chóng mặt không điển hình cũng chưa gợi ý gì đến bệnh tim mạch.

 

 


- Phan Anh - Hà Nội

Bố em bị suy tim hiện rung tâm nhĩ. Hiện đang dùng thuốc imdur 60mg và procoralan 5mg. Bác sĩ cho 2 loại thuốc này lâu ngày có bị tác dụng phụ gì không? Cảm ơn BS.

 

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Chào bạn,

 

Tác dụng phụ của imdur gồm: thường gặp nhất là nhức đầu. Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm đau tay, đau lưng, đau hàm, đi ngoài phân đen, chảy máu lợi, đau cơ, tiểu buốt gắt, ớn lạnh, chóng mặt, khô miệng và một số triệu chứng khác.

 

Tác dụng phụ của procoralan gặp ở 10% các bệnh nhân: hiện tượng lóa sáng, gây chậm nhịp tim, tụt huyết áp, đau thắt ngực, suy gan nếu dùng quá liều.

 

 

- Thanh Vân - Quảng Nam

BS ơi làm ơi cho em hỏi, vừa qua em đi khám bệnh và được BS cho biết em bị hở van tim 3 lá độ rộng 4.5. Mà bây giờ em rất mệt và thường xuyên khó thở. Xin BS cho biết bệnh em như vậy có nguy hiểm không?

 

 

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Thanh Vân thân mến,

 

Hở van 3 lá nặng có triệu chứng cần được điều trị. Đầu tiên sẽ được điều trị bằng thuốc. Nếu triệu chứng không cải thiện cần phải được phẫu thuật để sửa van 3 lá. Hiện tại phẫu thuật sửa van 3 lá có thể thực hiện bằng phương pháp nội soi.

Nghĩa Nguyễn  - nghiat…@gmail.com


Tôi năm nay 50 tuổi, cân nặng 56kg, cao 1.6m, tôi bị thông liên thất bẩm sinh.


Đầu năm 2016 tôi đi kiểm tra và siêu âm tim DOPPLER/ 4D tại BV Đà Nẵng với kết quả như sau:


HA : 120/70 mg

Các buồng tim không lớn các thành tim không dày. Vách liên thất phần màng có lỗ khuyết# 9mm. Shunt trái-phải Vận động thành bình thường

Các van tim -Van hai lá: không hẹp.

Không hở các lá vẫn thanh mảnh -Van ba lá: không hẹp.

Không hở các lá vẫn thanh mảnh -Van ĐM chủ: không hẹp.

Không hở các lá vẫn thanh mảnh E/ : <1 EF : 69% PAPs: không tăng


Với kết quả như trên, tôi xin hỏi BS tư vấn thêm hướng điều trị như thế nào là tốt nhất.

Tôi xin chân thành cám ơn BS.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào anh,

Tim có lỗ thông liên thất phần màng đường kính 9mm, cách buồng tim và van tim bình thường, áp lực động mạch phổi không tăng. Thông thường lỗ thông có kích thước 9mm là lỗ thông lớn, ở lứa tuổi 50 sẽ gây suy tim, tăng áp động mạch phổi nặng. Ở đây có sự không phù hợp giữa kích thước lỗ thông và tình trạng ảnh hưởng đến buồng tim và áp lực động mạch phổi. Anh cần được siêu âm lại để có kết luận chính xác hơn.

Nói chung, các lỗ thông nhỏ sẽ không gây suy tim và tăng áp lực động mạch phổi. Tuy nhiên, nguy cơ là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Phẫu thuật đóng thông liên thất cho kết quả rất tốt với biến chứng thấp.


- Bạn đọc Thanh Diệu - Đồng Nai


Chào BS, hiện em đang là sinh viên.


Em đã đi làm được khoảng 5 năm, giờ mới bắt đầu đi học lại. Khi di làm gần 2 năm công việc cũng áp lực nhưng tình trạng sức khỏe em vẫn ổn nhưng khi chuyển sang nơi khác làm việc, công việc tốt, không áp lực, em rất thoải mái vui vẻ nhưng được 1 năm rưỡi thì khi đi khám sức khỏe định kỳ thì kết quả là điện tâm đồ có vấn đề.


