Hotline 24/7
08983-08983

Giải đáp thắc mắc về chích ngừa COVID-19: hạ sốt thế nào, ăn uống ra sao, kiêng cữ điều gì?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương giải đáp thắc mắc trước - trong - sau khi chích ngừa COVID-19 do bạn đọc gửi về hotline, fanpage và youtube của AloBacsi.

1. Người dị ứng với paracetamol có thể giảm đau, hạ sốt bằng cách nào?

Khi đi chích ngừa COVID-19, một số nơi có phát kèm thuốc sủi hạ sốt. Với người có tiền sử dị ứng với paracetamol thì họ có thể giảm đau, hạ sốt bằng cách nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Không phải ai chích vắc xin COVID-19 cũng có triệu chứng sốt. Nếu số nhưng dị ứng với thuốc giảm đau, hạ sốt, chúng ta có thể hạ sốt bằng cách lau mát để giải nhiệt như cách mà ta hay làm khi con nít sốt.

Người đã dị ứng với paracetamol thì các loại thuốc giảm đau, kháng viêm sẽ gây nguy có dị ứng cao hơn. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ có lời khuyên cụ thể.

Những người bị dị ứng với thuốc kháng viêm, giảm đau sẽ không dị ứng với paracetamol. Ngược lại, người dị ứng với paracetamol sẽ dị ứng với thuốc kháng viêm, giảm đau rất cao.

2. Vì sao sau khi chích ngừa COVID-19 phải kiêng uống rượu bia?

Trên hướng dẫn của HCDC có khuyến cáo không uống rượu bia sau khi chích ngừa COVID-19. Có bạn đọc AloBacsi hỏi như vậy phải kiêng trong bao lâu, vì sao phải kiêng trong thời gian này ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Không chỉ riêng vắc xin COVID-19 mà mọi loại vắc xin khác khi chích vào, cơ thể sẽ huy động các tế bào bạch cầu để phản ứng và sản xuất kháng thể. Khi chích vắc xin giống như chúng ta đang ra võ đài thi đấu, do vậy, uống rượu bia sẽ gây nguy hiểm.

Về mặt y khoa, sau khi chích vắc xin, việc uống rượu bia sẽ dễ dẫn đến tai biến như huyết áp, tim mạch, rối loạn đông máu… Do vậy, người ta khuyến cáo không nên uống rượu bia sau khi tiêm vắc xin.

Sau khi tiêm vắc xin COVID-19 khoảng 2-3 tuần sau mới có hiệu quả, nên chúng ta kiêng rượu bia ít nhất 1 tháng. Nếu có thể, nhân dịp tiêm vắc xin, chúng ta nên kiêng hẳn bia rượu.

3. Sau khi chích ngừa vắc xin COVID-19, đi test nhanh dương tính là do đâu?

Nhiều người lo ngại sau khi chích ngừa vắc xin COVID-19, đi test nhanh ở trạm y tế phường sẽ dương tính. Điều này có thể xảy ra không, và tại sao ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng không phải do chích ngừa COVID-19. Vì chích ngừa là đem hình nộm có virus SARS-CoV-2 vào cơ thể để cơ thể tập đánh nhau với nó. Nên không có chuyện dương tính giả. Do đó, nếu kết quả test nhanh dương tính nghĩa là bạn đã bị mắc COVID-19 trước đó.

Xét nghiệm COVID-19 là kiểm tra tính chất, hình dạng của virus giống như công an tìm người dựa vào dấu vân tay thì không thể nào nhầm lẫn được.

Vắc xin khi đưa vào có thể cần ít nhất 2-3 tuần mới có tác dụng, giống như thanh niên cũng cần phải huấn luyện 2-3 tuần trước khi ra chiến trường, không thể chiến đấu ngay khi mới tập luyện được 2-3 ngày.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

4. Uống thuốc chống dị ứng sau khi chích ngừa COVID-19 có ảnh hưởng gì không?

Sau khi chích ngừa mà xảy ra dị ứng với tác nhân khác như dị ứng thức ăn, mỹ phẩm… và phải dùng thuốc chống dị ứng thì có ảnh hưởng gì đến quá trình tạo kháng thể của vắc xin COVID-19 không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Việc điều trị dị ứng thức ăn có nhiều loại thuốc, đặc biệt nhóm thuốc corticoid có thể dẫn đến giảm hiệu quả của tất cả các loại vắc xin, không chỉ riêng vắc xin COVID-19.

Nếu dị ứng thức ăn sau 2-3 tuần chích vắc xin COVID-19 sẽ có một số loại thuốc không thể sử dụng được và bác sĩ sẽ kê toa thích hợp, không nên tự ý mua thuốc để uống.

