Hotline 24/7
08983-08983

Giải mã 10 câu hỏi thường gặp về bệnh lý tuyến giáp

Không phải ai cũng hiểu rõ về tầm quan trọng của tuyến giáp, nên dễ dàng bỏ qua những triệu chứng báo động về những căn bệnh liên quan đến tuyến giáp. Trong bài viết dưới đây, BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành - Phó trưởng Khoa Lồng ngực - Bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM); Phó chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giải đáp một số thắc mắc phổ biến về bệnh lý tuyến giáp và u tuyến giáp.

Bệnh tuyến giáp gồm những gì?

Trong các bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý nào thường gặp nhất? Bướu cổ là bệnh nào của tuyến giáp, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Tuyến giáp là một tuyến nội tiết trong cơ thể. Bệnh lý tuyến giáp gồm 2 nhóm bệnh nội khoa và ngoại khoa.

Nhóm bệnh nội khoa bao gồm đa phần những rối loạn về mặt chức năng tuyến giáp như cường giáp, suy giáp, nhiễm độc giáp,...

Ở nhóm bệnh ngoại khoa tuyến giáp thường gặp 2 nhóm bệnh chính: u giáp lành tính và ung thư tuyến giáp.

Trong dân gian và trong y văn, bệnh lý tuyến giáp được trình bày với 1 thuật ngữ là “bướu cổ”. Tuy nhiên, nếu hiểu đúng từ ngữ, bướu cổ chỉ là u vùng cổ. U vùng cổ có rất nhiều các cơ quan, thường gặp nhất là u tuyến giáp. Vì vậy, “bướu cổ” hay “u cổ” thường được cho rằng là bướu tuyến giáp.

Cho đến thời điểm hiện tại, từ “bướu cổ” chỉ được sử dụng trong dân gian và trong lịch sử y khoa chúng ta có thể sử dụng những từ ngữ chính xác hơn như u giáp, bướu giáp hay chuyên khoa sâu hơn có những từ là phình giáp, phình giáp hạt, phình giáp đa hạt, phình giáp lan tỏa,...

Những triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp

Xin BS cho biết một số dấu hiệu nghi ngờ người bệnh mắc các bệnh lý về tuyến giáp. Những dấu hiệu này có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý nào khác?

BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Những triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp được chia thành 2 nhóm. Với nhóm nội khoa, đa phần người bệnh gặp những dấu hiệu rối loạn chức năng tuyến giáp nằm ở 2 hội chứng lớn là hội chứng cường giáp và hội chứng suy giáp.

Người bệnh bị hội chứng suy giáp sẽ rụng tóc, dễ buồn ngủ, lãnh cảm, thờ ơ.

Người bị hội chứng cường giáp bị hồi hộp, đánh trống ngực, sụt cân, run tay,... Đôi lúc người bệnh sẽ nhầm lẫn và đi khám ở các chuyên khoa khác, các bệnh lý khác. Đa phần trong nhóm bệnh nội khoa sẽ có hoặc không có kết hợp u giáp kèm theo.

Nhóm bệnh ngoại khoa có đặc thù u ở vùng cổ. Khi soi gương hoặc sờ thấy u ở vùng cổ, đó là triệu chứng đầu tiên của nhóm bệnh lý ngoại khoa tuyến giáp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong nhóm ngoại khoa, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu khá tốt, triệu chứng học thay đổi hoàn toàn so với 10 năm về trước.

Trước đây, bệnh lý u giáp hay bướu cổ chắc chắn phải có u vùng cổ rất to. Hiện nay, đôi khi ở cổ bệnh nhân hoàn toàn không có khối u nào nhưng qua kiểm tra sức khỏe định kỳ đã phát hiện những u giáp rất nhỏ, chỉ vài milimet. Những u giáp này không thể nhìn thấy trên lâm sàng mà chỉ phát hiện được qua siêu âm trong lúc thăm khám.