Khi chợt đi khám lại BS hỏi em có hay đau ở ngực không em mới nhớ ra là dạo này khi đứng làm việc có thấy hơi nhói ở ngực nhưng vì em chưa muốn nghit việc ở đó nên nói dối là không đau. Rồi BS có cho em xem sấp photo mà đã cho em đeo máy đo diện tim trước đó 4 ngày (đo 24h) nhưng em không hiểu những cái BS chỉ là gì nên bỏ qua cho là không sao. Nhưng hiện tại em thấy ngày càng nhói ở ngực nhiều hơn, thường là 5-6 giây và khi nghỉ làm vẫn thấy nhói ngực nên em đi sang BV tim Tâm Đức kiểm tra và BS nói là không có vấn đề gì nên em yên tâm ra về.


Nhưng sau đó tình trạng vẫn vậy và có 1 hôm không biết tại sao tim em thắt lại rất đau, em phải nằm co người 1 phút sau mới đỡ 1 tí, ngày hôm đó em bị đau 2 lần giống vậy nên em có khi khám lại ở BV đa khoa Sài Gòn. BS nói em bị ngoại tâm thất thưa nhưng vì sợ uống thuốc nên em uống có 10 ngày rồi ngưng và không đi tái khám nên giờ ở ngực thỉnh thoảng vẫn hơi nhói. Em xin hỏi bệnh này không uống thuốc có sao không ạ?


Mà dạo này em lại thêm vấn đề nữa là rất hay quên chuyện vừa làm hay mới hôm qua em lại không nhớ được. Cũng tùy theo việc có những chuyện em nói nhưng em lai quên. Cho em hỏi 2 vấn đề này có liên quan gì nhau không ạ?


Thuốc đã uống Magnesium-B65mg+470mg, Neurobion concor2.5mg


- Đoàn Huệ - Hà Nội


Thưa BS, cháu hiện đang có những triệu chứng như tim đập nhanh, mệt mỏi, nhiều lúc đau tức ngực hoặc đau nhói ngực bên trái. Đôi khi hồi hộp và nghe được nhịp tim mình đập mạnh, ngủ không ngon giấc, khó đi vào giấc ngủ, thi thoảng thấy khó thở. Cháu vẫn hay bị như thế cách đây khoảng mười mấy năm nhưng ngày trước triệu chứng nhẹ hơn và cứ bị một thời gian lại hết.


Cháu không nhớ chính xác nhưng cách đây tầm 13-14 năm cháu đi khám thì bác sĩ kết luận bị rối loạn nhịp tim và cho ngậm thuốc gì đó mà thành phần chính là đường Gluco.


Gần đây vài năm cháu đi khám ở viện Tim Hà Nội nhưng kết quả không xác định được bệnh gì? Vậy cháu xin được bác sĩ khám sơ qua và cho cháu xin lời khuyên xem nên khám hay chữa bệnh như thế nào cho đúng và sát nhất. Hiện tại chi phí khám và làm các loại xét nghiệm cũng khá tốn kém, cháu sợ nhất là tốn kém mà lại không tìm ra bệnh và chữa trị triệt để. Cháu rất mong nhận được sự tư vấn của BS. Chân thành cảm ơn BS.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào Thanh Diệu và Đoàn Huệ,


Các triệu chứng mà các bạn mô tả không phải triệu chứng điển hình của bệnh tim mạch. Rất tiếc là chúng tôi không thể dựa vào mô tả của các bạn để chẩn đoán và có lời khuyên cụ thể.


 

- Bạn đọc Nguyễn Hải - ant…@yahoo.com


Kính gởi BS Nguyễn Hoàng Định,

Tôi năm nay 58 tuổi. Cách đây 3 năm tôi bị đau ngực và đuợc chẩn đoán là bị nhồi máu cơ tim vùng sau dưới (BS địa phương dựa vào bản điện tim và siêu âm). Từ đó đến nay BS điều trị nội khoa (vì khó khăn tài chánh nên tôi không thể chụp mạch vành được) bằng thuốc uống liên tục: thuốc kháng đông Clopistad (clopidogrel 75 mg), Vastarel 35mg, Apo-Isdn 10mg.


Hiện nay sức khỏe tôi cảm thấy bình thường, chỉ khi làm việc hơi nặng thì cảm thấy hơi mệt. Xin BS tư vấn cho các vấn đề sau:


1/ Uống thuốc lâu dài như vậy có các tác dụng phụ nào không?

2/ Vì uống thuốc kháng đông liên tục như vậy, khi bị chảy máu hoặc cấp cứu có thuốc nào chống kháng đông không?

3/ Hiện nay bác sĩ địa phương đề nghị tôi chup MSCT hệ mạch vành để tầm soát, tôi có nên chụp không, chi phí khoảng bao nhiêu? Xin cảm ơn BS rất nhiều!