5. Sau khi chích vắc xin COVID-19, uống nước có vị chua thì có sao không?

Bạn đọc AloBacsi cũng hỏi, sau khi chích vắc xin COVID-19, về nhà uống những nước có vị chua như giấm táo, nước cam vắt, nước chanh sả… thì có ảnh hưởng gì không ạ? Như vậy, sau khi chích vắc xin COVID-19, về chế độ dinh dưỡng cần lưu ý gì, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Có một số loại thuốc khi uống vitamin C liều cao sẽ làm kết tủa ở đường tiêu hóa, cơ thể không hấp thu được, dân gian gọi là giải thuốc. Chích vắc xin COVID-19 tức là đưa hình nộm của virus vào cơ thể để cơ thể nhận diện, tập luyện để đánh trận. Như vậy, vắc xin COVID-19 không liên quan đến việc giải thuốc.

Việc uống nước chanh, nước cam là điều cần thiết, không phải khi chích ngừa mới uống. Tuy nhiên, uống với lượng vừa phải, uống quá nhiều vitamin C sẽ khiến người bị sỏi thận nhiều sỏi hơn.

6. Trường hợp bị chóng mặt sau khi chích ngừa kéo dài hơn 1 ngày thì cần điều trị như thế nào?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Thông thường, những người này sẽ có bệnh đái tháo đường hay huyết áp. Một số thuốc vắc xin khi chích vào khiến cơ thể cảm thấy như bệnh cảm cúm, sốt, đau đầu, chóng mặt. Thường những biểu hiện này là lành tính nhưng nếu huyết áp tăng cao, chúng ta phải điều trị huyết áp.

Nếu huyết áp tăng cao kéo dài quá 24 tiếng, chúng ta phải đi khám bác sĩ để được điều trị thích hợp.

7. Sau khi chích vắc xin COVID-19 có cần kiêng quan hệ tình dục không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Sau khi tiêm vắc xin COVID-19 không phải kiêng quan hệ tình dục. Nếu sức khỏe cho phép, bạn vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường.

Tuy nhiên trong 24 giờ đầu sẽ xuất hiện những phản ứng khó chịu của vắc xin, do vậy nên hạn chế quan hệ trong thời gian này.

8. Bác sĩ chống dịch mặc đồ bảo hộ kín mít có phải để ngăn virus SARS-CoV-2 lây qua da?

Tôi thấy các y bác sĩ trực tiếp chống dịch đều mặc quần áo bảo hộ kín người và đeo khẩu trang, dù thời tiết rất nóng. Xin hỏi bác sĩ tại sao phải trùm kín như thế có phải ngừa virus lây qua da hay không??? Thay vì phải đeo khẩu trang như mọi người thôi để bớt nóng? (Bạn đọc Nguyễn Hùng)

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Đối với người dân bình thường, mang khẩu trang và dùng thêm dầu gió là đủ bảo vệ. Còn đối với nhân viên y tế phải điều trị bệnh nhân COVID-19 thì mặc đồ bảo hộ là khuyến cáo phòng hộ cao nhất vì họ phải tiếp xúc tiếp và có thể tiếp xúc dịch tiết có bệnh nhân.

Virus không lây qua da nhưng khi tiếp xúc gần để khám bệnh hoặc lấy mẫu xét nghiệm thì nó có thể bám trên quần áo (mặc dù không thể bám lâu trên quần áo) và có thể gây ra nguy cơ nhiễm bệnh. Như vậy, để bảo vệ an toàn cho bản thân nhân viên y tế và cộng đồng, họ phải mặc đồ bảo hộ và tháo bỏ khi xong nhiệm vụ.

9. Người đã bị bệnh COVID-19 mà không biết, nếu chích ngừa có hại gì không?

Tôi đọc tin tức thấy bàn về việc trường hợp người nhiễm không triệu chứng, không biết mình từng bị COVID-19 hay chưa, vẫn đi chích ngừa COVID-19 sẽ nguy hiểm vì có 2 trường hợp xảy ra sau:

- Nếu bệnh rồi mà khỏe mạnh thì tiêm chủng sẽ có hiệu quả rất thấp vì kháng thể trong người sẽ trung hòa vắc xin.

- Nếu mới nhiễm mà không triệu chứng thì khi tiêm sẽ gây triệu chứng nặng hơn nhiều và kéo dài.

Mong BS giải đáp những thông tin trên có đúng không? (Bạn đọc Duy Bùi)

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Thứ nhất, nếu bệnh rồi mà khỏe lại thì hiệu quả vắc xin sẽ không cao nhưng cũng không làm bệnh nặng thêm. Hiểu đơn giản là cơ thể đã đánh trận thật, giờ tập trận giả không còn ý nghĩa gì.

Trường hợp đã nhiễm bệnh mà không triệu chứng thì khi tiêm vắc xin sẽ không làm bệnh nặng hơn vì chích vắc xin không phải là chích virus vào cơ thể. Do vậy, khi chích vắc xin vào cơ thể sẽ không làm bệnh nặng hơn.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X