Những lợi ích của việc tầm soát phát hiện sớm bệnh lý tuyến giáp

Bệnh lý tuyến giáp có cần phải tầm soát hay không và những ai nên tầm soát? Bệnh nhân thường đi khám vì những triệu chứng nào?

BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Về mặt chăm sóc sức khỏe bệnh tật, chắc chắn phải tầm soát bệnh. Chúng ta nên tầm soát bệnh lý tuyến giáp vì tần suất mắc bệnh dao động từ 4 - 13% trong dân số. Điều này có nghĩa là có khá nhiều người mắc các bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt là những người sống ở vùng cao, những vùng ít tiếp xúc với sản phẩm vùng biển.

Hiện nay muối i-ốt đã được dùng trong chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia giúp tỷ lệ bệnh giảm đi. Ngày trước có 1 thuật ngữ là “bướu giáp dịch tễ” để chỉ một vùng dân cư mà tỷ lệ bệnh lý tuyến giáp lưu hành, u giáp lưu hành trên 13%.

U không được tầm soát, u có tồn tại nhưng không phát hiện thì sẽ không có chiến lược để quản lý. U giáp nếu được phát hiện sớm, giai đoạn nhỏ có thể điều trị nội khoa (uống thuốc) hoặc dinh dưỡng bổ sung i-ốt là có thể tránh được sự phát triển của u, tránh được phẫu thuật sau này. Theo thời gian, u có thể có một tỷ lệ hóa ác tính, hóa ung thư nhất định.

Đó là những lý do chúng ta cần tầm soát, quan tâm đến bệnh lý u giáp.

2 xét nghiệm đầu tay trong chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp

Tại Bệnh viện Bình Dân, để chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp, bệnh nhân phải làm những xét nghiệm gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Bệnh viện Bình Dân là một trung tâm chẩn đoán và điều trị bệnh lý u giáp. Những bệnh lý u giáp thông thường đa phần phải làm 2 xét nghiệm đầu tay cơ bản. Đầu tiên là siêu âm để đánh giá u giáp, từ đó đánh giá nguy cơ ác tính.

Nếu bệnh nhân có nguy cơ ác tính cao, tiến hành tiếp kỹ thuật FNA (sinh thiết kim). Bác sĩ sẽ đâm một kim nhỏ vào trong u giáp để lấy một phần mô và đọc xem u lành tính hay ác tính. Đó là chẩn đoán về mặt hình thể và tế bào học.

Bên cạnh đó còn có chẩn đoán về mặt chức năng tuyến giáp, đa phần sẽ làm xét nghiệm máu bao gồm 3 chỉ số: TSH, FT3 và FT4.

Tuy nhiên, số lượng xét nghiệm có thể tăng thêm. Giả sử bệnh lý ung thư cần tầm soát di căn, bắt xâm lấn. Bệnh nhân có tổn thương các cơ quan kèm theo sẽ phải tổng soát bằng xét nghiệm đặc thù.

Nhìn chung, để chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp có 2 xét nghiệm đầu tay là siêu âm và xét nghiệm máu về chức năng tuyến giáp.

Những biến chứng của bệnh lý tuyến giáp

Bệnh lý tuyến giáp nếu không được nhận diện sớm và điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến những biến chứng gì về sức khỏe, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Một u giáp sẽ có 2 hướng phát triển. Thứ nhất là phát triển về mặt tế bào: Một khối u đơn nhân có khoảng 5% khả năng chuyển thành ác tính, ung thư theo thời gian.

Nếu là u lành tính, u sẽ phát triển thêm về mặt kích thước, dẫn đến biến chứng chèn ép những cơ quan lân cận. U to sẽ làm vùng cổ biến đổi chu vi, giảm tính thẩm mỹ vùng cổ, quan trọng hơn là chèn ép các cơ quan ở vùng cổ như khí quản, thực quản,... làm bệnh nhân khó nuốt, khó thở.