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bác Hải,


Bác đã đươc chẩn đoán nhồi máu cơ tim vùng sau dưới cách đây 3 năm và được điều trị nội khoa cho đến nay.


1. Các thuốc điều trị giãn mạch vành và loãng máu mà bác đang sử dụng cần được sử dụng lâu dài, tuy nhiên cần lưu ý các tác dụng phụ như chảy máu, nhức đầu, sốt, chóng mặt, nhịp tim nhanh.


2. Khi bị đứt tay chảy máu hoặc cần phẫu thuật, máu sẽ chảy khó cầm hơn. Trước khi làm các thủ thuật như nhổ răng hoặc phẫu thuật, bác cần thông báo cho BS biết là mình đang dùng thuốc kháng đông để được hướng dẫn thay thế bằng một loại thuốc khác trước khi phẫu thuật.


3. Bác cần được MSCT để tầm soát và kiểm tra mạch vành, chi phí khoảng 2 triệu hoặc chụp mạch vành chọn lọc, chi phí khoảng 6 triệu. BHYT có thanh toán.



- Bạn đọc Nguyễn Huỳnh Phương Thảo - TPHCM


Bà của em năm nay 63 tuổi, huyết áp thường hay tăng cao (có khi lên đến 18). Nhập viện thì bác sĩ bảo trong thận tích nước và bác sĩ khuyên không được đi lại nhiều hay suy nghĩ nhiều và uống thuốc để trị thận tích nước. Nhưng ngoại em theo lời bác sĩ dặn nhưng huyết áp lại vẫn cứ tăng cao. Bác sĩ cho em hỏi nguyên nhân của việc huyết áp cứ tăng cao và phải làm sao để trị nó, nên ăn uống những món nào có lợi cho sức khỏe ạ. Và thận tích nước có liên quan đến huyết áp tăng cao hay không?


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn,


Bệnh tăng huyết áp ở người lớn tuổi đa số là không tìm thấy nguyên nhân. 10% bệnh nhân bị các bệnh có thể gây tăng huyết áp như: bệnh thận, bệnh các tuyến nội tiết. Thông tin về tình trạng thận ứ nước và cao huyết áp của bà bạn không rõ ràng nên chúng tôi không thể cho lời tư vấn cụ thể hơn.



- Bạn đọc Nguyễn Bá Thăng - Khánh Hòa

Chào BS Định, tôi năm nay 54 tuổi, tôi bị hở van tim 2 lá 1/4 và bị cao huyết áp. BS cho tôi hỏi là bệnh cao huyết áp có ảnh hưởng gì đến bệnh tim không? Mong BS cho tôi xin lời khuyên phải ăn uống và sinh hoạt như thế nào cho sức khỏe nhất? Trân trọng cảm ơn BS.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào anh Bá Thăng,


Hở van tim 2 lá ¼ là tình trạng hở van không ảnh hưởng đến chức năng của tim, không cần phải điều trị.


Cao huyết áp là yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch vành, có thể gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim. Cao huyết áp cũng có thể làm tim gắng sức nhiều hơn, cơ tim trở nên dày hơn bình thường.

Về chế độ ăn uống, sinh hoạt của người cao huyết áp mời anh tham khảo thêm câu trả lời trong bài giao lưu.


- Phạm Thị Hương - Hà Nội

 

Tôi đi khám tại BV Bạch Mai kết quả siêu âm tim như sau: Kích thước và chức năng tâm thu thất trái trong giới hạn bình thường, HOHL nhẹ, HOC nhẹ, Tăng áp động mạch phổi nhẹ. BS trả lời bệnh của tôi chưa cần điều trị không có vấn đề gì phải lo lắng quá không hẹn khám lại. Kết quả như vậy rất mong được bác sĩ tư vấn, tôi đang rất lo lắng.

(Tôi đang uống Aprovel 150mg và Atenolol ngày 1/4 viên).

 

 

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Chào bác,

 

Siêu âm tim của bác cho thấy hình thái và chức năng của buồng tim bình thường. Các van tim hở nhẹ. Hở van tim ở mức độ như vậy là hở van sinh lý không gây bất cứ tác dụng có hại nào đến tim cũng như về sức khỏe lâu dài và cũng không cần phải được điều trị.


