Hotline 24/7
08983-08983

Gãy xương sên: Ít gặp nhưng tỷ lệ thất bại cao, nguy cơ biến chứng lớn nếu điều trị sai cách

Đa số các trường hợp gãy xương sên là do tai nạn giao thông và tai nạn lao động. ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân Dân 115 chia sẻ, hồi phục sau chấn thương gãy xương sên ra một quá trình lâu dài, bệnh nhân cần hợp tác tốt để sớm được vận động bình thường như trước đây.

1. Xương sên nằm ở vị trí nào?

- Nhờ BS chia sẻ xương sên là xương gì và nằm ở vị trí nào ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời: Xương sên nằm ở giữa cổ chân, là nơi tiếp giáp mặt phẳng dọc từ cẳng chân xuống mặt phẳng ngang của bàn chân ở vị trí vuông góc, sau cổ chân, xương cẳng chân. Xương sên còn gọi là xương chày.

2. Hai nguyên nhân chính của gãy xương sên

- Trong cuộc sống, có tình huống nào có thể dẫn đến gãy xương sên thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời: Trường hợp gãy xương sên không nhiều, tỷ lệ khá thấp so với việc chấn thương của phần chi dưới.

Gãy xương sên đòi hỏi lực tương đối lớn vì xương sên được bao quanh bởi rất nhiều xương khác, che chắn khá kỹ.

Ở Việt Nam, nguyên nhân phổ biến nhất là tai nạn giao thông, bệnh nhân chống chân xuống khi té. Tư thế thường gặp nhất là bàn chân bị gấp về phía trước và chống mạnh xuống.

Tình huống thứ hai, bệnh nhân bị té cao, thường xảy ra trong tai nạn lao động.

3. Gãy xương sên có 4 phân độ

- Gãy xương sên được chia thành mức độ như thế nào và thường có những tổn thương nào khác đi kèm không thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời: Gãy xương sên có rất nhiều phân độ (phân loại).

Các loại phân độ sử dụng theo tác giả Hawkins (1970), chia ra làm 4 loại tùy thuộc vào di lệch, tổn thương mặt khớp. Việc phân loại liên quan đến vấn đề điều trị và tiên lượng khả năng xương lành, khả năng xương hư.

Loại 1: Gãy xương sên không di lệch, chỉ có đường nứt hoặc nứt hoàn toàn mà không di lệch.

Loại 2: Gãy xương sên có tổn thương khớp sên gót (ở giữa phía dưới xương sên).

Loại 3: Tổn thương khớp sên gót và thêm khớp chày sên. Thường trong trường hợp này, thân xương sên di lệch ra sau, lệch ra khỏi khớp cổ chân.

Loại 4: Tổn thương sên gót, chày sên và khớp sên ghe. Đây là trường hợp nặng nhất.

Theo mức độ từ 1 đến 4, phân độ càng cao, mức độ càng nặng, lực tác động càng lớn và tiên lượng xấu đi.

Gãy xương sên thường có tổn thương một số xương khác kèm theo: gãy hai mắt cá, xương gót, xương bàn chân và những xương lân cận của xương sên cổ chân.

4. Điều trị sai cách dẫn đến điều trị thất bại

- Khi điều trị xương sên không đúng có thể dẫn đến những tình trạng, những biến chứng như thế nào thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời: Chúng ta điều trị không đúng sẽ làm cho tỷ lệ thất bại (hư xương, khớp) càng cao.

Khi chúng ta điều trị đúng cách cũng không chắc chắn sẽ thành công. Khi điều trị sai, tỷ lệ thành công kém đi cũng như tỷ lệ thất bại càng cao, nguy cơ biến chứng hư xương sên càng lớn.

5. Phương pháp điều trị gãy xương sên

- Hiện nay có những phương pháp nào điều trị cho bệnh nhân bị gãy xương sên ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời: Phân loại của Hawkins vừa phân loại mức độ tổn thương, di lệch vừa đánh giá tiên lượng, đồng thời hướng dẫn điều trị.

Mức độ 1 - gãy không di lệch nên điều trị bảo tồn (không mổ) bằng cách bó bột cẳng bàn chân.

Đối với phân độ 2, 3, 4, nên thực hiện phẫu thuật. Đặc biệt là phân độ 3, 4, gần như bắt buộc phẫu thuật để cứu vãn xương sên.

6. Việt Nam chưa có ca phẫu thuật thay xương sên

- Trường hợp nào thì bệnh nhân có chỉ định thay xương sên thưa BS? Chi phí của ca phẫu thuật này là bao nhiêu ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời: Về mặt y văn, thay xương sên áp dụng trong trường hợp hoại tử xương sên.

Gãy xương sên có hai biến chứng sớm: sự phù nề làm chèn ép khoan gây căng quá mức gây hoại tử da, hoại tử phần mềm xung quanh; chèn ép thần kinh mạch máu có thể ảnh hưởng tới cả bàn chân.

Nếu chúng ta không gặp những biến chứng sớm, có thể bị những biến chứng muộn: Thoái hóa khớp xung quanh xương sên, khớp chày sên và khớp dưới sên là thường gặp nhất.

Nặng nề nhất là hoại tử xương sên. Xương sên đảm bảo vận động của khớp cổ chân, có phần sụn bao quanh khá lớn, chiếm khoảng 60% diện tích. Vì phần diện tích sụn lớn, kèm theo một yếu tố là sự nuôi dưỡng xương sên càng kém, làm xương sên khi gãy rất khó lành.