Không phải u giáp nào cũng cần phẫu thuật

Trong số các bệnh lý tuyến giáp đã đề cập ở trên, xin hỏi BS, bệnh lý nào có thể điều trị bằng thuốc và bệnh lý nào phải phẫu thuật?

BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Những bệnh lý tuyến giáp nằm trong nhóm nội khoa, là nhóm rối loạn về mặt chức năng tuyến giáp mà không có biểu hiện bất thường về mặt hình thể, cụ thể là không có tình trạng u giáp, đa phần có thể điều trị bằng thuốc. Rất hiếm trường hợp phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Nhóm bệnh lý ngoại khoa, còn gọi là bệnh lý u giáp, về mặt học thuật cũng như về mặt điều trị toàn diện, điều trị ngoại khoa đi sau điều trị nội khoa thất bại hoặc không đáp ứng. Công tác chăm sóc sức khỏe hiện nay rất tốt, có thể phát hiện những u giáp 2 - 3mm hoặc u tuyến giáp hơi to, đây là thời điểm vàng của điều trị nội khoa. Bổ sung Levothyroxine để tuyến giáp trở về bình thường nếu có tình trạng thiếu hormone tuyến giáp tuyệt đối hoặc tương đối.

Ở giai đoạn trễ, khi nhân giáp đã to và không còn đáp ứng với điều trị nội khoa, lúc này mới cần đến dao mổ để can thiệp điều trị bướu chứ không phải u giáp nào cũng cần mổ.

Tiếp tục điều trị thuốc sau phẫu thuật tuyến giáp

Một số người cho rằng chỉ cần phẫu thuật tuyến giáp xong thì không phải điều trị bằng thuốc nữa. Ý kiến của BS về trường hợp này như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Câu hỏi này có thể hiểu dưới 2 góc độ. Về mặt điều trị bệnh, theo nguyên tắc, điều trị phẫu thuật u giáp là điều trị hậu quả chứ không phải nguyên nhân. Khi có u tuyến giáp, chúng ta điều trị bằng cách cắt u.

Thế nhưng con dao mổ không giải quyết được nguyên nhân sinh ra u, đa phần đến từ thiếu hụt trong chế độ ăn, rối loạn nội tiết tuyến giáp,... Bệnh nhân phải tầm soát và tiếp tục điều trị nội khoa, nghĩa là điều trị bằng thuốc hoặc dinh dưỡng. Dinh dưỡng cũng là một loại điều trị để phòng ngừa tái phát. Nếu nguyên nhân còn, chắc chắn bệnh sẽ tái phát dù đã phẫu thuật.

Góc độ thứ hai là điều trị liên quan đến phẫu thuật. Khi cắt bỏ phần u tuyến giáp, kỹ thuật thường dùng là cắt gần trọn u tuyến giáp, chừa lại một phần tuyến giáp lành tính để đảm bảo chức năng. Phần tuyến giáp còn lại, tùy thuộc vào tổn thương, không phải lúc nào cũng có thể đảm nhiệm được chức năng tuyến giáp như trước phẫu thuật.

Trong trường hợp suy giáp, bệnh nhân phải tiếp tục điều trị thuốc trong lúc chờ đợi tuyến giáp hồi phục.

Bướu hình thành dưới 6 tháng là thời gian vàng để điều trị nội khoa

Xin BS cho biết, bệnh lý tuyến giáp cần điều trị trong khoảng bao lâu? Theo thực tế, người bệnh điều trị lâu dài có gặp tình trạng lơ là điều trị hay bỏ thuốc không?

BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Đối với bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt tập trung vào bệnh lý u giáp, phát hiện bướu hình thành dưới 6 tháng là thời gian vàng để điều trị nội khoa. Đa phần các nghiên cứu chỉ ra có thể điều trị bằng cách bổ sung hormone bằng thuốc Levothyroxine. Xác suất thành công trong giai đoạn này khá cao, thời gian điều trị dao động từ 6 tháng đến 2 năm.

