Hotline 24/7
08983-08983

Giải mã 8 câu hỏi thường gặp về suy giáp

Bệnh suy giáp tác động đến hầu hết các giai đoạn của cuộc đời, từ khi còn trong bào thai, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên đến giai đoạn trưởng thành và về già. BS.CK1 Mã Tùng Phát - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này qua việc giải đáp 8 thắc mắc liên quan thường gặp.

Bệnh lý suy giáp là gì?

Bệnh suy giáp là gì? Căn bệnh này có gì khác so với bệnh cường giáp, bướu giáp?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở vùng giữa dưới của cổ, tổng hợp và sản xuất ra hormone giáp có vai trò quan trọng trong chuyển hóa. Sự thay đổi hormone giáp ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình điều hòa thân nhiệt, nhịp tim, suy nghĩ, cảm xúc, tiêu hóa và cả chức năng sinh sản.

Suy giáp là một bệnh lý mà trong đó sự tổng hợp hormone giáp bị giảm đi, làm cho nồng độ hormone giáp trong máu thấp, ảnh hưởng đến các cơ quan mà chức năng tuyến giáp điều hòa.

Khác với suy giáp, cường giáp là bệnh lý do sự tăng nồng độ hormone giáp. Bướu giáp hay nhân tuyến giáp chỉ những khối u ở vùng tuyến giáp, hình thành do sự tăng sản tế bào tuyến giáp mà không đề cập đến suy hay cường chức năng tuyến giáp.

10% phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ suy giáp

Bệnh suy giáp thường xảy ra trên nhóm người nào và độ tuổi nào, thưa BS?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Suy giáp có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, có thể gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở nữ giới và người cao tuổi nhiều hơn.

Theo một số báo cáo, tỷ lệ suy giáp ở phụ nữ lớn tuổi có thể lên đến 10%.

Triệu chứng gợi ý bệnh lý suy giáp

Xin hỏi BS, có triệu chứng nào để bệnh nhân nhận biết bản thân đang mắc phải căn bệnh suy giáp không?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Triệu chứng của bệnh lý suy giáp khá mơ hồ. Những triệu chứng có thể gợi ý bệnh lý suy giáp là tăng cân, nhịp tim chậm, dễ cảm thấy lạnh, táo bón, trầm cảm, suy nghĩ chậm, mệt mỏi, yếu cơ, rối loạn kinh nguyệt, tóc khô, da khô.

Khi có những dấu hiệu này, bệnh nhân nên đi khám để bác sĩ tầm soát các bệnh lý tuyến giáp.

Xét nghiệm TSH và FT4 để chẩn đoán bệnh lý suy giáp

Bệnh nhân sẽ được làm những cận lâm sàng nào để chẩn đoán đúng bệnh, thưa BS?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Khi bệnh nhân có triệu chứng gợi ý suy giáp, bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm máu, bao gồm xét nghiệm TSH và FT4. Trong phần lớn các trường hợp suy giáp, TSH sẽ tăng rất cao và FT4 sẽ giảm.

Để đánh giá nguyên nhân suy giáp, bác sĩ có thể cho bệnh nhân làm thêm siêu âm tuyến giáp hoặc xét nghiệm kháng thể liên quan đến bệnh lý tuyến giáp.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị suy giáp

Hiện nay có những giải pháp nào để điều trị suy giáp? Theo BS, điều gì quan trọng nhất trong vấn đề điều trị căn bệnh này?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Phương pháp điều trị suy giáp duy nhất hiện nay là uống những hormone giáp tổng hợp.

Điều quan trọng khi sử dụng thuốc hormone giáp tổng hợp là uống vào thời điểm bụng đói, cách xa thuốc và thức ăn ít nhất 1 - 2 giờ. Tuyệt đối không sử dụng thuốc hormone giáp tổng hợp với các loại thuốc sắt, canxi vì sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu các hormone giáp này.

Phụ nữ suy giáp đang điều trị ổn định mà có dự định mang thai vẫn tiếp tục sử dụng những hormone giáp trong giai đoạn mang thai. Bệnh nhân đang điều trị suy giáp mà có triệu chứng mang thai nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn đầy đủ hơn về kế hoạch sử dụng thuốc hormone giáp điều trị suy giáp trong giai đoạn thai kỳ.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân suy giáp

Xin BS cho biết, chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng như thế nào đối với bệnh nhân bị suy giáp? Người bệnh suy giáp thường bị thiếu các chất gì và cần bổ sung ra sao? Chế độ ăn của bệnh nhân suy giáp có cần tăng cường hay hạn chế những chất gì hay không?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Bệnh lý suy giáp thường có nhiều nguyên nhân, có thể do bệnh lý tự miễn hoặc do cắt bỏ, teo tuyến giáp. Trong những tình huống này, tuyến giáp đã không còn hoạt động. Không có loại thực phẩm hay nước uống nào có thể làm cho tuyến giáp hoạt động trở lại.

Quan trọng là bệnh nhân phải uống thuốc để bổ sung lượng hormone giáp mà cơ thể không sản xuất được. Nên uống các loại thuốc này ngay sau khi ngủ dậy, 2 - 3 tiếng sau đó mới sử dụng thuốc hay thức ăn khác.

Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đầy đủ i-ot trong chế độ ăn.

Suy giáp tác động đến hầu hết các giai đoạn của cuộc đời

Bệnh lý suy giáp nếu không được điều trị đúng và đủ, người bệnh có khả năng gặp phải những biến chứng nào, thưa BS?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Suy giáp tác động đến hầu hết các giai đoạn của cuộc đời. Thiếu hormone giáp trong giai đoạn bào thai, trẻ sinh ra có thể bị tổn thương thần kinh trầm trọng, ảnh hưởng đến phát triển tâm thần vận động. Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên bị suy giảm trí thông minh, chậm tăng trưởng, phát triển không toàn diện.

Phụ nữ bị suy giáp sẽ bị rong kinh, khó mang thai. Khi mang thai dễ bị các biến chứng như sảy thai, tiền sản giật, nhau bong non, băng huyết sau sinh.

Đối với những người lớn tuổi, suy giáp ảnh hưởng rất nhiều lên hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và đặc biệt có thể gây rối loạn lipid máu nặng dẫn đến xơ vữa động mạch, gây các biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Chú ý đến các triệu chứng gợi ý để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý suy giáp

Xin hỏi BS, có thể phòng ngừa bệnh lý suy giáp bằng cách nào?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Không có một phương pháp nào phòng ngừa suy giáp. Cách tốt nhất là ăn uống đầy đủ chất, đặc biệt là đủ i-ốt. Tuy nhiên, điều này cũng ít quan trọng tại Việt Nam hiện nay vì muối i-ốt đã được sử dụng rộng rãi nên vấn đề thiếu i-ốt trong chế độ ăn gây tình trạng suy giáp đã không còn nhiều.

Điều quan trọng nhất để phòng ngừa suy giáp là lưu ý đến những triệu chứng gợi ý suy giáp như khô da, tăng cân, chậm chạp,... Khi có những dấu hiệu này, nên đi khám để phát hiện và điều trị sớm.

Người cao tuổi, đặc biệt là nữ giới, cần tầm soát bằng xét nghiệm vì các triệu chứng suy giáp đôi khi không rõ ràng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X