- Bạn đọc Thanh Tòng

Má tôi năm nay 70 tuổi, bị bệnh đái tháo đường và động mạch vành đã được đặt stent hơn 1 năm, hiện nay đang được điều trị bằng thuốc hạ lipid máu, nhưng hiện nay xét nghiệm thấy LDL-C đã là 2,3 mmol/l, như vậy đã ổn chưa, má tôi có thể dừng thuốc được không?
Mong BS tư vấn giúp tôi. Chân thành cảm ơn BS!

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn,

LDL-C là 2,3 mmol/l đã đạt được mức độ, mục tiêu điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc hạ lipid máu cần được tiếp tục để duy trì kết quả này bởi vì mẹ bạn có rất nhiều nguy cơ của bệnh động mạch vành.


- Bạn đọc Hà Thị Cúc - TPHCM


Cảm ơn BS đã tham gia tư vấn giúp người dân chúng tôi, chúng tôi rất quý và trân trọng. Tôi có một câu hỏi mong BS tư vấn giúp tôi, con tôi được chẩn đoán bị tim bẩm sinh, mong BS  hãy chỉ cho tôi cách chăm sóc cháu và chung sống với bệnh? Xin chân thành cảm ơn BS rất nhiều.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn,


Trẻ bị tim bẩm sinh nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì có thể phát triển tốt như những đứa trẻ khác và có thể hòa nhập vào cộng đồng, xã hội.


Hiện nay, ngành phẫu thuật tim rất phát triển, phần lớn các bệnh tim bẩm sinh đều khỏi hẳn nhờ phẫu thuật. Một số bệnh tim bẩm sinh có tổn thương phức tạp, không thể sửa chữa hoàn toàn cũng có thể phẫu thuật để điều trị triệu chứng và nâng cao chất lượng sống.


Trẻ rất cần được chăm sóc chu đáo. Những điểm cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh:

- Giữ trẻ ấm, giữ vệ sinh để tránh các biến chứng nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi.

- Cho trẻ ăn uống điều độ, đủ chất.

- Không cho trẻ vận động mạnh hay chơi giỡn quá nhiều, tránh để trẻ gắng sức và làm những công việc nặng nhọc.

- Trẻ cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để phòng ngừa nhiễm trùng. Cần uống kháng sinh khi làm thủ thuật hoặc điều trị răng để tránh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

- Cho trẻ tái khám đúng theo lịch và tuân theo sự điều trị của BS, ngay cả khi trẻ đã được phẫu thuật bởi vì bệnh tim bẩm sinh vẫn còn theo dõi sau phẫu thuật và khi lớn lên. Trẻ có thể gặp 1 số vấn đề về sức khỏe.


- Bạn đọc Phạm Thị Thu Huệ - Nghệ An


BS ơi cho tôi hỏi, cháu tôi đi khám ở bệnh viện nhi Nghệ An, các BS nghi ngờ cháu bị bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ chỉ định cần làm siêu âm tim. Vậy BS Định cho tôi hỏi siêu âm tim có hại không? phải làm như thế nào? Tôi lo quá, mong BS tư vấn sớm giúp tôi. Chân thành cảm ơn BS và chương trình.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn,


Siêu âm tim là phương tiện rất quan trọng dùng để chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh. Siêu âm tim không có hại gì cho sức khỏe của cháu. Bạn nên cho cháu siêu âm tim để được chẩn đoán và có hưỡng xử trí phù hợp.

 

- Bạn đọc Trương Công Thành - sinh viên tại TPHCM


Kính chào PGS Định, cháu rất vui vì lại nghe tin BS tiếp tục tư vấn. Cháu có một thắc mắc muốn được giải đáp.


Ông nội của cháu bị bệnh hở van tim, đã qua đời được gần 3 năm. Bố cháu cũng có những triệu chứng như của bệnh hở van tim, đang theo dõi. Cháu sợ bệnh tim di truyền nên trong lần đi khám bệnh, có làm điện tim. Kết quả thì không phát hiện gì bất thường.


Xin hỏi bác sĩ, chỉ điện tim 1 lần như thế đã yên tâm chưa hay cháu cần làm thêm các xét nghiệm gì khác nữa không ạ? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều ạ.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào Công Thành,


Bệnh van tim đa số không phải là bệnh di truyền, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt (như hội chứng Marfan, hay còn gọi là hội chứng tay vượn và một số bệnh lý van tim hiếm gặp khác).


Điện tim của bạn bình thường và cũng không có triệu chứng gì đặc biệt nên khả năng bị bệnh van tim của bạn rất thấp. Để yên tâm, bạn có thể xin được làm siêu âm tim để loại trừ bệnh lý van tim.