Người bệnh sử dụng thuốc hormone giáp sẽ có những tác dụng phụ nhất định như hồi hộp, mệt,... Trong quá trình chỉnh liều, bác sĩ cố gắng hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc, tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng gặp phải.

Uống thuốc nhiều trong khoảng thời gian tính bằng tháng, bằng năm, đa phần bệnh nhân sẽ quên thuốc. Đó là những tình huống có thể gặp, nếu không muốn nói là thường gặp.

Mang thai khi mắc bệnh lý tuyến giáp

Có phải phụ nữ dễ bị bệnh lý tuyến giáp hơn nam giới không và tại sao? Phụ nữ bị bệnh lý tuyến giáp có thể mang thai và sinh con bình thường hay không? Đặc biệt là sau khi điều trị ung thư tuyến giáp, bệnh nhân có thể mang thai không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Về mặt dịch tễ, đúng là bệnh lý tuyến giáp gặp ở nữ nhiều hơn nam, gấp gần đến 4 lần. Nguyên nhân có thể do những rối loạn nội tiết tố nữ kèm theo hoặc những đặc thù của giới tính dẫn đến việc dễ mắc bệnh hơn.

Bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ thường gắn liền với câu hỏi vấn đề có con như thế nào và có nên có con hay không? Đối với bệnh lý tuyến giáp, cụ thể là bệnh lý u giáp, người bệnh vẫn có thai và nuôi con phát triển một cách bình thường, với điều kiện phải đi khám và điều chỉnh nồng độ hormone giáp, điều trị tuyến giáp hợp lý.

Người phụ nữ trong thai kỳ, nhu cầu của mẹ và bé dẫn đến nhu cầu hormone giáp tăng hơn so với bình thường. Vì vậy, phải điều chỉnh tốt hormone thai kỳ.

Về nguyên tắc, khi người mẹ có thai, tất cả các cơ quan đều phát triển, kéo theo u giáp có thể to thêm. Lúc này đặt ra bài toán cân bằng giữa mẹ và bào thai mà mỗi chuyên khoa có tình huống đặc biệt riêng.

Trả lời theo nguyên tắc chung, phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp vẫn có thể có con bình thường, với điều kiện theo dõi sát bệnh lý của mình.

Không cần quá kiêng khem trong vấn đề ăn uống

Nhờ BS chia sẻ về những lưu ý trong chế độ ăn uống và sinh hoạt cho bệnh nhân bệnh lý tuyến giáp.

BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành trả lời: Cơ chế sinh lý bệnh của bệnh lý u tuyến giáp là thiếu hụt hormone giáp một cách tuyệt đối hoặc tương đối. Tuyệt đối là khi bệnh nhân không có điều kiện ăn i-ốt để tạo thành những hormone giáp, cụ thể nằm trong nhóm dân cư vùng cao nguyên, ít tiếp xúc với các sản phẩm có chứa i-ốt từ biển.

Thiếu hụt hormone giáp tương đối là tình trạng cơ thể vẫn sản xuất được hormone giáp nhưng kém chức năng hoặc chức năng bất hoạt.

Về mặt dinh dưỡng, khuyến khích nên có một chế độ dinh dưỡng phù hợp, trong y khoa hoặc trong nền tảng tự nhiên thường dùng từ “bình thường”. Nên ăn tất cả các nhóm thực phẩm. Một số tình huống đặc biệt có thể bổ sung thêm hormone giáp hoặc tăng nồng độ i-ốt trong thức ăn.

Nhiều thông tin cho rằng những thực phẩm họ cải, đậu nành,... là tác nhân sinh u giáp. Thực tế, chúng ta phải ăn liên tục trong một khoảng thời gian dài. Thỉnh thoảng ăn một bìa đậu hũ, một tô canh cải hay một ly sữa đậu nành hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc sinh ra u giáp, ngay cả với người có bệnh lý tuyến giáp.

Có thể không quá căng thẳng trong vấn đề kiêng khem tuyệt đối nhưng chúng ta cần chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, có các sản phẩm từ biển, từ cá.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X