Biến chứng đáng sợ nhất của không lành bệnh là xương sên bị thiếu máu nuôi dẫn đến hoại tử, làm mất chức năng cổ chân và bàn chân.

Để giải quyết vấn đề hoại tử xương sên, có hai phương pháp.

Thứ nhất, hàn khớp cổ chân - đóng cứng khớp cổ chân, làm cho khớp cổ chân hạn chế chức năng rất nhiều. Mục đích là điều trị cho người bệnh không đau. Phương pháp này thường được sử dụng ở Việt Nam.

Trên thế giới, có phẫu thuật thay xương sên, vì xương sên có rất nhiều chức năng, xung quanh là xương và không có cơ nên vận động đòi hỏi sự chính xác cao hơn.

Ở Việt Nam, theo tôi biết, cho tới thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào thực hiện thay xương sên, cũng chưa có hãng nào giới thiệu về xương sên nhân tạo.

7. Chăm sóc giảm sưng viêm do gãy xương sên

- Nhờ BS hướng dẫn cách chăm sóc để giảm sưng viêm do gãy xương sên gây nên ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời: Gãy xương sên nói riêng và các gãy xương chấn thương nói chung, cần chăm sóc để giảm sưng viêm, đặc biệt ở chi dưới. Một trong những điều khiến bệnh nhân khó chịu nhất là sưng nhiều. Chi dưới xa nhất so với tim, sự lưu thông máu tới nhiều nhưng lui ít, làm sưng nhiều hơn.

Để chăm sóc giảm sưng viêm trong trường hợp gãy xương sên, có một số phương pháp:

- Thứ nhất, chườm lạnh làm co mạch, giảm yếu tố máu tới, giảm sự phù nề.

- Thứ hai, dùng thuốc kháng viêm giảm đau.

- Thứ ba, nằm kê cao chân nhằm tuần hoàn máu trở về tim từ tĩnh mạch dễ dàng hơn, làm giảm sưng cho bệnh nhân.

8. Sau gãy xương sên, khi nào cần tập vật lý trị liệu?

- Bệnh nhân gãy xương sên sau khi điều trị có cần phải tập vật lý trị liệu hay không? Nếu có thì khi nào nên bắt đầu thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời: Gãy xương sên hay tất cả những xương khác đều nên tập vật lý trị liệu.

Vật lý trị liệu có hai cách: Một là tự tập, hai là có người khác tập cho bệnh nhân.

Bệnh nhân nên đến cơ sở vật lý trị liệu để được hướng dẫn và được tập dưới sự giám sát của nhân viên y tế, nhằm thực hiện động tác đúng. Nếu chúng ta chỉ đi tập tập 20-30 phút một ngày, hiệu quả sẽ rất kém. Bên cạnh việc có người hướng dẫn, bệnh nhân cũng phải biết và tự tập.

Thời gian bắt đầu tập phụ thuộc vào việc điều trị như thế nào. Bệnh nhân bó bột chỉ tập các cơ lân cận, xung quanh, giữ lưu thông máu, không tập được cổ chân vì cổ chân đang bất động. Sau khi mở bột, chúng ta sẽ tập vận động khớp cổ chân.

Đối với trường hợp phẫu thuật xương gãy bất động vững chắc, chúng ta tập càng sớm càng tốt, khớp để lâu sẽ bị cứng. Việc tập luyện trễ khiến cơ ngày càng teo đi khiến chậm phục hồi.

Đặc biệt, chúng ta phải tập đúng cách theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

9. Bao lâu có thể đi lại, sinh hoạt bình thường sau gãy xương sên?

- Đối với một bệnh nhân đã được điều trị xong, khoảng bao lâu bệnh nhân có thể đi lại, sinh hoạt bình thường? Bao lâu thì có thể chạy nhảy và tập luyện thể thao như trước đây thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời: “Bình thường” ở đây có rất nhiều đánh giá: đi đứng bình thường, chạy nhảy bình thường, dáng đi không thay đổi. Sự thành công của việc điều trị tùy thuộc vào thời gian lành xương, thời gian bất động, thời gian tập cũng như sự hợp tác của bệnh nhân.

Như vậy, hiệu quả điều trị thuộc về 3 yếu tố: phương pháp điều trị; điều trị có vững chắc hoặc không; thời gian tập vận động sớm hay muộn, tập thế nào, có đúng hay không.

Từ tình trạng gãy xương muốn trở về hoạt động bình thường, cần xương phải lành. Thường bệnh nhân khi đạt sự tối ưu hợp tác điều trị, thời gian hồi phục thường từ 4 đến 6 tháng.

10. Phòng tránh gãy xương sên

- Trong cuộc sống, những đối tượng nào dễ bị gãy xương sên, họ làm gì để phòng tránh tình trạng này thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời: Cơ chế của gãy xương sên là chấn thương với lực tương đối cao, hai trường hợp nhiều nhất là tai nạn xe gắn máy và tai nạn lao động té cao. Qua hai tình huống này, thường gặp nhất là những bệnh nhân trẻ.

Chúng ta nên tham gia giao thông một cách an toàn, tuân thủ tốc độ, không lạng lách gây tình huống nguy hiểm dẫn tới chấn thương.

Thứ hai, chú ý yếu tố an toàn lao động tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Trong trường hợp không may bị gãy xương sên, nên đi thăm khám ở cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa khám và đưa ra lời khuyên hay điều trị một cách hợp lý nhất. Chúng ta nên tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên y tế để đạt kết quả tốt nhất nhằm trở về lao động như bình thường.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X