 

- Bạn đọc Phạm Thanh Nga - Bình Dương


Xin chào BS Định,


Ba của em thường xuyên hút thuốc lá và bị huyết áp nhiều năm rồi, đang uống thuốc hạ huyết áp mỗi ngày nên tình trạng cũng ổn định. Em nghe nói người bị huyết áp cao nhiều năm thì nên chụp CT mạch vành. Xin BS hướng dẫn cụ thể trường hợp nào cần chụp CT mạch vành, vì em cũng lo ngại việc lạm dụng chụp CT. Cảm ơn BS Định rất nhiều.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn,


Ba bạn có những yếu tố nguy cơ bị bệnh mạch vành: nam giới, lớn tuổi, hút thuốc lá, cao huyết áp nhiều năm. Ba bạn cần được khảo sát mạch vành, trước tiên là các biện pháp ít xâm lấn hơn như siêu âm tim gắng sức hoặc đo điện tim gắng sức. Trong trường hợp các xét nghiệm này cho kết quả bất thường, lúc đó cần khảo sát tiếp bằng chụp CT mạch vành, chụp mạch vành có cản quang.


- Bạn đọc Duy Thịnh - TP. Buôn Ma Thuột

Kính chào BS,


Mẹ em 52 tuổi, bị hở van tim, đã phẫu thuật hồi tháng 6. Em xin hỏi là cuối năm nay mẹ em có thể đi máy bay về quê được không BS? Chuyến bay từ Sài Gòn về Buôn Ma Thuột chỉ khoảng 30 phút thôi. Em cảm ơn BS!



PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào em,


Mẹ em đã được phẫu thuật van tim 6 tháng nay nếu mẹ em cảm thấy khỏe, không có các triệu chứng suy tim như mệt, khó thở, siêu âm tim kiểm tra bình thường thì có thể đi máy bay từ Sài Gòn về Buôn Ma Thuột được.


Chúc mẹ con bạn thượng lộ bình an!


 

- Bạn đọc Nguyễn Mạnh Dũng - Q.8, TP.HCM


Thưa BS,


Bà ngoại em bị bệnh mạch vành đã đặt stent và uống thuốc chống đông. Mấy bữa nay bà em bị cảm, ho nhiều. Em muốn hỏi thuốc chống đông và thuốc trị ho, cảm có uống chung được không, hay phải uống cách xa bao lâu? Thuốc chống đông có kỵ với thuốc trị bệnh nào không? Cảm ơn BS rất nhiều ạ.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào em,


Các thuốc chống đông sau khi đặt stent thường gồn 2 loại thuốc ức chế kết tập tiểu cầu. Các thuốc này có thể tương tác, tác động qua lại với 1 số thuốc như thuốc điều trị viêm loét dạ dày. Aspirin và Plavix có thể sử dụng chung với các thuốc điều trị cảm thông thường.




-Bạn đọc Bích Nga - ngabaoloc...@gmail.com

Dạ BS cho con hỏi,

Ba của con bị huyết áp cao, trong khi đó mẹ con bị huyết áp thấp. Sáng nào ba mẹ con cũng dậy sớm đi bộ khoảng 1 tiếng nhưng con nghe nói thể đi dục buổi chiều tốt hơn buổi sáng. Xin BS cho lời khuyên ba mẹ con nên đi thể dục như thế nào thì tốt cho huyết áp của cả 2 người ạ. Con cảm ơn BS rất nhiều.


PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn,

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đối với những người bị bệnh lý tim mạch nên đi bộ 1 tuần ít nhất 5 ngày, mỗi ngày 30-60 phút. Huyết áp thường tăng cao vào buổi sáng nếu người nhà bạn có thói quen đi bộ vào buổi sáng thì nên đo huyết áp trước khi đi bộ để xác định huyết áp không tăng trước khi đi.

- Bạn đọc Xuân Mai - SĐT 0165…789

 

Thưa BS, vì sao trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, có phải do di truyền không? Nếu có thì bao nhiêu phần trăm là do di truyền và bao nhiêu nhiêu phần trăm là do các nguyên nhân khác? Các nguyên nhân dẫn đến bé bị bệnh tim bẩm sinh?

 

 

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Chào Xuân Mai,

 

Tim bẩm sinh chỉ có 1 phần nhỏ do di truyền chiếm khoảng 2-3%. Các nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh khác bao gồm: hậu quả của môi trường độc hại (phóng xạ, hóa chất, vi trùng, virus, bệnh chuyển hóa…) ảnh hưởng lên người mẹ trong quá trình mang thai.

 

Muốn ngừa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ người mẹ cần phải quan tâm, chăm sóc sức khỏe trước khi và sau khi mang thai: cải thiện mỗi trường sống, tránh để ô nhiễm, tránh tác nhân vật lý hóa học, chất độc, các loại thuốc an thần, nội tiết tố, rượu, thuốc lá, chủng ngừa hoặc cấm tiếp xúc với các nguồn bệnh do siêu vi gây ra như Rubella, quai bị, Herpes. Nếu người mẹ có các bệnh lý tiểu đường, lupus ban đỏ… thì cần được điều trị.

 

- Bạn đọc Trịnh Văn Hồng - hongdl…@gmail

 

Dấu hiệu nhận biết bệnh tim bẩm sinh ở trẻ? Trẻ cần làm các xét nghiệm nào để xác định bệnh tim bẩm sinh?

 

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:

Chào bạn,

 

Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không có biểu hiện gì do dị tật không nặng, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc khám vì lý do khác. Nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu lạ như dưới đây, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bệnh. Để biết những triệu chứng đó do tim mạch hay do nguyên nhân nào khác:

 

- Trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngưc bị rút lõm khi hít vào, thường bị viêm phổi)

 

- Trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi. Trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, chân, khóc khi rặn.

 

- Trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường (chậm mọc răng, chậm biết bò).

 

Bạn có thể đưa bé đi khám chuyên khoa tim mạch ở TPHCM: BV Nhi đồng, Viện tim TPHCM, BV Đại học y dược…

Hà Nội: BV Nhi Trung ương, BV Tim Hà Nội, Trung tâm tim mạch bệnh viện E

Miền Trung: BV Trung ương Huế, BV Đa khoa Đà Nẵng…


- Bạn đọc Đặng Hoàng Nam - Hà Nội

Thưa BS, nếu một trẻ được chẩn đoán bị bệnh tim bẩm sinh thì cha mẹ nên chăm sóc trẻ như thế nào để chung sống với bệnh? Trẻ nên làm gì và cần phải kiêng cữ những gì?

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định:


Chào bạn,

Trẻ bị tim bẩm sinh nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì có thể phát triển tốt như những đứa trẻ khác và có thể hòa nhập vào cộng đồng, xã hội.

Hiện nay, ngành phẫu thuật tim rất phát triển, phần lớn các bệnh tim bẩm sinh đều khỏi hẳn nhờ phẫu thuật. Một số bệnh tim bẩm sinh có tổn thương phức tạp, không thể sửa chữa hoàn toàn cũng có thể phẫu thuật để điều trị triệu chứng và nâng cao chất lượng sống.

Trẻ rất cần được chăm sóc chu đáo. Những điểm cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh:

- Giữ trẻ ấm, giữ vệ sinh để tránh các biến chứng nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi.

- Cho trẻ ăn uống điều độ, đủ chất.

- Không cho trẻ vận động mạnh hay chơi giỡn quá nhiều, tránh để trẻ gắng sức và làm những công việc nặng nhọc.

- Trẻ cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để phòng ngừa nhiễm trùng. Cần uống kháng sinh khi làm thủ thuật hoặc điều trị răng để tránh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

- Cho trẻ tái khám đúng theo lịch và tuân theo sự điều trị của BS, ngay cả khi trẻ đã được phẫu thuật bởi vì bệnh tim bẩm sinh vẫn còn theo dõi sau phẫu thuật và khi lớn lên. Trẻ có thể gặp 1 số vấn đề về sức khỏe.


Nghiêm túc trong chuyên môn, giao tiếp nhẹ nhàng, trầm ấm và dễ gần, có lẽ là mẫu số chung của các chuyên gia tim mạch. PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Đại học Y dược TPHCM cũng sở hữu đầy đủ các tố chất trên. Ông luôn đem đến sự tin cậy, an tâm cho người đối diện. Ông làm ấm lòng cả những bệnh nhân khó tính nhất. Ông kiên trì giải thích, giảng giải rõ ràng từng thắc mắc của bạn đọc - bệnh nhân.

Sự xuất hiện của ông trong buổi Giao lưu trực tuyến chiều 9/12, thu hút hàng ngàn bạn đọc quan tâm. Câu hỏi không ngừng đổ về và trong suốt hơn 2 tiếng giao lưu, tư vấn miễn phí, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định đã cố gắng hết sức để tư vấn nhiều nhất có thể.


Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X